Sign In

Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Gia Lai

Ia Pa: Tập trung phòng trừ bệnh khảm lá vi rút hại mì

Ngày đăng: 04-10-2018, 09:00 - Lượt truy cập: 261
(GLO)- Trên địa bàn huyện Ia Pa, Gia Lai hiện có hơn 31 ha mì nhiễm bệnh khảm lá vi rút, trong đó có gần 20 ha bị nhiễm nặng. Ngành chức năng của huyện đang tích cực sử dụng mọi biện pháp ngăn chặn loại bệnh này, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân.



Vụ này, gia đình anh Ksor Uyn (buôn Bi A, xã Ia Tul) trồng được 4,5 ha mì. Hiện cây mì đã hơn 4 tháng tuổi, đang trong giai đoạn tạo củ. Từ cuối tháng 8 đến nay, anh Uyn phát hiện lá mì bị biến màu, xanh-vàng loang lổ, nhiều cây có bọ phấn trắng bám vào thân và lá. Qua phối hợp kiểm tra với cán bộ kỹ thuật của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT và BVTV) huyện được biết, đó là bệnh khảm lá vi rút. Hiện nay, bệnh đã lây lan khoảng 0,5 ha, tỷ lệ nhiễm 100%. Diện tích này trồng bằng hom giống HLS11 do Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Việt Nam cung cấp. “Hôm bữa đi kiểm tra thì phát hiện bọ rệp trắng có trên vài cây, tôi đã bẻ bớt lá mì để hạn chế lây lan. Nhưng rẫy mì bên cạnh bị bọ rệp trắng hết cả đám 3-4 sào. Tôi nghi là bệnh lây từ bên đó sang”-anh Ksor Uyn lo lắng nói.
  Nhiều nông dân Ia Pa bắt đầu nhổ tiêu hủy rẫy mì bị bệnh khảm lá vi rút. Ảnh: Mai Phương
Nhiều nông dân Ia Pa bắt đầu nhổ tiêu hủy rẫy mì bị bệnh khảm lá vi rút. Ảnh: Mai Phương
 
Cạnh đó, toàn bộ rẫy mì 4,1 ha của gia đình ông Nay Bar (thôn Bi A) cũng bị bệnh khảm lá vi rút. Mì trồng đã 4 tháng mà cây chỉ cao hơn gang tay, lá quăn queo, nhổ lên không thấy củ. “Mình phát hiện cây mì không cao lên chút nào đã 3 tháng nay, bón thêm phân vào cũng thế. Lá thì cứ xoăn lại. Giờ cán bộ xuống kiểm tra nói rẫy mì bị bệnh khảm lá rất nguy hiểm phải nhổ rồi đào hố đốt để khỏi lây lan sang đám ruộng khác. Năm nay, mì giá cao, mình tiếc lắm”-ông Nay Bar cho hay.
Theo Trạm TT và BVTV huyện Ia Pa, bệnh khảm lá vi rút hại mì lan truyền qua môi giới là bọ phấn trắng và hom giống nên khả năng lây lan rất nhanh. Năm 2017, lần đầu tiên bệnh xuất hiện tại tỉnh Tây Ninh với diện tích hơn 5.500 ha. Đến năm 2018, bệnh lan rộng sang nhiều tỉnh, trong đó có tỉnh Đak Lak, giáp ranh với Gia Lai.
Thực tế kiểm tra có sự phối hợp giữa Trạm TT và BVTV huyện Ia Pa, UBND các xã, cán bộ nguyên liệu Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Việt Nam phát hiện diện tích mì nhiễm bệnh khảm lá vi rút tại huyện là 31,7 ha (diện tích nhiễm nhẹ 12,1 ha, diện tích nhiễm nặng 19,6 ha), chủ yếu ở các xã: Pờ Tó 8,8 ha, Kim Tân 5,1 ha, Ia Tul 4,3 ha, Ia Ma Rơn 4 ha, Ia Broăi 6,3 ha, Chư Mố 3 ha, Ia Kdăm 0,2 ha. Loại giống mì có tỷ lệ nhiễm bệnh cao là HLS11 và KM419. “Trong quá trình kiểm tra, theo dõi bệnh, Trạm cũng đã báo Chi cục TT và BVTV, UBND huyện để có chỉ đạo xử lý. Ủy ban nhân dân huyện cũng đã họp với  Nhà máy mì Pờ Tó về tình hình bệnh khảm lá mì và yêu cầu Nhà máy phối hợp điều tra, thống kê, hỗ trợ tiêu hủy những giống mì họ đưa về trồng”-bà Nguyễn Thị Hường-Trạm trưởng trạm TT và BVTV huyện Ia Pa-cho hay.
Bệnh khảm lá vi rút rất nguy hiểm, đến nay chưa có thuốc đặc trị. Bệnh làm giảm năng suất và chất lượng cây mì. Vì vậy, huyện Ia Pa đang nỗ lực chỉ đạo ngành chuyên môn và các xã vào cuộc phòng trừ bệnh nhằm hạn chế thiệt hại cho người dân. Ông Huỳnh Vĩnh Hương-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa-cho hay: Huyện đã yêu cầu lãnh đạo các cơ quan chuyên môn, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các xã quyết liệt hơn nữa để phòng trừ loại bệnh này.
Theo đó, thực hiện phun thuốc phòng trừ bọ phấn trắng, tác nhân chính gây bệnh khảm lá mì, đồng thời tiêu hủy cây trồng bị bệnh để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Những trường hợp đã tiêu hủy cần hỗ trợ kinh phí kịp thời cho người dân; trường hợp người dân cố tình không chấp hành thì lập biên bản xử phạt hành chính; cần thiết sẽ cưỡng chế tiêu hủy đúng theo quy định. “Huyện sẽ huy động đoàn viên thanh niên, dân quân tự vệ, công an... để giúp người dân. Sáng 3-10, xã Ia Tul đã ra quân tiêu hủy diện tích mì bị khảm lá, sau đó đến các xã còn lại. Trước  mắt, UBND xã trích ngân sách sự nghiệp của xã mua xăng, thuốc BVTV để phun tiêu hủy. Huyện giao Phòng Tài chính-Kế hoạch cân đối bố trí ngân sách thực hiện phòng-chống bệnh khảm lá mì”-ông Huỳnh Vĩnh Hương nói.
Với hơn 8.000 ha, mì là một trong những cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện Ia Pa. Sự xuất hiện và lây lan nhanh của bệnh khảm lá mì đang gây nhiều lo lắng cho người dân. Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành thì ý thức của người dân trong việc phòng trừ bệnh cho chính rẫy mì của gia đình là biện pháp loại trừ bệnh hiệu quả nhất hiện nay.

Mai Phương-GLO

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp - Người phụ trách: ông Nguyễn Văn Lộc