Sign In

Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Gia Lai

Phát triển thị trường cho công nghiệp hỗ trợ

Ngày đăng: 04-09-2018, 09:00 - Lượt truy cập: 469

 (Chinhphu.vn) - Bằng cách thúc đẩy các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, thị trường cho công nghiệp hỗ trợ trong nước sẽ được duy trì và mở rộng, tạo tiền đề để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trở thành nhà cung cấp, tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm cuối cùng.


CN ho tro.jpg 

​​Theo Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương, trước tiên cần bảo đảm quy mô thị trường nội địa để phát triển công nghiệp trước khi hướng đến các thị trường xuất khẩu. Nguyên nhân chính là do năng lực các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam còn thấp, hàm lượng giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp trong nước chưa cao. Do đó, cần có các chính sách phù hợp nhằm bảo vệ thị trường nội địa, tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh để thúc đẩy phát triển sản xuất các sản phẩm công nghiệp trong nước.

Hỗ trợ doanh nghiệp “đầu tàu"

Trước hết, cần có chính sách, giải pháp quyết liệt và nhất quán tập trung hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm một số doanh nghiệp Việt Nam trong các ngành công nghiệp hạ nguồn trọng điểm như ngành ô tô, điện - điện tử, dệt may, da - giày trở thành các tập đoàn có tầm cỡ khu vực, tạo hiệu ứng lan tỏa và dẫn dắt các doanh nghiệp CNHT trong nước cùng phát triển.

Trong bối cảnh hàng rào thuế quan dần được gỡ bỏ khi Việt Nam tiến hành hội nhập thông qua các hiệp định thương mại tự do, cần xây dựng và thực thi hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong ngành công nghiệp phù hợp để bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng trong nước; tăng cường công tác kiểm tra chất lượng hàng công nghiệp nhập khẩu và sử dụng các hàng rào kỹ thuật để bảo vệ hợp lý thị trường nội địa phù hợp với các cam kết và thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, cần có các biện pháp hỗ trợ phù hợp để các doanh nghiệp công nghiệp tham gia hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Tích cực tháo gỡ các rào cản, chống các hành vi độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh. Phát triển các loại hình và phương thức kinh doanh thương mại hiện đại. Xây dựng chính sách về thuế nhập khẩu đối với linh kiện, phụ tùng nhập khẩu linh hoạt, phù hợp để giúp các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh cắt giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh so với hàng hoá nhập khẩu.

Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp hạ nguồn

Đối với ngành công nghiệp cơ khí, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ có thể hỗ trợ tạo các đơn hàng cho các sản phẩm cơ khí trọng điểm từ việc xây dựng, chế tạo cho các nhà máy nhiệt điện, các công trình giao thông đường sắt, tàu điện ngầm; chế tạo thủy công cho các công trình chống ngập mặn; chế tạo kết cấu thép xây dựng cho nhà cao tầng... Trong đó, cần tập trung ưu tiên đối với những doanh nghiệp có khả năng đáp ứng yêu cầu ở những công trình trọng điểm quốc gia để tạo những đơn hàng lớn cho phát triển ngành.

Trong ngành công nghiệp ô tô, Chính phủ có thể tập trung hỗ trợ để thúc đẩy nhanh các dự án lớn về sản xuất, lắp ráp ô tô của các doanh nghiệp lớn trong thời gian gần đây và tương lai. Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống theo hướng không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước nhằm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh của ô tô trong nước so với ô tô nhập khẩu.

Về dài hạn, có các cơ chế chính sách thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có quy mô lớn tại Việt Nam, đặc biệt tập trung vào các thương hiệu và dòng xe chưa có tại khu vực ASEAN, nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu nhất vào chuỗi sản xuất ô tô đa quốc gia và hướng tới thị trường xuất khẩu trong khu vực.

Đối với ngành dệt may, da - giày, cần tập trung đầu tư vào lĩnh vực thiết kế thời trang và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu số hóa một số khâu trong dây chuyền sản xuất. Đồng thời, chú trọng xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm nhằm phát triển hơn nữa thị trường nội địa và hướng tới thị trường ngoài nước.

Thu hút và hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực dệt nhuộm, đẩy mạnh hỗ trợ công nghệ nhuộm nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành dệt vải, từ đó nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm dệt may trong nước và khuyến khích khởi nghiệp trong lĩnh vực thời trang.

Do đặc thù dệt may (đặc biệt là dệt nhuộm), da - giày là các ngành công nghiệp dễ gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, nhà nước cần có những chính sách định hướng và hỗ trợ về công tác xử lý môi trường cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này như: Quy hoạch các vùng, khu, cụm công nghiệp chuyên ngành tại các địa phương có lực lượng lao động dồi dào, bảo đảm không gian phát triển công nghiệp hài hòa (với vị trí cách biệt các khu đông dân cư và gần các cảng nước sâu) cho các chuỗi dệt may, da - giày để phát triển cũng như thuận lợi trong việc xử lý chất thải. Các vùng công nghiệp chuyên ngành này phải có nhà máy xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, số liệu quan trắc nước thải đã xử lý phải được nối mạng với trung tâm quản lý môi trường của khu vực; tạo cơ chế thu hút các doanh nghiệp có các công nghệ xử lý nước thải tiên tiến hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may và da - giày.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp điện - điện tử kiến nghị Chính phủ xây dựng các biện pháp bảo vệ thị trường điện - điện tử tiêu dùng (như thuế phòng vệ, hàng rào kỹ thuật, chống gian lận thương mại, hàng giả và hàng nhâp lậu…), đồng thời tập trung hỗ trợ một số doanh nghiệp triển vọng của Việt Nam trong lĩnh vực điện tử nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp này phát triển, đóng vai trò dẫn dắt thị trường điện tử trong nước, đặc biệt là các sản phẩm điện - điện tử gia dụng.

Riêng đối với Samsung, doanh nghiệp kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước phối hợp chặt chẽ hơn nữa với doanh nghiệp này để hỗ trợ, xây dựng hệ thống nhà cung ứng nội địa cung cấp cho hoạt động lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh.

Một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng khác để thúc đẩy CNHT chính là phát triển các ngành công nghiệp vật liệu. Phát triển các ngành công nghiệp vật liệu sẽ giúp các ngành CNHT tự chủ được nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào nguồn hàng nhập khẩu.

Do đó, Chính phủ cần có chiến lược và chính sách tập trung ưu đãi, hỗ trợ cho việc sản xuất các vật liệu cơ bản như thép chế tạo (phục vụ cho các ngành cơ khí); nguyên phụ liệu, vải và da thuộc cho các ngành dệt may và da - giày; các sản phẩm từ hóa dầu như hạt nhựa, khuôn nhựa, cao su nhân tạo, sợi nhân tạo... để bảo đảm đầu vào cho các ngành CNHT cũng như các ngành công nghiệp hạ nguồn.


Xuân Tuyến-Chinhphu.vn

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp - Người phụ trách: ông Nguyễn Văn Lộc