Sign In

Cổng thông tin điện tử

UBND tỉnh Gia Lai

XÂY DỰNG MÔ HÌNH NUÔI CÁ LỒNG BÈ TẠI HỒ KANAK, HUYỆN KBANG, TỈNH GIA LAI

Ngày đăng: 06-10-2016, 05:00

​   


I.     THÔNG TIN CHUNG

-         Cơ quan chủ trì: Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Kbang

-         Họ tên chủ nhiệm đề tài: Võ Tấn Hưng

-         Học hàm, học vị: Kỹ sư kinh tế công nghiệp

-         Chức vụ hiện thời: Trưởng phòng

-         Địa chỉ liên lạc: 74 - Trần Hưng Đạo, thị trấn Kbang, tỉnh Gia Lai

-         Thời gian thực hiện đề tài: 2011-2012

-         Ngày nghiệm thu: Năm 2014

-         Kết quả nghiệm thu: Khá

II.  TÓM TẮT DỰ ÁN

1.  Sự cần thiết phải thực hiện dự án

Nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt ở nước ta là một nghề phát triển khá sớm và đến nay nghề nuôi thuỷ sản nước ngọt đã mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho người dân, ngoài việc cung cấp thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, nó còn tận dụng được diện tích mặt nước sẵn có, tạo nên việc làm, tăng thu nhập, đồng thời còn xuất khẩu thu về nguồn ngoại tệ, góp phần phát triển kinh tế và xoá đói giảm nghèo.

Kbang là huyện nằm phía Đông Bắc tỉnh Gia Lai có nhiều điều kiện để phát triển nuôi trồng thuỷ sản. Tuy nhiên sự phát triển đó chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có, chưa được đầu tư thoả đáng... nên hiệu quả kinh tế chưa cao.

Trước tình hình đó, trong khuôn khổ dự án Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh Sở Khoa học và Công nghệ đã tạo điều kiện phân bổ kinh phí cho phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Kbang thực hiện dự án: “Xây dựng mô hình nuôi cá lồng bè tại hồ Kanak, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai”.

2.  Mục tiêu nghiên cứu

-        Nuôi 20 lồng, trong đó: 13 lồng cá Điêu hồng, 7 lồng cá Rô phi.

Trong đó: Năm 2011: 05 lồng,

Năm 2012: 15 lồng,

Và chuyển 5 lồng năm 2011 nuôi cá Điêu hồng, cá Rô phi sang năm 2012 nuôi cá đặc sản khác (cá lóc, cá trê phi, cá bống tượng...).

-        Đào tạo 10 kỹ thuật viên chuyên sâu về kỹ thuật nuôi cá lồng.

-        Tổ chức tập huấn kỹ thuật cho 100 lượt hộ nông dân, ngư dân trong vùng dự án.

-        Tạo điều kiện để người dân tiếp cận với công nghệ mới về phát triển nghề nuôi cá lồng bè và áp dụng vào sản xuất.

-        Tạo sản phẩm hàng hóa phục vụ nhu cầu cho người tiêu dùng trên địa bàn huyện và các địa phương lân cận.

-        Tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng dự án.

-        Góp phần bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, lòng hồ, trật tự an toàn xã hội.

3.  Đối tượng, phương pháp nghiên cứu

3.1.  Đối tượng

Đối tượng nghiên cứu chính của đề tài bao gồm: Diễn biến khí hậu của tỉnh Gia Lai trong vòng 30 năm qua; các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra trên địa bàn tỉnh; các hoạt động sản xuất của ngành Nông nghiệp.

3.2.  Phương pháp

Các phương pháp nghiên cứu bao gồm: Phương pháp thu thập số liệu; điều tra, khảo sát thực địa; điều tra, tham vấn ý kiến cộng đồng; phân tích, xử lý và đánh giá tổng hợp số liệu; dự báo ngoại suy xu hướng bằng hồi quy tuyến tính; xây dựng bản đồ và GIS; phương pháp chuyên gia, so sánh.

4.  Nội dung

4.1.  Quy mô, địa điểm và thời gian thực hiện dự án Quy mô:

Tổng số lồng nuôi là: 20 lồng, thể tích nuôi 60m3/lồng.

+ Trong năm 2011: (nuôi ở gần chân đập hồ thuỷ điện Kanak) với 5 lồng, 3 lồng Điêu hồng và 2 lồng cá Rô phi. Sau khi tiến hành thu họach cá đợt 1 thì vệ sinh lồng lưới tiếp tục vụ 2, bổ sung thêm các đối tượng nuôi mới là cá Lóc, cá Trê phi, cá Bống tượng.

