Sign In

Cổng thông tin điện tử

tỉnh Gia Lai

Gia Lai - Thế và lực

Ngày đăng: 01-12-2016, 10:33

​​​​


VỊ TRÍ ĐỊA LÝ   
Gia Lai là một tỉnh miền núi nằm ở phía bắc Tây Nguyên trên độ cao trung bình 700 - 800 m so với mực nước biển. Với diện tích 15.536,92 km²(theo quyết định số 272/QĐ-TTg ngày 27/2/2007 của Thủ tướng Chính phủ), tỉnh Gia Lai trải dài từ 12°58'20" đến 14°36'30" vĩ bắc, từ 107°27'23" đến 108°54'40" kinh đông. Phía bắc Gia Lai giáp tỉnh Kon Tum, phía nam giáp tỉnh Đắk Lắk, phía tây giáp tỉnh Ratanakiri - Vương quốc Campuchia với đường biên giới dài 80,485km, phía đông giáp các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên.

Khí hậu Gia Lai có khí hậu nhiệt đới gió mùa cao nguyên, một năm có hai mùa: mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Vùng Tây Trường Sơn có lượng mưa trung bình từ 2.200 đến 2.500 mm, vùng Đông Trường Sơn từ 1.200 đến 1.750 mm. Nhiệt độ trung bình năm là 22-25ºC .
Đơn vị hành chính cấp huyện, thị xã, thành phố: 17, gồm 1 thành phố trực thuộc, 2 thị xã và 14 huyện.
Đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn: 220,  gồm 24 phường, 12 thị trấn và 184 xã. 
 ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN
 Gia Lai nằm trên một phần của nền đá cổ rộng lớn, dày trên 4.000 m, thuộc Địa khối Kon Tum. Cuối kỷ Nêogen sang kỷ Đệ Tứ (cách ngày nay khoảng 1,6 triệu đến 0,7 triệu năm) các chuyển động tân kiến tạo làm vỏ trái đất nứt khá sâu, khiến các núi lửa hoạt động mạnh, phun các lớp bazan phủ dày từ vài chục đến 500m. Dung nham núi lửa đã lấp đầy các hố trũng của bề mặt địa hình, tạo nên cao nguyên rộng lớn và khá bằng phẳng.
Địa hình toàn tỉnh có hướng thấp dần từ bắc xuống nam, thoải dần từ đỉnh (là trục quốc lộ 14) sang hai phía đông và tây với các đồi núi, cao nguyên và thung lũng xen kẽ nhau khá phức tạp.

Núi ở Gia Lai phần lớn nằm ở phía bắc, địa hình núi phân cách mạnh. Từ kông (đỉnh) Ka King (cao 1761m) thuộc địa bàn huyện Kbang, chạy về hướng nam núi chia thành hai hệ:
          - Hệ thứ nhất (qua đèo An Khê - thuộc dãy An Khê): chạy dọc phía đông của tỉnh tạo thành dải phân cách tự nhiên giữa Gia Lai với các tỉnh ven biển miền Trung và thấp dần khi vào vùng đồng bằng Ayun Pa, Kông Pa. 
          - Hệ thứ hai (qua đèo Mang Yang): chia Gia Lai thành hai phần là Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn với những đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng, môi sinh khác biệt.
          Ngoài hai hệ núi trên, bề mặt  các dạng địa hình khác của Gia Lai như các cao nguyên, những thung lũng đồng bằng cũng đều rải rác có núi.
Cao nguyên là dạng địa hình phổ biến và quan trọng của Gia Lai. Toàn tỉnh có hai cao nguyên:
         - Cao nguyên Kon Hơnờng ở phía Đong Trường Sơn, diện tích khoảng 1.250 km2, trải dài tư Nam huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) và chiếm gần trọn địa bàn huyện Kbang, độ cao từ 50 - 80 m, thấp dần từ bắc xuống nam, độ dốc trung bình từ 8 - 120.
        - Cao nguyên Pleiku có diện tích 4.550 km2 là một trong hai cao nguyên rộng lớn nhất Tây Nguyên, kéo dài từ Nam thành phố Kon Tum xuống tận khối Chư Păh và từ đèo Mang Yang sang tận biên giới Cam Pu Chia, đỉnh ở núi Hdrung (núi Hàm Rồng) cao 1.028 m, phía bắc và đông bắc cao từ 750 - 800m về phía nam chỉ còn cao 400 m.
Các vùng trũng của Gia Lai sớm được con người khai thác để sản xuất lương thực. Hầu hết các vùng trũng nằm ở phía đông của tỉnh:
         - Vùng trũng An Khê có diện tích 1.312 Km2, kéo dài theo hướng đông bắc - tây nam. Phía bắc giáp cao nguyên Kon Hơnờng, nam giáp vùng trũng Cheo Reo - Phú Túc và vùng núi thấp Chư Trian, ranh giới phía đông và phía tây là hai hệ núi chạy qua đèo  An Khê và đèo Mang Yang.

