I. THÔNG TIN CHUNG
- Cơ quan chủ trì: Viện nghiên cứu lúa - Trường Đại học
Nông nghiệp Hà Nội
- Họ tên chủ nhiệm đề tài: Trần Văn Quang
- Học hàm, học vị: Tiến sĩ
- Chức vụ hiện thời: Giảng viên khoa Nông, lâm, ngư nghiệp
- Địa chỉ liên lạc: Số 47, Đường V, Tổ Nông Lâm, thị trấn
Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội
- Thời gian thực hiện đề tài: 2011-2013
- Ngày nghiệm thu: Năm 2014
- Kết quả nghiệm thu: Xuất sắc
II. TÓM TẮT ĐỀ TÀI
1. Sự cần thiết phải thực hiện đề tài
Ở Gia Lai, giống lúa lai được đưa vào sản xuất từ năm 1998 và đến nay đã đạt được kết quả nhất định, năng suất lúa lai đạt trên 7 tấn/ha, thậm chí có vùng trên 10 tấn/ha (2007), qua đó đã góp phần nâng cao năng suất và sản lượng lúa chung của toàn tỉnh. Tuy nhiên, sản xuất lúa lai trên địa bàn tỉnh đang còn manh mún, nhỏ lẻ và phân tán, chưa phát huy hết được ưu thế của cây lúa lai cũng như tiềm năng đất đai của vùng. Chính vì vậy việc mở rộng diện tích gieo trồng các giống lúa lai có năng suất cao, chất lượng tốt là cần thiết.
Theo số liệu trong Báo cáo của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2012, Gia Lai có diện tích lúa lai đạt hơn 1000 ha. Lý do của việc diện tích lúa lai tỉnh Gia Lai không tăng có thể do: 1- Chưa có được bộ giống thích hợp; 2- Chưa chủ động sản xuất được nguồn giống bố mẹ, hạt lai F1; 3- Chưa có biện pháp kỹ thuật canh tác thích hợp để phát huy được lợi thế của lúa sử dụng ưu thế lai. Chính vì vậy việc tuyển chọn, hoàn thiện qui trình sản xuất giống, thâm canh lúa lai thương phẩm và mở rộng diện tích gieo trồng các giống lúa lai có năng suất cao, chất lượng tốt là cần thiết.
2. Mục tiêu nghiên cứu của đề tài
Tuyển chọn được 1-2 giống lúa lai có thời gian sinh trưởng phù hợp, năng suất từ 75-80 tạ/ha trong vụ Đông Xuân, 70-75 tạ/ha trong vụ Mùa, chất lượng gạo khá, chống chịu khá với sâu bệnh.
Thiết lập qui trình công nghệ sản xuất hạt giống lúa lai F1 và qui trình thâm canh lúa lai thương phẩm tổ hợp lai có triển vọng. 3. Cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu
3.1. Cách tiếp cận:
Để đạt được mục tiêu tuyển chọn được 1-2 giống lúa lai hai dòng có triển vọng, đồng thời hoàn thiện qui trình công nghệ sản xuất hạt giống lúa lai F1, thâm canh lúa lai thương phẩm và mở rộng sản xuất, chúng tôi phải tiến hành thu thập các giống lúa lai hai dòng có triển vọng của các cơ sở nghiên cứu chọn tạo giống lúa lai trong cả nước. Bố trí thí nghiệm so sánh để lựa chọn được giống có năng suất cao, chất lượng khá, thích ứng với vụ xuân và vụ mùa của Gia Lai. Đồng thời tiến hành các thí nghiệm như thời vụ, mật độ, phân bón,... để hoàn thiện qui trình sản xuất hạt lai F1 và thâm canh lúa lai thương phẩm. Để mở rộng diện tích sản xuất các giống lúa lai có triển vọng, chúng tôi xây dựng mô hình trình diễn, tổ chức hội nghị nhằm quảng bá sản phẩm.
3.2. Phương pháp nghiên cứu:
Phương pháp bố trí các thí nghiệm như: So sánh giống, mật độ cấy, liều lượng phân bón được bố trí theo khối ngẫu nhiên (RCB), nhắc lại 3 lần, diện tích 1 ô thí nghiệm là 10m2 (Theo phương pháp của Phạm Chí Thành, 1986).
Các đặc điểm sinh trưởng phát triển, đặc điểm nông sinh học, mức độ nhiễm bệnh và năng suất của các giống được đánh giá theo phương pháp của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế - IRRI, 2002.
