Sign In

Cổng thông tin điện tử

UBND tỉnh Gia Lai

​ĐÁNH GIÁ MỘT SỐ BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG 3 LOẠI GIUN TRUYỀN QUAĐẤT Ở HỌC SINH CẤP TIỂU HỌC VÀ TRUNG HỌC CƠ SỞ CỦA 2 CỘNG ĐỒNG DÂN TỘC THIỂU SỐ JRAI VÀ BAHNAR, TỈNH GIA LAI

Ngày đăng: 24-10-2016, 05:00

​    



I. THÔNG TIN CHUNG

Cơ quan chủ trì: Trung tâm công nghệ sinh học trường Đại Học Tây Nguyên.

Họ tên chủ nhiệm đề tài: Thân Trọng Quang

Học hàm, học vị: BS. Chuyên khoa cấp I - ThS - TS. Ký sinh trùng.

Chức vụ hiện thời: Chủ nhiệm bộ môn Ký sinh trùng

Địa chỉ liên lạc: Bộ môn Ký sinh trùng, khoa Y Dược trường Đại học Tây Nguyên 567 Lê Duẩn, TP. Buôn Ma Thuột tỉnh Đak Lak.

Thời gian thực hiện đề tài, dự án: 2006-2008

Ngày nghiệm thu: 22/7/2008

Kết quả nghiệm thu: Khá

II. TÓM TẮT ĐỀ TÀI

1 Sự cần thiết phải thực hiện đề tài

Đề tài: “Đánh giá một số biện pháp phòng chống 3 loại giun truyền qua đất ở học sinh cấp tiểu học và THCS của 2 cộng đồng dân tộc thiểu số Jrai và Bahnar, tỉnh Gia Lai” là thiết thực vì:

Nhiễm giun truyền qua đất (Soil-transmitted-helminth infections) là một loại ký sinh trùng có 3 loại giun chủ yếu ở người, đó là giun đũa, giun tóc và giun móc.

Đây là bệnh rất phổ biến, theo tổ chức Y tế Thế giới ước tính mỗi năm trên toàn thế giới có 130 quốc gia và khoảng 2 tỷ người nhiễm giun truyền qua đất, 135.000 người chết và 800 triệu học sinh bị nhiễm.

Hàng năm trên thế giới được ước tính về nhiễm giun đũa ký sinh trong cơ thể người trung bình có thể chiếm khoảng 28.616 tấn gạo, 31,8 tấn thịt và mất 27.798.400 lít máu do giun móc, 1.461.460 lít máu do giun tóc gây ra.

Ở Việt Nam tỷ lệ GTQĐ cao có liên quan chặt chẽ đến sự đói nghèo, vệ sinh môi trường kém và dịch vụ y tế thiếu thốn. Toàn quốc có khoảng 60 triệu người nhiễm giun đũa, 40 triệu người nhiễm giun tóc, 20 triệu người nhiễm giun móc. Theo Viện Sốt rét - Ký sinh trùng- Côn trùng (SR-KST-CT) Trung ương ước tính ở Việt Nam, cứ 10 người thì tới 7 - 8 người có mang giun, sán trong bụng. Nguyên nhân do ký sinh trùng có trong rau là rất cao: 97,12% (101 mẫu); trong đó, ấu trùng giun được phát hiện trên rau sống chiếm tỉ lệ cao nhất (78,8%), trứng giun móc (25%); trứng giun đũa (23,1%). Có 4 loại rau phát hiện nhiễm ký sinh trùng đến 100% là: Rau xà lách xoong, rau đắng, rau tần ô và rau má; các loại rau còn lại có tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng là 92,3%.

