Sign In

Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Gia Lai

Động lực “cất cánh ” của Tây Nguyên

Ngày đăng: 07-12-2016, 10:00 - Lượt truy cập: 2099

Định hướng phát triển của Gia Lai đến năm 2010 là: tập trung sức phát triển nhanh và bền vững trong sự phát triển chung của Tây Nguyên và cả nước. Kiên trì đẩy mạnh toàn diện và sâu sắc công cuộc đổi mới; phát triển nền kinh tế thị trường theo hướng xã hội chủ nghĩa gắn với thị trường trong và ngoài nước, trước hết là thị trường các tỉnh Tây Nguyên, duyên Hải miền Trung và Nam bộ, đồng thời mở rộng hơn nữa mối quan hệ quốc tế tạo thị trường xuất khẩu ổn định.


Tăng cường hợp tác kêu gọi đầu tư với các thành phần kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thủy điện, chế biến nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng. Xây dựng cơ cấu kinh tế linh hoạt, đạt hiệu quả kinh tế cao, phát triển bền vững, rút ngắn khoảng cách tiến tới bằng mức bình quân chung của cả nước về GDP/người, cải thiện nâng cao rõ rệt đời sống nhân dân. Đồng thời xây dựng hệ thống đô thị và các hành lang phát triển như: Pleiku – Mang Yang – An Khê; Pleiku – Chư Prông - Đức Cơ; Pleiku – Chư Sê – Ayunpa – Krông Pa; Pleiku - Biển Hồ - Yaly, trở thành những hạt nhân lan tỏa và thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn. Phát triển kinh tế gắn với hình thành cụm dân cư, các cụm kinh tế, các thị trấn, thị tứ.

 Phát triển nông lâm nghiệp, nông thôn được ưu tiên hàng đầu, tạo nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và nông sản hàng hoá xuất khẩu, đảm bảo cho quá trình phát triển và nâng cao đời sống nhân dân. Tập trung sức phát triển công nghiệp với các ngành trọng tâm là công nghiệp chế biến nông lâm sản, thuỷ điện và vật liệu xây dựng.

 Tiếp tục đầu tư phát triển nhanh kết cấu hạ tầng, trước hết là mạng lưới giao thông, bưu chính viễn thông, dịch vụ thương mại – du lịch, mạng lưới điện, thuỷ lợi và cấp thoát nước đô thị để đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của nền kinh tế.

 Mục tiêu, Gia Lai hướng tới đó là tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững nhằm thu hẹp khoảng cách về GDP bình quân đầu người so với mức tăng trưởng trung bình cả nước, nâng cao chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy dịch chuyển cơ cấu kinh tế. Dự kiến giai đoạn 2006-2010, GDP đạt 13,5%; dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp - xây dựng - dịch vụ. Đến năm 2010, nông lâm nghiệp chiếm 39%, công nghiệp - xây dựng 31,5%, dịch vụ 29,5%. Năm 2015 cơ cấu này sẽ là 22%-43%-35%. GDP bình quân đầu người đạt 11 triệu đồng (theo giá hiện hành), gấp 2,14 lần năm 2005 và đến năm 2020 sẽ đạt 24 triệu đồng/người.

 Mở rộng và nâng cao kim ngạch xuất khẩu, đến năm 2010 đạt 150 triệu USD và 350 triệu USD vào năm 2015. Đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ theo hướng hiện đại, phù hợp với xu thế gia nhập WTO, đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu Lệ Thanh - Đức Cơ cũng như quy hoạch các khu cụm công nghiệp, cụm du lịch…  

Để phát triển kinh tế, hội nhập thành công, Gia Lai đã tìm cho mình bước đi riêng mang tính đột phá như: Xây dựng phát triển các KCN, khu kinh tế cửa khẩu, dịch chuyển cơ cấu kinh tế, chú trọng phát triển thu hút đầu tư vào du lịch… Việc dịch chuyển cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất nông nghiệp hướng vào chất lượng đã giúp Gia Lai hình thành các vùng cây công nghiệp chuyên canh như cà phê, tiêu, điều, cao su… đứng trong vị trí hàng đầu của cả nước. Đây cũng là điều kiện quan trọng để Gia Lai kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông lâm sản, góp phần phát triển sản xuất công nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng cho kinh tế nông nghiệp.

 Trong không gian liên kết vùng, Chính phủ đã định hướng xây dựng Gia Lai - Pleiku thành Ngã ba Đông Dương, có vị trí đặc biệt quan trọng trong Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Từ Pleiku có thể thông thương sang các tỉnh Đông Bắc Campuchia và Thái Lan theo quốc lộ 78 (Campuchia) và mở về hướng Đông của Việt Nam nơi có cảng biển Quy Nhơn tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu. Điều này sẽ trở thành hiện thực khi Khu kinh tế cửa khẩu Lệ Thanh - Đức Cơ nhanh chóng hoàn thành và đi vào hoạt động. Khu kinh tế cửa khẩu Lệ Thanh được Chính phủ cho phép nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế và trong giai đoạn 2007-2015 Gia Lai cũng quyết tâm xây dựng phát triển toàn diện nơi đây trở thành khu đô thị biên giới với chức năng là trung tâm giao lưu kinh tế với các tỉnh duyên hải miền Trung.

 Hy vọng thời gian tới, với môi trường đầu tư thuận lợi, nhiều tiềm năng Gia Lai đã và sẽ trở thành vùng đất hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần sớm đưa Gia Lai trở thành vùng kinh tế động lực phát triển của khu vực kinh tế Tây Nguyên./.


Miền Trung

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp - Người phụ trách: ông Nguyễn Văn Lộc