        - Vùng trũng Cheo Reo- Phú Túc nằm trọn trong địa hào sông Ba với diện tích 1.474km2, tiếp nối  với vùng trũng An Khê và nằm về phía đông nam tỉnh, độ cao trung bình 180 - 200 m.

Đất đai tỉnh Gia Lai có 26 loại đất, gồm 7 nhóm chính:

        - Nhóm đất phù sa có diện tích 46.430 ha, chiếm 3% diện tích tự nhiên, phân bố ở nơi có địa hình bằng phẳng, gần nguồn nước (sông suối lớn), tầng đất dày. 

Đây là loại đất tốt, thích hợp cho việc trồng các loại rau, hoa màu, lương thực. 
         - Nhóm đất xám có diện tích 364.806 ha, chiếm 23,55% diện tích tự nhiên, tập trung thành vùng dọc theo sông Ba, sông Ayun ở tây nam huyện Chư Prông và các huyện, thị: An Khê, Đăk Pơ, Ayun Pa, Ia Pa. Đất có thành phần cơ giới nhẹ, dễ thoát nước, khả năng giữ chất dinh dưỡng kém nên nghèo dinh dưỡng. Loại đất này thích hợp với những loại cây công nghiệp ngắn ngày như mía, vừng, sắn, thuốc lá, đậu đỗ các loại hoặc trồng rừng để giữ đất.
         
- Nhóm đất đen có tổng diện tích 27.870 ha, chiếm 1,8% diện tích tự nhiên, phhân bố chủ yếu ở các huyện Mang Yang, Chư Prông, Chư Sê và Đức Cơ. Trên diện tích này thích hợp cho việc trồng rừng, khôi phục thảm thực vật để bảo vệ đất.
        - Nhóm đất đỏ vàng có diện tích 781.765 ha, chiếm 50,44% diện tích tự nhiên, tập trung ở các huyện trên cao nguyên Pleiku và cao nguyên Kon Hơnờng, thích hợp cho việc trồng các cây công nghiệp dài ngày như cà phê, chè, hồ tiêu, cao su và cây công nghiệp ngắn ngày, hoa màu, lương thực.
        - Nhóm đất mùn vàng đỏ trên núi có diện tích 175.582 ha chiếm 11,35% diện tích tự nhiên, phân bố chủ yếu ở vùng núi phía bắc và đông bắc tỉnh, có độ cao từ 1000 m trở lên. Loại đất này chủ yếu dành cho phát triển lâm nghiệp. 
        - Nhóm đất thung lũng dốc tụ có diện tích 14.140 ha, chiếm 0,91% diện tích tự nhiên, phân bố chủ yếu ở độ cao từ 300 - 700 m, độ dốc từ 3 - 800, trên địa bàn các huyện Mang Yang, Chư Sê, vùng Ayun Pa và thành phố Pleiku.

        - Nhóm đất xói mòn trơ sỏi đá có diện tích 113.423 ha, chiếm 7,32% diện tích tự nhiên, tập trung ở các huyện thị: An Khê, Ayun Pa, Phú Thiện, Krông Pa. Nhóm đất này không có khả năng khai thác để phất triển nông nghiệp, thích hợp cho việc trồng rừng bảo vệ đất. 
Sông ngòi:Tài nguyên nước ở Gia Lai có tổng trữ lượng khoảng 23 tỉ m3 nước, phân bố trên các hệ thống sông chính là hệ thống sông Ba, hệ thống sông Sê San. 
        - Hệ thống sông Ba: Sông Ba dài 304 km (dài thứ hai trên Tây Nguyên), bắt nguồn từ núi Ngok Rô ở độ cao 1.240 m trên dãy Ngok Linh (tỉnh Kon Tum), chảy theo sườn phía đông của dãy Trường Sơn qua các huyện thị Kbang, An Khê, Kông Chro, Ia Pa, Ayun Pa và Krông Pa của tỉnh Gia Lai trước khi đổ về tỉnh Phú Yên ra biển. Các nhánh chính của sông Ba là sông Ayun (hợp lưu với sông Ba tại Ayun Pa), sông Krông Năng (hợp lưu tại Nam huyện Kông Pa) và sông Hinh. 
        - Hệ thống sông Sê San: Bắt nguồn từ những đỉnh núi cao nhất của dãy Trường Sơn, núi Tiêu (1.988 m), Ngok Linh (2.598 m), có hai nhánh lớn là sông Đăk Bla, Pôkô và một nhánh nhỏ là sông Sa Thầy, chảy qua các huyện Đăk Đoa, Chư Păh, Ia Grai, Đức Cơ trước khi đỏ về Cam Pu Chia.       