Gia Lai là một tỉnh nằm ở phía Bắc Tây nguyên, có 2 vùng đông và tây Trường Sơn với khí hậu nhiệt đới gió mùa cao nguyên, một năm chia làm hai mùa rõ rệt đó là mùa mưa bắt đầu từ tháng 5, kết thúc vào tháng 10 và mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ của tỉnh Gia Lai trung bình hàng năm từ 210 đến 250C; lượng mưa trung bình năm của tỉnh từ 2.200 - 2.500 mm; đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng, những điều kiện vệ sinh môi trường kém ở trong dân cư nông thôn rất thuận lợi cho GTQĐ phát triển ở ngoại cảnh và sự lây nhiễm giun.

Địa bàn tỉnh Gia Lai có hai dân tộc thiểu số Bahnar và Jrai đây là dân tộc chiếm đại đa số sống lâu đời nhất của tỉnh Gia Lai.

Chúng tôi đã chọn trường học là đơn vị để nghiên cứu vì:

-  Học sinh thường có tỷ lệ nhiễm GTQĐ rất cao.

-  Học sinh là tương lai của đất nước; vì sự phát triển toàn diện của học sinh.

-  Tập trung điều trị cho trẻ em tuổi học đường có thể làm giảm tỷ lệ, cường độ nhiễm của số người còn lại trong cộng đồng mà không cần phải điều trị.

-  Học sinh có mặt tại trường nhiều ngày, học sinh phân bổ đều khắp buôn làng hơn.

-  Các chương trình Y tế thông qua nhà trường có khả năng lồng ghép tốt hơn, trường học dễ dàng thực hiện chương trình giáo dục sức khỏe, với mục đích cố gắng thay đổi tập quán không những một thế hệ mà còn có tác dụng lâu dài qua nhiều thế hệ liên tiếp để giảm tác hại, thậm chí còn ngăn chặn sự lan tràn bệnh.

-  Thực hiện đề tài này sẽ làm giảm tỷ lệ nhiễm, giảm tác hại do giun ở học sinh bị nhiễm, ngoài ra giảm số người thải mầm bệnh ra ngoài môi trường đất trong cộng đồng.

-  Bên cạnh đó biết rõ kiến thức, thái độ và thực hành của học sinh dân tộc Bahnar và Jrai ở nơi nghiên cứu; từ đó sẽ có cơ sở bổ sung thêm kiến thức, thái độ cho học sinh.

2. Mục tiêu nghiên cứu của đề tài:

Thực hiện đề tài này với các mục tiêu sau:

1.                       Xác định tỷ lệ và cường độ nhiễm giun truyền qua đất ở học sinh cấp Tiểu học và THCS xã Glar và xã Hà Bầu.

2.                       Xác định một số nguyên nhân làm tăng tỷ lệ và cường độ nhiễm giun truyền qua đất ở học sinh dân tộc tại xã Glar và xã Hà Bầu.

3.                       Đánh giá hiệu quả điều trị đặc hiệu và truyền thông giáo dục sức khoẻ ở học sinh dân tộc tại xã Glar và xã Hà Bầu.

3.  Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

3.1.                      Đối tượng: Tỉnh Gia Lai hiện có 14 huyện, chúng tôi tiến hành chọn ngẫu nhiên một huyện đó là huyện Đăk Đoa. Tại huyện Đăk Đoa có 16 xã, chọn ngẫu nhiên hai xã nghiên cứu đó là xã Hà Bầu và xã Glar.

Xã Hà Bầu: Tổng số dân 5.830 người, trong đó dân tộc Jrai có 5.326 khẩu, chiếm tỉ lệ 91,36 %, còn lại các dân tộc khác chiếm tỉ lệ rất thấp 8,64 %, có 94 hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh (Kinh 478 người, Bahnar 15 và dân tộc khác 11 người). Học sinh tiểu học 770 em, trung học cơ sở 425 em; hiện tại hai trường này có nhà tiêu, nhưng đến nay đã hỏng và không được sử dụng.