Đánh giá đặc điểm bất dục của dòng bố mẹ, ảnh hưởng của các chất kích thích sinh trưởng, độ thuần đồng ruộng, năng suất sản xuất F1 theo phương pháp của Yuan Long Ping (1995).
4. Nội dung
Ngoài phần mở đầu, kết luận và kiến nghị, đề tài được chia làm 3 chương:
Chương 1: Tổng quan tài liệu.
Chương 2: Nội dung nghiên cứu.
Nội dung 1: Tuyển chọn tổ hợp lúa lai hai dòng có triển vọng.
Nội dung 2: Thiết lập qui trình thâm canh lúa lai thương phẩm tổ hợp lúa lai hai dòng có triển vọng.
Nội dung 3: Thiết lập quy trình sản xuất hạt lai F1 tổ hợp lúa lai hai dòng có triển vọng.
Nội dung 4: Xây dựng mô hình trình diễn giống lúa lai hai dòng có triển vọng.
Nội dung 5: Đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
5. Kết quả nghiên cứu chính
Kết quả Nội dung 1: Tuyển chọn tổ hợp lúa lai hai dòng có triển vọng đã đánh giá được thời gian sinh trưởng của các tổ hợp lai trong vụ Đông Xuân và Mùa 2011. Các tổ hợp đều bị sâu bệnh hại nhẹ hơn so với giống đối chứng Nhị ưu 838. Năng suất thực thu của các tổ hợp lai biến động từ 60,2-81,3 tạ/ha trong vụ Đông Xuân và từ 59,5 - 71,6 tạ/ ha trong vụ Mùa. Kết quả đánh giá về năng suất, chất lượng gạo đã chọn được 02 tổ hợp lúa lai có triển vọng để phát triển tại tỉnh Gia Lai là TH3-3 và TH3-5.
Kết quả Nội dung 2: Thiết lập qui trình thâm canh lúa lai thương phẩm tổ hợp lúa lai hai dòng có triển vọng. Kết quả nội dung này là đã hoàn thiện qui trình thâm canh lúa lai thương phẩm tổ hợp lai TH3-3 tại Gia Lai, cụ thể: Sạ với lượng giống 50 kg/ha trong cả vụ Đông Xuân và Mùa, bón phân với lượng 120N+90P2O5+90K20 trong vụ Mùa và 140N+105P2O5+105K20 trong vụ Đông Xuân.
Kết quả Nội dung 3: Thiết lập quy trình sản xuất hạt lai F1 tổ hợp lúa lai hai dòng có triển vọng. Kết quả thực hiện nội dung này là đã hoàn thiện qui trình sản xuất giống lúa lai TH3-3 và TH3-5 tại Gia Lai, cụ thể trong vụ Đông Xuân nên gieo dòng mẹ từ 9-16/2 và gieo dòng bố trước dòng mẹ 20-12 ngày (TH3-3) và từ 23-25 ngày (TH3-5), mật độ gieo 50 kg/ha, chiều rộng luống là 2,3 m, phun GA3 với lượng 140 gam, bón phân với lượng 120 kg N+90 kg P2O5+ 90 kg K20 và sản xuất thử 1,0 ha F1 giống TH3-3 đạt năng suất 3,8 tấn/ha.
Kết quả Nội dung 4: Xây dựng mô hình trình diễn giống lúa lai hai dòng có triển vọng. Kết quả nội dung này là đã xây dựng 04 mô hình trình diễn lúa lai thương phẩm giống lúa lai hai dòng TH3-3 (02 mô hình trong vụ Đông Xuân; 02 mô hình trong vụ Mùa), năng suất đạt 78-80 tạ/ha trong vụ Đông Xuân và 68-70 tạ/ha trong vụ Mùa. Kết quả xây dựng mô hình sản xuất hạt lai F1 tổ hợp lai TH3-3 trong vụ Đông Xuân 2013 đạt năng suất 38,7 tạ/ha.
Kết quả Nội dung 5: Đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ

6. Kết luận
Đã đánh giá được một số đặc điểm nông sinh học của các tổ hợp lúa lai hai dòng tại tỉnh Gia Lai.
Đã hoàn thiện qui trình thâm canh lúa lai thương phẩm tổ hợp lai TH3-3 tại Gia Lai.
Đã hoàn thiện qui trình sản xuất giống lúa lai F1 của tổ hợp lai TH3-3 và Th3-5 tại Gia Lai.
Đã xây dựng 04 mô hình trình diễn lúa lai thương phẩm giống lúa lai hai dòng TH3-3 (2 mô hình trong vụ Đông Xuân; 2 mô hình trong vụ Mùa).