Sign In

Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Gia Lai

Tiềm năng vẫy gọi

Ngày đăng: 07-12-2016, 10:00 - Lượt truy cập: 1936

Với tiềm năng đa dạng về đất đai, thủy điện, khoáng sản, du lịch, hạ tầng Gia Lai xác định cho mình có 4 mục tiêu hướng đến việc thu hút đầu tư đó là chế biến nông sản, thủy điện, khoáng sản và du lịch. Đồng thời tỉnh luôn chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, bổ sung các chính sách thu hút đầu tư mới; chú trọng phát triển khu vực kinh tế tư nhân, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.


Gia Lai có độ cao trung bình 700m so với mực nước biển, có dãy Trường Sơn hùng vĩ chia thành 2 vùng Đông và Tây Trường Sơn với khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau tạo nên sự đa dạng, độc đáo của một tỉnh cao nguyên. So với cả vùng Tây Nguyên, Gia Lai chiếm 28% diện tích đất lâm nghiệp, 30% diện tích đất có rừng với hơn 700.000ha diện tích rừng tự nhiên và 38% trữ lượng gỗ. Ngoài ra, tỉnh đã quy hoạch đất đai để trồng cây nguyên liệu phục vụ sản xuất ván nhân tạo MDF và dăm gỗ xuất khẩu với diện tích hàng vạn hecta.

 Đất phục vụ sản xuất nông nghiệp ở Gia Lai có gần 500 ngàn ha, hiện mới sử dụng gần 400 ngàn ha, còn nhiều tiềm năng phát triển sản xuất nông nghiệp. Thêm vào đó, do tính chất đặc biệt của khí hậu rất thuận lợi cho việc hình thành vùng chuyên canh lớn cây trồng, vật nuôi phong phú, đa dạng, có giá trị kinh tế cao, có lợi thế cạnh tranh như cà phê, cao su, hạt điều, mía đường, bông, thuốc lá, chăn nuôi đại gia súc. Ngoài diện tích trồng lúa, các cây ngắn ngày khác như: ngô, lạc, mè, sắn, thuốc lá có thể phát triển thành vùng chuyên canh lớn, và thực tế đã có các vùng sắn, mía (An Khê), lạc (Chư Sê và Chư Prông), ngô, mía ở (Ayunpa), thuốc lá ở (Krôngpa) với quy mô hàng chục ngàn ha. 

 Tỉnh còn có hơn 50.000ha đồng cỏ để phát triển chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi đại gia súc dưới tán rừng. Điều này mở ra nhiều triển vọng phát triển với quy mô lớn để chế biến xuất khẩu và phát triển ngành công nghiệp thuộc da.

 Là vùng đất đầu nguồn của nhiều hệ thống sông lớn chảy xuống vùng duyên hải miền Trung và lưu vực sông Mêkông nên tiềm năng thủy điện của Gia Lai rất lớn với trữ lượng 10,5-11 tỷ KWh. Huyện nào trên địa bàn tỉnh cũng có khả năng phát triển thủy điện,

 Ngoài ra, nguồn khoáng sản quý và nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất vật liệu xây dựng cũng là thế mạnh của Gia Lai. Trong đó, nổi bật là vàng, bô xít và đá quý. Khoáng sản làm vật liệu xây dựng khác như đá bazan ở đèo Chư Sê, Pleiku, Chư Păh. Đá granit có trữ lượng 90,1 triệu m3. Đất sét làm gạch ngói phân bổ rộng khắp toàn tỉnh, nhưng tập trung lớn ở Ayun Pa, An Khê...

 Xuất phát từ điều kiện địa lý, Gia Lai có tiềm năng du lịch rất phong phú, vùng núi cao, có nhiều cảnh quan tự nhiên cũng như nhân tạo. Ðó là những khu rừng nguyên sinh với hệ động thực vật đa dạng, nhiều ghềnh thác, suối hồ. Bên cảnh thắng cảnh nổi tiếng Biển Hồ còn có cổng trời Mang Yang, đỉnh Hàm Rồng. Cảnh quan nhân tạo có các rừng cao su, đồi chè, cà phê bạt ngàn. Kết hợp với các tuyến đường rừng có các tuyến dã ngoại bằng thuyền trên sông, cưỡi voi xuyên rừng...

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp - Người phụ trách: ông Nguyễn Văn Lộc