Sign In

Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Gia Lai

Khởi động “Con đường xanh Tây Nguyên”

Ngày đăng: 20-09-2004, 01:47 - Lượt truy cập: 1150
Rừng đặc trưng của Tây Nguyên là loại rừng khộp Đông Nam Á, tập trung phía Tây Bắc của tỉnh Đắc Lắc (Ea Súp, buôn Đôn). Trong số 51 loài động vật quí hiếm có nguy cơ tuyệt chủng và 10 loài đặc hữu của Đông Dương thì hệ sinh thái rừng khộp ở Việt Nam đã chiếm đến gần 40 loài trong đó có voi, tê giác.

Rừng đặc trưng của Tây Nguyên là loại rừng khộp Đông Nam Á, tập trung phía Tây Bắc của tỉnh Đắc Lắc (Ea Súp, buôn Đôn). Trong số 51 loài động vật quí hiếm có nguy cơ tuyệt chủng và 10 loài đặc hữu của Đông Dương thì hệ sinh thái rừng khộp ở Việt Nam đã chiếm đến gần 40 loài trong đó có voi, tê giác.


Bởi vậy không phải ngẫu nhiên mà Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên từ 10 năm qua đã trở thành điểm đến của nhiều nhà động thực vật, các sinh viên, du khách quốc tế đến nghiên cứu - tham quan. Loại rừng thứ 2 cũng có giá trị sinh thái rất cao là rừng đặc hữu núi cao như ở khu vực Ngọc Linh (Kon Tum) và Bi Doup Núi Bà (Lâm Đồng) với hơn 300 loài thực vật và hơn 400 loài động vật, trong đó có nhiều loài quí hiếm.


Tây Nguyên là khu vực tập trung các VQG và Khu Bảo tồn thiên thiên (KBTTN) đông nhất cả nước với hàng chục cái tên như: VQG Cát Tiên, Bi Doup Núi Bà (Lâm Đồng); Yok Đôn, Nam Ka, Ea Sô (Đắc Lắc), Chư Mom Ray, Ngọc Linh (Kon Tum); Chư Prông, Kon Ka Kinh (Gia Lai) là cơ sở tổ chức các tour du lịch sinh thái hấp dẫn.

 

Tây Nguyên cũng là nơi đầu nguồn của các dòng sông, của những con thác, hồ hùng vĩ bậc nhất nước như thác Drây Sáp (thác Khói), Gia Long (Đắc Nông), Pongour, Gô Ga, Đam Bri (Lâm Đồng), Biển Hồ, hồ Yaly (Gia Lai), hồ Lắc (Đắc Lắc).

 

Đặc biệt, Tây Nguyên có một kho tàng văn hóa dân gian độc đáo của các dân tộc bản địa mà ngay cả các nước trong khu vực Đông Nam Á (cùng ngữ hệ Mã Lai đa đảo) cũng không thể sánh bằng. Các dân tộc thiểu số tại chỗ như Giẻ Triêng, Ba Na, Gia Rai, Ê Đê, MNông, K’Ho, Mạ đều còn lưu giữ được những nét tinh hoa văn hóa của dân tộc mình để làm nên một nền văn hóa Việt Nam giàu bản sắc.


Tây Nguyên tự hào có thành phố Đà Lạt - thành phố nghỉ dưỡng đầu tiên ở Việt Nam có thể làm điểm mở đầu hoặc điểm kết của con đường xanh Tây Nguyên. Trong giai đoạn 2001-2010 các tỉnh Tây Nguyên đã coi du lịch - dịch vụ là một trong những ngành kinh tế quan trọng hàng đầu trong chiến lược phát triển KT - XH, giải quyết công ăn việc làm. Ngành du lịch được quan tâm đầu tư liên tục về hạ tầng, về con người.


Với giao thông đi lại thuận lợi, “con đường xanh Tây Nguyên” sẽ dễ dàng nối vào “con đường di sản” miền Trung và “con đường huyền thoại Trường Sơn - Hồ Chí Minh” để hình thành nên một “Con đường du lịch xuyên quốc gia”. Qua thống kê, năm 2003 Tây Nguyên đã đón 1,4 triệu khách, tăng 27% so với năm 2002, doanh thu đạt khoảng hơn 1.000 tỷ đồng. Đó là những cơ sở rất quan trọng cho việc hình thành đề án “Con đường xanh Tây Nguyên”.


Để “Con đường xanh Tây Nguyên” trở thành hiện thực từ năm 2005, hiện ngành Du lịch các tỉnh Tây Nguyên đang khảo sát chọn các điểm du lịch để đưa vào đề án và giới thiệu nét đặc sắc riêng của địa phương mình về sinh thái, về văn hóa.

Một kế hoạch mới cho đề án “Con đường xanh Tây Nguyên” được vạch ra: Các tỉnh cần tổ chức đoàn đi tham quan học tập kinh nghiệm khai thác du lịch sinh thái bền vững tại các nơi sớm hình thành dịch vụ du lịch như VQG Cát Tiên, Yoc Đôn.


Đặc biệt, cần có các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, các lớp trung cấp du lịch cho chính con em đồng bào dân tộc thiểu số để họ thực sự tham gia vào công việc khai thác nguồn lực du lịch một cách bài bản, căn cơ theo chỉ đạo của Chính phủ tại cuộc họp Tây Nguyên tháng 8-2004.


Để nâng tầm vóc của “con đường”, theo ông Nguyễn Ngọc Chương (Giám đốc Công ty Dịch vụ du lịch - một thành viên chủ chốt của CLB Đà Lạt Tây Nguyên) thì rất cần có sự liên kết với các công ty, hãng lữ hành du lịch ở TPHCM, miền Trung. TPHCM sẽ quảng bá, đưa khách đến với Tây Nguyên qua cửa ngõ Đà Nẵng, TPHCM. Tổng cục Du lịch cần phải đưa chương trình tour “Con đường xanh Tây Nguyên” vào kế hoạch quảng bá từ đầu năm 2005.


Một khi “Con đường xanh Tây nguyên” phát huy tác dụng sẽ góp phần đắc lực vào việc khơi dậy tiềm năng thế mạnh, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, góp phần xây dựng Tây Nguyên thành một vùng kinh tế động lực theo tinh thần Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị.

 

Theo Sài Gòn Giải Phóng

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp - Người phụ trách: ông Nguyễn Văn Lộc