Sign In

Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Gia Lai

Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành văn hóa tỉnh Gia Lai đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

Ngày đăng: 21-08-2017, 05:00 - Lượt truy cập: 2257

​Ngày 21/8/2017 UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Quyết định số 639/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành văn hóa tỉnh Gia Lai đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu là:
- Hướng mọi hoạt động văn hoá vào việc xây dựng con người phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo; tuân thủ pháp luật; có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái khoan dung, trọng nghĩa tình, lối sống văn hoá, quan hệ hài hoà trong gia đình, cộng đồng và xã hội, làm cho văn hoá trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách; gắn kết mối quan hệ giữa văn hoá và xây dựng môi trường văn hoá với vấn đề hình thành nhân cách.
- Bảo tồn và phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hoá dân tộc; phát huy mạnh mẽ tính đa dạng, bản sắc độc đáo của văn hoá các dân tộc anh em, đồng thời củng cố và nâng cao tính thống nhất trong đa dạng của văn hoá. Tập trung xây dựng những giá trị văn hoá mới, gắn với việc mở rộng và chủ động trong giao lưu, tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hoá thế giới, làm phong phú thêm văn hoá Gia Lai.
- Giải phóng mạnh mẽ năng lực và tiềm năng sáng tạo của mọi người, phát huy cao độ tính sáng tạo của trí thức, văn nghệ sĩ; đào tạo tài năng văn hoá, nghệ thuật; tạo cơ chế, chính sách và cơ sở vật chất để có nhiều sản phẩm văn hoá, nghệ thuật chất lượng. Thực hiện chủ trương của Đảng trong việc xây dựng và phát triển nền văn hoá Gia Lai tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
- Tạo mọi điều kiện nâng cao mức hưởng thụ và tham gia hoạt động, sáng tạo văn hoá của nhân dân; phấn đấu từng bước thu hẹp sự chênh lệch về hưởng thụ văn hoá, nghệ thuật giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới.
- Đi đôi với việc tăng cường đầu tư của Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động văn hoá, huy động mọi nguồn lực cho phát triển văn hoá, coi đầu tư cho văn hoá là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững, gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, làm cho văn hoá tham gia tích cực vào việc thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” của đất nước.
* Mục tiêu cụ thể đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 như sau:
Đến năm 2020
- Cấp huyện: Phấn đấu 100% trung tâm văn hóa – thông tin các huyện đạt chuẩn theo quy định. 100% cán bộ công chức hoàn thiện trình độ đại học trở lên, 60 – 70% được đào tạo về lý luận chính trị.
- Cấp xã: Trên 60% số xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hóa thể thao đạt chuẩn theo quy định. 100% cán bộ văn hóa xã được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, 60 – 70% được bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị, trong đó ưu tiên phát triển toàn diện cơ sở vật chất, trang thiết bị các nhà văn hóa thuộc các xã đăng ký hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
- Thôn, làng, tổ dân phố: Có trên 80% thôn, làng, tổ dân phố có nhà văn hóa; trong đó 40% trở lên đạt chuẩn theo quy định. Ưu tiên phát triển toàn diện cơ sở vật chất, trang thiết bị các thôn, làng thuộc các xã đăng ký hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu có trên 85% gia đình văn hóa và trên 62% thôn, làng, tổ dân phố văn hóa. 85% số xã có tủ sách.
Đến năm 2030
- Cấp huyện: Duy trì 100% trung tâm văn hóa, thông tin các huyện đạt chuẩn theo quy định. 100% cán bộ viên chức hoàn thiện trình độ đại học trở lên, 70 – 80% được đào tạo về lý luận chính trị.
- Cấp xã: Trên 70% số xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hóa thể thao đạt chuẩn theo quy định. 100% cán bộ văn hóa xã được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ và 70 – 80% được bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị.
- Thôn, làng, tổ dân phố: Có trên 90% thôn, làng, tổ dân phố có nhà văn hóa, trong đó trên 60% trở lên đạt chuẩn theo quy định. Phấn đấu có trên 90% gia đình văn hóa và trên 70% thôn, làng, tổ dân phố văn hóa. 100% số xã có tủ sách.
Để đạt được mục tiêu trên cần tập trung thực hiện các giải pháp chủ yếu, đó là:  
Giải pháp về cơ chế, chính sách
- Tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý sự nghiệp văn hóa đáp ứng phát triển sự nghiệp văn hóa trong thời kỳ mới.
- Đẩy mạnh xã hội hoá, mở rộng các hình thức tổ chức hoạt động và sở hữu lợi ích từ hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá; Trong giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030, chuyển dần các đơn vị sự nghiệp văn hoá, thể thao và du lịch thành đơn vị cung cấp dịch vụ, cung cấp các sản phẩm văn hoá, du lịch theo hướng tự chịu trách nhiệm về thu, chi tài chính. Đảm bảo cơ cấu và tỉ lệ đầu tư hợp lý trong các hoạt động xã hội hoá về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giữa nhà nước và nhân dân; giữa tỉnh, huyện và cơ sở.
- Xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển sự nghiệp văn hóa ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ưu tiên về đào tạo cán bộ văn hoá người dân tộc thiểu số; trợ cước, trợ phí phát hành xuất bản phẩm; tăng cường các chương trình phát thanh, truyền hình, chương trình tiếng dân tộc.
- Xây dựng quy chế, chế tài yêu cầu các nhà đầu tư xây dựng các khu đô thị mới phải triển khai đồng bộ xây dựng hạ tầng đảm bảo các thiết chế của ngành.
- Đảm bảo quỹ đất và phân bố quỹ đất hợp lý cho các công trình văn hóa đến năm 2020.
Giải pháp về nguồn nhân lực
- Củng cố và tăng cường bộ máy tổ chức quản lý, chuyên môn văn hóa các cấp, bảo đảm cho bộ máy này vừa hoàn thành công tác quản lý nhà nước vừa có khả năng tổ chức, thực hiện các hoạt động tại các tuyến cơ sở.
-  Xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lĩnh vực văn hóa, nhất là đội ngũ cán bộ thuộc diện quy hoạch về tư tưởng chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức lối sống.
-  Tạo điều kiện cho công chức, viên chức học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị. Có chính sách đảm bảo sự ổn định trong công tác của đội ngũ cán bộ văn hoá, nhất là cán bộ cơ sở.
- Đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng đào tạo của Trường Trung cấp Văn hoá Nghệ thuật Gia Lai, tiến tới nâng cấp thành Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Gia Lai.
- Xây dựng các chương trình đào tạo về văn hoá nghệ thuật đạt tiêu chuẩn. Đa dạng hoá các hình thức đào tạo bằng cách mở rộng các hình thức liên kết đào tạo với các cơ sở trong nước và quốc tế nhằm tăng cường số lượng và chất lượng nguồn nhân lực ngành văn hóa.
- Tiêu chuẩn hoá đội ngũ cán bộ hoạt động văn hoá thông tin cấp cơ sở, nhất là lực lượng nòng cốt của các đoàn, đội nghệ thuật, các phong trào văn hoá văn nghệ quần chúng.
- Ưu tiên đội ngũ cán bộ ngành văn hóa là người dân tộc thiểu số trong công tác đào tạo, nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ; phát hiện và sử dụng những nghệ nhân, nghệ sĩ người dân tộc thiểu số.

