Sign In

Cổng thông tin điện tử

UBND tỉnh Gia Lai

CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ XÂY DỰNG HẦM BIOGAS BẰNG NHỰA COMPOSITE TẠI TỈNH GIA LAI NĂM 2011

Ngày đăng: 06-10-2016, 05:00

​             


I.     THÔNG TIN CHUNG

-              Cấp quản lý: Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai

-              Cơ quan chủ trì: Chi cục Quản lý chất lượng NLS và

Thủy sản tỉnh Gia Lai

-              Họ tên chủ nhiệm dự án: Nguyễn Thanh Giang

-              Học hàm, học vị: Kỹ sư chăn nuôi

-              Chức vụ hiện thời: Phó Chi cục trưởng

-              Địa chỉ liên lạc: Số 24, Quang Trung, Thành Phố Pleiku, Gia Lai

-              Thời gian thực hiện đề tài: 04/2011 đến tháng 12/2011

-              Ngày nghiệm thu: 15/12/2011  

-              Kết quả nghiệm thu: Khá

II.  TÓM TẮT DỰ ÁN

1. Mục tiêu của dự án

-  Tạo ra nguồn khí đốt rẻ tiền có nguồn gốc sinh học từ chất thải trong chăn nuôi sẵn có ở nông hộ, phù hợp với nhu cầu sử dụng của các hộ chăn nuôi.

-  Làm giảm ô nhiễm môi trường sống ở vùng nông thôn (không khí, nước, chất thải) góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

-  Hạn chế nguồn lây bệnh từ phân, những sản phẩm dư thừa trong chăn nuôi ra ngoài môi trường tự nhiên.

-  Phát triển chăn nuôi qui mô vừa và nhỏ.

-  Chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về khí sinh học, công nghệ vật liệu mới cho nông dân 8 huyện, thị, TP trong tỉnh.

-  Hỗ trợ lắp đặt 34 hầm Biogas composite cho 34 hộ ở 8 huyện thành phố trong tỉnh làm mô hình điểm để phát triển lan rộng mô hình theo phương thức vết dầu loang.

III. NỘI DUNG

1. Tính cần thiết của dự án

Trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi tại các vùng nông thôn trong tỉnh nói riêng cũng như trong cả nước nói chung đã có nhiều bước phát triển mạnh, góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế và tăng thêm thu nhập cho người nông dân, giúp người nông dân làm giàu, nâng cao mức sống. Bên cạnh thành tựu đó, vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi không qua xử lý đã gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân ở vùng nông thôn. Đây là vấn đề đang được các nhà quản lý, các nhà khoa học quan tâm giải quyết.

Thực tế đã chứng minh chỉ có phát triển hệ thống hầm bể Biogas mới có thể xử lý được hiện trạng ô nhiễm môi trường từ chất thải chăn nuôi gây ra, hạn chế dịch bệch và bảo vệ cho nguồn nước trong sạch, đồng thời còn góp phần giải quyết nhu cầu về năng lượng từ chất thải: dùng làm chất đốt, thắp sáng, tắm nóng lạnh, phát điện từ khí gas, sưởi ấm cho vật nuôi tại các trại chăn nuôi ở vùng nông thôn, đặt biệt là những vùng chưa có điện hoặc điện yếu và thiếu chất đốt, góp phần đáng kể cho sự phát triển ổn định, bền vững.

Tỉnh Gia Lai nằm ở khu vực Bắc Tây nguyên có diện tích 15.536,9 km2 ha với địa hình phân bố thành hai vùng rõ rệt, vùng Đông Trường sơn và vùng Tây Trường sơn. Vùng sinh thái phía Tây Trường sơn với đặc trưng đất Bazan là chủ yếu, khí hậu có hai mùa rõ rệt (mùa mưa và mùa khô) là điều kiện tự nhiên thích hợp với các loại cây công nghiệp dài ngày: Cao su, cà phê, chè, tiêu. Vùng Đông trường sơn thích hợp với phát triển chăn nuôi đại gia súc, thích hợp với các loại cây mì, bắp, mía... Toàn tỉnh dân số khoảng 1,3 triệu người trong đó 70% dân số sống ở vùng nông thôn (Niên giám thống kê 2011), cuộc sống chủ yếu dựa vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh các hoạt động sản xuất trồng trọt thì phát triển chăn nuôi cũng là một thế mạnh của tỉnh Gia Lai. Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, đến cuối năm 2011 tổng đàn gia súc của tỉnh là:

              - Trâu: 

13.418 con

               - Bò:  

344.173 con

               - Dê, cừu:

48.219 con

               - Lợn: 

391.289 con

              - Gia cầm:

1.775.400

Hoạt động chăn nuôi tại tỉnh Gia Lai đa phần là chăn nuôi nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư. Chăn nuôi trâu, bò, dê, cừu chủ yếu là chăn thả. Nuôi lợn với quy mô 20-100 con/hộ là phổ biến ở ngay trong phạm vi khuôn viên gia đình. Chất thải trong chăn nuôi cũng là nguồn hữu ích đối với nông dân tại Gia Lai vì chúng được sử dụng vào nhiều mục đích như: phân trâu, bò được dùng làm phân hữu cơ dùng cho cây trồng dài ngày (cà phê, tiêu...), phân lợn và nước thải rửa chuồng được được đa số hộ dùng bón cho cây rau màu, việc sử dụng trực tiếp các nguồn chất thải nêu trên, đặc biệt là chất thải trong chăn nuôi lợn chưa qua xử lý cũng gây ra sự ô nhiễm môi trường (không khí, nước thải, ký sinh trùng...) trong những vùng dân cư. Có thể nói chất thải trong quá trình sản xuất và chế biến do ngành chăn nuôi gây ra đối với môi trường nông thôn đang là vấn đề gây nhiều bức xúc và cần phải giải quyết triệt để. Bên cạnh đó, việc sử dụng các loại năng lượng truyền thống như củi đốt và than đã và đang góp phần làm giảm diện tích rừng cũng như gia tăng lượng CO2 vào khí quyển. Việc tăng giá điện, xăng, dầu, gas vừa qua cũng gây khó khăn không nhỏ cho đời sống bà con ở khu vực nông thôn. Do đó, việc phát triển Biogas (khí đốt sinh học), đây là nguồn năng lượng tại chỗ, rẻ tiền cũng là một giải pháp tích cực đối với bà con nông dân và là một trong những giải pháp cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Trong bối cảnh hiện nay, ngành năng lượng ở nước ta nói riêng và trên toàn thế giới nói chung đang thiếu nguồn cung cấp, các nguồn nhiên liệu truyền thống ngày càng cạn kiệt, việc khai thác và sử dụng công nghệ Biogas một nguồn năng lượng sạch, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường. Đặc biệt đối với vùng nông thôn, miền núi.

Các nghiên cứu và ứng dụng gần đây cho thấy việc sử dụng chất thải trong chăn nuôi làm khí đốt thông qua hệ thống các loại hầm Biogas không những tạo ra khí đốt rẻ tiền phù hợp với sinh hoạt của người dân nông thôn mà còn có tác dụng làm giảm ô nhiễm môi trường rõ rệt: Khử mùi hôi, diệt ký sinh trùng hay mầm bệnh còn sót lại trong chất thải của khu vực nuôi... Chính vì vậy việc chuyển giao dự án này giúp cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh có thêm sự lựa chọn công nghệ trong việc xử lý chất thải chăn nuôi. Thực tế đã chứng minh chỉ có phát triển hệ thống hầm bể Biogas mới có thể xử lý được hiện trạng ô nhiễm môi trường từ chất thải chăn nuôi gây ra, hạn chế dịch bệnh và bảo vệ nguồn nước, môi trường trong sạch, đồng thời còn góp phần giải quyết nhu cầu về năng lượng từ chất thải: Dùng làm chất đốt, thắp sáng, tắm nóng lạnh, phát điện từ khí gas, sưởi ấm cho vật nuôi tại các trại chăn nuôi ở vùng nông thôn, đặt biệt là những vùng chưa có điện hoặc điện yếu và thiếu chất đốt, góp phần đáng kể cho sự phát triển ổn định, bền vững.