Số lượng cá giống thả theo kế hoạch: 240 kg, trong đó: 84 kg cá Rô phi và 156 kg cá Điêu hồng, cỡ giống thả 80 - 100 con/kg. Số lượng thả bù là 76 kg (sau khi bị hao hụt do tỉ lệ sống sau khi thả lần đầu tiên là 69%.). Như vậy, năm 2011 đã thả khoảng 11.000 con cá Rô phi và 16.000 con cá Điêu hồng.

Thời gian nuôi đợt 1: tháng 6/2011 đến tháng 11/2011

+ Trong năm 2012: (8 lồng nuôi ở gần chân đập thuỷ điện, 7 lồng nuôi ở lòng hồ thuộc xã Đak Smar). Nuôi mới 15 lồng, với 10 lồng Điêu hồng, 5 lồng Rô phi.

Năm 2012 cá giống thả 960 kg, trong đó cá giống dự án đầu tư: 720 kg, gồm: 480 kg cá Điêu hồng và 240 kg cá Rô phi tương đương khoảng 39.000 con cá Điêu hồng và 18.500 con cá Rô phi với kích cỡ thả giống 80 - 90 con/kg; Số cá hộ dân đầu tư: 240kg.

Thời gian: Tháng 03/2012 đến tháng 8/2012

Sau khi tiến hành thu hoạch cá đợt 1 năm 2012 thì vệ sinh lồng lưới và tổ chức nuôi cá đợt 2 với các đối tượng nuôi thêm là cá Trê phi, cá Lóc...

Như vậy trong năm 2012 có 20 lồng (5 lồng năm 2011 chuyển sang, 15 lồng tổ chức nuôi mới), trong đó có 5 lồng nuôi bổ sung các loại cá khác (cá Lóc, cá trê phi, cá bống tượng...).

Thời gian nuôi từ tháng 9/2012 đến tháng 3/2013.

4.2. Các biện pháp kỹ thuật:

-  Quy cách lồng: Khung lồng 6 x 6m, chia làm 02 ô lồng, mỗi ô lồng có kích thước 6 x 2,5 x 2,5m, lối giữa các ô cách nhau 0,4m để lát ván tạo lối đi, xung quanh ghép thùng phuy nhựa cho khung lồng nổi lên 0,3-0,5m từ mặt nước nhằm tránh cá nhảy (quy cách có thay đổi so với ban đầu 4 x 6,6m, chia làm 02 ô lồng, mỗi ô lồng có kích thước 4*3*2,5m). Lồng lưới có chiều sâu 2,5m, có 2 lớp lưới. Dung tích hữu ích là 30m3/lồng. Vật liệu làm lồng: Khung bằng ống tuýp sắt ф 42 - 49 cm, Thùng phuy nhựa làm phao, lưới cá 2 lớp. Các vật liệu làm dây neo, bu long, ván lát,... Các lồng bè liên kết lại với nhau thành hệ thống bè gồm 2 dãy lồng song song với nhau sao cho diện tích lồng tiếp xúc với mặt thoáng dòng chảy cao nhất.

-  Trước khi thả cá giống, ngâm lưới với clorua vôi để diệt khuẩn sau đó mắc lưới vào khung lồng chắc chắn.

-  Chọn cá giống thả:

Cá Rô phi: Cá rô phi dòng GIFT, khối lượng từ 10 - 15 g/con, mật độ là 80 con/m3.

Cá Điêu hồng: Khối lượng từ 10 - 15 g/con, mật là 80 con/m3.

Các tiêu chuẩn khác của cá giống theo tiêu chuẩn cá giống Việt Nam. Cá giống trước khi thả vào lồng nuôi cần được khử trùng bằng cách tắm trong nước muối 2 - 3% từ 10 - 15 phút. Ngoài ra, trước khi thả cá, yêu cầu về việc cân bằng môi trường trong túi chứa cá giống và ao nuôi được thực hiện chặt chẽ để tránh tình trạng cá bị sốc nhiệt khi mới thả xuống.

-  Sau 1 - 2 tháng nuôi, tiến hành phân cỡ cá để tránh hiện tượng phân đàn rõ rệt ảnh hưởng đến tăng trưởng của cá.

