Sign In

Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Gia Lai

Gia Lai: Gắn lễ hội với phát triển du lịch

Ngày đăng: 02-05-2018, 08:00 - Lượt truy cập: 419

(GLO)- Đến hẹn lại lên, cứ vào cuối tháng 4 Dương lịch, bà con làng Rbai A và Rbai B (xã Ia Piar, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) lại rộn ràng chuẩn bị cho lễ cúng cầu mưa. Năm nay, lễ cúng quan trọng này diễn ra đúng kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5, trở thành một sự kiện văn hóa độc đáo thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách.​


Từ nghi lễ nông nghiệp
Những người già trong làng Rbai A, Rbai B cũng không biết lễ cúng cầu mưa có tự khi nào. Chỉ biết rằng, cứ cuối tháng 4, thầy cúng chọn ngày, bà con trong làng góp gạo, góp tiền, lễ vật để cúng Yàng. Năm nay, lễ cúng được bà con chuẩn bị từ tháng 3, mỗi nhà góp 2 lon gạo và 30.000 đồng. Số tiền ấy dùng để mua 2 con heo, một con heo cái ngả thịt, lấy phần đầu và đuôi để cúng Yàng; một con heo to khác để cả làng ăn mừng.

 

Dân làng và du khách uống rượu ghè tại lễ cúng cầu mưa. Ảnh: Đức Phương
Dân làng và du khách uống rượu ghè tại lễ cúng cầu mưa. Ảnh: Đức Phương

