Sign In

Internet Portal

Gia Lai people's committee

Thành phố Pleiku

- Người đăng: Administrator - Lượt truy cập: 13991

  Bản đồ thành phố Pleiku

THÀNH PHỐ PLEIKU
Diện tích: 261,99 Km2.
Dân số:    201.914 người (số liệu thống kê năm 2008).
Vị trí địa lý:
- Bắc giáp: huyện Chư Păh.
- Nam giáp: huyện Chư Prông.


- Đông giáp: huyện Đăk Đoa.
- Tây giáp: huyện Ia Grai.
Đơn vị hành chính cấp xã, phường: 23 (14 phường, 9 xã).
- Các phường: Diên Hồng, Ia Kring, Hội Thương, Hoa Lư, Tây Sơn, Thống Nhất, Hội Phú, Yên Đỗ, Yên Thế, Trà Bá, Thắng Lợi, Chi Lăng, Phù Đổng, Đống Đa.
- Các xã: Biển Hồ, Chư HDrông, An Phú, Trà Đa, Gào, Diên Phú, Tân Sơn, Ia Kênh, Chư Á.
 Tổng quan kinh tế - văn hóa - xã hội:

Pleiku là thành phố, tỉnh lỵ,  là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của tỉnh Gia Lai ở vùng Tây Nguyên, Việt Nam.

Thành phố Pleiku là đô thị phía bắc Tây Nguyên, nằm trên trục giao thông giữa quốc lộ 14, quốc lộ 19 nối thông suốt cả nước, gần ngã ba Đông Dương, nằm trên cung đường Hồ Chí Minh, và trong vùng tam giác tăng trưởng các tỉnh lân cận, cũng như các quốc gia láng giềng như Campuchia, Lào
            Pleiku nằm trên ngã ba quốc lộ 14 và quốc lộ 19 có độ cao 785 m.
Dân số 201.914 người (số liệu thống kê năm 2008), bao gồm 28 dân tộc đang sinh sống; người Kinh chiếm đa số (87,5%), còn lại là các dân tộc khác, chủ yếu là các dân tộc Jrai và Ba Na (12,5%). Năm 1971 dân số thị xã là 34.867 người.

 

            Thành phố có 14 phường (trong đó phường Thắng Lợi, mới được thành lập vào cuối năm 2006, được tách ra từ một phần địa giới hành chính của xã Chư Á; phường Phù Đổng, phường Chi Lăng, phường Đống Đa, được thành lập vào đầu năm 2008, được tách ra từ một phần địa giới hành chính của phường Hội Phú, phường Thống Nhất, xã Ia Kênh, xã Chư HDrông), và 9 xã. Hệ thống giao thông, lưới điện quốc gia, thông tin liên lạc đã thông suốt từ thành phố đến 23 xã, phường.
            Thành phố có ưu thế về thổ nhưỡng, thời tiết thuận lợi cho phát triển các loại cây công nghiệp như cao su, cà phê, hồ tiêu, cây lâm sản đa dạng.
            Các công trình thủy điện, thủy lợi, cảnh quan thiên nhiên do đặc thù địa hình Tây Nguyên đem lại cho tỉnh nhiều tiềm năng về du lịch…Tỉnh đang quy hoạch phát triển cụm du lịch, tham quan các thắng cảnh như thác Phú Cường, thác Ba, thác Bầu Cạn, thủy điện Yaly, nhà lao Pleiku, Biển Hồ nước, công viên Đồng Xanh, Diên Hồng, công viên văn hóa các dân tộc thiểu số, Khu du lịch Lễ hội về nguồn…
 
