Sign In

Internet Portal

Gia Lai people's committee

Huyện Mang Yang

- Người đăng: Administrator - Lượt truy cập: 15450




Mang Yanghuyện ở trung tâm tỉnh Gia Lai. Huyện được thành lập theo Nghị định số 37/2000/NĐ-CP ngày 21-8-2000 của Chính phủ trên cơ sở phần đất của huyện Mang Yang cũ được tách ra thành hai huyện Đăk Đoa và Mang Yang mới. Huyện lỵ của Mang Yang mới là thị trấn Kon Dỡng nằm trên quốc lộ 19 (Pleiku-Quy Nhơn).

Diện tích: 1126,77 Km2. 

 

Dân số:    49.521 người (số liệu thống kê năm 2008).

Vị trí địa lý:

- Bắc giáp: huyện Kbang.

- Nam giáp: các huyện Chư Sê, Ia Pa.

- Đông giáp: huyện Đăk Đoa.

- Tây giáp: các huyện Đăk Pơ, Kông Chro.

Đơn vị hành chính cấp xã, trị trấn: 12 (1 thị trấn, 11 xã).

- Thị trấn: Kon Dỡng.

- Các xã: Ðăk Ya, Ðê Ar, Lơ Pang, Ðăk Trôi, Kon Thụp, Kon Chiêng, Ðăk Djrăng, A Yun, Hra, Ðăk Jơ Ta, Ðăk Ta Ley.

Tổng quan kinh tế - văn hoá - xã hội:

Mang Yang trong tiếng Gia Rai nghĩa là cổng trời. Tên huyện được đặt theo tên một con đèo nổi tiếng, đèo Mang Yang, trên quốc lộ 19 thuộc địa phận của huyện.

Trên địa bàn huyện Mang Yang có một số danh thắng như đèo Mang Yang, thác Ðăk Trôi, v.v... Vườn quốc gia Kon Ka Kinh có một phần nằm trên địa bàn của Mang Yang.

Mang Yang do bị ảnh hưởng của khu vực nhiệt đới gió mùa cao nguyên nên có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 và mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Lượng mưa trung bình hàng năm là 2.213mm, tập trung vào các tháng 7, 8, 9. Số ngày mưa trung bình trong năm là 154 ngày, nhiệt độ trung bình là 21,6 độ; độ ẩm trung bình là 82%.

Mang Yang có hệ thống sông suối mật độ tương đối dày, phân bổ đều trên khắp địa bàn.

Trong giai đoạn từ năm 2005-2010, lĩnh vực kinh tế - xã hội của huyện phát triển ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Công tác định canh định cư, phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số, an sinh xã hội được chú trọng, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5,3% mỗi năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 7,5 triệu đồng/năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 14,7%, trong đó, nông - lâm nghiệp tăng 8,44%, công nghiệp - xây dựng có tốc độ tăng cao nhất, bình quân tăng 28%, dịch vụ - thương mại tăng 21,4%.Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Hoạt động tài chính, tín dụng có nhiều tiến bộ. Tổng vốn đầu tư phát triển trong 5 năm qua đạt 140 tỷ đồng với 213 dự án tập trung các lĩnh vực như: Giao thông, thủy lợi, điện, nước, chợ, bến xe, trường học, y tế, các thiết chế văn hóa…

Đến nay, 9/12 xã, thị trấn có đường nhựa đến trung tâm xã; tỷ lệ hộ dùng điện đạt 99%, dùng nước hợp vệ sinh 91,4%; 100% thôn, làng định canh định cư ổn định. Thu ngân sách nhà nước bình quân hàng năm tăng 13,2%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 43,49% năm 2005 xuống còn 14,91% năm 2010. Các chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình 134, 135, 167, 168 của Chính phủ được chú trọng và lồng ghép với một số dự án khác tổ chức thực hiện đạt kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn, nhất là vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuy đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, song kinh tế - xã hội của Mang Yang còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trước hết, huyện có xuất phát điểm về kinh tế thấp, xa các trung tâm kinh tế lớn của tỉnh, trình độ dân trí thấp, tập quán sản xuất có nơi còn lạc hậu, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn. Nguồn vốn tỉnh hỗ trợ chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển. Tiềm năng đầu tư lớn nhưng chưa được khai thác; sông suối, rừng, khoáng sản, du lịch sinh thái vẫn còn đó nhưng cơ sở hạ tầng còn hạn chế nên các nhà đầu tư chưa mặn mà.

 Trong 5 năm tới (2010 - 2015), mục tiêu của huyện là khai thác có hiệu quả các nguồn lực, phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ nhanh gắn với giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng. Một số phương hướng và giải pháp chủ yếu:

- Huy động mọi nguồn lực và tăng cường đầu tư ngân sách nhà nước cho việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, từng bước nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở. Tạo điều kiện thu hút cán bộ có trình độ cao, sinh viên tốt nghiệp đại học về công tác tại địa phương.

- Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích cực, trong đó nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế trọng yếu của huyện, là nhân tố thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển. Gắn kết phát triển nông nghiệp với thị trường tiêu thụ và phát triển công nghiệp chế biến, thương mại dịch vụ, mở rộng ngành nghề ở nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Huyện phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm từ 15% trở lên.

 Để đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế, trước mắt huyện sẽ huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội khu vực thị trấn Kon Dơng và xã Đak Djrăng tạo động lực phát triển các vùng lân cận; mở rộng các nguồn nguyên liệu tập trung và khai thác, sử dụng có hiệu quả các tiềm năng về tài nguyên khoáng sản, tăng sức cạnh tranh từ sản phẩm nông - lâm nghiệp.

Bên cạnh đó, huyện sẽ đầu tư xây dựng tuyến đường đến trung tâm xã Ayun và nối liền đến Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, tạo điều kiện để phát triển du lịch sinh thái; đầu tư nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 670 đi Kon Tum và tỉnh lộ 666 đi các huyện phía Nam của tỉnh, đồng thời nhựa hóa tuyến đường đi các xã Đê Ar, Đak Trôi, Kon Chiêng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển trung tâm cụm xã Kon Thụp.

 

UỶ BAN NHÂN DÂN HUYỆN MANG YANG

Chủ tịch và các Phó Chủ tịch

VĂN PHÒNG UBND HUYỆN MANG YANG

Địa chỉ: thị trấn Kon Dơng - huyện Mang Yang - Gia Lai

Điện thoại: 059. 3839302

Fax: 059.3839302

Chánh Văn phòng và các Phó Văn phòng

 

PORTAL GIA LAI | Agencies: People's Committee of Gia Lai province
© 2010 Copyright belongs to the People's Committee of Gia Lai province.
02 Tran Phu, Pleiku city, Gia Lai province - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: gialai@ubgialai.gov.vn
License number: 09/GP-TTĐT date of issue 31/7/2017 of Cultural Information - Curator: Mr.Nguyễn Văn Lộc