Sign In

Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Gia Lai

Hướng nghiệp cho học sinh dân tộc thiểu số ở Gia Lai

Ngày đăng: 14-05-2019, 09:00 - Lượt truy cập: 803

(GLO)- Công tác hướng nghiệp cho học sinh, nhất là học sinh dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp THCS giữ vai trò quan trọng trong việc tạo nguồn lao động có tay nghề tại địa phương. Tuy nhiên, công tác này hiện còn gặp rất nhiều trở ngại khiến cho quá trình đào tạo học sinh ở những vùng kinh tế đặc biệt khó khăn bị dở dang và lãng phí.



​Hội nghị phân luồng học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) sau THCS do Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai lần đầu phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa tổ chức đã mang lại nhiều hy vọng cho công tác này. Trong đó có việc thúc đẩy đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” của Chính phủ với mục tiêu: Năm 2020, ở những địa phương có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn sẽ có ít nhất 25% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng; đến năm 2025, tỷ lệ này được nâng lên ít nhất là 30%.

 
Nhìn nhận đúng thực trạng
 
Trao đổi về những khó khăn, vướng mắc mà ngành GD-ĐT đang gặp phải trong công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS, đặc biệt ở vùng DTTS, ông Mai Văn Sơn-Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD-ĐT) thẳng thắn nhìn nhận: “Hiện nay, tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp THCS không tiếp tục học lên bậc THPT còn nhiều. Tuy nhiên, rất ít em trong số này đi học nghề mà phần đông ở nhà để lao động cùng gia đình. Chúng tôi coi đây là điểm yếu trong công tác hướng nghiệp ở bậc THCS. Nguyên nhân đến từ khâu tuyên truyền tư vấn nghề nghiệp, tư vấn tuyển sinh của nhiều trường THCS, một số cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh chưa thực sự sâu rộng; chất lượng đào tạo nghề của một số cơ sở chưa đáp ứng nhu cầu xã hội. Điều này khiến nhiều em sau khi học nghề cũng không có việc làm, gây hiệu ứng không tốt trong cộng đồng”.
 
  Ông Đỗ Xuân Dũng-Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Kông Chro phát biểu tại hội nghị phân luồng học sinh dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp THCS.   Ảnh N.G
Ông Đỗ Xuân Dũng-Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Kông Chro phát biểu tại hội nghị phân luồng học sinh dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp THCS. Ảnh N.G
 
Theo khảo sát của Bộ GD-ĐT năm 2018 tại 3 huyện: Đak Đoa, Mang Yang, Đức Cơ, tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp THCS về nhà lao động tự do chiếm khoảng 32-35%. Ông Võ Công Dương-Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đức Cơ-cho hay: “Công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS nói chung, trong học sinh DTTS nói riêng còn gặp rất nhiều khó khăn đối với địa phương vùng biên giới như Đức Cơ. Theo tôi, để từng bước tháo gỡ khó khăn này, điều cần nhất là đảm bảo được đầu ra sau khi các em hoàn thành các khóa học nghề”. Còn ông Đỗ Xuân Dũng-Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Kông Chro thì cho rằng, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tại địa phương để tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của đồng bào DTTS về học nghề. Ông Dũng cho biết: “Hàng năm, huyện Kông Chro chỉ có khoảng 50% học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên THPT. Mong muốn của chúng tôi là có nhiều giải pháp để làm tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh vì nội dung tài liệu hướng nghiệp được ban hành từ nhiều năm trước hiện không còn phù hợp tình hình phát triển ở địa phương”.
 
Gỡ khó cho công tác hướng nghiệp
 
 
Ông Nguyễn Tấn Thành-Trưởng phòng Dạy nghề (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh): “Hướng nghiệp cho học sinh sau THCS, đặc biệt là học sinh DTTS là việc làm rất ý nghĩa. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tích cực phối hợp với ngành GD-ĐT làm tốt công tác này để tạo nguồn lao động có tay nghề cho các địa phương, góp phần vào sự phát triển bền vững của vùng kinh tế đặc biệt khó khăn”.
 