  Giải pháp về vốn đầu tư

- Trong quản lý và phân bổ ngân sách, đảm bảo cân đối tỉ lệ chi ngân sách hợp lý cho phát triển các lĩnh vực của ngành Văn hoá, cũng như giữa cấp huyện và cấp xã.   
- Tranh thủ các nguồn vốn chương trình mục tiêu về văn hoá của trung ương, của tỉnh và nguồn vốn huy động xã hội hoá.
- Thu hút vốn từ bên ngoài: Với quan điểm tranh thủ tối đa ngoại lực, cần tranh thủ nguồn vốn phát triển chính thức (ODA) và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
-  Từng bước tạo chuyển biến trong nhận thức của nguời dân (đặc biệt là các doanh nghiệp), khuyến khích người dân và doanh nghiệp tài trợ cho các hoạt động văn hoá, văn nghệ nhằm phát triển sự nghiệp văn hoá, thông tin tuyên truyền.

Giải pháp về đẩy mạnh xã hội hóa, phát triển văn hóa

- Xây dựng cơ chế, chính sách về xã hội hoá, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, đóng góp các nguồn lực cho hoạt động văn hóa.
- Xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức xã hội, doanh nghiệp để phát triển sự nghiệp văn hóa, khuyến khích liên doanh, liên kết giữa các thành phần kinh tế với các đơn vị công lập để khai thác, sử dụng hiệu quả các công trình văn hóa của nhà nước.
- Huy động tối đa các nguồn lực của các thành phần kinh tế đầu tư kết cấu hạ tầng các trung tâm văn hóa. Thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng, các dịch vụ văn hóa.
- Khuyến khích sự đóng góp của các ngành nhằm phát triển sự nghiệp Văn hoá, thông tin tuyên truyền, xây dựng những mô hình và phương thức liên kết.
- Phối hợp tổ chức các hoạt động văn hoá tại khu dân cư.

Giải pháp về hợp tác và nghiên cứu khoa học

Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp về hợp tác và nghiên cứu khoa học, trong đó chú trọng hợp tác nghiên cứu về bảo tồn di sản, di tích, phát huy giá trị di tích, đào tạo chuyên gia nghiên cứu để phát triển công tác bảo tồn phát huy giá trị di sản, di tích văn hóa.
Đính kèm nội dung văn bản tại đây:

UBND tỉnh

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp - Người phụ trách: ông Nguyễn Văn Lộc