Xã Glar: Tổng dân số 9.094 nhân khẩu, dân tộc Bahnar 8.684 người chiếm tỉ lệ 95,49 %, ngoài ra các dân tộc khác chỉ chiếm 4,51 % (Kinh 378, Jrai 20, dân tộc khác 12 người), chỉ có 165 hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh. Tại xã Glar có học sinh tiểu học 1.008 em và trung học cơ sở 647 em, hiện tại hai trường này có nhà tiêu, nhưng đến nay đã hỏng và không được sử dụng.

3.2.                      Phương pháp

- Nghiên cứu ngang mô tả về nhiễm giun truyền qua đất  Đối tượng nghiên cứu: Học sinh trong các trường đã chọn.

Tiêu chuẩn chọn:

+ Học sinh tiểu học của các lớp 1, 2, 3, 4 và học sinh trung học cơ sở từ lớp 6, 7, 8.

+ Học sinh không bị bệnh cấp hoặc mạn tính.

+ Học sinh chưa dùng bất kỳ thuốc tẩy giun nào trước đó 6 tháng.

+ Cha mẹ và học sinh đều đồng ý tham gia nghiên cứu.

+ Là học sinh dân tộc bản địa.

Tiêu chuẩn loại trừ:

+ Học sinh Tiểu học của lớp 5 và học sinh Trung học cơ sở của lớp 9.

+ Học sinh đang bị bệnh cấp hoặc mạn tính.

+ Học sinh đã dùng một loại thuốc tẩy giun trước đó 6 tháng.

+ Cha mẹ và học sinh không đồng ý tham gia nghiên cứu.

+ Không phải là học sinh bản địa.

Thiết kế nghiên cứu: Điều tra cắt ngang mô tả.

 Cỡ mẫu là 384 học sinh, để tránh sai số một số học sinh bỏ cuộc chúng tôi cộng thêm khoảng 5%, vậy cỡ mẫu là 400 học sinh. Tổng số học sinh cần xét nghiệm là: 400 học sinh x 2 xã = 800 học sinh.

Kỹ thuật xét nghiệm: Xét nghiệm phân theo kỹ thuật Kato-Katz của Tổ chức Y tế Thế giới.

Nghiên cứu can thiệp

- Nghiên cứu can thiệp bằng điều trị thuốc xổ giun (mebendazole)

Đối tượng là học sinh.

Tiêu chuẩn chọn:

+ Học sinh tiểu học của các lớp 1, 2, 3, 4 và học sinh trung học cơ sở từ lớp 6, 7, 8.

+ Học sinh không bị bệnh cấp hoặc mạn tính.

+ Học sinh chưa dùng bất kỳ thuốc tẩy giun nào trước đó 6 tháng.

+ Cha mẹ và học sinh đều đồng ý tham gia nghiên cứu.

+ Phải tham gia đến khi đề tài kết thúc.

+ Học sinh dân tộc bản địa.

Tiêu chuẩn loại trừ:

+ Học sinh Tiểu học của lớp 5 và học sinh Trung học cơ sở của lớp 9.

+ Học sinh đang bị bệnh cấp hoặc mạn tính.

+ Học sinh đã dùng một loại thuốc tẩy giun trước đó 6 tháng.

+ Cha mẹ và học sinh không đồng ý tham gia nghiên cứu.

+ Không tham gia đến khi đề tài kết thúc.

+ Không phải học sinh bản địa.

Các bước tiến hành nghiên cứu:

+ Điều tra đánh giá trước can thiệp;

+ Tiến hành can thiệp, điều trị hàng loạt cho học sinh bằng Mebendazole 500mg liều duy nhất.

- Nghiên cứu can thiệp bằng tuyên truyền phòng chống nhiễm giun

Thiết kế nghiên cứu: Phương pháp nghiên cứu can thiệp.