Nhận thấy nội dung tài liệu hướng nghiệp bậc THCS không còn phù hợp, mới đây, Sở GD-ĐT đã cho phép các đơn vị trường học tự biên soạn tài liệu hướng nghiệp dựa trên tình hình phát triển và nhu cầu lao động tại địa phương. Ông Lê Duy Định-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT-cho biết: “Chúng tôi khuyến khích các đơn vị tổ chức linh hoạt hình thức tư vấn hướng nghiệp, tăng cường lồng ghép nội dung hướng nghiệp vào các môn học. Yêu cầu các Trung tâm GDNN-Giáo dục thường xuyên làm tốt công tác tuyển sinh, liên kết đào tạo các ngành nghề đáp ứng nhu cầu việc làm tại địa phương”. Ông Định cũng đánh giá cao sự chủ động phối hợp của Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai trong công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh, nhất là học sinh DTTS sau THCS trên địa bàn tỉnh.
 
Nói thêm về ý nghĩa của công tác này, ông Phạm Văn Điều-Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai-cho biết: “Chúng tôi quyết định chọn đối tượng học sinh DTTS nhằm giảm thiểu sự lãng phí trong GD-ĐT, nhất là học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú của tỉnh-đối tượng được Nhà nước nuôi ăn học để tạo nguồn. Trong quá trình đào tạo nghề, đối tượng này cũng nhận được rất nhiều sự đãi ngộ về học bổng, miễn học phí, chỗ ở và nhiều chế độ khác. Do đó, nếu không trao cơ hội tiếp tục học nghề sau khi tốt nghiệp THCS chính là sự lãng phí nguồn nhân lực và thiệt thòi cho các em”.
 
Cũng theo ông Điều, để phụ huynh nhận thức đúng giá trị của việc học nghề, Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai sẽ chủ động tổ chức tuyên truyền về công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS; phối hợp với Sở GD-ĐT tập huấn cho cán bộ, giáo viên các trường THCS về công tác tư vấn hướng nghiệp; tăng cường liên kết với doanh nghiệp để giải quyết việc làm sau khi học viên ra trường; tổ chức các hoạt động tôn vinh người lao động lành nghề, bậc thợ giỏi góp phần đẩy mạnh hiệu quả trong khâu tuyên truyền; đề xuất Sở GD-ĐT xây dựng cơ chế, chính sách thuận lợi cho các cơ sở GDNN thực hiện các chương trình đào tạo nghề kết hợp đào tạo văn hóa cho học sinh sau THCS để các em có cơ hội liên thông lên cao đẳng, đại học... Thầy Lương Hồng Thái-giáo viên phụ trách công tác hướng nghiệp Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Krong (huyện Kbang) bày tỏ: “Tôi làm công tác hướng nghiệp mang tính chất kiêm nhiệm, do đó nếu được hỗ trợ từ phía Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai thì sẽ có điều kiện phát huy tốt hơn, các em được giáo dục đầy đủ hơn về hướng nghiệp, cập nhật chính sách đãi ngộ khi theo học tại các trường nghề... Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng nên tăng cường các chế độ đãi ngộ đối với học sinh ở các trường phổ thông dân tộc bán trú để thu hút các em”. 
 
Liên quan đến chương trình đào tạo nghề kết hợp đào tạo văn hóa cho học sinh sau THCS để các em có cơ hội liên thông lên cao đẳng, đại học, Tổng cục GDNN vừa có Công văn số 668/TCGDNN-ĐTCQ gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hướng dẫn công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo năm 2019. Công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Sở GD-ĐT và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện một số nội dung cụ thể về đăng ký dự tuyển vào GDNN của học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT; hướng dẫn quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ dự tuyển vào GDNN trực tiếp tại các trường phổ thông; quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ dự tuyển vào GDNN tại Sở Lao động-Thương binh và Xã hội. Về tuyển sinh và đào tạo liên thông trình độ cao đẳng đối với người học tốt nghiệp THCS, công văn này hướng dẫn: Người tốt nghiệp THCS có nguyện vọng học liên thông lên trình độ cao đẳng có thể đăng ký dự tuyển theo quy định. Tuy nhiên, trong quá trình học phải hoàn thành chương trình văn hóa THPT theo quy định của Bộ GD-ĐT và chương trình học trình độ trung cấp. Theo đó, các môn văn hóa THPT tùy theo nhóm ngành nghề phải học. Việc dạy học các môn văn hóa THPT do các cơ sở GDNN đảm nhiệm khi được sự đồng ý của Sở GD-ĐT hoặc do các trung tâm giáo dục thường xuyên thực hiện.


Nguyễn Giang-GLO

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp - Người phụ trách: ông Nguyễn Văn Lộc