Sign In

Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Gia Lai

Chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh nổi bật trong tuần từ 13/11-17/11

Ngày đăng: 20-11-2017, 11:00 - Lượt truy cập: 409

Triển khai thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng bền vững công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung; quản lý, bảo vệ di tích lịch sử-văn hóa, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia,… là những thông tin chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong tuần từ ngày 13/11-17/11/2017.



 1. Triển khai thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình  5 không, 3 sạch”

Ngày 15/11/2017, UBND tỉnh ban hành Công văn số 4301/UBND-KGVX chỉ đạo về triển khai thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” trong Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM). Theo đó, UBND tỉnh đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chủ trì, phối hợp với Văn Phòng Điều phối NTM tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng Kế hoạch hoạt động và kinh phí hàng năm để thực hiện Cuộc vận động này. UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn liên quan, UBND xã, phường, thị trấn, hội phụ nữ cấp xã tham gia triển khai thực hiện các phần việc trong Chương trình MTQG gia xây dựng NTM theo hướng dẫn của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; tổ chức tuyên truyền, vận động phụ nữ địa phương thực hiện có hiệu quả Cuộc vận “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”.

2. Nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng bền vững công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung

Nhằm tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng bền vững công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh. Ngày 14/11/2017, UBND tỉnh ban hành Công văn số 4286/UBND-NL chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động duy trì bền vững công trình cấp nước tập trung nông thôn trên địa bàn giai đoạn 2017-2025 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 4105/UBND-NL ngày 26/10/2017. Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, các ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, đánh giá việc thực hiện giao công trình cấp nước sinh hoạt tập trung và xây dựng phương án xử lý các công trình cấp nước nông thôn trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các sở, ngành, đơn vị liên quan xây dựng khung giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh phù hợp với khung giá do Bộ Tài chính quy định, trình UBND tỉnh phê duyệt. UBND các địa phương có trách nhiệm rà soát, đánh giá các công trình đã giao cho đối tượng quản lý theo Quyết định số 842/QĐ-UBND ngày 17/12/2017 của UBND tỉnh. Thực hiện phân loại và xây dựng phương án xử lý theo đúng quy định. Hàng năm tổ chức lập và bố trí ngân sách địa phương thực hiện kế hoạch duy tu, bảo dưỡng, sữa chữa các công trình cấp nước nông thôn tập trung trên địa bàn; phấn đấu đến năm 2020 có 80% công trình trở lên hoạt động bền vững và bình thường. Song song với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân về vai trò của nước sạch đối với sức khỏe và trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ và sử dụng công trình cấp nước. Phê duyệt phương án giá tiêu thụ nước sạch nông thôn các công trình cấp nước do cộng đồng quản lý phù hợp với khung giá nước UBND tỉnh phê duyệt. Tổ chức và chỉ đạo thực hiện tiêu chí 17.1 về tỷ lệ số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch, tập trung ưu tiên cho các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2017-2020. UBND tỉnh cũng yêu cầu, các đơn vị quản lý, khai thác công trình cấp nước nông thôn tập trung lập phương án quản lý, vận hành, khai thác công trình, để UBND cấp huyện phê duyệt; tổ chức quản lý, vận hành, khai thác công trình theo phương án đã được phê duyệt.

