Sign In

Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Gia Lai

Góp phần định hướng nghề nghiệp cho học sinh

Ngày đăng: 17-12-2010, 12:00 - Lượt truy cập: 1037

​Theo tâm lý của nhiều người, sau khi tốt nghiệp THPT, con đường tốt nhất cho học sinh (HS) là vào ĐH, CĐ. Thực tế này đã kéo theo một số hiện tượng tiêu cực trong thi cử, dạy thêm, học thêm, gây tốn kém cho xã hội, mất cân đối về cơ cấu lao động…


Khắc phục tình trạng ấy, Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng đã đề ra định hướng “chú trọng phân luồng đào tạo sau THCS và THPT”. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV Đảng bộ thành phố cũng nêu rõ: “Thực hiện tốt đổi mới giáo dục phổ thông, tăng cường công tác hướng nghiệp…”. Để thực hiện tốt mục tiêu ấy, một trong những yêu cầu quan trọng đối với các trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp (TTGDKTTH) là phải làm tốt nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp cho HS. Và muốn vậy, các trung tâm cần được quan tâm đầu tư để phát triển.

Hà Nội hiện có 6 TTGDKTTH với các nhiệm vụ cơ bản là dạy kỹ thuật, dạy nghề phổ thông, tư vấn hướng nghiệp cho HS bồi dưỡng giáo viên kỹ thuật của các trường THPT về giáo dục kỹ thuật tổng hợp và hướng nghiệp tổ chức lao động sản xuất nghiên cứu ứng dụng các đề tài khoa học về giáo dục kỹ thuật tổng hợp, hướng nghiệp, dạy nghề phổ thông dạy nghề cho thanh thiếu niên địa phương. Tuy vậy,  sự tồn tại và vai trò của các TTGDKTTH chưa được xã hội ghi nhận và đánh giá đúng. Không ít phụ huynh, HS chưa thấy hết được tác dụng của việc học nghề, tư vấn và định hướng nghề nghiệp, nên việc lựa chọn nghề thường chỉ là theo cảm hứng, chưa phù hợp với khả năng và nhu cầu của xã hội. Còn các trung tâm (TT), do nhiều nguyên nhân, thì hầu như mới chỉ làm nhiệm vụ dạy nghề phổ thông (khoảng hơn 3 vạn HS/năm). Để duy trì tỷ lệ 90% HS được học nghề hằng năm, giúp HS cuối cấp lựa chọn nghề phù hợp, nhiệm vụ đặt ra là xác định rõ trách nhiệm của TT. Đây không chỉ đơn thuần là nơi dạy nghề mà còn có trách nhiệm tư vấn nghề nghiệp cho HS-một khâu quan trọng của hướng nghiệp. Làm tốt nhiệm vụ này sẽ góp phần uốn nắn, điều chỉnh động cơ chọn nghề của HS cho phù hợp với năng lực, nhu cầu của xã hội trong từng giai đoạn phát triển kinh tế. Vấn đề này đã được bàn bạc nhiều lần, một số giải pháp ban đầu đã được đưa ra, hứa hẹn nhiều đổi thay trong hoạt động của các TT.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng, cũng là giải pháp để phát triển là các trung tâm phải có ngành nghề đáp ứng nhu cầu của HS trên địa bàn. Thời gian gần đây, một số TT đã phát triển ngành nghề có nhu cầu học tập cao như Tin học, Điện tử, Điện lạnh, Điện dân dụng… hoặc một số ngành nghề mới đang được nhiều bạn trẻ quan tâm như Chụp ảnh, Dịch vụ du lịch, Trồng hoa cây cảnh, Nấu ăn…

Thêm ngành mới, thu hẹp ngành cũ  ít có nhu cầu học, một vấn đề đặt ra với  các TT là sắp xếp, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ. Theo thống kê, trong số 138 cán bộ, giáo viên của 6 TT thì có 3,6% có trình độ trên ĐH, 61% có trình độ ĐH, 33,4% chưa có bằng ĐH. Số này được tập hợp từ nhiều nguồn: trường Sư phạm, ĐH chuyên ngành kỹ thuật, công nhân dạy nghề… Lại có không ít giáo viên có trình độ chuyên môn tốt nhưng năng lực sư phạm hạn chế. Điều này đòi hòi các TT phải có kế hoạch rà soát lại số giáo viên hiện có, số cần bổ sung và nhu cầu dạy nghề, hướng nghiệp trong tình hình mới, chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo lại và bồi dưỡng giáo viên. Yêu cầu được quán triệt tới từng đơn vị là với giáo viên của những nghề có nhiều HS, ngoài việc tích cực tự bồi dưỡng, thì còn có nhiệm vụ giúp đỡ đồng nghiệp để chuyển đổi nghề, đáp ứng với yêu cầu của tình hình mới. Đây cũng chính là giải pháp để thực hiện một trong những mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIV đã đề ra: “Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, bảo đảm 100% có trình độ đạt chuẩn và tỷ lệ trên chuẩn cao”.

Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học là cơ sở vật chất, trang thiết bị. Được sự chỉ đạo của Sở GD-ĐT, sự nỗ lực của mình, các TTGDKTTH đã có các phòng học đủ tiêu chuẩn theo quy định. TT số 1, số 5 đã được xây mới TT 2, 4 được nâng cấp, sửa chữa TT 3 hiện đang trong quá trình khảo sát thiết kế để chuẩn bị xây dựng. Tuy vậy, số lượng các TT còn quá mỏng (6 trung tâm/14 quận, huyện), chưa đạt chuẩn phổ cập trung học của Bộ GD-ĐT, chưa đáp ứng được nhu cầu dạy nghề, tư vấn, hướng nghiệp cho HS. Do khó khăn về kinh phí, nên trang thiết bị, đồ dùng dạy học của nhiều nơi còn chắp vá, lạc hậu. Một trong những định hướng nhằm giải quyết tình trạng này đã được chỉ rõ trong đề án phát triển trung tâm giai đoạn 2006-2010 của ngành vừa lập ngày 7-9 là ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với ngành nghề theo nguyện vọng của người học. Bên cạnh sự chủ động, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục trong dạy nghề-hướng nghiệp của mỗi TT, thì việc triển khai Phòng tư vấn nghề tại từng đơn vị, đẩy nhanh tiến độ xây dựng thêm 2 TT ở Sóc Sơn và cụm Long Biên-Gia Lâm sẽ là điều kiện thuận lợi để hệ thống TTGDKTTH làm tốt nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp cho HS.

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp - Người phụ trách: ông Nguyễn Văn Lộc