Sign In

Cổng thông tin điện tử

UBND tỉnh Gia Lai

​ XÂY DỰNG MÔ HÌNH ÁP DỤNG TIẾN BỘ KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI XÃ IA YENG HUYỆN AYUN PA

Ngày đăng: 06-10-2016, 05:00

​   


I.     THÔNG TIN CHUNG

-              Cơ quan chủ trì dự án: UBND huyện Ayun Pa.

-              Chủ nhiệm dự án: Nguyễn Văn Phụng.

-              Học hàm, học vị: Cử nhân tài chính - Kế toán, Cử nhân Luật, Cử nhân Chính trị.

-              Chức vụ hiện nay: Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai;

-              Địa chỉ liên hệ: UBND huyện Phú Thiện - tỉnh Gia Lai;

-              Thời gian thực hiện dự án: Từ tháng 4 năm 2005 đến tháng 11 năm 2006;

-              Ngày nghiệm thu: 8/6/2009

-              Kết quả nghiệm thu: Trung bình

II.  TÓM TẮT DỰ ÁN

1. Sự cần thiết phải thực hiện Dự án

Xã Ia Yeng huyện Ayun Pa (nay là xã Ia Yeng thuộc huyện Phú Thiện) nằm ở phía Đông của huyện, là xã có đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số (95,3%), cách thị trấn Ayun Pa 18 km, điều kiện giao lưu với huyện và các xã trong huyện còn gặp nhiều khó khăn.

Là một xã quanh năm dựa vào sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là trồng trọt để giải quyết ăn mặc và tiêu dùng cho gia đình.

Năng suất, sản lượng vật nuôi cây trồng trên địa bàn xã trong những năm gần đây có tăng nhưng ở mức thấp, số lượng giống địa phương, giống củ được sử dụng trong sản xuất còn chiếm tỷ lệ cao.

Cấp uỷ, UBND xã và Nhân dân trên địa bàn xã đã nhận thức rõ cần phải chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, cải tạo vườn tạp, để tăng năng suất và giá trị sản phẩm nông nghiệp góp phần tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo nhưng chưa thực hiện được do gặp nhiều khó khăn về vốn, giống và kỹ thuật thâm canh tiên tiến.

Từ thực trạng trên, để phát triển và góp phần vào xóa đói giảm nghèo cho xã Ia Yeng cho thấy cần thiết phải triển khai các Mô hình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống tại địa phương nhằm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hoá, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần làm ổn định tình hình an ninh chính trị trên địa bàn xã, đồng thời tạo cơ sở nhân rộng mô hình ra các xã trong toàn huyện.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Nhằm tạo được các Mô hình trên cơ sở các luận cứ khoa học - công nghệ phù hợp với địa bàn để hình thành việc tổ chức sản xuất xã hội có hiệu quả.

Xây dựng Mô hình trình diễn về ứng dụng, chuyển giao tiến bộ Khoa học - Công nghệ nhằm phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững, bảo vệ tài nguyên môi trường và từng bước phát triển ngành nghề nông thôn và dịch vụ phát triển nông nghiệp.

Phối hợp với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và các chương trình của bộ, ngành, địa phương để xây dựng mô hình phát triển nông thôn về kinh tế - văn hoá - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển nông thôn mới, tạo ngành nghề mới, việc làm mới phù hợp với địa phương nhằm cải thiện đời sống nông thôn và bộ mặt nông thôn.

Góp phần nâng cao trình độ khoa học - công nghệ của cán bộ nhằm tiếp cận, thực hiện công nghệ được giao và tìm kiếm công nghệ cho phù hợp với địa bàn, từng bước tự vươn lên hướng dẫn cho dân tổ chức sản xuất hàng hóa.

Áp dụng các thành tựu Khoa học - Công nghệ tạo ra sản phẩm có năng suất và chất lượng cao hơn, tập huấn kỹ thuật cho các hộ được chọn làm Mô hình trình diễn, trong quá trình thực hiện Mô hình có tổ chức kiểm tra, tổ chức tham quan học tập trên từng Mô hình cụ thể.

Sử dụng hiệu quả các thành tựu khoa học Công nghệ phù hợp với đặc điểm của địa phương để nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo thêm việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân trong vùng Dự án và làm ổn định tình hình xã hội trên địa bàn.

Tạo ra những sản phẩm vật nuôi, cây trồng có chất lượng cao, nhằm thay đổi dần cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của xã để phát triển nông nghiệp nông thôn miền núi.

3.  Nội dung và qui mô của Dự án

3.1.  Xây dựng các Mô hình để chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng:

Nhằm đa dạng hóa cây trồng, mạnh dạn đưa các cây trồng có năng suất cao vào sản xuất đại trà trên địa bàn xã như mô hình sản xuất giống lúa Xác nhận (Cấp I), mô hình trình diễn giống Mì KM.94, mô hình trồng cỏ chất lượng cao nhằm bổ sung nguồn thức ăn cho bò vào mùa khô và áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất, từ các mô hình trên, sau Dự án sẽ tiếp tục chuyển giao nhân rộng ra địa phương và các xã lân cận.