            Ưu thế về đất đai rộng, tỉnh đã có chính sách phù hợp để thu hút đầu tư. Khu công nghiệp Trà Đa đã thu hút đầu tư trên 30 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, lấp đầy 100% diện tích.    Thành phố Pleiku đã được Bộ Xây dựng phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố đến năm 2020. Tỉnh cũnh đang tổ chức kêu gọi các nhà đầu tư thi công các khu quy hoạch đã được phê duyệt: Khu dân cư Lê Thánh Tôn, Nguyễn Chí Thanh, Diên Phú, Ia Soi; cụm CN-TTCN Diên Phú, khu đô thị mới Hoa Lư - Phù Đổng (Công ty FBS đang đầu tư xây dựng), suối Hội Phú (Tổng Công ty Than - Khoáng sản Việt Nam đang đầu tư), và các khu dân cư mới theo quy hoạch, các khách sạn cao tầng v.v…
            Sân bay Cù Hanh (hiện nay là cụm cảng hàng không Pleiku) cách trung tâm thành phố khoảng 5 km, phục vụ các tuyến bay Pleiku - Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Sân bay đang được đầu tư nâng cấp để tiếp nhận các máy bay lớn (A320).
Hơn ba thập niên qua và đặc biệt là trong 5 năm gần đây (2005 - 2010), thành phố Pleiku có những bước phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, khẳng định vai trò là trung tâm kinh tế - chính trị - xã hội của tỉnh Gia Lai và cả khu vực Tam giác phát triển ba nước: Việt Nam - Lào - Campuchia.
 Điều dễ nhận thấy trước hết là bộ mặt đô thị có những thay đổi đáng kể, công tác xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xây dựng hạ tầng phúc lợi xã hội và chỉnh trang đô thị luôn được thành phố quan tâm, đồng thời quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2020 cũng đã được phê duyệt.
 Không chỉ các công sở, công trình công cộng được xây dựng khang trang mà người dân địa phương cũng rất quan tâm xây dựng nhà ở quy mô, kiến trúc đẹp và hiện đại. Vốn đầu tư toàn xã hội tăng liên tục qua các năm, trong 5 năm 2005 - 2010 đã huy động đến 7.760 tỷ đồng, tăng bình quân 30%/năm và thu hút được nhiều dự án đầu tư trên địa bàn có tổng vốn trên 10.000 tỷ đồng. Rất nhiều dự án đã và đang triển khai hoàn thành như Hội sở tập đoàn Hoàng Anh- Gia Lai, các khu chung cư cao tầng, bến xe Đức Long, Khu Phố mới Hoa Lư - Phù Đổng, Trung tâm Thương mại Hội Phú, dự án Khu Đô thị mới Cầu Sắt, Sân bay Pleiku, đặc biệt những công trình do tỉnh và Trung ương đầu tư như Quảng trường 17-3, đoạn quốc lộ 14, 19 ngang qua thành phố… đã làm Phố núi hoàn toàn “lột xác” xứng tầm là một đô thị loại II và là thủ phủ của cả vùng Bắc Tây Nguyên.
Cùng phát triển tương xứng với bộ mặt đô thị Pleiku là tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố cũng tăng bình quân hàng năm 15%, đạt được chỉ tiêu đề ra. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Thương mại - dịch vụ chiếm 53,7%, công nghiệp - xây dựng chiếm 41,5%, nông nghiệp chiếm 4,8% (năm 2010). Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân hàng năm 20,1%, nhiều ngành có lợi thế phát triển khá tốt như: Chế biến nông - lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí đã thu hút trên 16.000 lao động. Các cơ sở sản xuất chế biến tại Khu công nghiệp Trà Đa đang hoạt động và tiếp tục mở rộng dây chuyền sản xuất, Cụm Công nghiệp Diên Phú đã khởi công xây dựng cơ sở hạ tầng. Các thành phần kinh tế trên địa bàn phát triển nhanh chóng, hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn, kinh doanh đa ngành nghề theo hình thức tập đoàn mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước đáp ứng những yêu cầu bức xúc do quá trình phát triển đô thị đặt ra, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Đến nay toàn thành phố có 1.522 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký kinh doanh 29.619 tỷ đồng, so với 5 năm trước đã tăng thêm 950 doanh nghiệp. Các cơ sở dịch vụ - thương mại là 13.000 cơ sở (năm 2005 có 8.850 cơ sở), thu hút khoảng 39.000 lao động, chất lượng sản phẩm được nâng lên và phân bổ khá hợp lý trên địa bàn…