Ngay từ sáng sớm 30-4, phụ nữ trong làng đã lục tục kéo đến nhà thầy cúng Ksor Lol (làng Rbai B, xã Ia Piar) để nhóm lửa, sửa soạn nấu nướng. Thanh niên trai tráng cũng đến phụ giúp những người lớn tuổi làm thịt heo. Xong đâu đấy, họ đánh xe công nông chở những thùng lớn ra bến sông Ayun để lấy nước về rót đầy vào hơn 100 ghè rượu mà dân làng đem đến góp lễ. “Trong lễ cúng cầu mưa, nhất định phải dùng nước sông Ayun-nơi già Ksor Lol đã làm lễ cúng bến sông để đổ vào ghè rượu”-già Nay Bhun (64 tuổi, làng Rbai A) nói. Ngay đầu hàng cọc dài bên hông nhà, mọi người đã đặt vào đấy 8 ghè rượu lớn. Đầu tiên là ghè rượu chung do bà con trong làng góp gạo lại mà ủ thành; 7 ghè rượu còn lại là của 7 gia đình sinh sống lâu đời nhất, họ có mặt từ khi lập làng tới nay. Tiếp đó mới đến hàng dài ghè rượu của dân làng. Phía bên dưới nhà sàn, chiếc trống cổ được đưa ra cùng với bộ chiêng quý để phục vụ lễ hội. Những người già trong làng cũng sẵn sàng trong bộ trang phục truyền thống, chờ đến giờ gióng lên bài chiêng cúng Yàng.
Đúng giữa ngọ, khi mặt trời chiếu thẳng đỉnh đầu, già Ksor Lol tiến hành lễ cúng. Phụ giúp già có ông Nay Wơn (52 tuổi, làng Rbai A). Bệ cúng Yàng rộng chừng 3 m2 bằng xi măng đặt giữa sân, quay về hướng Bắc. Còn bàn cúng đặt trên 4 chiếc cọc tre cao hơn 1 m. Già Lol sau khi khấn lạy đất trời, liền đến đặt lên chiếc bàn cúng vài miếng thịt heo. Già Wơn bê mâm cúng gồm đầu, đuôi của con heo đứng phía sau già Lol cúi đầu thành kính. Già Lol dõng dạc đọc to bài cúng bằng tiếng Jrai mà ông đã thuộc nằm lòng, dâng lễ vật lên Yàng cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mọi người khỏe mạnh. Toàn bộ dân làng cùng du khách đứng im phăng phắc theo dõi lễ cúng, chứng kiến phút giây linh thiêng kết nối giữa con người với các vị thần linh.
Lời khấn vừa dứt, già Lol đến ghè rượu lớn đầu tiên, vẩy rượu mời thần linh. Tiếng trống cất lên cùng bài chiêng mang tiết tấu nhanh, nhịp nhàng. Khi tất cả các nghi thức lễ đã hoàn thành, già Lol gọi thanh niên xếp hàng lần lượt nhấp những ngụm rượu đầu tiên của dãy rượu ghè xếp hàng dài. Già Rơ Mah Yuang (67 tuổi, làng Rbai A) nói: “Trong lễ cúng cầu mưa, thanh niên trai tráng được uống rượu trước vì họ là những người có sức mạnh, khỏe khoắn, làm việc nhiều nhất. Theo quan niệm của người xưa, họ phải uống tất cả các ghè rượu thì mùa màng mới bội thu”. Tiếp đó, bà con 2 làng Rbai A và Rbai B bắt đầu vào cuộc rượu, cứ thế tưng bừng cho đến tận ngày hôm sau.
Đến sự kiện văn hóa thu hút du khách
Lễ cầu mưa của làng Rbai A và Rbai B năm nay trùng với kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5  khiến cho ngày hội thêm phần ý nghĩa. Già Nay Bhun đã trải qua không biết bao nhiêu lễ cầu mưa lớn nhỏ của làng nhưng đây có lẽ là ngày vui nhất mà ông từng dự. Già vui vẻ nói: “Mặc dù lễ năm nay không lớn, số ghè rượu mà dân làng đem đến cũng ít hơn mọi năm nhưng lại là buổi lễ có đông người đến xem nhất. Không chỉ vậy, đúng kỳ nghỉ lễ này, con cháu trong làng đi làm, đi học đại học, cao đẳng, trường nội trú ở xa cũng được về tham dự lễ lớn của làng. Đó là điều vui nhất”. Cũng dịp này, nắm bắt được nhu cầu vui chơi, tham quan trong kỳ nghỉ lễ của du khách, đoàn viên thanh niên xã Ia Piar đã tổ chức một gian hàng ẩm thực để giới thiệu đến du khách gần xa các món ăn truyền thống của người Jrai như cơm lam, gà nướng, cá nướng, lá mì, cà đắng và đặc sản của huyện Phú Thiện như muối kiến, bò một nắng, gạo và xoài. Ngay từ sáng sớm, cùng với dân làng, nhiều đoàn khách từ khắp các vùng lân cận cũng nườm nượp kéo về làng Rbai B để xem lễ cúng và thưởng thức ẩm thực.
Chị Trần Thị Hiên-du khách đến từ TP. Pleiku tham dự lễ cầu mưa độc đáo của người Jrai ở làng Rbai A và Rbai B, chia sẻ: “Mặc dù đã nhiều lần đi chơi, đi công tác ở huyện Phú Thiện nhưng đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến đầy đủ một lễ cúng cầu mưa đặc biệt của người Jrai bản địa. Đó là một nét đẹp trong đời sống tín ngưỡng, tâm linh, thể hiện quan niệm về vũ trụ của người Jrai, rất giàu ý nghĩa nhân văn. Tôi mong rằng những lễ hội như thế sẽ được phục dựng tổ chức nhiều hơn để du khách gần xa có thể đến tham dự, từ đó hiểu biết một nét văn hóa đặc sắc của người Jrai nói riêng và nhân dân Tây Nguyên nói chung”.
Huyện Phú Thiện được ví là “vựa lúa của Tây Nguyên” với diện tích lúa nước 2 vụ lên đến trên 6.500 ha. Đây là nơi sinh sống của 16 dân tộc anh em nên rất giàu bản sắc văn hóa và truyền thống. Những năm gần đây, vùng đất của những huyền tích về các vị Vua Nước, Vua Lửa này còn gây chú ý trên bản đồ du lịch nói chung với những điểm đến hấp dẫn như: đại công trình thủy nông Ayun Hạ, Di tích Lịch sử-Văn hóa Quốc gia Plei Ơi gắn liền với Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ cúng cầu mưa “Yang Pơtao Apuih”. Lễ cúng cầu mưa của bà con làng Rbai A, Rbai B vào tháng 4 hàng năm chính là sự kiện văn hóa độc đáo, ngày càng lan tỏa, thu hút du khách gần xa.
Chính quyền địa phương cũng dành nhiều sự quan tâm cho sự kiện văn hóa này để nâng tầm lễ hội, góp phần quảng bá di sản văn hóa, phát triển du lịch. Trước đó, để mở rộng không gian lễ cúng, huyện Phú Thiện đã cho dịch chuyển nhà của già Ksor Lol sang phía Nam; đồng thời đầu tư lát gạch hoa phía dưới nhà sàn, xây đàn cúng và khu nhà tắm, nhà vệ sinh. “Chính quyền xã Ia Piar cử lực lượng hỗ trợ công tác đảm bảo an ninh trật tự… giúp làng Rbai A và Rbai B tổ chức thành công lễ cầu mưa. Chúng tôi khuyến khích người dân tiếp tục duy trì lễ cúng này hàng năm để cùng với Di tích Lịch sử-Văn hóa Quốc gia Plei Ơi, nơi đây sẽ trở thành điểm du lịch thu hút khách tham quan”-ông Siu Thiên-Chủ tịch UBND xã Ia Piar, bày tỏ.
Là hoạt động thể hiện đời sống tín ngưỡng của người Jrai, lễ cúng cầu mưa của làng Rbai A, Rbai B đã trở thành một sự kiện, một lễ hội văn hóa hết sức độc đáo. Vì vậy, việc duy trì lễ cúng này không chỉ giúp người Jrai bảo tồn được nét đẹp trong đời sống tinh thần mà còn là cơ hội để huyện Phú Thiện lấy đó làm điểm nhấn cho du lịch.

