Bình Định là tỉnh nằm phía Nam của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, là mảnh đất có bề dày lịch sử gắn với nền văn hóa Sa Huỳnh, từng là cố đô của vương quốc Champa mà di sản còn lưu giữ là thành Đồ Bàn và các tháp Chàm với nghệ thuật kiến trúc độc đáo, là nơi xuất phát phong trào Tây Sơn vào thế kỷ 18 với tên tuổi của anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ.
Thời kỳ Pháp thuộc, năm 1885, Bình Định là một tỉnh lớn ở Trung Kỳ, nhiều vùng đất của Gia Lai - Kon Tum còn thuộc về Bình Định; sau nhiều lần thay đổi, sáp nhập, chia tách, tỉnh Bình Định là một tỉnh độc lập kéo dài cho đến năm 1975. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thực hiện Nghị quyết số 245-NQ/TW ngày 28/10/1975 của Bộ Chính trị, Quyết định số 147/QĐ của Ủy ban nhân dân cách mạng khu Trung Trung bộ, tỉnh Bình Định hợp nhất với tỉnh Quảng Ngãi lấy tên là tỉnh Nghĩa Bình.
Ngày 30/6/1989, tỉnh Bình Định được tái thành lập trên cơ sở tách ra từ tỉnh Nghĩa Bình cũ (theo Nghị quyết ngày 30/6/1989 của Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc phân vạch địa giới hành chính của các tỉnh Nghĩa Bình, Phú Khánh và Bình Trị Thiên), với 11 đơn vị hành chính cấp huyện và phát triển cho đến nay. Đến tháng 3/2025, tỉnh Bình Định có 11 đơn vị hành chính cấp huyện (08 huyện, 02 thị xã và thành phố Quy Nhơn); 155 đơn vị hành chính cấp xã (28 phường, 11 thị trấn và 116 xã).
Trong khi đó, Gia Lai là một tỉnh miền núi nằm ở khu vực phía bắc của Tây Nguyên phía bắc giáp tỉnh Kon Tum, phía nam giáp tỉnh Đăk Lăk, phía tây giáp nước Campuchia, phía đông giáp các tỉnh (Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên). Gia Lai ngày nay là địa bàn cư trú lâu đời của các dân tộc Jrai, Bahnar có tập quán sống thành từng làng. Thời kỳ Pháp thuộc, năm 1932, tỉnh Pleiku (nay là tỉnh Gia Lai) được thành lập, gồm đại lý Pleiku và đại lý Cheo Reo.
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, tên tỉnh được chính quyền cách mạng gọi là Gia Lai và được giữ nguyên cho đến năm 1975, nhưng địa giới hành chính của tỉnh có nhiều thay đổi qua các giai đoạn khác nhau của lịch sử.
Ngày 20/9/1975, theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum được hợp nhất thành một tỉnh có tên gọi là Gia Lai - Kon Tum.
Ngày 12/8/1991, theo Nghị quyết kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khoá VIII, tỉnh Gia Lai được tách ra từ tỉnh Gia Lai - Kon Tum, với 10 đơn vị hành chính cấp huyện và phát triển cho đến nay. Đến tháng 3/2025, tỉnh Gia Lai có 17 đơn vị hành chính cấp huyện (14 huyện, 02 thị xã và thành phố Pleiku); 218 đơn vị hành chính cấp xã (180 xã, 24 phường, 14 thị trấn).
Tại Kỳ họp thứ 9 vào ngày 12/6/2025, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV đã thông qua Nghị quyết số 202/2025/QH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Theo đó, sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Gia Lai. Sau khi sắp xếp, tỉnh Gia Lai có diện tích tự nhiên là 21.576,53 km2, quy mô dân số là 3.583.693 người.
Ban biên tập (tổng hợp)