Đối tượng: Tất cả học sinh trường trung học cơ sở ở hai xã nghiên cứu. Học sinh được lập danh sách và mời vào tham dự nghiên cứu sau khi được giải thích rõ mục đích của đề tài. Những học sinh đồng ý sẽ được lập danh sách và phỏng vấn trực tiếp bằng một bộ câu hỏi phỏng vấn về “Kiến thức - Thái độ - Thực hành phòng chống giun truyền qua đất”. Phải đáp ứng các tiêu chí sau:

Tiêu chuẩn chọn:

+ Tất cả học sinh Trung học cơ sở từ lớp 6, 7, 8;

+ Phải là học sinh chính thức.

+ Học sinh đồng ý tham gia nghiên cứu.

+ Phải tham gia đến khi đề tài kết thúc.

+ Học sinh bản địa.

Tiêu chuẩn loại trừ:

+ Tất cả học sinh Trung học cơ sở của lớp 9.

+ Không phải là học sinh chính thức.

+ Học sinh không đồng ý tham gia nghiên cứu.

+ Không tham gia đến khi đề tài kết thúc (như học sinh lớp 9).

+ Không phải học sinh bản địa.

Các bước tiến hành nghiên cứu can thiệp

+ Đánh giá trước khi can thiệp: Được phỏng vấn trực tiếp bằng bộ phỏng vấn KAP, dạng đóng soạn sẵn.

+ Tiến hành can thiệp: Thực hiện truyền thông cho học sinh bằng các buổi nói chuyện trực tiếp, truyền thông qua giáo viên chủ nhiệm, truyền thông bằng tờ rơi, bằng poster, tham quan các công trình vệ sinh của trường và buôn làng 3 đợt (10/2006; 03/2007 và 9/2007) + Đánh giá sau can thiệp: Tiến hành sau một năm bằng một bộ câu hỏi phỏng vấn về “Kiến thức - Thái độ - Thực hành phòng chống giun truyền qua đất” qua bộ câu hỏi dạng đóng soạn sẵn.

Nghiên cứu can thiệp về sử dụng nhà vệ sinh của hai xã

Để có cơ sở chọn mỗi xã ra 20 hộ gia đình để làm nhà vệ sinh mẫu. Sau khi điều tra thực trạng nhà vệ sinh của hộ gia đình, chúng tôi tiến hành mời các chủ hộ gia đình cùng trưởng làng, cộng tác viên y tế làng, cán bộ Y tế xã và UBND xã họp tại hội trường UBND xã để nghe giải thích rõ mục đích của đề tài và lập danh sách các hộ làm nhà vệ sinh, với tiêu chí sau:

Tiêu chí chọn

+ Hộ gia đình thuộc dân tộc tại chỗ địa bàn nghiên cứu.

+ Chủ hộ đồng ý tham gia xây dựng nhà vệ sinh.

+ Chấp nhận che chắn xung quanh và mái nhà vệ sinh phù hợp khả năng gia đình.

+ Đồng ý tham gia tuyên truyền về lợi ích, cách sử dụng nhà vệ sinh cho người thân trong dòng họ và người hàng xóm.

Tiêu chí loại trừ

+ Hộ gia đình không thuộc dân tộc tại chỗ ở địa bàn nghiên cứu,

+ Chủ hộ không đồng ý tham gia xây dựng nhà vệ sinh

+ Gia đình không có khả năng làm che chắn xung quanh và mái nhà vệ sinh.

+ Không chấp nhận tham gia tuyên truyền về lợi ích, cách sử dụng nhà vệ sinh cho người thân trong dòng họ và người hàng xóm.

2.4. Vấn đề đạo đức trong nghiên cứu

-  Các số liệu chỉ nhằm mục đích phục vụ cho nghiên cứu các kết quả nghiên cứu, ý kiến đề xuất được sử dụng vào mục đích phục vụ sức khoẻ học sinh ngoài ra không cho mục đích nào khác.

-  Đối tượng nghiên cứu được biết trước về mục đích yêu cầu của đề tài, sẵn sàng và tự nguyện tham gia và hợp tác vào nghiên cứu. Những đối tượng từ chối không hợp tác sẽ không đưa vào đối tượng nghiên cứu.

