Sign In

Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Gia Lai

Cho cây ra trái, cá trong ao...

Ngày đăng: 28-08-2004, 09:10 - Lượt truy cập: 1158
Nuôi cá ở Tây nguyên? Chuyện nghe có vẻ như đùa ấy đã được các chiến sĩ Nông lâm biến thành sự thật ngay tại huyện Đắc Đoa. Mà đến những 20 ao cá gia đình với các loại cá chép, trắm, rô phi... với gần 8.000 con đã ra đời trong chiến dịch năm nay. Những con cá hoàn toàn nằm ngoài kế hoạch ban đầu.

Đã là mùa hè thứ hai đi vào bản làng Gia Lai, chiến sĩ ĐH Nông lâm TP.HCM đã cùng ăn, cùng ở và cùng đồng bào tìm cho ra lời giải bài toán “làm sao cho cây ra trái ngon, ao ra cá khỏe?”. Và ẩn số đang dần dần hé mở...

Thấy mới tin!

Gần 12g trưa, nắng đã lên cao nhưng vườn tiêu nhà bí thư đảng ủy xã Đêar, huyện Mang Yang vẫn còn khá đông người. Quanh các gốc tiêu, đồng bào đang chăm chú dán mắt vào những động tác của các cán bộ trẻ và SV Trường ĐH Nông lâm TP.HCM.

“Nếu khi nào bà con thấy trên cây tiêu có những chiếc lá bị héo khô gần hết như vầy tức nó đã bị nấm, phải cắt bỏ, đốt đi, không thì sẽ lây sang những lá khác và hư hết cây” - chị Thúy Liễu, cán bộ trẻ của trường, giải thích. Nhiều người vẫn ngơ ngác chưa hiểu. Anh Sui - thanh niên làng Artrơ - liền hỏi rồi giải nghĩa qua tiếng Ba Na, bà con mới “à” ra.

Nhưng chuyện mấy cái lá bị héo không cuốn hút cho lắm vì nỗi bức xúc của nhiều người là tại sao cây tiêu trồng nhiều năm rồi cũng thấy ra hoa, kết trái nhưng lại rụng non hết? “Phải chăm sóc, tưới nước và bón phân thì cây mới tốt, mới cho trái ngọt được!”, SV giải thích. “Xưa giờ mình trồng đâu có bón phân gì đâu ?” - anh Brut gãi đầu bảo thế, rồi cười cười: “Mà mình đâu có tiền để mua phân!”...

“Đâu cần mua phân, bà con hốt phân bò ngoài đường, ủ với lá cây khô cho phân tơi ra, sau đó bón cho cây là được”, SV chỉ. Sau khi nghe SV hướng dẫn cách ủ phân, nhiều người “à” lên tiếc rẻ vì lâu nay đã không tận dụng những gì con trâu, con bò thải ra. Trồng cây thì trồng xuống đất rồi mặc kệ nó, bao giờ muốn lên thì lên, có trái thì hái.

Quanh việc xuống gốc tiêu, lâu nay bà con hễ thấy dây tiêu nào mập, màu xanh càng đậm và càng gần gốc thì cắt để nhân giống mới, thay vì phải chọn những dây non thì thời gian sinh trưởng mới lâu, năng suất mới cao. Ông Joi vừa địu con trên lưng vừa cầm một dây tiêu khá dài biểu diễn “kỹ thuật trồng” của mình: cuộn tròn đoạn giữa, để lòi hai đầu dây rồi vùi xuống đất với lời giải thích hết sức thật thà “làm vậy mình được hai gốc tiêu mới còn gì”.

Nhiều người đứng quanh bật cười, cười vậy nhưng thật ra họ cũng từng làm thế. Nhiều người sợ dây tiêu không bám được vào trụ nên trồng thẳng ngay sát gốc trụ, trong khi đúng kỹ thuật gốc dây tiêu phải được cắm xéo và cách gốc trụ khoảng một gang tay. Đó là chưa kể có hộ còn xuống gốc tiêu theo kiểu quay rễ ra phía ngoài chứ không cho bám vào trụ vì “trước giờ làm vậy thấy tiêu vẫn sống nên tưởng mình làm đúng rồi”.

 “Nhiều người cứ gật gù vậy nhưng có hiểu gì đâu. Hướng dẫn xong chiến sĩ phải yêu cầu họ làm lại liền xem có đúng không” - Kiên, SV năm 3 khoa nông học, bảo. Và cả thầy lẫn trò đều thở phào nhẹ nhõm khi có người làm đúng.

Không chỉ cây tiêu, SV còn hướng dẫn đồng bào cách chăm sóc cây bời lời, một loại cây thân gỗ cho thu hoạch sau khoảng sáu, bảy năm. Tập huấn trong hội trường, đồng bào đến đông lắm, nhưng hình như nhiều người không hiểu nên SV mời đồng bào ra vườn làm “hội thảo đầu nương” cho bà con mắt thấy tai nghe vậy mới tin...

Và chuyện những chiếc ao bỏ trống!

Nuôi cá ở Tây nguyên? Chuyện nghe có vẻ như đùa ấy đã được các chiến sĩ Nông lâm biến thành sự thật ngay tại huyện Đắc Đoa. Mà đến những 20 ao cá gia đình với các loại cá chép, trắm, rô phi... với gần 8.000 con đã ra đời trong chiến dịch năm nay. Những con cá hoàn toàn nằm ngoài kế hoạch ban đầu.

Sau những ngày lội bộ đi khảo sát, làm quen với dân làng, thấy nhiều hồ nước trước đây dùng để tưới cà phê bị bỏ không, “sao mình không cải tạo thành ao nuôi cá cho bà con nhỉ!”- ý tưởng bất chợt ấy được “thần dân khoa chăn nuôi” hưởng ứng nhiệt liệt. Đem trình bày với phòng khuyến nông huyện thì nhận được sự ủng hộ hết mình với... thách thức: “Nếu tụi em làm được thì bao nhiêu cá cũng cho!”. Vậy là bắt tay vào làm.

Đầu tiên là kiểm tra, xử lý ao. Cũng may là nước trong ao không bị nhiễm khuẩn nhiều nên chỉ sau một tuần đã có thể thả cá. Hôm thả cá, cả làng vui như đi hội. SV mừng ra mặt, dân làng í ới gọi nhau đi xem SV làm cái chuyện “xưa nay hiếm” ở làng. Chị Huoi (xã Ia Pết) cười toe: “Bờ-nê, bờ-nê (cảm ơn) SV nhiều lắm. Chắc nhà mình sắp có cá ăn rồi”.

Những gương mặt tình nguyện nơi đây cho biết thêm: không “đánh trống bỏ dùi”, những ao cá sẽ được trường bàn giao lại cho cán bộ nông nghiệp huyện giám sát giúp bà con khi chiến dịch kết thúc...

Tuổi Trẻ

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp - Người phụ trách: ông Nguyễn Văn Lộc