4.3. Thức ăn cho cá Rô phi và Điêu hồng

Thức ăn dùng để nuôi cá Rô phi lồng bè là thức ăn công nghiệp kết hợp với thức ăn tự chế biến (bột cá, cám gạo, bột bắp). Giai đoạn đầu cho ăn thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm từ 25 - 28% cho cá sinh trưởng nhanh, tăng khả năng thích nghi với điều kiện môi trường. Giai đoạn cá có khối lượng từ 200g/con trở lên có thể cho cá ăn thức ăn công nghiệp kết hợp với thức ăn tự chế biến, nhưng vẫn đảm bảo hàm lượng đạm lớn hơn 20%. Lượng thức ăn được điều chỉnh theo khối lượng của cá. Khi còn nhỏ lượng thức ăn chiếm 5 - 7% khối lượng cá, khi cá lớn cho ăn khoảng 2 - 3%. Cho ăn chia ra từ 3 - 4 lần/ngày. Thường xuyên quan sát thức ăn thừa để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.

* Thức ăn:

Cá nuôi được cho ăn chủ yếu là thức ăn công nghiệp, giá thức ăn nguyên liệu đầu vào ngày càng tăng, dẫn đến giá thành sản phẩm cao. Giải pháp để hạn chế giá thành thức ăn nguyên liệu đầu vào là nông dân tự sản xuất thức ăn từ nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương từ nguồn cá tạp khai thác từ hồ, bột bắp, bột sắn, lúa...

Đối với việc sản xuất thức ăn tại chỗ cho cá: Cơ quan chủ trì đã tổ chức 3 nhóm sản xuất thức ăn tại chỗ cho cá: Thị trấn Kbang 2 nhóm, xã Đăk Smar 1 nhóm.

1.Công thức thức ăn cho giai đoạn cá cỡ từ 5 - 20 g/con (30-32% protein)

T393-1.png

2.  Công thức thức ăn cho giai đoạn cá cỡ từ 20 - 100 g/con (25 - 26% protein)

T393-2.png

3.  Công thức thức ăn cho giai đoạn cá cỡ >100 g/con (20 - 22% protein)

T393-3.png

Nguyên liệu cho sản xuất thức ăn bao gồm bột cá (khoảng 60% protein), bột ngô (bắp)/cám gạo (khoảng 8% protein), bột mì (15% protein), bột gòn và các chất bổ sung khác. Trong các thành phần nguyên liệu, bột mì còn có thêm chức năng làm chất kết dính, bột gòn vừa có chức năng là chất kết dính và có chức năng làm nổi viên thức ăn.

Các nguyên liệu có thể ở dạng thô (hạt, lát,...) hoặc đã được xay thành bột. Tuy nhiên trong quá trình sản xuất thức ăn theo từng giai đoạn phát triển khác nhau của cá thì đòi hỏi mức độ mịn của bột nguyên liệu khác nhau. Do đó, trước khi đưa vào phối trộn nguyên liệu thì cần thiết phải nghiền các nguyên liệu thành dạng bột có độ mịn phù hợp với loại thức ăn cần sản xuất. Các nguyên liệu phải khô, không được ẩm ướt. Máy xay nghiền nguyên liệu trong quy trình này có độ mịn của nguyên liệu sau khi xay từ 0.1-1.0 mm, nhờ có các cỡ lổ lưới xay khác nhau có thể thay đổi được.

Sau khi nguyên liệu đã được chuẩn bị sẵn sàng, tiến hành phối trộn nguyên liệu để đưa vào máy ép viên. Thành phần và tỷ lệ nguyên liệu phối trộn theo các công thức thức ăn nêu ở bảng 1,2,3 ứng với giai đoạn phát triển của cá nuôi.

Thao tác phối trộn nguyên liệu được tiến hành bằng các thao tác thủ công, sao cho đảm bảo các thành phần nguyên liệu được trộn đều trong khối hỗn hợp thức ăn trước khi đưa vào máy ép viên.

Việc phối trộn nguyên liệu tiến hành theo thứ tự, từ các nguyên liệu cung cấp nguồn protein chính của thức ăn và có tỷ lệ lớn trong hỗn hợp thức ăn (bột cá, cám gạo/bột bắp, bột mì), sau đó đến các chất phụ gia và chất bổ sung (bột gòn, vitamin, khoáng), và cuối cùng là dầu cá.

Sau khi nguyên liệu đã được phối trộn, tiến hành đưa nguyên liệu vào máy ép viên để ép thức ăn ra thành các viên thức ăn. Kích cỡ viên thức ăn có thể thay đổi cho phù hợp với cỡ mồi theo từng giai đoạn phát triển của cá nuôi bằng cách thay đổi khuôn ép viên có kích cỡ tương ứng.