* Ông NGUYỄN NGỌC NGÔ-Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phú Thiện: Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch của huyện. Trong đó, từ nay đến năm 2020 sẽ lập quy hoạch chi tiết xây dựng Di tích Lịch sử-Văn hóa Quốc gia Plei Ơi; xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát triển du lịch văn hóa Plei Ơi. Ngoài ra, cứ độ tháng 4 hàng năm, huyện Phú Thiện cũng như dân làng Rbai A, Rbai B sẽ tiếp tục duy trì lễ cúng cầu mưa để bảo tồn bản sắc văn hóa của người Jrai cũng như tạo sự kiện văn hóa thu hút du khách, góp phần phát triển du lịch địa phương.

* Tiến sĩ NGUYỄN THỊ KIM VÂN-Giám đốc Bảo tàng tỉnh: Ngày nay, do điều kiện kinh tế phát triển và nhiều yếu tố tác động, môi trường sinh hoạt chung không còn nhiều, sự gắn kết với nhau giữa con người với con người, với cộng đồng không còn được chặt chẽ như trước kia. Do đó, lễ hội được tổ chức là cơ hội để không chỉ một cộng đồng mà nhiều cộng đồng dân cư tìm đến với nhau. Đây cũng là lễ hội có nét đặc thù, có tính duy nhất mà hiện nay còn được duy trì ở vùng đất này. Theo tôi, huyện Phú Thiện tạo điều kiện cho bà con để họ duy trì lễ hội này hàng năm là có ý nghĩa rất lớn trong bảo tồn các di sản văn hóa của dân tộc.

* Già SIU HEM (61 tuổi, làng Rbai B, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện): Lễ cúng cầu mưa đã có từ rất lâu rồi và vẫn được làng tổ chức vào cuối tháng 4 hàng năm. Đầu tiên là cúng gà trống tại nhà của thầy cúng, sau đó cúng bến nước rồi quay lại cúng trong làng xua đuổi tà ma, cuối cùng là lễ cúng cầu mưa. Thứ tự các lễ cúng vẫn được duy trì như người xưa truyền lại. Với dân làng, đây là lễ cúng quan trọng không thể thiếu trong năm để cầu mong cho mùa màng được bội thu.


Phương Linh-Hoàng Ngọc

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp - Người phụ trách: ông Nguyễn Văn Lộc