Sign In

Cổng thông tin điện tử

UBND tỉnh Gia Lai

​XÂY DỰNG MÔ HÌNH ỨNG DỤNG CÁC TIẾN BỘ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀO SẢN XUẤT NÔNG - LÂM KẾT HỢP

Ngày đăng: 07-10-2016, 09:00

​   


I.     THÔNG TIN CHUNG

-  Cơ quan chủ trì: Phòng NN & PTNT huyện Mang Yang

-  Họ tên chủ nhiệm đề tài: Phạm Ngọc Cơ

-  Học hàm, học vị: Cử nhân kinh tế

-  Chức vụ hiện thời: Trưởng phòng

-  Địa chỉ liên lạc: 322 Trường Chinh, phường Trà Bá, TP.

Pleiku, Gia Lai

-  Thời gian thực hiện đề tài: 2012-2014

-  Ngày nghiệm thu: Năm 2015

-  Kết quả nghiệm thu: Khá

II.  TÓM TẮT DỰ ÁN

1. Sự cần thiết phải thực hiện dự án

Mặc dù Chính phủ, các Bộ, Ngành đã thực hiện nhiều chủ trương chính sách đa dạng hóa các hình thức về quản lý, bảo vệ và kinh doanh rừng; tuy nhiên rừng tự nhiên vẫn bị suy giảm nghiêm trọng cả về số lượng và chất lượng cùng với biến đổi khí hậu toàn cầu đã gây tác động xấu đến phát triển sản xuất thiên tai bão lụt, hạn hán xảy ra thường xuyên, chất lượng môi trường sống cũng đang bị suy giảm trầm trọng.

Vì mục đích xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, phục vụ dân sinh, phục vụ an ninh quốc phòng cần phải chuyển mục đích sử dụng đất rừng, vì vậy góp phần làm cho diện tích rừng ngày càng giảm dần.

Đời sống người dân ven rừng còn gặp nhiều khó khăn, trình độ kỹ thuật canh tác còn nhiều bất cập, sản xuất theo số lượng (đơn vị diện tích); so với giữa kinh tế lâm nghiệp với nông nghiệp thì nông nghiệp đang chiếm ưu thế, vì lợi ích trước mắt người dân xâm lấn đất rừng để sản xuất nông nghiệp.

Do vậy, để nâng cao thu nhập cho người dân cần thiết phải nâng cao năng lực sản xuất, biết áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, liên kết sản xuất nông - lâm nghiệp bền vững, liên kết giữa trồng trọt với chăn nuôi nhằm nâng cao chuỗi giá trị sản xuất, sản xuất nông nghiệp gắn bảo vệ phát triển tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, do đó xây dựng nội dung “Xây dựng mô hình ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất Nông - Lâm kết hợp”.

2.  Mục tiêu Dự án

Giúp người dân tiếp cận với các quy trình sản xuất, nâng cao năng lực áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào thực tế sản xuất trong cộng đồng và các giải pháp lâm sinh trong giao rừng cho cộng đồng góp phần xây dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống người đồng bào dân tộc thiểu số thuộc xã đặc biệt khó khăn. Đào tạo nguồn nhân lực nhằm nâng cao năng lực ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất Nông - Lâm nghiệp cho nông dân vùng dự án.

3.  Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

3.1.                      Đối tượng: Trình độ năng lực kỹ thuật, công nghệ canh tác nông-lâm nghiệp; kinh tế nông-lâm nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng.

T406-1.png

3.2.                      Phương pháp:

+ Áp dụng nguyên tắc cơ bản: Điều tra khảo sát hiện trường, nghiên cứu về lịch sử hiện tại trong quá trình phát triển sinh hoạt văn hóa-xã hội, sản xuất, thu nhập của cộng đồng và đánh giá nhu cầu phát triển, xây dựng kế hoạch dựa vào cộng động.

+ Nguyên tắc nêu trên được áp dụng xuyên suốt trong quá trình xây dựng dự án, thực thi và đánh giá kết quả dự án bằng công cụ PRA.

-  Sự tham gia của cộng đồng cần có thời gian.

-  PRA phụ thuộc vào các nhân viên có trình độ và nhiệt tình.