Đầu tư và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trên 18 ha /3 vụ lúa nguyên chủng để nhân giống cấp I nhằm trao đổi trong dân, 10 ha giống Mì cao sản và 06 ha cỏ năng suất cao, có tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho nông dân áp dụng chương trình ICM trên cây lúa, kỹ thuật trồng Mì KM.94, kỹ thuật trồng cỏ, và hội thảo đầu bờ.

Hợp đồng cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn cho nông dân áp dụng qui trình thâm canh cây lúa bằng phương pháp ICM; chuyển giao giống, kỹ thuật thâm canh cây Mì cao sản KM.94 và chuyển giao giống & kỹ thuật trồng cỏ năng suất cao.

3.2.  Xây dựng các mô hình về chăn nuôi:

a.  Xây dựng mô hình chăn nuôi Cừu và làm chuồng nuôi nhốt gia súc:

Áp dụng được thành tựu khoa học công nghệ, nhằm thay dần cơ cấu vật nuôi trên địa bàn xã, qua đó tạo thêm nguồn thực phẩm cho đồng bào tại chỗ. Từ Mô hình này, sau Dự án sẽ được nhân rộng tại địa phương và các vùng lân cận.

Đầu tư và áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ: chuyển giao 16 con cừu cái có chửa, 02 con Cừu đực giống và 06 chuồng nuôi nhốt gia súc, có tập huấn và hội thảo đầu bờ.

Trợ giúp kỹ thuật, tài liệu và kinh nghiệm cho 06 hộ tham gia mô hình chăn nuôi Cừu.

+ Năm 2006: chuyển giao 16 con cừu cái đã được phối giống, 02 cừu đực và đầu tư làm 06 chuồng nuôi cừu.

b.  Xây dựng Mô hình nuôi Cá nước ngọt (phương pháp nuôi 3 tầng):

Áp dụng được các thành tựu khoa học - công nghệ nhằm tạo điều kiện giúp nông dân mở rộng và thâm canh trong nuôi trồng thuỷ sản để dần dần cải tạo điều kiện sống cho nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Từ mô hình này sau Dự án sẽ được nhân rộng ra tại địa phương và các vùng lân cận.

Đầu tư và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nuôi 02 ha /2vụ cá nước ngọt (Cá Mè, Trắm, Trôi và Cá Chép), có tập huấn kỹ thuật và hội thảo đầu bờ.

Trợ giúp kỹ thuật, tài liệu và kinh nghiệm cho 35 hộ có ao hồ

Qui Mô: + Năm 2005: 35 hộ nuôi 01ha

+ Năm 2006: 35 hộ nuôi 01ha

c.   Xây dựng mô hình nuôi heo Móng cái, heo lai và xử lý chất thải:

Áp dụng được thành tựu khoa học công nghệ, nhằm thay dần cơ cấu vật nuôi trên địa bàn xã qua đó tạo ra một nghề chăn nuôi mới, giữ vệ sinh môi trường trong quá trình chăn nuôi, giúp cho người nông dân có chất đốt trong sinh hoạt, góp phần giảm bớt nạn phá rừng làm chất đốt. Từ Mô hình này, sau Dự án sẽ được nhân rộng tại địa phương và các vùng lân cận.

Đầu tư và áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ nuôi 26 con heo Móng cái, xây 05 bể ủ phân chuồng & chứa khí Biogas và 110 con heo lai lấy giống từ heo mẹ Móng cái để cung cấp đủ nguyên liệu cho bếp dùng Biogas, có tập huấn và hội thảo đầu bờ.

Năm 2005 đầu tư 26 con heo mẹ Móng cái, 05 bể Biogas và chuồng trại, năm 2006 đầu tư hỗ trợ thức ăn cho 110 con heo lai thịt.

Có cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn cho nông dân áp dụng qui trình nuôi heo hậu bị, thâm canh chăn nuôi heo và xây dựng hầm Biogas để xử lý chất thải.

4.  Kết luận

Xuất phát từ thực tiễn mô hình, từ thu nhận ý kiến khách quan người tham gia mô hình và những ghi nhận của cán bộ kỹ thuật cơ sở: Đồng bào dân tộc Jrai kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp và đời sống nông dân còn rất nhiều khó khăn. Do ảnh hưởng tập quán canh tác theo truyền thống, như: lúa sạ dày, bón nhiều phân đạm, xịt nhiều thuốc bảo vệ thực vật; đối với chăn nuôi gia súc thường là quản canh và thả rông ít khi chăn dắt... và khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế nên năng suất thường đạt thấp. Để tiếp cận chương trình dự án với nông dân người dân tộc, trong hoàn cảnh bất đồng ngôn ngữ, nông dân có đất nhưng không tập trung, diện tích đất sản xuất nhỏ lẻ, mặt ruộng không bằng phẳng, ao hồ không lớn, chuồng trại thiếu thốn..., cán bộ kỹ thuật của dự án đã kiên trì nỗ lực đến từng hộ dân để tuyên truyền vận động. Khi bà con đồng ý tham gia thì bước tiếp theo là cùng bà con bám sát đồng ruộng, khu vực triển khai dự án suốt vụ.