Ngoài những hệ thống sông chính, Gia Lai còn có các nhánh sông Srê Pôk nhThuỷ điện Sê San 3Aư Ia Đrăng, Ia Lôp đều bắt nguồn từ núi Hdrung chảy qua các huyện Chư Sê, Chư Prông của tỉnh và nhiều sông, suối, hồ lớn nhỏ khác cung cấp nước sinh hoạt cho người và nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp. Hệ thống sông suối chảy qua địa bàn còn là là nguồn thuỷ năng có trữ năng lý thuyết khoảng 10,5 - 11 tỷ MW; trữ năng kinh tế kỹ thuật 7,1 tỷ KW.
Rừng:Tỉnh Gia Lai có diện tích đất lâm nghiệp là 1.112.452,8 ha, chiếm 72Voi Nhơn Hoà% tổng diện tích đất tự nhiên, có độ che phủ rừng là 47% và là tỉnh có độ che phủ rừng cao thứ hai trong cả nước. Trong đó, diện tích đất lâm nghiệp cho rừng đặc dụng là 61.364,6 ha (chiếm 5,5% diện tích đất lâm nghiệp), diện tích đất lâm nghiệp cho rừng phòng hộ 277.613,5 ha (chiếm 23,5% diện tích đất lâm nghiệp), diện tích đất lâm nghiệp cho rừng sản xuất là 773.447,7 ha (chiếm 69,5% diện tích đất lâm nghiệp).
Rừng Gia Lai có nhiều gỗ quý như trắc, hương, cẩm lai, hoàng đàn..., nhiều lâm đặc sản dưới tán rừng  như thổ phục linh, cốt toái, sa nhân, mã tiền... và các loại cây cho dầu, nhựa...
Cùng với hệ thực vật, động vật rừng Gia Lai cũng rất phong phú và đa dạng cả vể giống, loài và số lượng cá thể. Đặc biệt còn có nhiều loài thú quý hiếm như bò tót, hổ, voi, sói đỏ, mèo gấm, gấu ngựa, vượn đen, voọc ngũ sắc... Các loại chim hạc cổ trắng, công, trĩ sao, gà lôi vằn, gà tiền mặt đỏ. Đặc biệt, loài khướu tai hung mới được phát hiện trong vườn quốc gia kông Kah King.
 
Khoáng sản: Gia Lai có nhiều loại khoáng sản, nhưng trữ lượng nhiều hơn cả là nguyên vật liệu xây dựng, bôxit, vàng và đá quý.   Khoáng sản kim loại còn có sắt, kẽm, asen và vofram. Khoáng sản phi kim loại có nhiều nhất là đá granit, đá vôi, đá hoa, đất sét, cát và sạn sỏi.
Bô xít, đã phát hiện một mỏ và 4 điểm nằm ở vùng Kon Hà Nừng đã thăm dò và đánh giá trữ lượng cấp C2 là 210,5 triệu tấn với hàm lượng A12O3: 33,76%- 51,75%; SiO2: 14,04%. Ngoài ra còn có sắt, thiết, chì... nhưng với quy mô nhỏ chưa được điều tra kỹ.  
Vàng, phát hiện trên 73 điểm, trong đó có 66 điểm quặng hoá gốc và 6 điểm sa khoáng, các vùng có triển vọng là Kông Chro, Ia Mơ, Krông Pa, Ayun Pa.  
Đá vôi, phát hiện được 6 điểm, điểm có triển vọng nhất là đá vôi Chư Sê, trữ lượng khu B cấp C1 + C2 là 22 triệu tấn, đang được khai thác để phục vụ cho 02 nhà máy xi măng trên địa bàn tỉnh.

Khoáng sản làm vật liệu xây dựng khác như đá bazan ở đèo Chư Sê, Pleiku, Chư Păh. Đá granit có trữ lượng 90,1 triệu m3.

Đất sét làm gạch ngói phân bổ rộng khắp toàn tỉnh, nhưng tập trung lớn ở Ayun Pa, An Khê...
 NGUỒN NHÂN LỰC 
Dân số tỉnh Gia Lai có 1.227.400 người (số liệu thống kê năm 2009) bao gồm 34 cộng đồng dân tộc cùng sinh sống. Trong đó, người Việt (Kinh) chiếm 52% dân số. Còn lại là các dân tộc Jrai (33,5%), Bahnar (13,7%), Giẻ-triêng, Xơ-đăng, Thái, Mường...Dân số trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 53%; lao động đã qua đào tạo chiếm trên 30% tổng số lao động xã hội. Tỷ lệ tăng dân số và lao động hàng năm khá cao, giá nhân công rẻ nhưng rất cần tăng cường đào tạo về văn hóa và chuyên môn kỹ thuật.

Nguồn: LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ TỈNH GIA LAI 1945 - 2005 ​

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp