Sign In

Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Gia Lai

Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ rau sạch

Ngày đăng: 04-12-2018, 10:00 - Lượt truy cập: 876

(GLO)- Mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm đang được xem là giải pháp căn cơ để huyện Đak Pơ (Gia Lai) từng bước tạo dựng thương hiệu rau sạch. 



Với hơn 6.000 ha rau xanh 2 vụ, Đak Pơ là một trong những vùng chuyên canh rau xanh lớn của tỉnh. Mỗi năm, huyện sản xuất ra hơn 100 ngàn tấn rau xanh, cung cấp cho các thị trường lân cận như thị xã An Khê, TP. Pleiku và các tỉnh, thành phố: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng… Nghề trồng rau đã mang lại thu nhập ổn định cho hàng ngàn hộ dân nơi đây. Tuy nhiên, phần lớn người dân vẫn sản xuất mang tính tự phát, đầu ra không ổn định dẫn đến thu nhập bấp bênh. Do đó, giải pháp liên kết với các hợp tác xã (HTX) để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm là hướng lựa chọn hiện nay của nhiều hộ trồng rau ở huyện Đak Pơ. 
 
  Mô hình trồng rau thủy canh của ông Nguyễn Văn Hưng (thôn Tân Sơn, xã Tân An, huyện Đak Pơ). Ảnh: N.M
Mô hình trồng rau thủy canh của ông Nguyễn Văn Hưng (thôn Tân Sơn, xã Tân An, huyện Đak Pơ). Ảnh: N.M
 
 
Ông Đặng Văn Minh (thôn Tân Thuận, xã Tân An) có 6 sào đất chuyên trồng rau ăn lá. Trước đây, người trồng rau thường rơi vào tình trạng “được mùa mất giá”. “Đầu năm 2018, tôi tham gia HTX Nông nghiệp và Dịch vụ An Trường Phát được HTX thu mua rau với giá ổn định. Điều này giúp gia đình tôi yên tâm sản xuất. Quan trọng hơn là chúng tôi không còn phải đối mặt với tình trạng rau làm ra không bán được”-ông Minh nói. Cũng theo ông Minh, khi tham gia HTX, các thành viên được tập huấn sản xuất theo quy trình kỹ thuật, được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (hữu cơ, thảo mộc)… để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cung ứng cho người tiêu dùng.
 
Trước nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch ngày càng cao của người tiêu dùng, các hộ trồng rau ở Đak Pơ buộc phải áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cung ứng cho thị trường. Ông Nguyễn Văn Hưng (thôn Tân Sơn, xã Tân An) chia sẻ: Gia đình tôi mấy chục năm chuyên trồng rau theo cách truyền thống. Nhưng gần đây, được một cơ sở trồng rau tại thị xã An Khê tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm, tôi đã mạnh dạn đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng làm nhà màng, mua trang-thiết bị trồng rau thủy canh trên diện tích 400 m2. Rau được trồng trong môi trường nước và được che chắn bởi nhà màng nên đảm bảo an toàn, được thị trường ưa chuộng.
 
Ông Nguyễn Hiệp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ-cho biết: Hiện nay, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật huyện đang xây dựng kế hoạch để triển khai mô hình trồng trình diễn rau an toàn theo hướng VietGAP với quy mô 5 ha, có sự tham gia của 15-20 hộ dân trên địa bàn xã Tân An và Cư An. Tổng kinh phí thực hiện mô hình là 200 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp huyện.
 
  Ruộng rau của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ An Trường Phát trồng theo hướng VietGAP.  Ảnh: N.M
Ruộng rau của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ An Trường Phát trồng theo hướng VietGAP. Ảnh: N.M
 
 
Để từng bước tạo dựng thương hiệu rau sạch của địa phương và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, huyện Đak Pơ không chỉ tăng cường tập huấn nâng cao kỹ thuật, nhận thức của người dân trong việc sản xuất sản phẩm theo hướng an toàn mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho thành viên và người dân trên địa bàn. Bà Nguyễn Tuyết Hoa-Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ An Trường Phát-cho hay, được chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi, đầu năm 2018, bà đã đứng ra thành lập HTX Nông nghiệp và Dịch vụ An Trường Phát với mong muốn bao tiêu các sản phẩm nông nghiệp cho người dân, tránh tình trạng được mùa mất giá, rau bỏ bờ. Hợp tác xã đã thu hút 46 thành viên là những người sản xuất rau trên địa bàn xã Tân An tham gia. Theo bà Hoa, trong quá trình hoạt động, nhiều thành viên chưa thực hiện các cam kết về quy trình sản xuất, sản lượng sản phẩm… nên HTX thu hẹp lại còn 14 thành viên sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP trên diện tích khoảng 7 ha. Hiện mỗi tháng, HTX xuất ra thị trường TP. Đà Nẵng và TP. Pleiku trên 45 tấn rau củ quả.
 
Hợp tác xã Vận tải Đak Pơ được thành lập vào năm 2004, có trên 50 chiếc xe chuyên vận chuyển hàng hóa. Mấy năm gần đây, mỗi ngày, HTX thu mua khoảng 60 tấn rau củ quả của người dân trên địa bàn huyện đưa đi tiêu thụ tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi. Ông Lê Trường Hải-Giám đốc HTX Vận tải Đak Pơ-cho biết: Năm 2010, HTX đăng ký thêm ngành nghề mua bán hàng nông sản. Hiện HTX đang thu mua rau của 150 hộ dân trên địa bàn xã Cư An và Tân An. “Thời gian tới, song song với việc thu mua, HTX sẽ đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc rau an toàn theo hướng VietGAP cho người dân. Từ đó, HTX sẽ có nguồn sản phẩm ổn định, chất lượng đảm bảo để cung cấp cho khách hàng”-ông Hải cho hay.
 
Nói về việc liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm rau của địa phương, ông Nguyễn Hiệp cho biết thêm: Việc liên kết này là bước đi quan trọng giúp người trồng rau trên địa bàn có thị trường tiêu thụ ổn định, nâng cao thu nhập. Điều quan trọng là việc liên kết sẽ giúp bà con giải được bài toán “được mùa mất giá”, qua đó tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của người sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, tạo dựng thương hiệu rau Đak Pơ, thúc đẩy ngành nông nghiệp của huyện ngày càng phát triển.
 

Ngọc Minh-GLO

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp - Người phụ trách: ông Nguyễn Văn Lộc