Sau gần 2 năm triển khai thực hiện mô hình với bà con người dân tộc Jrai tại xã Ia Yeng huyện Ayun Pa, Ban Chủ nhiệm dự án đã bám sát các mục tiêu, hoàn thành các nội dung, theo đúng tiến độ. Toàn bộ nội dung của dự án đã được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo đúng định mức đã được thẩm định và phê duyệt. Trước khi triển khai Ban Chủ nhiệm đã họp BCĐ và các cá nhân, các ban ngành đoàn thể công khai các nội dung và kinh phí đầu tư cho các mô hình. Đặc biệt nội dung của dự án được công khai tới tận thôn làng, Ban Chủ nhiệm dự án đã phát huy tính chủ động và thống nhất của nhân dân và chính quyền địa phương trong việc lựa chọn các hộ tham gia dự án. Đây là một trong những yếu tố tích cực góp phần vào thành công của dự án. Trong quá trình thực hiện, Ban chủ nhiệm dự án đã tranh thủ sự chỉ đạo của UBND Huyện, Ban Thường vụ Huyện uỷ để thực hiện, do đó toàn bộ nội dung của dự án đã được triển khai nghiêm túc.

5.  Một số kết quả

Mô hình trồng 6 ha lúa nguyên chủng kết hợp áp dụng quản lý theo phương pháp ICM vụ mùa 2006:

T374.png


* (Ghi chú: Số liệu Thống kê năng suất vụ Mùa toàn huyện: 51,2 tạ/ha)

         + Phân Urê: 4.500đ/kg                       + Phân Kali: 3.600đ/kg

+ Phân Lân VĐ: 1.200đ/kg    + Phân hữu cơ: 120.000đ/tấn + Lúa thương phẩm: 1.800 đ/kg (lúa tươi).

+ Ruộng ICM đạt năng suất 63 tạ/ha, qua kiểm định ruộng ICM đạt với 50% năng suất đạt tiêu chuẩn giống xác nhận để trao đổi cho vụ sau ĐX 2006- 2007 là: 189 tạ (tương đương diện tích 126 ha).

+ Ruộng nông dân: 60,7 tạ/ha

+ Chênh lệch năng suất: ICM/ND = 2.3 tạ/ha.

+ Chênh lệch về lợi nhuận: ICM/ND là 853.500 đ/ha.

Mô hình trồng Mì cao sản KM.94 (10 ha):

Qua Hội nghị đầu bờ đã thu hoạch thí điểm tại nhà ông Siu- Thok cho năng suất đạt 360 tạ/ha, bình quân số củ trên cây là 13 củ/cây. Nhìn chung năng suất cao hơn so với các giống mì địa phương, tỉ lệ nảy mầm của hom mì KM.94 đạt trên 96%, chiều cao cây trung bình, có thời gian sinh trưởng từ 9-10 tháng.

-  Tính theo giá hiện tại trên thị trường mua tại ruộng của Nhà máy là 520đ/kg Mì tươi:

Vậy tổng thu nhập cho 01 ha = 360 tạ x 52.000đ/tạ = 18.720.000đồng/ha

-  Tổng chi phí cho 01 ha mì là: 7.200.000đồng.

-  Lãi: 18.720.000đồng - 7.200.000đồng = 11.520.000đồng

Mô hình nuôi heo hậu bị Móng cái và hầm Biogas:

Đây là mô hình nhằm đa dạng hóa nông nghiệp nông thôn, góp phần tạo thêm việc làm cho nông dân, giúp nông dân địa phương cải tạo giống lợn đã bị cận huyết, nhiều hộ đã biết làm chuồng nuôi heo và xây dựng hố ủ phân để sử dụng Biogas góp phần cải thiện môi trường nhà ở, nâng cao đời sống cho đồng bào địa phương. Tuy nhiên giống heo Móng cái vào thời điểm triển khai dự án rất khó tìm được cơ cở chăn nuôi (trong tỉnh) cung cấp con giống. Quá trình thực hiện dự án đã cho thấy heo Móng cái dễ nuôi, sức chống chịu tốt với điều kiện khí hậu của xã Ia Yeng, đàn heo phát triển bình thường và sinh sản tốt, heo chuẩn bị đưa vào sinh sản một số ít đạt trọng lượng trên 80 kg, còn lại đa số đạt trọng lượng 55-65 kg. Số con đẻ trong lứa 9-11 con, có một số trường hợp nái bị sẩy thai do ảnh hưởng trong quá trình vận chuyển giống, và một số trường hợp hộ nuôi không theo dõi cung cấp chất khoáng và sắt cho heo trong quá trình nuôi nhốt và mang thai heo bị thiếu khoáng nên heo nái bị bại chân đi đứng khó khăn. Các hộ tham gia dự án đã có ý thức trong việc làm chuồng nuôi heo, và một số hộ đã có đầu tư qui mô lâu dài kết cấu chuồng vững chắc sạch đẹp; qua mô hình đã cải thiện rất nhiều về môi sinh của các hộ nuôi và tác động mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư vốn xưa kia chỉ quen thả rông gia súc.

 

Sở KHCN

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp - Người phụ trách: ông Nguyễn Văn Lộc