Sign In

Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Gia Lai

Siết chặt quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn Gia Lai

Ngày đăng: 19-08-2019, 10:00 - Lượt truy cập: 1177
(GLO)- Tăng cường thanh-kiểm tra kết hợp đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ pháp lý cho tổ chức và cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản là những việc làm thiết thực đang được ngành chức năng của tỉnh Gia Lai tập trung thực hiện nhằm quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.



​Tăng cường thanh-kiểm tra
 
Ông Tạ Văn Thân-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Khoáng sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu là vật liệu xây dựng thông thường như: cát, đá xây dựng, đất san lấp, than bùn, đất sét. Cát xây dựng chủ yếu tích tụ ở các suối nhỏ theo mùa, trữ lượng ít, không tập trung; đất san lấp ở các khu vực phân tán, khối lượng ít, rất khó đưa vào quy hoạch khoáng sản để cấp phép theo quy định. Do đó, tại một số huyện vẫn còn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép (chủ yếu là cát xây dựng, đất san lấp) gây khó khăn trong công tác quản lý. Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện có 56 doanh nghiệp/76 khu vực mỏ được cấp quyền khai thác khoáng sản gồm: 27 mỏ đá, 25 mỏ cát, 13 mỏ đá ốp lát, 4 mỏ đất sét làm gạch, 1 mỏ đất san lấp, 1 mỏ than bùn… Các doanh nghiệp đã cơ bản thực hiện đúng các quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính. Tuy nhiên, một số trường hợp khai thác khoáng sản vẫn còn vượt công suất. Do vậy, ngoài tuyên truyền, tập huấn để hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp, cá nhân về bảo vệ tài nguyên khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng tăng cường hoạt động thanh-kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các sai phạm. “Riêng từ đầu năm đến nay, Sở đã thực hiện 5 cuộc thanh-kiểm tra về tình hình hoạt động khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đang tiến hành 1 cuộc thanh tra theo kế hoạch đối với 5 doanh nghiệp; đã hoàn tất 4 cuộc kiểm tra đột xuất khoáng sản trái phép (đất, đá) tại các huyện, thị xã, thành phố. Qua kiểm tra, Sở đã xử phạt 8 triệu đồng đối với 1 tổ chức khai thác khoáng sản vượt công suất”-ông Thân thông tin thêm.
 
 
 Một vụ khai thác cát trái phép tại xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Pah) bị ngành chức năng của tỉnh phát hiện và xử lý. Ảnh: H.T
Một vụ khai thác cát trái phép tại xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Pah) bị ngành chức năng của tỉnh phát hiện và xử lý. Ảnh: H.T
 
Tại TP. Pleiku, theo ông Lại Tấn Công-chuyên viên phụ trách lĩnh vực môi trường-khoáng sản (Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố), khoáng sản trên địa bàn chủ yếu là đá xây dựng, tập trung tại các cánh đồng của 2 xã Chư Á và Ia Kênh. Thời gian qua, có một số trường hợp đã lợi dụng việc cải tạo ruộng để khai thác đá trái phép. Vì vậy, UBND thành phố đã có các văn bản chỉ đạo ngành chức năng và các xã quản lý tốt khoáng sản chưa khai thác. Riêng từ đầu năm đến nay, thành phố đã phát hiện 4 trường hợp vi phạm, trong đó có 3 trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính gần 10 triệu đồng và 1 trường hợp đang được UBND xã Chư Á củng cố hồ sơ để xử lý.  
 
Vận động lắp đặt trạm cân và camera giám sát
 
Bên cạnh thanh-kiểm tra, ngành chức năng của tỉnh cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản lắp đặt trạm cân điện tử và camera giám sát theo Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29-11-2016 của Chính phủ. Ông Thân cho biết: “Việc đưa trạm cân điện tử và camera giám sát vào hoạt động góp phần quản lý tốt hơn tài nguyên khoáng sản đã khai thác. Cụ thể, trạm cân sẽ được đặt tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực để xác định khối lượng khai thác thực tế của doanh nghiệp. Riêng camera hoạt động 24/24 giờ sẽ lưu trữ các thông tin làm cơ sở để kiểm tra, giám sát, qua đó kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản”. Cũng theo ông Thân, đến thời điểm này, một số doanh nghiệp đã lắp đặt trạm cân và camera giám sát.
 
Là doanh nghiệp nhiều năm chuyên sản xuất, buôn bán vật liệu xây dựng và thi công các công trình giao thông, công trình công ích, công trình kỹ thuật dân dụng, 3 năm nay, Công  ty TNHH xây dựng Xuân Hương (thôn Hlil 2, xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa) tham gia thêm vào hoạt động khai thác khoáng sản. Mới đây, doanh nghiệp cũng đã đầu tư gần 500 triệu đồng để lắp đặt camera giám sát và trạm cân điện tử tại khu vực mỏ cát xây dựng ở xã Ia Tul (huyện Ia Pa). “Từ khi lắp đặt trạm cân, doanh nghiệp luôn thực hiện đúng việc đem cát lên cân để xác định khối lượng trước khi đưa đi tiêu thụ và duy trì camera hoạt động 24/24 giờ tại kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan”-bà Phạm Thị Thanh Xuân-quản lý Công ty-cho biết.
 
Nói thêm về định hướng trong thời gian tới, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thanh-kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với trường hợp vi phạm. Đồng thời, tiếp tục vận động các doanh nghiệp lắp đặt trạm cân và camera giám sát để phục vụ tốt hơn cho việc quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản và xử lý nghiêm các tổ chức không lắp đặt trạm cân, camera giám sát theo quy định”.
 

HỒNG THƯƠNG-GLO

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp - Người phụ trách: ông Nguyễn Văn Lộc