 Kinh tế tăng trưởng khá dẫn đến tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn cũng tăng bình quân 22,1%/năm, từ 462 tỷ đồng (năm 2005) tăng lên 1.200 tỷ đồng (năm 2010), tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách bình quân 20%/năm. Đối với chính sách “tam nông” (nông nghiệp, nông dân, nông thôn), thành phố xác định nhiệm vụ và giải pháp cho từng giai đoạn, đặc biệt quan tâm đến vấn đề chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường trong nước và xuất khẩu.
 Song song với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng phát triển tương ứng và đạt kết quả tốt. Thành phố đã hoàn thành phổ cập trung học cơ sở trong năm 2006, phổ cập tiểu học đúng độ tuổi năm 2009. Thực hiện chủ trương “kiên cố hóa, tầng hóa”, thành phố đã xây dựng trên 400 phòng học và nhà hiệu bộ với kinh phí trên 100 tỷ đồng, các cơ quan, doanh nghiệp còn chi hàng trăm tỷ đồng xây dựng và phát triển trường lớp dân lập, tư thục. Hoạt động chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân và công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình có nhiều cố gắng. Ngoài Trung tâm Y tế thành phố có quy mô 70 giường bệnh được đầu tư trang bị khá hiện đại và mạng lưới trạm y tế, trên địa bàn còn có 14 bệnh viện, bệnh xá của các đơn vị, các ngành với 1.450 giường bệnh, 130 cơ sở khám - chữa bệnh ngoài giờ… Hoạt động văn hóa thông tin, thể dục thể thao có nhiều tiến bộ và chất lượng ngày càng cao. Lao động, việc làm và các chính sách xã hội được duy trì thường xuyên. Đặc biệt là công tác dân tộc và các chính sách về dân tộc được quan tâm triển khai thực hiện kịp thời, các chương trình 132, 134 về đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt bước đầu có hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. An ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn ngày càng ổn định.
Công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ được quan tâm đúng mức, năm 2005 đội ngũ cán bộ thành phố có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên chiếm 77%, trình độ chính trị từ trung cấp trở lên 16,3%, đến nay tỷ lệ này được nâng lên 87,4% và 31,3% (riêng cán bộ có trình độ đại học chiếm 52,3%, trên đại học 0,2%, cao cấp, cử nhân chính trị 16,4 % so với tổng số cán bộ của thành phố).
 Bước sang giai đoạn mới 2010-2015, thành phố vừa có những thuận lợi cơ bản song cũng không ít khó khăn, thách thức đòi hỏi phải nêu cao tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo để tập trung quy hoạch thành phố theo hướng phát triển bền vững lâu dài nhằm huy động, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị. Thành phố phấn đấu đạt các chỉ tiêu cơ bản như sau: Đến năm 2015, tỷ trọng các ngành dịch vụ chiếm khoảng 51,5%, công nghiệp - xây dựng 44%, nông nghiệp 4,5%. Tốc độ tăng trưởng (GDP) bình quân hàng năm đạt 14% trở lên. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 45 triệu đồng trở lên (theo giá hiện hành). Tỷ lệ tăng thu ngân sách theo phân cấp bình quân hàng năm là 15%. Tỷ lệ hộ nghèo dưới 1% (theo tiêu chí 2006 - 2010), dưới 3,5% theo hướng phấn đấu của thành phố bình quân 500.000 đồng/người/tháng. Giải quyết việc làm cho hơn 22.000 lao động (bình quân hàng năm 4.250 lao động). 85% trạm y tế xã, phường có bác sỹ. 70% trở lên thôn, làng, tổ dân phố văn hóa; 90% trở lên công sở văn hóa. Bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội. Giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tích cực phòng - chống tham nhũng, lãng phí. Phấn đấu trước năm 2020 là đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
 
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ PLEIKU
Chủ tịchvà các Phó Chủ tịch
 
VĂN PHÒNG UBND THÀNH PHỐ PLEIKU
Địa chỉ: 02 Lê Lai-phường Tây Sơn - Pleiku - Gia Lai
Điện thoại: 059.3828313
Fax: 059.3828414
Chánh Văn phòng và các Phó Văn phòng

PORTAL GIA LAI | Agencies: People's Committee of Gia Lai province
© 2010 Copyright belongs to the People's Committee of Gia Lai province.
01 Hai Bà Trưng, Pleiku city, Gia Lai province - Tel: 059. 3824404 - Fax: 059. 3824711 - Email: gialai@ubgialai.gov.vn
License number: 2006/GP-BC date of issue 14/05/2004 of Cultural Information - Curator: Mr.Ngô Ngọc Sinh