-  Tất cả học sinh nhiễm giun đều được điều trị đặc hiệu tẩy giun và tư vấn phòng bệnh.

4.  Kết quả nghiên cứu chính

4.1. Thực trạng tỷ lệ nhiễm giun và một số yếu tố nguy cơ nhiễm giun

Tỷ lệ nhiễm ở học sinh nơi nghiên cứu khá cao 77,86 %, trong đó tỷ lệ nhiễm giun

đũa chiếm cao nhất 60,70%, nhiễm giun móc 30,47% và tỷ lệ thấp nhất là giun tóc chỉ có 2,86%, sự khác biệt về các loại giun này có ý nghĩa thống kê, với p<0,05. Tỷ lệ đơn nhiễm là 61,82% và đa nhiễm là 20,61%.

Bảng 3.1. Tình hình nhiễm giun theo từng loại và từng cấp học (n=804)


55.1.png

Tỷ lệ nhiễm giun chung ở học sinh cấp tiểu học (75,49%) và THCS (80,30%), tỷ lệ này không có sự khác biệt, với p>0,05. Nhưng về tỷ lệ nhiễm giun đũa ở học sinh trường tiểu học 65,69% cao hơn học sinh trường THCS 55,56%, có sự khác biệt, với p<0,05. Tỷ lệ nhiễm giun tóc ở học sinh tiểu học (1,23%) thấp hơn học sinh trung học cơ sở (4,55%) có sự khác biệt, với p<0,05. Về tỷ lệ nhiễm giun móc học sinh THCS (37,63%) cao hơn tỷ lệ nhiễm giun móc ở học sinh tiểu học (23,53%), sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p<0,05.

Bảng 3.2. Tỷ lệ nhiễm giun đũa, giun móc phân theo giới và dân tộc

55.2.png
Tỷ lệ nhiễm giun chung theo giới giữa học sinh nam dân tộc Bahnar (88,02%) cao hơn so với học sinh nam dân tộc Jrai (69,0%), sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê, p<0,05. Nhưng tỷ lệ nhiễm giun chung theo giới giữa học sinh nữ dân tộc Bahnar (78,57%) so với học sinh nữ dân tộc Jrai (76,24%) không có sự khác biệt, với p>0,05.

Một số yếu tố nguy cơ làm tăng tỷ lệ và cường độ nhiễm giun truyền qua đất

Bảng 3.3. Thực trạng sử dụng nhà tiêu ở 2 xã nghiên cứu

55.3.png
Nhận xét

-  Tình trạng xã Hà Bầu có 8,78% số hộ có nhà tiêu; trong đó chỉ có 3,9% hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh.

-  Tại xã Glar con số này lại thấp hơn, có 4,61% số hộ có nhà tiêu, nhưng số hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh là 2,4%.

-  Mô hình nhà tiêu hợp vệ sinh chủ yếu là nhà tiêu đào có ống thông hơi chiếm 95,40% (83/87) và nhà tiêu thấm dội nước là 4,59% (4/87).

Bảng 3.4. Thực trạng nhà tiêu và nước sinh hoạt ở 4 trường học nghiên cứu

55.4.png
Nhận xét

-  Qua khảo sát tại 4 trường có 1.712 học sinh với 53 lớp học đều không có nhà tiêu và cũng không có nước rửa tay cho giáo viên và học sinh.

-  Tất cả các trường đều có nhà tiêu cho học sinh nhưng do:

Nhà tiêu đã xây dựng lâu, xuống cấp, không có kinh phí để tu bổ lại, đến nay không thể dùng được nữa. Học sinh ở các trường học này chưa quen đi vào nhà tiêu, chưa có ai chỉ dẫn các bước về cách sử dụng từng loại nhà tiêu, do vậy đã làm một số nhà vệ sinh thấm dội bị nghẹt do que, giấy vứt vào lỗ cầu. Nguồn nước cung cấp cho các nhà tiêu này không đầy đủ lúc có, lúc không có nước do phụ thuộc nguồn nước từ giếng bơm.

