Sign In

Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Gia Lai

Tổng quan và tiềm năng du lịch Gia Lai

Ngày đăng: 16-12-2010, 09:00 - Lượt truy cập: 13410

​Là một tỉnh Bắc Tây Nguyên phía Bắc giáp tỉnh Kon Tum, phía Nam giáp tỉnh Đăk Lăk, phía Đông giáp các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và phía Tây giáp Campuchia với 90 km đường biên giới Gia Lai là đầu mối giao thông quan trọng nối Tây nguyên với các tỉnh khu vực miền Trung và Đông Nam Bộ


​Diện tích tự nhiên 15.536,92 km2; dân số gần 1,3 triệu người trong đó 48% là người dân tộc thiểu số (chủ yếu là Bahnar và Jrai), khí hậu nhiệt đới gió mùa cao nguyên chia làm hai mùa rõ rệt: mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10) và mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau) đã tạo nên một vùng đất ôn hòa, mến khách.
 
Tỉnh có trục quốc lộ 14 nối với Quảng Nam và các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Trục quốc lộ 19 nối với các tỉnh duyên hải Miền Trung và đi các tỉnh Đông Bắc Campuchia, quốc lộ 25 nối với Phú Yên. TP Pleiku nằm trên ngã 3 giao lộ của quốc lộ 19, quốc lộ 14, quốc lộ 25 cách cảng Quy Nhơn 180km đường bộ, cách TP Hồ Chí Minh 541km. Quốc lộ 78A vừa hoàn thành tạo sự thông thương thuận lợi giữa Việt Nam (cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh) và nước bạn Campuchia. Trong những năm tới đây sẽ là con đường chiến lược phát triển du lịch Gia Lai.
 
Gia Lai là đầu nguồn của nhiều con sông đổ về miền duyên hải và Campuchia như sông Ba, sông Sê San và các con suối khác. Địa hình đồi núi, nhiều thác ghềnh đã mang lại cho Gia Lai rất nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú đặc biệt là những thác nước hùng vĩ như: thác Phú Cường, thác Lồ Ồ, thác Chín Tầng, thác Yama-Yang Rung…cùng những hồ nước xanh thẳm: hồ Ayun Hạ, hồ Ialy và Biển Hồ trên núi mênh mông, phẳng lặng. Đây là những điểm du lịch lý tưởng của khách thập phương. Đặc biệt thiên nhiên còn ban tặng cho Gia Lai hai khu rừng nguyên sinh KonKaKinh và KonJaRăng và đồi thông ĐăkPơ, đây là nguồn tài nguyên quý giá giúp cân bằng hệ sinh thái đồng thời thu hút du khách yêu thích loại hình du lịch sinh thái, nghiên cứu hệ động thực vật của miền nhiệt đới. Du khách còn tìm đến Gia Lai để được tham quan Thủy điện Ialy-một công trình mang tầm quốc gia, công suất đứng thứ 2 sau thủy điện Hòa Bình và là công trình thể hiện bàn tay và khối óc phi thường của con người Tây Nguyên đã chiến thắng được sức mạnh tự nhiên làm thay đổi đời sống của người bản địa, mang lại diện mạo mới cho Gia Lai.
 
Gia Lai còn được biết đến là vùng đất cổ xưa, di chỉ khảo cổ Biển Hồ là minh chứng cho quá trình hình thành, định cư lâu dài của người bản địa trên vùng đất cao nguyên hùng vĩ. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, vùng đất Gia Lai vẫn giữ cho mình nền văn hóa truyền thống đặc trưng, đa dạng thể hiện qua tôn giáo đa thần (Tô Tem), chế độ mẫu hệ của người bản địa…Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, cồng chiêng Tây Nguyên đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia, từ đó thế giới biết đến một không gian văn hóa cồng chiêng gắn bó với người dân Tây Nguyên trọn một vòng đời từ Lễ thổi tai cho đứa bé mới chào đời đến Lễ trưởng thành và kết thúc là Lễ Bỏ mả. Ngoài ra trong các lễ hội mừng lúa mới, đâm trâu.. cũng không thể thiếu tiếng cồng tiếng chiêng, những vòng xoang, ché rượu cần, ánh lửa bập bùng giữa núi rừng đại ngàn.
 
Bên cạnh cồng chiêng trong văn hóa tinh thần của người bản địa, người Bahnar còn có kho tàng sử thi đồ sộ. Đây là những bản hùng ca tráng lệ, mang cảm hứng lãng mạn trong lao động, chiến đấu và trong cuộc sống đời thường. Được phát hiện từ sau những năm 1980 nhưng từ đó đến nay kho tàng sử thi đã không ngừng được bổ sung qua quá trình sưu tầm như: Đăm Noi, Bia Brâu…Đây là niềm tự hào của người Bahnar và là cơ hội tìm hiểu, nghiên cứu cho những người say mê văn hóa, truyền thống của dân tộc này. Sử thi Bahnar vẫn còn nhiều điều bí ẩn kỳ thú đang chờ du khách đến khám phá.
 
Đến Gia Lai du khách còn được khám phá trang phục ngày hội với trang trí hoa văn nhiều màu sắc thần bí, các điệu múa dân gian với âm thanh vang vọng của các loại nhạc cụ riêng của từng dân tộc như: tù và, đàn đá…, được tham quan nhà rông, những khu nhà mồ với nhiều bức tượng người, thú, những nghi lễ còn rất hoang sơ, nguyên thủy.
 
Gia Lai có truyền thống cách mạng hào hùng, có khu Tây Sơn Thượng đạo, căn cứ của vua Quang Trung, làng kháng chiến Stơr quê hương Anh hùng Núp, nhiều địa danh chiến trường xưa của Gia Lai như: Pleime, Cheo Reo, Ja Đrăng đã đi vào lịch sử.
 
Hiện nay loại hình du lịch sinh thái kết hợp với tìm hiểu văn hóa đã và đang được khai thác hiệu quả như: tham quan, tìm hiểu văn hóa dân tộc Bahnar, Jrai (ngủ làng, văn hóa cồng chiêng, lễ hội), thăm chiến trường xưa, dã ngoại, khám phá vẻ đẹp của các danh thắng và tìm hiểu về Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai…thưởng thức đặc sản cơm lam, thịt nướng, rượu cần của người bản địa. Dạo quanh tìm mua các mặt hàng địa phương làm quà cho người thân như: cà phê, mật ong, măng khô, tiêu, thổ cẩm, đồ mỹ nghệ…
 
Mảnh đất Gia Lai anh hùng, người dân hiền hòa, mến khách luôn chào đón du khách từ khắp nơi muốn đến khám phá, yêu và quý trọng vùng đất cao nguyên nhiều nắng gió này./.

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp - Người phụ trách: ông Nguyễn Văn Lộc