Sign In

Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Gia Lai

"Báu vật nhân văn sống" của cộng đồng

Ngày đăng: 22-03-2019, 10:00 - Lượt truy cập: 476

(GLO)- Gia Lai vừa có thêm 8 cá nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Đây là những nghệ nhân có đóng góp to lớn trong việc gìn giữ, trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống.




Kông Chro là địa phương có 4 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu đợt này, trong đó có nghệ nhân hát kể sử thi Đinh Anhưr (SN 1946, làng Klăh, xã Chơ Long). Từ nhỏ, ông Anhưr được cha dạy hát kể những bài hơmon, thực hành tại các buổi sinh hoạt cộng đồng. Năm 16 tuổi, ông đã thực hành sử thi, hát kể cho dân làng. Ông thuộc hàng chục bài hơmon dài như: Sem Pleng, Gleng Yang, Dăm Nuk Nun, Diong Hlưi…
 
Một nghệ nhân sử thi khác ở Kông Chro được phong tặng đợt này là Đinh Rung (SN 1953, làng Châu, xã Chư Krêy). Ông Rung cũng được cha dạy hát kể sử thi từ khi còn nhỏ và thường xuyên hát kể tại buôn làng. Năm 1969, ông tham gia du kích và bị bắt giam tại Nhà lao Pleiku, sau đó bị đày ra Côn Đảo. Những năm tháng tù đày, ông vẫn thường hát kể sử thi ca ngợi lòng dũng cảm của những người anh hùng trong cuộc chiến giữ buôn làng. Đến nay, ông vẫn duy trì hát kể sử thi cho mọi người nghe và truyền dạy cho con em người Bahnar trong vùng.
 
 
  Nghệ nhân Ksor Lol (huyên Phú Thiện) trong một lễ cúng cầu mưa. Ảnh: N.B
Nghệ nhân Ksor Lol (huyên Phú Thiện) trong một lễ cúng cầu mưa. Ảnh: N.B
 
 
Nghệ nhân Đinh Keo (SN 1958, làng Pyang, thị trấn Kông Chro) được phong tặng danh hiệu ở lĩnh vực ngữ văn dân gian (dân ca Bahnar). Ông còn nổi tiếng khắp vùng Đông Trường Sơn khi nắm giữ kho tàng tri thức dân gian và là người truyền dạy cho trên 300 học trò ở các loại hình: chỉnh chiêng, tạc tượng, múa truyền thống, hát dân ca… Từ năm 1969 đến 2006, ông tham gia và giữ nhiều chức vụ trong Đảng và chính quyền ở địa phương. Trong quá trình công tác, ông còn sáng tác, dàn dựng chương trình phục vụ phong trào văn hóa văn nghệ cơ sở, truyền dạy cho thế hệ trẻ nhiều loại hình văn hóa dân gian...
 
Nữ nghệ nhân duy nhất được phong tặng danh hiệu đợt này là bà Tây Thị Thu Hà (SN 1947, làng Nghe Nhỏ, thị trấn Kông Chro). Từ nhỏ, bà đã có năng khiếu hát dân ca và đi khắp nơi biểu diễn. Nữ nghệ nhân này còn có khả năng biên đạo các bài múa theo làn điệu dân ca. Bên cạnh đó, nữ nghệ nhân còn truyền dạy dân ca cho nhiều con em dân tộc Bahnar trong vùng. Đặc biệt, bà đã và đang sưu tầm dân ca Bahnar, ghi chép để gìn giữ và lưu truyền cho các thế hệ mai sau.
 
Trong đợt phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” năm 2019, huyện Đak Đoa có 2 người là nghệ nhân Pơnh (SN 1926, làng Biă Bre, xã Ia Pết) ở loại hình hát kể sử thi và Alip (SN 1964, làng Groi 2, xã Glar) ở loại hình chỉnh chiêng. Theo ông Nguyễn Quang Tuệ-Trưởng phòng Quản lý Di sản (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch), nghệ nhân Pơnh có khả năng hát kể sử thi nổi bật so với nhiều người cùng lĩnh vực ở huyện Đak Đoa và tỉnh Gia Lai, có thể đóng nhiều vai nhân vật trong một câu chuyện để mang lại cảm hứng cho công chúng. Ông được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian Việt Nam (năm 2006).
 
 
Nghệ nhân Pơnh. Ảnh: H.N
Nghệ nhân Pơnh. Ảnh: H.N
 
Nghệ nhân Alip sinh ra trong gia đình có truyền thống đánh cồng chiêng, chỉnh chiêng và làm chiêng tre. Năm 17 tuổi, ông đã thành thạo nhiều bài nhạc chiêng và chỉnh tiếng cho chiêng. Ông còn biết chế tác nhiều loại nhạc cụ truyền thống như đàn trưng, goong, kní, chiêng tre, làm cây nêu, tạc tượng nhà mồ... Ông thường xuyên truyền dạy cồng chiêng, kỹ thuật chỉnh chiêng cho con em trên địa bàn xã Glar và vùng lân cận. Nghệ nhân tài hoa này chơi thành thạo nhiều loại nhạc cụ, hiểu rõ từ cấu trúc đến âm vực để hướng dẫn, truyền dạy cho người học một cách bài bản.
 
Ông Ksor Lol (SN 1950, làng Rbai B, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện) là nghệ nhân duy nhất thuộc lĩnh vực tín ngưỡng dân gian được phong tặng danh hiệu đợt này. Ông ở cùng cha mẹ vợ theo phong tục của người Jrai, theo làm phụ tá cho cha vợ trong các lễ cúng ở làng nên được truyền dạy tỉ mỉ các bài cúng và nghi thức thực hành. Từ năm 1985 đến nay, ông tiếp nhận và thực hành nhiều nghi lễ: cúng cầu mưa, thổi tai, mừng lúa mới, mừng con đi học (cúng vòng), cúng sức khỏe, cúng tạ ơn, cúng đầy tháng (người chết sau 1 tháng)… tiêu biểu là lễ cúng cầu mưa của Yang Pơtao Apui duy trì hàng năm tại địa phương. Dịp nghỉ lễ 30-4 tới đây, về thung lũng Ayun Hạ, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến lễ cầu mưa với nghi lễ vô cùng độc đáo, hấp dẫn do nghệ nhân ưu tú Ksor Lol làm chủ lễ.
 
Nghệ nhân thứ 8 trong danh sách được xét tặng đợt này là Ksor Krôh (SN 1954, làng Mrông Ngó 4, xã Ia Ka, huyện Chư Pah) ở lĩnh vực tạc tượng gỗ (nghệ thuật trình diễn dân gian). Thực hành tạc tượng từ năm 17 tuổi, đến nay, nghệ nhân Ksor Krôh đã tham gia trình diễn kỹ thuật này tại nhiều hội thi, hội diễn trong tỉnh. Ông có thể tạc được nhiều loại tượng: người, con vật… giàu trạng thái, cảm xúc. Cũng như những nghệ nhân tài hoa khác, ông còn có khả năng nổi bật ở nhiều lĩnh vực khác như: đan lát, làm nhà sàn, nhà rông truyền thống, chế tác các loại nhạc cụ dân tộc. Ông từng được Bảo tàng dân tộc học Việt Nam tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc Jrai.
 



NGUYÊN BÌNH -GLO

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp - Người phụ trách: ông Nguyễn Văn Lộc