Do qui mô dự án nhỏ thời gian thực hiện ngắn mang tính ứng dụng chuyển giao nên việc điều tra số lượng chủng loại chưa được điều tra cụ thể. Theo thống kê sơ bộ việc phát triển hầm biogas tai Gia Lai chủ yếu là công nghệ biogas cũ như: Kiểu túi nilong, kiểu đúc bê tông... có khoảng 200 hầm hiệu quả sử dụng thấp chủ yếu dùng để sử lý môi trường, từ năm 2008 dự án KSH Việt Nam - Hà Lan do Trung tâm Khuyến nông Gia Lai chủ trì đã xây dựng được khoảng hơn 600 hầm theo kiểu KT1, KT2 đã được nông dân trên địa bàn tỉnh sử dụng, bước đầu đã mang lại hiệu quả rõ rệt tuy nhiên những bộc lộ hạn chế trong quá trình sử dụng không thể không tránh khỏi: Sử lý xự cố cần nhiều thời gian, khí ga nếu sử dụng không đúng qui trình có thể gây nguy hiểm...

Công nghệ Biogas composite ra đời trong những năm gần đây đang được áp dụng nhiều nơi trong cả nước với ưu điểm vượt trội, riêng trên địa bàn tỉnh công nghệ này còn tương đối mới mẻ. Để các hộ chăn nuôi trên địa bàn tiếp cận được với các công nghệ Biogas. Chúng tôi tiến hành dự án chuyển giao hầm Biogas composite trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

IV. KẾT QUẢ VÀ KẾT LUẬN

Dự án Hỗ trợ chuyển giao lắp đặt 34 hầm Biogas composite cho 34 hộ ở 8 huyện thành phố trong tỉnh (Pleiku, Đăk Đoa, Ia Grai, Chư Prông, Chư Pưh, Đăk Pơ, Chư Păh, Đức Cơ). Mô hình chuyển giao hầm Biogas composite đang được nhân rộng tại địa bàn tỉnh. Nhiều hộ chăn nuôi đang tiếp tục đăng ký để xây dựng mô hình công nghệ mới bể Biogas composite. Đây cũng là một giải pháp tốt để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi, góp phần phát triển ngành chăn nuôi một cách bền vững.

Với 440 hộ được tập huấn và tham gia hội thảo, ngoài 34 mô hình đã được thực hiện hiệu quả về lợi ích mà công nghệ mới này mang lại thông qua các mô hình điểm tại các huyện, các lớp tập huấn, 38 hộ nông dân đã mạnh dạn học tập và đã tự đầu tư kinh phí để lắp đặt hầm Biogas composite để phục vụ cho nhu cầu của gia đình cũng như các hộ lân cận. Cụ thể đã có 38 hộ triển khai lắp đặt hầm Biogas composite trên địa bàn tỉnh sau dự án. Có thể nói dự án đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà, hiện nay số hộ áp dụng công nghệ mới lên đến hàng trăm hộ.

Để tiếp tục phát huy tối đa những ưu điểm của mô hình Biogas composite. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều hộ chăn nuôi có nhu cầu muốn lắp đặt, nhưng điều kiện kinh tế vẫn còn khó khăn, số tiền vốn bỏ ra 01 lần tương đối lớn (khoảng 15 triệu đồng) so với thu nhập của một hộ nông dân, vì các hộ chăn nuôi đa phần khó khăn về kinh tế. Cho nên, cần tuyên truyền đến người dân về lợi ích của Biogas và có những chính sách ưu đãi đối với các hộ chăn nuôi ở vùng nông thôn, cụ thể như: Cho nhân dân vay vốn không tính lãi hoặc lãi suất thấp, cần có nhiều chương trình dự án hỗ trợ xây dựng và lắp đặt hầm Biogas composite như dự án này hoặc thông qua các Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch, vệ sinh môi trường, Chương trình Nông thôn mới, Dự án Khí sinh học Việt Nam - Hà Lan... để hỗ trợ nhân dân lắp đặt. Có như vậy Dự án mới được nhân rộng để người nông dân giải quyết được vấn đề môi trường vừa phát triển chăn nuôi.

Một số ưu điểm so sánh công nghệ:

T389.png

Sở KHCN

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp - Người phụ trách: ông Nguyễn Văn Lộc