Sign In

Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Gia Lai

Đảng bộ thị xã Ayun Pa 70 năm xây dựng và phát triển

Ngày đăng: 10-08-2018, 09:00 - Lượt truy cập: 526
(GLO)- Trải qua 70 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ thị xã Ayun Pa đã và đang viết tiếp trang sử vẻ vang, từng bước đưa thị xã tiến tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.




Quá khứ hào hùng
Thị xã Ayun Pa có vị trí chiến lược quan trọng, nằm ở cửa ngõ phía Đông Nam tỉnh, là một trong những cái nôi văn hóa của Tây Nguyên; đồng thời, là trung tâm của một vùng rộng lớn ở phía Đông Nam tỉnh, bao gồm các huyện: Krông Pa, Ia Pa, Phú Thiện và một phần của huyện Chư Pưh.
 
Một góc thị xã Ayun Pa.   Ảnh: Đức Thụy
Một góc thị xã Ayun Pa. Ảnh: Đức Thụy
 
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3-2-1930) đã chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối lãnh đạo của cách mạng Việt Nam. Ảnh hưởng của Đảng và phong trào cách mạng trong cả nước đã tác động mạnh mẽ đến phong trào yêu nước vùng Cheo Reo-Ayun Pa. Tháng 6-1945, Đoàn Thanh niên Cheo Reo ra đời, tập hợp những học sinh người dân tộc thiểu số, người Kinh ở xã Hảo Đức và những viên chức tiến bộ do thầy giáo Rơchom Briu phụ trách, chĩa mũi nhọn đấu tranh vào bọn đế quốc, phát xít và bè lũ tay sai.
Hòa chung khí thế quật khởi của Cách mạng Tháng Tám trên khắp cả nước, vào 22 giờ ngày 25-8-1945, Đoàn Thanh niên Cheo Reo do đồng chí Rơchom Briu lãnh đạo đã tổ chức khởi nghĩa thắng lợi. Ngày 2-9-1945, lực lượng khởi nghĩa do Đoàn Thanh niên Cheo Reo làm nòng cốt tổ chức mít tinh và ra mắt Ủy ban Cách mạng lâm thời huyện Cheo Reo. Ngày 27-3-1946, nhân dân các dân tộc huyện Cheo Reo nô nức thực hiện quyền bầu cử cấp huyện và xã. Sau bầu cử, Ủy ban Hành chính huyện Cheo Reo do ông Nay Der làm Chủ tịch, ông Ksor Ní làm Phó Chủ tịch, ông Rơchom Thép làm Ủy viên thư ký, ông Rơchom Buk làm Chánh Văn phòng. Chính quyền lập đến đâu, các đoàn thể cứu quốc trong nông dân, thanh niên, phụ nữ cũng được thành lập đến đó.
Khi thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta lần thứ 2,  hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một lần nữa nhân dân các dân tộc huyện Cheo Reo tiếp tục cuộc kháng chiến, kiến quốc. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, ngày 10-8-1947, tại buôn Ma Hing, xã Đất Bằng, chi bộ Đảng ở Cheo Reo được thành lập do đồng chí Ksor Ní làm Bí thư; các đồng chí Rơchom Thép, Rơchom Buk làm ủy viên. Đây là chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên ở Cheo Reo. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, huyện Cheo Reo đến thời điểm này đã có 40 làng xây dựng được cơ sở cách mạng và ở nhiều làng, ta đã nắm được tề, ngụy. Cùng với những hoạt động chính trị, quân sự của tỉnh, các hoạt động kháng chiến của quân dân Cheo Reo đã góp phần phối hợp và giành thắng lợi ở chiến trường Tây Nguyên, chiến trường Nam Trung bộ và chiến trường Việt Bắc Thu-Đông năm 1947.
Tháng 8-1948, đại diện chính phủ Trung ương tại Nam Trung bộ ra Nghị định số 203/CP sáp nhập huyện Cheo Reo vào tỉnh Đak Lak. Để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc, ngày 10-8-1948, Tỉnh ủy Đak Lak quyết định thành lập Đảng bộ và chỉ định Ban cán sự Đảng huyện Cheo Reo gồm 3 đồng chí, do đồng chí Ksor Ní làm Bí thư, đồng chí Ngô Thành làm Phó Bí thư, đồng chí Rơchom Thép làm ủy viên. Đây là mốc son lịch sử đánh dấu sự trưởng thành, lớn mạnh của phong trào cách mạng ở Cheo Reo-Ayun Pa. Mốc thời gian ngày 10-8-1948 được lấy làm ngày thành lập Đảng bộ thị xã Ayun Pa.
Trong những năm tháng đấu tranh gian khổ chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai, địa bàn Ayun Pa là nơi tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quân và dân Cheo Reo-Ayun Pa vẫn kiên quyết bám đất, bám làng, xây dựng cơ sở, giữ gìn và phát triển lực lượng cách mạng. Nổi bật là các hoạt động chống dồn dân lập ấp chiến lược, chống bắt lính, lập tề, chống “tố cộng, diệt cộng”.  Trên cơ sở kết hợp chặt chẽ các mặt đấu tranh chính trị, quân sự, binh vận, tề vận, ta đã giành được những thắng lợi quan trọng và ghi được nhiều chiến công. Sau bao năm tháng đấu tranh gian khổ và hy sinh, ngày 19-3-1975, thị xã Ayun Pa được giải phóng.
Trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, đỉnh cao là chiến thắng Đường 7-Sông Bờ vào tháng 3-1975, quân và dân Ayun Pa đã phối hợp với bộ đội chủ lực đập tan cuộc rút chạy chiến lược của Quân đoàn 2 ngụy trên đường 7. Chiến thắng dẫn đến thất bại hoàn toàn của Mỹ-ngụy tại chiến trường Tây Nguyên, góp phần làm nên thắng lợi lịch sử mùa Xuân năm 1975, non sông thu về một mối. Với ý nghĩa đặc biệt của chiến thắng Đường 7-Sông Bờ, Bộ Văn hóa-Thông tin ( nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) đã công nhận di tích Đường 7-Sông Bờ là Di tích Lịch sử cấp quốc gia.
Kế thừa và phát triển
 Thị xã Ayun Pa đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất (tháng 3-2017).   Ảnh: Đức Phương
Thị xã Ayun Pa đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất (tháng 3-2017). Ảnh: Đức Phương
 