4. Nội dung

Ngoài phần tổng quan, kiến nghị, kết luận dự án gồm một số nội dung chính sau: Tình hình sản xuất nông nghiệp

Do đặc thù về địa hình và điều kiện khí hậu thời tiết nên sản xuất nông nghiệp ở xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực sau:

Trồng trọt:

Diện tích gieo trồng lúa nước của toàn xã ước đạt 518 ha. Chủ yếu sử dụng các giống lúa địa phương và tập quán canh tác lạc hậu nên năng suất thấp, đạt 25 tạ/ha và tổng sản lượng ước đạt 129,5 tấn/năm. Diện tích lúa rẫy hàng năm khoảng 120 ha, cho năng suất thấp, ước đạt 8 tạ/ha. Cây bắp có diện tích 2 ha được trồng xen trong các vườn sắn hoặc trên nương rẫy. Những năm gần đây đã có chương trình đưa các giống bắp lai có năng suất cao vào trồng ở địa phương. Giống sắn được trồng ở địa phương là KM 94 có năng suất cao. Tuy nhiên, do tập quán canh tác lạc hậu của nông dân nên không đầu tư phân bón, cải tạo đất nên đất đai đang ngày càng bị thoái hóa, bạc màu. Diện tích các loại cây ăn quả ước đạt 20 ha chủ yếu là chuối và xoài với hình thức tự cung, tự cấp chưa hình thành hệ thống hàng hóa. Các loại cây công nghiệp như cà phê có diện tích 12 ha, năng suất đạt 2 tấn nhân/ ha; cao su có 40,3 ha; hồ tiêu có 4 ha đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản. Diện tích các loại cây khác như Bời lời không đáng kể, chỉ một số hộ gia đình trồng xen trên nương rẫy và xung quanh vườn nhà. Đây là loại cây nguyên liệu có giá trị kinh tế cao, dễ trồng nhưng chưa được bà con nông dân chú trọng.

(Nguồn. Phòng Nông nghiệp&PTNT, phòng Thống kê huyện)

Chăn nuôi:

Trên quan điểm xác định chăn nuôi là một trong những mũi nhọn để nâng cao tỷ trọng sản xuất nông nghiệp. Hiện nay toàn xã có tổng số đàn gia súc là: 2.397 con. Trong đó đàn trâu 44 con, đàn bò 1.804 con, heo 549 con. Tổng số đàn gia cầm 5.610 con. Chăn nuôi gia súc là đối tượng vật nuôi quan trọng của bà con nông dân xã Kon Chiêng. Tuy nhiên, do nuôi thả rông nên đã ảnh hưởng nhiều đến việc bảo vệ mùa màng. Giống vật nuôi chủ yếu là giống địa phương. Một số chương trình của huyện đã cung cấp bò lai cho làng nhưng do đòi hỏi về kỹ thuật chăm sóc khó nên việc lai cải tạo đàn bò gặp rất nhiều khó khăn. Vốn đầu tư cho chăn nuôi gia súc, gia cầm hầu như không có, việc đầu tư chuồng trại, thức ăn không được quan tâm, trong vùng chưa có hộ nào đầu tư chăn nuôi quy mô trang trại.

Về lâm nghiệp:

Rừng lá rộng thường xanh chiếm chủ yếu, kiểu rừng thưa khô cây họ Dầu (rừng khộp) chiếm tỷ lệ ít. Rừng ở đây đã qua khai thác nhiều năm nên đa số là rừng thứ sinh non, nghèo, một ít rừng trung bình. Lâm sản ngoài gỗ Sa nhân, tre, le, nứa, lồ ô, mây, đót, Vàng đắng, củ riềng, mật ong, phong lan rừng...

* Đánh giá chung:

-  Điều kiện tự nhiện, khí hậu, thủy văn, đất đai, thủy lợi rất thuận lợi cho phát triển cây lúa nước, phát triển lâm nghiệp, chăn nuôi đại gia súc. Nhân dân cần cù siêng năng và đang trong giai đoạn vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Kế thừa được dự án khoa học công nghệ (Dự án giao đất, giao rừng cộng đồng thí điểm-do Sở Khoa học và Công nghệ làm chủ đầu tư và Trường Đại học Tây Nguyên thực hiện).

-  Tuy nhiên, điều kiện kinh tế còn thấp, thiếu vốn đầu tư; năng lực sản xuất còn yếu kém, tập quán canh tác lạc hậu, phụ thuộc tư nhiên.

5. Những kết quả đạt được áp dụng vào thực tiễn

1.    Đào tạo 10 kỹ thuật viên và tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ 451 lượt người

+ Kỹ thuật thâm canh lúa nước: 150 người tham dự.

+ Kỹ thuật chăn nuôi bò và chế biến thức ăn cho gia súc: 99 người tham dự.

+ Kỹ thuật trồng, chăm sóc và nhân giống cây bời lời: 150 người tham dự.

+ Kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ quy mô nông hộ: 57 người tham dự.

