Sign In

Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Gia Lai

Khai mạc Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018

Ngày đăng: 30-11-2018, 12:00 - Lượt truy cập: 2563

Tối 30/11, tại Quảng trường Đại Đoàn Kết thành phố Pleiku, Gia Lai diễn ra Lễ Khai mạc Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên. Dự lễ khai mạc, về phía Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc-Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; Võ Văn Thưởng-Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Thượng tướng Tô Lâm-Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Hòa Bình-Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Ngoài ra, còn có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương; lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh: Kon Tum, Đak Lak, Đak Nông, Lâm Đồng, Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam và TP. Đà Nẵng; đại diện Tổng lãnh sự quán Cộng hòa Liên bang Nga tại Đà Nẵng, Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh, Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP. Hồ Chí Minh; lãnh đạo tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia); các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, các doanh nghiệp ở Trung ương… cũng về tham dự lễ. Về phía tỉnh Gia Lai, có các đồng chí: Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Tỉnh ủy; Hồ Văn Điềm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND-UBND-Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các cán bộ lão thành cách mạng; các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, các doanh nghiệp trong tỉnh.




van nghe khai mac.JPG 

Các tiết mục văn nghệ đặc sắc tại Lễ khai mạc

Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018 là một sự kiện văn hóa quan trọng, nhằm tôn vinh, gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Thông qua lễ hội sẽ góp phần tạo môi trường thuận lợi để giao lưu văn hóa, tăng thêm sự đoàn kết, hiểu biết, giúp đỡ lẫn nhau giữa nhân dân các dân tộc trong tỉnh và cộng đồng các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Ngoài ra, đây còn là dịp để quảng bá hình ảnh thiên nhiên, con người và tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh Gia Lai nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung đến với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế, mở rộng cơ hội mời gọi và đón nhận đầu tư, quảng bá các sản phẩm đặc trưng của địa phương, liên kết phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch giữa các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên. Chương trình nghệ thuật trong đêm khai mạc đã diễn ra hoành tráng với 3 chủ đề: Huyền thoại Đất và người Gia Lai; Cồng chiêng và lễ hội dân gian Tây Nguyên; Cồng chiêng Tây Nguyên- nhịp nối những trái tim với sự tham gia của 1.500 nghệ sĩ, nghệ nhân đến từ các tỉnh: Kon Tum, Đak Lak, Đak Nông, Lâm Đồng; 19 đoàn cồng chiêng thuộc 17 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Gia Lai cùng các học sinh trên địa bàn tỉnh.

chu tich phat bieu.jpg

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Võ Ngọc Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai khẳng định cồng chiêng được coi là tài sản quý giá, linh thiêng, đã trở thành bản sắc văn hóa riêng vốn có của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên; là nguồn cảm hứng cho các nghệ nhân, tác giả sáng tác nên những trường ca, sử thi, âm nhạc đã đi vào lòng người. Ngày nay, Không gian văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên Việt Nam đã lan tỏa, bay xa, nó không chỉ là di sản văn hoá quý báu của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, của các dân tộc Việt Nam mà trở thành di sản văn hóa của nhân loại, được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại vào ngày 25/11/2005. Đồng chí kỳ vọng trong dịp liên hoan này thông qua các hoạt động lễ hội đường phố, phục dựng nghi lễ, trình diễn nghệ thuật dân gian và hội thảo khoa học, mọi người sẽ cùng nhau thưởng thức, cùng nhìn lại một phần thực tế phong phú, đa dạng của các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các tỉnh Tây Nguyên.

thu tuong phat bieu.JPG

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ Khai mạc

Cũng tại Lễ Khai mạc, Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc-Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã bày tỏ niềm hạnh phúc khi có mặt tại đây, gửi đến cộng đồng dân tộc các Tây Nguyên lời chúc tốt đẹp. Thủ tướng điểm lại một số tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa của khu vực Tây Nguyên nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng. Trong không khí tưng bừng của lễ hội, Thủ tướng nhắc lại tầm nhìn về một Tây Nguyên mới: Đưa Tây Nguyên trở thành cao nguyên trù phú về nông nghiệp hữu cơ, đa dạng về sinh thái, giàu có về vốn văn hóa. Chìa khóa cho sự vươn lên giàu có của Tây Nguyên là phát triển ngành chế biến nông lâm nghiệp, dược liệu theo hướng đề cao bản sắc, tính độc đáo trong chuỗi giá trị sản xuất nông sản thế giới. Đồng thời, Tây Nguyên phải là một biểu tượng phát triển du lịch Việt Nam mang đậm sắc thái huyền thoại và di sản Châu Á trong thế kỷ 21. Để hiện thực hóa tầm nhìn này, theo Thủ tướng, Tây Nguyên phải có chiến lược bền vững trong trong việc hồi sinh trở lại vẻ đẹp đại ngàn của một vùng đất sử thi; phải luôn ý thức gìn giữ không gian sống, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể là truyền thống, niềm tự hào thiêng liêng của các cộng đồng Ê-đê, JRai, M'nông, Bahnar, Kinh ... trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Các tỉnh Tây Nguyên cần liên kết chặt chẽ về chiến lược, quy hoạch và ý chí. Tích cực hợp tác, kết nối trong chia sẻ nguồn lực và cơ hội để cùng phát triển với mục tiêu tăng trưởng, Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên cần nỗ lực hơn trong đầu tư kết cấu hạ tầng, xây dựng môi trường kinh doanh thân thiện, nâng cao chất lượng quản trị Nhà nước, chất lượng lao động và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nâng cấp hệ sinh thái du lịch. Phải làm sao để hai chữ Tây Nguyên luôn là niềm tự hào của người Tây Nguyên, của người Việt Nam; để Gia Lai và Tây Nguyên luôn là điểm đến yêu thích của các nhà đầu tư và du khách gần xa. Thủ tướng tin tưởng, du lịch văn hóa, du lịch di sản là một thế mạnh của các tỉnh Tây Nguyên để phát triển mạnh về kinh tế xã hội, tạo dựng cuộc sống tốt đẹp và ngày càng giàu có cho đồng bào các dân tộc Tây nguyên./.

 


Ngọc Minh

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp - Người phụ trách: ông Nguyễn Văn Lộc