Từ sau ngày miền Nam giải phóng, Đảng bộ Ayun Pa đã tập trung lãnh đạo xây dựng chính quyền cách mạng và hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở; khắc phục hậu quả chiến tranh; đấu tranh giải quyết cơ bản vấn đề FULRO; ổn định tình hình chính trị-xã hội. Trọng tâm là xây dựng thủy lợi và khai hoang, xây dựng các cánh đồng, phát triển sản xuất nông nghiệp, định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số; phát triển văn hóa-giáo dục; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Bước vào thời kỳ đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Ayun Pa đã không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, nâng tầm trí tuệ, vững bước trước mọi thử thách, kiên định niềm tin sắt đá vào lý tưởng cộng sản, vào tinh thần cách mạng của nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân, bám sát thực tiễn, đề cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, đưa thị xã Ayun Pa phát triển vượt bậc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc không ngừng nâng lên.
Liên tục từ năm 2007 (năm thị xã được thành lập) đến nay, kinh tế của thị xã luôn duy trì ở mức tăng trưởng khá, bình quân trên 14%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; các ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có bước phát triển mạnh, tăng trưởng cả về số lượng và quy mô; huy động vốn đầu tư, tiềm lực kinh tế tăng đáng kể. Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2017 tăng gấp 3,3 lần so với năm 2007. Hệ thống giao thông nội thị được đầu tư xây dựng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Công tác quy hoạch, quản lý và chỉnh trang đô thị được đặc biệt quan tâm, diện mạo đô thị ngày càng hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển. Công tác đầu tư phát triển được quan tâm, nhiều công trình kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được đưa vào khai thác có hiệu quả.
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai đồng bộ. Đến nay, xã Ia Rtô đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã còn lại đạt từ 11 tiêu chí trở lên. Hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển, 100% đường giao thông từ trung tâm thị xã đến các xã được trải nhựa; 80% giao thông nội bộ thôn, buôn được bê tông hóa. Diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt. Lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo, quốc phòng-an ninh được giữ vững.
Cùng với phát triển kinh tế-xã hội, công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể quần chúng có sự đổi mới và tiến bộ; hệ thống chính trị cơ sở được tiếp tục kiện toàn, củng cố. Hiện nay, Đảng bộ và nhân dân thị xã đang quyết tâm đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động.
Đưa cơ giới vào sản xuất. Ảnh: Đức Phương
Đưa cơ giới vào sản xuất. Ảnh: Đức Phương
 
Đến nay, Đảng bộ thị xã Ayun Pa có 44 tổ chức cơ sở Đảng với 1.762 đảng viên; 49/55 chi bộ thôn, bôn, tổ dân phố có chi ủy; 45/55 chi bộ thôn, bôn, tổ dân phố có bí thư chi bộ là người tại chỗ.
 

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XVIII với mục tiêu tổng quát đến năm 2020 là: tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, gắn bó mật thiết với nhân dân; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền, chất lượng hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội. Huy động mọi nguồn lực, tiềm năng, lợi thế để đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp-xây dựng, thương mại-dịch vụ. Huy động tổng hợp các nguồn lực hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; xây dựng thị xã Ayun Pa phát triển toàn diện.
Để thực hiện mục tiêu đó, trước mắt, Đảng bộ và nhân dân thị xã Ayun Pa tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh và thị xã. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội. Tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hiệu quả và bền vững; huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển kinh tế-xã hội; phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, vững chắc gắn với bảo vệ môi trường; phát triển nông nghiệp chất lượng cao; hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; chú trọng phát triển thương mại-dịch vụ, khai thác du lịch tại địa phương; phát triển toàn diện sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao; kịp thời giải quyết chế độ, chính sách, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đối tượng người có công với cách mạng và các đối tượng bảo trợ; thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc, tôn giáo, nhằm xây dựng thị xã Ayun Pa phát triển nhanh và bền vững.​

Thái Thanh Bình- Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Ayun Pa

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp - Người phụ trách: ông Nguyễn Văn Lộc