Sign In

Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Gia Lai

Tuyển sinh vào đại học-cao đẳng: “Lặng lẽ” một quy định điều chỉnh

Ngày đăng: 16-07-2012, 09:00 - Lượt truy cập: 2551

(GLO)- Đến nay, về cơ bản, việc thi tuyển vào các trường đại học và cao đẳng năm nay đã hoàn tất. Công việc chấm thi và xét tuyển đang tiếp tục được triển khai. Tuy nhiên, với một quy định mới đây từ Bộ Giáo dục-Đào tạo, việc xét trúng tuyển sắp tới sẽ có một số vấn đề gây “thiệt thòi” cho học sinh dân tộc thiểu số ở nhiều tỉnh miền núi, trong đó có Gia Lai.


Trong Quy chế tuyển sinh hiện hành, có một nội dung đã được “lặng lẽ” điều chỉnh. Tuy nhiên, nếu để ý, ta sẽ thấy vấn đề này thực ra không nhỏ tí nào vì nó “đụng chạm” đến hàng chục ngàn thí sinh là người dân tộc thiểu số trong cả nước. Nội dung điều chỉnh này khá gọn ghẽ: “Không tiếp tục áp dụng quy định tại Điểm b, Điểm c, Khoản 1 Điều 33 của Quy chế tuyển sinh hiện hành”.

 images727619_1_chien.gif
Lần tìm lại Quy chế tuyển sinh hiện hành (ban hành năm 2010), chúng tôi đọc được đoạn quy định vừa được bãi bỏ này: “b) Đối với các trường đóng tại vùng dân tộc thiểu số, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng được phép lớn hơn 1,0 điểm nhưng không quá 1,5 điểm để số thí sinh trúng tuyển là người dân tộc thiểu số đạt tỷ lệ cần thiết; c) Các trường dành chỉ tiêu tuyển sinh để đào tạo theo địa chỉ sử dụng và các trường có nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho địa phương, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các khu vực được phép lớn hơn 0,5 nhưng không quá 1,0 điểm để tuyển đủ chỉ tiêu đã được giao”.


Chúng tôi hết sức băn khoăn, thậm chí là lo lắng về vấn đề này. Theo quy định, Gia Lai là tỉnh vùng cao, đa số các trường THPT đứng chân trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số. Nhờ đó mà lâu nay học sinh trong tỉnh, đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số được hưởng một số ưu tiên nhất định về điểm trúng tuyển.

Như vậy, vấn đề trên sẽ được hiểu như thế nào? Dưới đây là đoạn tiếp theo của văn bản này: “Bổ sung quy định về chính sách ưu tiên đối với thí sinh là người dân tộc thiểu số, thí sinh có hộ khẩu thường trú tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27-12-2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo như sau: Thí sinh là người dân tộc thiểu số, thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển tại các huyện nghèo theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27-12-2008 của Chính phủ, nếu học 3 năm cuối cấp và tốt nghiệp trung học phổ thông tại các huyện này, thì Hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định xét tuyển cho vào học. Những thí sinh này, sau khi nhập học, được học bổ sung kiến thức 1 năm học, trước khi vào học chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do Hiệu trưởng các trường quy định”.

Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên, vì đây toàn là những vấn đề không nhỏ tí nào, nhưng có lẽ chưa hề được bàn bạc thấu đáo, ít nhất là những “dự lệnh” cần thiết. Chẳng hạn, quy định: Những thí sinh này, sau khi nhập học, được học bổ sung kiến thức 1 năm học, trước khi vào học chính thức. Như vậy có nghĩa là, việc học theo kiểu 1 năm dự bị này, ngoài hệ thống trường dự bị đại học, Bộ còn chính thức giao cho các trường đại học-cao đẳng “gánh” bớt một phần chăng? Hơn nữa, trong danh sách 62 huyện nghèo theo Nghị quyết này, cả Tây Nguyên chỉ có 3 huyện, không có huyện nào của Gia Lai. Tóm lại, với việc điều chỉnh này, một số học sinh dân tộc thiểu số không thuộc 62 huyện nghèo nêu trên sẽ bị “mất” đi 1,5 điểm ưu tiên trong quá trình xét tuyển.

 

Trịnh Đào Chiến-GLO

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp - Người phụ trách: ông Nguyễn Văn Lộc