2.    Xây dựng các mô hình

Theo tiến độ thực hiện của dự án, từ năm 2012 - 2014 phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Mang Yang đã tiến hành xây dựng các mô hình theo kế hoạch, cụ thể như sau:

2.1.  Mô hình thâm canh lúa nước

Bảng 3. Mô hình thâm canh lúa nước

T406-2.png                        

2.2.  Mô hình chăn nuôi bò

Bảng 4. Mô hình chăn nuôi bò

T406-3.png


Tổng số bò đã cấp cho các hộ tham gia dự án là 35 con (7 con bò đực lai và 28 con bò cái sinh sản). So với dự toán được duyệt thì kết quả thực hiện tăng thêm 3 con bò đực.

Nhìn chung, đàn bò khỏe mạnh, ngay trong năm đầu tiên đã có 5 con bò cái có chửa. Năm thứ 2 cho ra đời 5 bê con và tiếp tục 6 bò cái có chửa. Năm thứ 3, đã có 11bê lai và thêm 2 bò cái có chửa. Như vậy, sau 3 năm triển khai dự án đã có tổng cộng 11 bê con và 2 bò cái chửa. Hiện tại số lượng bê con này đang được các chủ hộ có bò cái nuôi.

Sau khi bê lớn sẽ chuyển cho các hộ khác trong vùng dự án.

2.3. Mô hình sản xuất phân hữu cơ sinh học

T406-4.png


Để giúp người dân thay đổi tập quán canh tác phụ thuộc vào độ phì tự nhiên. Trong năm 2012-2014, dự án đã triển khai xây dựng 12 mô hình ủ phân hữu cơ sinh học quy mô nông hộ nhằm trình diễn cho nông dân biết cách tự sản xuất ra phân bón dựa trên các nguyên vật liệu rẻ tiền, sẵn có ở địa phương. Nguồn vật liệu sử dụng là rơm rạ, cỏ rác, cây phân xanh, phân chuồng,... do nông dân cung cấp. Ban quản lý dự án hỗ trợ men vi sinh Trichoderma. Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Thủy lợi Nông lâm nghiệp Gia Lai hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật. Sau 2 - 3 tháng ủ. Phân hoai mục hoàn toàn, có màu nâu đen đảm bảo chất lượng.

Hiện nay có khoảng 70% dân trong các thôn làng triển khai dự án đã biết chuẩn bị các nguồn vật liệu làm phân bón cho cây trồng. Tuy nhiên, một số hộ điều kiện kinh tế khó khăn không đủ tiền để mua các loại men vi sinh để ủ. Vì vậy, cơ quan chuyển giao đã hướng dẫn cho các hộ cách nhân nguồn sinh khối của men Trichoderma bằng phương pháp ủ Trichoderma với cám gạo (nguồn cám gạo sẵn có tại địa phương) trước khi ủ phân nhằm giảm giá thành và tăng hiệu quả sản phẩm.

T406-5.png

2.4. Mô hình nông lâm kết hợp

2.4.1. Kết quả:

Bảng 6. Mô hình trồng cây bời lời đỏ

T406-6.png

Tổng số 117 mô hình. Trong đó, có 110 hộ gia đình tham gia và 7 tập thể của các làng như Hội phụ nữ, Hội nông dân,... Các mô hình được xây dựng ở 3 thôn làng (Làng Toak, Làng Tar và làng Thương) của xã Kon Chiêng.

Sau 2 năm trồng cây bời lời sinh trưởng tốt, có tỷ lệ sống cao từ 93,7 - 95,3%. Hiện tại, cây bời lời đỏ trồng năm 2013 đạt chiều cao trung bình từ 0,9 - 1,0 m. Cây bời lời trồng năm 2014 có chiều cao từ 0,5 - 0,6 m.

Cây sắn và cây lúa cạn trồng xen canh phát triển tốt. Năng suất sắn tươi vụ 2013 ước đạt 12 - 13 tấn củ/ha; năng suất lúa cạn trồng xen bời lời đạt 1,5tấn/ha.

T406-7.png

2.4.2. Mô hình trồng cây lâm nghiệp phân tán:

* Kết quả đạt được:

Bảng 7. Mô hình trồng cây huỳnh đàn đỏ


T406-8.png

Sau 6 tháng trồng, cây huỳnh đàn sinh trưởng tốt, tỷ lệ sống cao, đạt 95%. Người dân chăm sóc cây tương đối tốt, đã biết bón phân, tủ gốc cho cây khi bước vào mùa khô.

Mô hình được triển khai năm 2014 với 248 hộ tham gia và tổng số cây hỗ trợ là 5.500 cây, đạt theo đúng kế hoạch xin điều chỉnh và tăng 3.500 cây so với thuyết minh ban đầu là 2.000 cây.