4.2. Hiệu quả sau truyền thông và điều trị.

Hạn chế được sự phát tán mầm bệnh qua sử dụng nhà tiêu mẫu

-  Số hộ tham gia làm nhà tiêu mẫu ngày được tăng lên xã Hà Bầu sau can thiệp có thêm 50 nhà tiêu hợp vệ sinh (20 do đề tài thực hiện, còn 30 nhà tiêu do nhân dân tự làm thêm). Xã Glar tăng thêm 82 nhà tiêu hợp vệ sinh (trong đó 20 là của đề tài và 62 là do nhân tự làm nên).

-  Trường học được xây dựng một cụm nhà tiêu mẫu có chia phần (một Nam, một Nữ). Các nhà tiêu được đưa vào sử dụng để làm giảm sự lây nhiễm tại trường và làm cơ sở cho học sinh thực hành có thói quen về sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Nâng cao kiến thức - Thái độ - Thực hành của học sinh sau 3 đợt truyền thông.

-  Biết đúng đường lây truyền của giun truyền qua đất có khá lên, đường ăn uống 40,25 - 47,5%; qua da 13,15 - 19,75%.

-  Biết về tác hại của giun triệu chứng đau bụng 61,75 - 75,5%, giảm trí nhớ, giảm khả năng lao động, gây thiếu máu, trẻ chậm lớn vẫn còn hạn chế 42%.

-  Học sinh biết phòng tái nhiễm là uống thuốc tẩy giun định kỳ tăng lên 42 - 69% và không đi cầu ra ngoài đất tăng lên không đáng kể 45 - 64%.

-  Thái độ coi bệnh giun là nguy hiểm tăng 60,44 - 94%, mỗi hộ gia đình phải có một nhà vệ sinh có 29% tăng lên từ 73 - 87%.

-  Thực hành ăn mặc gọn gàng khi đến trường đã tăng từ 72,5 - 85%.

-  Đi dày dép sạch, đúng cỡ chân của từng em tăng lên 92,5 - 97,25%.

-  Giữ móng tay sạch và cắt ngắn đã cao hơn 76,75 - 93,5%.

Hiệu lực của Mebendazole liều duy nhất sau 3 đợt điều trị - Đối với giun đũa: Tỷ lệ sạch trứng 73,3% và giảm trứng 97,69%.

-  Đối với giun móc: Tỷ lệ sạch trứng 59,19% và giảm trứng 96,86%.

-  Tác dụng phụ của thuốc nhẹ, thoáng qua không cần can thiệp bằng y tế nên có thể dùng rộng rãi ở cộng đồng.

5.  Những kết quả đạt được đã được áp dụng vào thực tiễn

5.1.                      Tẩy giun hàng loạt định kỳ kèm bổ sung viên sắt cho tất cả học sinh ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, định kỳ 6 tháng một lần (đầu năm học vào tháng 9 và giữa học kỳ 2, vào tháng 3) là rất phù hợp.

5.2.                      Thuốc rẻ tiền và an toàn nhất là Mebendazole 500mg, một liều duy nhất, có sẵn trong nước.

5.3.                      Tuyên truyền giáo dục sức khỏe cho toàn thể học sinh biết được 3 loại chính đó là giun đũa, giun tóc, giun móc. Phòng nhiễm qua đường ăn uống, qua đường da.

5.4.                      Chống tái nhiễm là uống thuốc tẩy giun định kỳ, rửa tay sạch sau khi chơi, sau đi cầu và trước khi ăn, đi dày hoặc dép ra đất.

5.5.                      Mô hình nhà tiêu phù hợp cho cộng đồng người đồng bào là “Nhà tiêu đào có ống thông hơi”.

Sở KH-CN

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp - Người phụ trách: ông Nguyễn Văn Lộc