3. Triển khai thực hiện các kiến nghị của HĐND tỉnh

UBND tỉnh mới ban hành Công văn số 4296/UBND-NL yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND các địa phương triển khai thực hiện các kiến nghị của HĐND tỉnh về kết quả giám sát Chương trình 135. Trong đó, Ban Dân tộc tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn UBND các huyện chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình 135, khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư, tổ chức thi công, giải ngân các nguồn vốn đúng tiến độ; tăng cường công tác giám sát của cộng đồng, đảm bảo chất lượng công trình, kịp thời tổ chức nghiệm thu đưa vào sử dụng trong năm 2017 và duy tu, bảo dưỡng những công trình sau đầu tư theo quy định. Đồng thời, khẩn trương triển khai Tiểu dự án Nâng cao năng lực cộng đồng và cán bộ cơ sở trên địa bàn tỉnh; triển khai xây dựng Kế hoạch vốn giai đoạn 2018- 2020. Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Ban Dân tộc và các sở, ngành liên quan định hướng nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất cho các địa phương theo hướng tái sản xuất, tăng giá trị kinh tế, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để đảm bảo phát huy tốt nguồn vốn hỗ trợ. Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện hỗ trợ các mặt hàng đa dạng, có thế mạnh tại địa phương để các hộ nghèo có điều kiện đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng phù hợp với điều kiện đất đai, thời tiết, khí hậu của từng địa phương để nâng cao hiệu quả sản xuất. UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND các địa phương tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình 135 theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 03/8/2017 của Chính phủ và văn bản số 3408/UBND-KT ngày 29/8/2017 của UBND tỉnh; các công trình hoàn thành thủ tục đầu tư, đấu thầu, chỉ định thầu, tiến hành thi công; đồng thời, đề nghị Chủ đầu tư kịp thời thanh toán hoặc tạm ứng vốn cho đơn vị thi công, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn theo đúng quy định. Chỉ đạo chính quyền cấp xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, cộng đồng quản lý, sử dụng các công trình đã đầu tư xây dựng hiệu quả, nhất là các công trình nước sinh hoạt, nhà sinh hoạt cộng đồng để phát huy tác dụng, tránh hư hỏng, lãng phí. Tăng cường hướng dẫn, giúp đỡ người dân trong việc sử dụng các loại giống cây trồng, vật nuôi, phân bón được cấp có hiệu quả nhằm nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các đơn vị thi công cũng như đánh giá hiệu quả của các công trình sau đầu tư, nhất là các công trình đường giao thông, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng

4. Quy định quản lý, bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia

Ngày 16/11/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 801/QĐ-UBND ban hành Quy định quản lý, bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Theo đó, Quyết định này quy định về trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị đối với di tích lịch sử- văn hóa, danh lam, thắng cảnh đã được nhà nước sếp hạng, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; việc thành lập tổ chức quản lý, bảo vệ di tích và kinh phí quản lý, bảo vệ di tích trên địa bàn tỉnh. Quyết định cũng quy định rõ trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia cho các sở, ban, ngành và cơ quan, đơn vị có liên quan. Trong đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp huyện tổ chức kiểm kê di tích trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt; lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích. Thẩm định các dự án trùng tu, tôn tạo đối với di tích cấp tỉnh; các dự án cải tạo, xây dựng công trình nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích có khả thi ảnh hưởng đến di tích cấp tỉnh. Thẩm định việc bổ sung hiện vật đối với di tích đã được xếp hạng. Tổ chức thực hiện các dự án tu bổ, phục hồi di tích thuộc thẩm quyền sau khi được phê duyệt. Quản lý, hướng dẫn các hoạt động lễ hội, tín ngưỡng gắn với di tích; tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật theo thẩm quyền đối với với việc quản lý, bảo vệ  di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh. Sở Thông tin và Truyền thông, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa của việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Báo Gia Lai, Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá về các di tích trên địa bàn tỉnh, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn tỉnh trong việc bảo vệ, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị của các di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. UBND cấp huyện có trách nhiệm quản lý, bảo vệ di tích trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý. Xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện khai thác giá trị di tích gắn với phát triển du lịch tại địa phương. Xây dựng Kế hoạch đề nghị xếp hạng đối với di tích trên địa bàn; chỉ đạo giải quyết việc trùng tu, tôn tạo di tích, quản lý đất đai, tài sản; tổ chức tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật về bảo vệ, phát huy giá trị di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia tại địa phương,…UBND tỉnh cũng yêu cầu, UBND cấp xã kiến nghị việc xếp hạng di tích. Chủ động xin phép tu sửa cấp thiết khi di tích xuống cấp từ nguồn kinh phí ngân sách hoặc nguồn xã hội hóa. Phối hợp khoanh vùng bảo vệ di tích khi tiến hành lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích. Trường hợp phát hiện hoặc được thông báo có phát hiện về di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, phải tiến hành khoanh vùng khu vực cần bảo vệ, kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm hại, báo cáo UBND cấp huyện và cơ quan chức năng giải quyết. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch triển khai việc quản lý, bảo vệ di tích của đơn vị trình UBND cấp huyện xem xét, phê duyệt,…

Mai Đào

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp - Người phụ trách: ông Nguyễn Văn Lộc