Kích cỡ viên thức ăn đối với từng giai đoạn phát triển của cá nuôi:'

T393-4.png

Giá thành sản xuất thức ăn tại chỗ cho cá từ 8.000- 9.000 đồng/kg giảm từ 4.000-

4.500 đ/kg thức ăn phải đi mua ngoài thị trường.

5. Một số kết quả

Dự án: “Xây dựng mô hình nuôi cá lồng bè tại hồ Kanak, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai” được sự quan tâm giúp đỡ của Sở ngành, Uỷ ban nhân dân huyện đã chỉ đạo thực hiện dự án hỗ trợ mô hình áp dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản phù hợp với điều kiện và trình độ của nhân dân tại huyện Kbang, tỉnh Gia Lai nên đã có những biến chuyển rõ rệt. Tạo ngành nghề mới có thu nhập tương đối ổn định cho nhân dân trong huyện, tận dụng được nguồn lợi về mặt nước tại lòng hồ thuỷ điện Kanak, tạo ra nguồn thực phẩm tươi phục vụ nhân dân trên địa bàn huyện và bán ra các vùng lân cận.

 Dự án đã xây dựng được 04 quy trình:

-  Quy trình nuôi cá Rô phi thương phẩm bằng phương pháp nuôi lồng.

-  Quy trình nuôi cá Điêu hồng thương phẩm bằng phương pháp nuôi lồng.

-  Quy trình phòng và chống dịch bệnh.

-  Quy trình quản lý môi trường nuôi.

Các quy trình nêu trên đảm bảo chính xác, khoa học, đạt các thông số kỹ thuật phù hợp với điều kiện nuôi cá lồng bè tại hồ Kanak nói riêng và trên các hồ thuỷ lợi, thuỷ điện trên địa bàn huyện Kbang nói chung.

Qua quá trình tổng kết đánh giá, dự án có hiệu quả về cả mặt kinh tế, xã hội và môi trường.

6. Hiệu quả mang lại từ dự án * Hiệu quả về kinh tế:

-  Sản lượng sản phẩm cá tươi: 79,12 tấn (năm 2012: 70,48 tấn)

-  Doanh thu trong 02 năm 2.373,6 triệu đồng

-  Thời gian thu hồi vốn: 2 năm

-  Thu nhập bình quân: 24 triệu đồng/người/năm

-  Tạo ra sản phẩm hàng hoá tươi sống cung cấp cho ngưòi tiêu dùng trên địa bàn huyện.

* Hiệu quả về xã hội và môi trường

-        Tạo ra ngành nghề mới, giải quyết việc làm cho các hộ thuộc diện bị thu hồi đất làm dự án thuỷ điện, không còn hoặc ít đất sản xuất.

-        Tạo chỗ việc làm cho 20 lao động, tăng thu nhập góp phần giảm nghèo bền vững.

-        Khai thác có hiệu quả tiềm năng về hồ chứa trên địa bàn huyện.

-        Góp phần bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, lòng hồ, trật tự an toàn xã hội.

* Khả năng duy trì và nhân rộng kết quả của dự án

Sau khi tổng kết dự án, Uỷ ban nhân dân huyện sẽ tiếp tục triển khai thực hiện quy hoạch phát triển nuôi trồng kết hợp với chế biến thuỷ sản trên địa bàn huyện, trong đó sẽ nhân rộng mô hình nuôi cá lồng bè trên hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện, cụ thể:

-  Nuôi cá đặc sản lồng bè trong Hồ chứa thuỷ điện Kanak, Hồ B, Hồ C - Vĩnh Sơn, Hồ thuỷ lợi Sơ Pai,..., như cá Rô phi, Điêu hồng, cá Tầm, cá Trê phi, cá Lóc, cá Chình, cá Lăng,...

-  Tổ chức dịch vụ ương nuôi cá giống, chế biến thức ăn chăn nuôi thuỷ sản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm thuỷ sản,...

-  Xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng và dịch vụ nuôi trồng thuỷ sản;

-  Đào tạo nâng cao trình độ về quản lý và kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản cho cán bộ quản lý thuỷ sản cấp huyện, xã và người nuôi cá trên địa bàn huyện.

-  Kêu gọi các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đầu tư thành lập các doanh nghiệp, tổ hợp tác nuôi trồng thuỷ sản. Xây dựng nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi thủy sản; Tổ chức thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm thuỷ sản.

-  Đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ và kỹ thuật về nuôi trồng thuỷ sản vào trong sản xuất thủy sản đạt hiệu quả kinh tế cao và bền vững.

 

Sở KHCN

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp - Người phụ trách: ông Nguyễn Văn Lộc