Sign In

Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Gia Lai

Hội nghị trực tuyến toàn quốc công tác dân vận trong hoạt động hòa giải

Ngày đăng: 13-07-2020, 05:00 - Lượt truy cập: 299

Sáng 13/7, Ban Dân vận Trung ương phối hợp cùng Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, Ban Cán sự Đảng Tòa án Nhân dân tối cao, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị “Công tác dân vận trong công tác hòa giải" bằng hình thức trực tuyến đến các tỉnh, thành trong cả nước. Các đồng chí: Trương Thị Mai-Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Trần Thanh Mẫn-Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Hòa Bình-Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao; Lê Thành Long-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị, tại điểm cầu tỉnh Gia Lai có các đồng chí: Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Huỳnh Nữ Thu Hà-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Võ Thanh Hùng-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, đại diện thường trực các Huyện ủy, Thành ủy, Thị ủy, Ban Dân vận, Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố.



IMG_9189.jpeg

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Gia Lai

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe lãnh đạo Bộ Tư pháp, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Tòa án Nhân dân tối cao báo cáo về kết quả thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở; vai trò nòng cốt của MTTQ trong thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở; công tác dân vận trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại tòa. Theo đó, kết quả hoạt động của tổ hòa giải ở cơ sở đạt hiệu quả cao. Trong 6 năm (từ năm 2014-2019) tổ hòa giải ở cơ sở trên cả nước đã tiến hành hòa giải 875.312 vụ, việc; hòa giải thành 707.945 vụ, việc (đạt tỷ lệ 80,9%). Tính trung bình mỗi năm, các tổ hòa giải ở cơ sở trên phạm vi cả nước đã tiến hành hòa giải trên 140.000 vụ, việc và hòa giải thành trên 120.000 vụ, việc. Số lượng các vụ, việc không phải đưa ra giải quyết tại cơ quan nhà nước đã tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền của cho nhân dân, giảm tải công việc cho các cơ quan tư pháp và giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho ngân sách nhà nước. Những mâu thuẫn, tranh chấp phổ biến được hòa giải ở cơ sở chủ yếu thuộc lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai và các mâu thuẫn phát sinh trong sinh hoạt tại cộng đồng dân cư. Hòa giải ở cơ sở đã có sự gắn kết với công tác dân vận. Việc sử dụng kỹ năng “dân vận khéo" là rất cần thiết. Từ đó mới có thể hòa giải thành công theo tinh thần hòa giải ở cơ sở cần gần dân, hiểu dân, trọng dân và có trách nhiệm với dân.

Tại Gia Lai, công tác hòa giải cơ sở cũng được quan tâm, chú trọng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội địa phương. Đến nay toàn tỉnh đã có 1.627 tổ hòa giải với 9.735 hòa giải viên. Các địa phương, đơn vị đã tổ chức được 144 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho 12.006 hòa giải viên ở cơ sở tham gia. Các sở, ngành của tỉnh đã phát hành gần 90.000 tài liệu pháp luật cho hòa giải viên ở cơ sở, 1.432 cuốn sổ theo dõi hoạt động hòa giải theo quy định của Bộ Tư pháp, cấp phát 222 cuốn sổ tay pháp luật. Từ tháng 1-2014 đến nay, các tổ hòa giải đã tiếp nhận 13.666 vụ việc, trong đó hòa giải thành 11.784 vụ việc (đạt 86,22%).

Kết luận hội nghị, đồng chí Lê Thành Long nhấn mạnh thời gian qua công tác dân vận ở các cơ quan dân vận, tư pháp, Mặt trận Tổ quốc, tòa án nhân dân các cấp thường xuyên được chú trọng. Thông qua hoạt động hòa giải đã góp phần gìn giữ đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp, bản sắc dân tộc; tạo đồng thuận xã hội, vận động nhân dân chung tay xây dựng đất nước giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Nhận thức về vai trò và ý nghĩa của công tác dân vận nói chung và công tác dân vận trong hoạt động hòa giải đối với đời sống xã hội nói riêng ngày càng được nâng lên. Hòa giải đã trở thành hoạt động của tổ chức quần chúng được nhà nước thừa nhận, được người dân tin tưởng lựa chọn để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, xích mích. Thể chế, chính sách về hòa giải ở cơ sở ngày càng hoàn thiện; tạo cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ cho công tác này đi vào nề nếp và hoạt động hiệu quả; mô hình hòa giải, đối thoại ở tòa án được luật hóa, giảm số lượng tranh chấp phải đưa ra xét xử theo luật tố tụng. Các hoạt động được triển khai xuyên suốt tạo sự đồng thuận và phối hợp từ cấp Trung ương đến cơ sở, hiệu quả hoạt động được nâng cao. Đồng chí Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng lưu ý, thời gian tới nhu cầu giải quyết tranh chấp bằng hòa giải có chiều hướng tăng lên, công tác dân vận trong hòa giải cần tiếp tục được phát huy và nâng cao hơn nữa. Do đó, các cấp, ngành liên quan trong phạm vi chức năng nhiệm vụ được phân công tiếp tục quan tâm chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ để cùng thực hiện tốt kĩ năng dân vận khéo trong hoạt động hòa giải; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động hòa giải. Tiếp tục triển khai tốt luật hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành, củng cố kiện toàn đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, bảo đảm có trình độ, từng bước chuyên nghiệp hóa, biết vận dụng kỹ năng hòa giải, kỹ năng dân vận khéo trong quá trình hòa giải các vụ việc cụ thể. Đồng thời, tăng cường truyền thông về ý nghĩa vai trò của hòa giải cơ sở; giúp người dân thấy được tính ưu việt và lợi ích, hình thành thói quen sử dụng phương thức này để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột tại cộng đồng dân cư./.


Ngọc Minh

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp - Người phụ trách: ông Nguyễn Văn Lộc