7.  Hiệu quả của dự án

7.1.  Hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường

7.1.1. Hiệu quả kinh tế

*  Mô hình chăn nuôi bò:

Chăn nuôi bò bán chăn thả kiểm soát được dịch bệnh, tăng đàn nhanh. Cải tạo được sản lượng, chất lượng đàn bò địa phương thông qua các bò đực giống. Bên cạnh đó, chăn nuôi bò còn thu được nguồn phân hữu cơ cung cấp cho trồng trọt.

Từ đàn bò ban đầu đã có thêm được 11 bê lai có tầm vóc lớn hơn so với bê địa phương và 2 con bò cái đang có chửa. Khi bê lớn thành bò lai tơ lỡ nuôi thịt sẽ tăng từ 3050 kg thịt hơi so với bò địa phương như vậy hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn.

*  Mô hình thâm canh lúa:

- Năng suất lúa trung bình đạt: 5,6 tấn/ha.

Chi phí trực tiếp cho 1 ha lúa nước: 21.615.000 đồng/ha.

            Thu nhập:       5.600 kg x 6.000 đồng/kg = 33.600.000 đồng.

Lợi nhuận đem lại: 33.800.000 - 21.615.000 = 11.985.000 đồng/ha.

Các phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ được sử dụng làm thức ăn cho bò và ủ phân hữu cơ.

*  Mô hình sản xuất phân hữu cơ sinh học:

Khối lượng phân hữu cơ đạt được sau khi ủ: 264,2m3 tương đương với 396.300 kg (1m3 phân hữu cơ sau khi ủ tương đương 1.500 kg).

Chi phí trực tiếp cho: 198.150.000 đồng

Thu: 396.300 kg x 1.500 đồng/kg = 594.450.000 đồng.

Chi phí tiết kiệm được: 396.300.000đồng

*  Mô hình trồng bời lời đỏ

Sau 2 năm trồng, bời lời còn nhỏ nhưng tình hình sinh trưởng tốt. Dự kiến sau 3 năm nữa các vườn bời lời sẽ cho khai thác. Với giá bán ở thời điểm hiện tại (20.000 - 25.000đ/ kg vỏ khô chưa tính cành lá và thân); 1ha bời lời đỏ ước đạt 150.000.000 đồng. Đây là loại cây dễ trồng, khả năng chịu hạn tốt, đầu tư ít, phù hợp với điều kiện kinh tế của các hộ nông dân nghèo.

Ngoài ra, hàng năm nông hộ còn thu thêm sản phẩm phụ từ cây sắn, ước đạt 30 triệu đồng/ha.

7.1.2. Hiệu quả xã hội:

-  Nâng cao thu nhập, từng bước góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo đói. Tạo cơ sở để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao khối lượng nông sản hàng hoá có giá trị, tăng thu nhập cho cộng đồng dân cư trong vùng dự án.

-  Nâng cao trình độ dân trí, khả năng tiếp cận và hình thành nên ý thức tự giác áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong cộng đồng dân tộc ít người.

-  Góp phần hoàn thiện mô hình phát triển kinh tế - xã hội nông thôn miền núi theo hướng áp dụng tiến bộ KH-KT đồng bộ.

-  Đội ngũ nông dân chủ chốt ở cơ sở tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Trình độ dân trí được nâng cao nhất là kiến thức về nông nghiệp, nông thôn mới.

7.1.3. Hiệu quả môi trường:

Các mô hình trên đây sẽ góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương: Chuyển đổi sang chăn nuôi bò lai bán chăn thả cho hiệu quả thu nhập cao hơn, cải tạo đất đồi, vườn rừng bằng trồng bời lời đỏ vừa phủ xanh đất trống, chống xói mòn, vừa bảo vệ nguồn tài nguyên rừng và hạn chế ô nhiễm môi trường.

Nuôi bò bán chăn thả góp phần giữ gìn vệ sinh chung thôn làng, giảm dịch bệnh trên gia súc và nhân dân, việc tận dụng phế phụ phẩm để sản xuất phân hữu cơ góp phần phục hồi và nâng cao độ phì đất đai, việc trồng xen các loại cây rừng góp phần điều tiết vùng tiểu khí hậu trong khu vực, giảm thiểu những tác động xấu của thời tiết cực đoan (nắng hạn kéo dài, mưa lũ bất thường...) góp phần nâng cao chất lượng môi trường sống trong khu vực...

Tuy nhiên, việc thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nói chung là một việc khó khăn, lâu dài, cần phải có thời gian và từng bước chuyển đổi thích hợp. Trong khuôn khổ của dự án, các kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế nhưng cũng đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông lâm nghiệp cho nông dân tại xã Kon Chiêng.

Sở KHCN

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp - Người phụ trách: ông Nguyễn Văn Lộc