Sign In

Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Gia Lai

Suối Đá đẹp như mơ

Ngày đăng: 15-12-2017, 09:00 - Lượt truy cập: 1825

Tôi không hợp với xứ nóng Ayun Pa nhưng lại thích lang thang ở vùng đất ngã ba sông xinh đẹp này. Không hiểu trên mảnh đất đầy khô khát xưa kia ai đã tìm ra và gắn cho một số địa danh  những cái tên mỹ miều: cầu Bến Mộng, Thung lũng Hồng, Chân trời tím…


Có người nói với tôi rằng, miền Cheo Reo của bộ tộc Jrai Chor tuy khô khát nhưng bù lại nó là vùng thung lũng hấp thụ phù sa của 2 con sông lớn (sông Pa và sông Ayun) nên rất màu mỡ và thịnh vượng qua nhiều đời, chứa đựng một nền văn hóa bản địa đa dạng và phong phú. Tuy sông không sâu, núi không cao nhưng là vùng khí hậu đặc thù, con người và thiên nhiên rất hòa hợp, nhiều nơi còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, chưa có bàn tay con người can thiệp nhiều.
 

Khung cảnh thơ mộng của Suối Đá.   Ảnh: internet
Khung cảnh thơ mộng của Suối Đá. Ảnh: internet

Một trong những nơi mà tôi và bạn bè ở thị xã Ayun Pa hay tổ chức những chuyến picnic vào dịp cuối tuần là Suối Đá. Suối Đá nằm hướng Tây thị xã, cách Bến Mộng khoảng 10 km, trên tỉnh lộ 668 đi Ea Hleo (tỉnh Đak Lak). Lâu rồi, có chàng trai nào đó đã khắc vào tuổi đá bài thơ, nay đã mờ theo thời gian: “Đá nghìn năm tuổi đá chờ/Suối tuôn dòng lệ, thẫn thờ gót chân/Rừng thiêng đem mối sân si/Người đi ngoảnh lại đá thì… rêu phong”. Điều đó nói lên rằng, cảnh vật nơi đây đã khắc sâu vào tâm khảm của nhiều người, ghi dấu một tình yêu thắm đượm. Cảnh sinh tình là vậy.

Những năm trước, Suối Đá dường như vắng lặng, thiếu bóng người, chỉ có dân buôn Bir gần đó thi thoảng lội rừng tìm sản vật tự nhiên hay săn bắn mới tiếp cận con suối thơ mộng này. Thời đó, tôi và nhóm bạn đã một lần mạo hiểm làm chuyến picnic nơi con suối còn đúng nghĩa hoang sơ. Những dòng nước mát trưa hè nơi Suối Đá năm ấy đã để lại cho chúng tôi ấn tượng khó quên. Từ những ngày đó, chúng tôi đã tin rằng trong tiến trình phát triển của một đô thị mới, Suối Đá sẽ trở thành một điểm đến lý tưởng trong tour du lịch xứ nóng.

Lâu rồi mới có dịp trở lại Ayun Pa. Dù đi loanh quanh đâu chăng nữa, tôi cũng lại về với Suối Đá. Phong cảnh nơi Suối Đá 1 vẫn còn nguyên sơ, không thay đổi là bao. Vẫn những bàn đá mòn nhẵn trải dài từng bậc thang về cuối hạ du và dòng suối mát rỉ rả tuôn trào, thì thầm suốt ngày đêm cùng cánh rừng khộp mới qua một mùa mưa còn xanh thẳm. Hít thở chút không khí trong lành, thăm cái vịnh nước nhỏ trong như pha lê mà chúng tôi thường tranh nhau tắm và phơi nắng. Lần này tôi lưu lại Suối Đá 2 (cách Suối Đá 1 khoảng 2 km) lâu hơn để thưởng ngoạn cùng du khách thập phương.

Tuy chưa có sự đầu tư lớn về hạ tầng cho du lịch, nhưng nơi đây đã từng bước được bàn tay con người tham gia cải tạo, từ đường đi lối lại, làm cầu treo qua suối khá hấp dẫn, cùng những căn lều lưu trú treo dưới tán cây cao trông khá bắt mắt. Những nhà đầu tư địa phương cũng biết gìn giữ môi trường tự nhiên nên không khai phá cảnh quan của rừng để tránh làm biến dạng khu sinh thái. Mới đầu mùa nắng, rừng chưa kịp thay lá, từ xa tôi đã nghe tiếng thác nước đổ ầm ào, dòng suối uốn lượn quanh những bậc đá “trơ gan cùng tuế nguyệt” trong không gian sơn thủy hữu tình làm say đắm lòng người.

Thật thanh thản và thú vị nếu trên chặng hành trình đã mỏi gối chồn chân nơi miền đất Ayun Pa huyền thoại chúng ta có thể dừng chân nơi Suối Đá. Để ngồi thưởng ngoạn dưới bóng nhà sàn trong rừng cây bạt ngàn, để được nghe tiếng suối reo, ngắm những vạt hoa rừng lả lơi và thưởng thức những thức món đặc sản của người Jrai như: gà nướng, cơm lam và cá chốt nấu măng chua… Thật tuyệt vời!

 

Bùi Quang Vinh (GLO)

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp - Người phụ trách: ông Nguyễn Văn Lộc