Sign In

Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Gia Lai

Lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya mời gọi du khách

Ngày đăng: 09-11-2018, 12:00 - Lượt truy cập: 1607

(GLO)- Tiếp nối thành công của lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya năm 2017, lễ hội năm nay sẽ diễn ra từ ngày 10 đến 13-11. Đây cũng là thời điểm tuyệt đẹp khi loài hoa báo đông nở rực vàng, viên mãn thắp sáng cả ngọn núi lửa đã ngủ yên. Người dân và hàng ngàn du khách khắp nơi đã sẵn sàng hòa mình vào không gian hội hè.




Trải nghiệm những giá trị tuyệt vời của văn hóa bản địa, từ ẩm thực đến những vật dụng làm thủ công truyền thống; tham gia những trò chơi dân gian và mãn nhãn với những màn biểu diễn dù lượn… trong sắc vàng rực rỡ của dã quỳ sẽ để lại những ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách.
 
Cùng dã quỳ đón mùa đông
 
Có mặt tại Phố núi Pleiku trước thềm lễ hội, một nhóm du khách 6 người (độ tuổi 25-45) đến từ Hà Nội đã không giấu được sự háo hức. Chị Nguyễn Hiếu-một thành viên trong nhóm-cho biết: “Chúng tôi biết thông tin về lễ hội hoa thông qua Facebook cá nhân của bạn bè. Những bức ảnh đẹp về núi lửa với những thảm hoa vàng trải rộng trên khắp triền núi đã khiến chúng tôi không thể chần chừ nên bèn sắp xếp thời gian, công việc để lên đường ngay”. Những người bạn đến từ Hà Nội bày tỏ sự ấn tượng trước cái lạnh đặc trưng của Gia Lai trong tiết cuối thu, đầu đông. Đối với họ, bầu trời trong xanh của cao nguyên cũng đã là một “đặc sản”.
 
 Núi lửa Chư Đăng Ya nhìn từ trên cao.       Ảnh: HÒA CAROL
Núi lửa Chư Đăng Ya nhìn từ trên cao. Ảnh: HÒA CAROL
 
Bị níu chân bởi cảnh đẹp và con người, anh Yuya Uozumi-một DJ người Nhật Bản-đã quyết định ở lại Phố núi lâu hơn dự định. Yuya cho biết, anh đến Gia Lai cách đây đã 2 tuần. Du khách người Nhật chia sẻ: “Trong thời gian ở đây, tôi được chủ homestay dẫn đi núi lửa Chư Đăng Ya 2 lần. Ở lần đầu tiên, tôi thực sự choáng ngợp, cả ngọn núi được khoác một màu vàng rực của hoa vàng và cỏ đuôi chồn. Lúc đó, tôi chỉ ước có gia đình, bạn bè ở đây để cùng nhau ngắm nhìn khung cảnh kỳ vĩ này. Lần thứ 2 tới đây, tôi có nhiều thời gian hơn để tìm hiểu cuộc sống và lao động thường ngày của người dân bản địa. Tôi thấy rất thích thú vị vì sự khác biệt văn hóa này. Màu vàng của hoa dã quỳ ở cao nguyên Gia Lai rất đặc trưng, gần giống như hoa anh đào bên đất nước chúng tôi, chỉ nở vào một thời điểm nhất định trong năm và rất thu hút khách du lịch”. Ấn tượng trước vẻ đẹp của kỳ quan thiên nhiên này, anh Yuya đã quyết định ở lại Gia Lai vài ngày để được tham gia lễ hội ngay dưới chân núi.
 
Tham gia lễ hội hoa dã quỳ năm nay, không chỉ mãn nhãn với cảnh đẹp như trong tranh của núi lửa đã ngủ yên, du khách sẽ được trải nghiệm những hoạt động văn hóa-thể thao, ẩm thực độc đáo. Những vật dụng thủ công truyền thống được làm tỉ mỉ bằng tay của người dân địa phương cũng sẽ mang đến cho khách du lịch những quà tặng ý nghĩa để nhớ về nơi này. “Năm ngoái, tôi tham gia lễ hội hoa dã quỳ và đó thực sự là những ngày vui vẻ, tràn đầy kỷ niệm của tôi cùng bạn bè. Mỗi lần nghe mùi hăng hăng của cây dã quỳ tươi, tôi thường nhắm mắt hít một hơi thật sâu và nhớ về những ngày hội hè vui vẻ đó”-anh Nguyễn Văn Thắng, làm việc trong lĩnh vực trang trí nội thất tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ như vậy trên Facebook cá nhân và nhắn nhủ bạn bè: “Hãy về ngắm hoa trên núi lửa, leo núi, tham gia các trò chơi… Hãy đi khi còn có thể”.
 
Để giữ gìn sự hoang sơ, thuần khiết của thắng cảnh thiên nhiên, sẽ có hoạt động dọn rác vì môi trường trong lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya với sự tham gia của 100 tình nguyện viên đến từ nhóm tình nguyện vì môi trường “Gia Lai Xanh”. Anh Nguyễn Võ Tùng Lâm-Phó Chủ nhiệm nhóm-cho hay: “Gia Lai Xanh sẽ ra quân vào ngày thứ hai của lễ hội (11-11). Bởi lẽ, sau ngày đầu tiên, lượng rác, vỏ chai nhựa của du khách để lại có lẽ cũng khá nhiều. Ngoài dọn rác, chúng tôi sẽ cắm bảng, biển nhắc nhở người dân và du khách gìn giữ vệ sinh, cũng chính là góp phần bảo vệ thắng cảnh thiên nhiên này”. Theo anh Lâm, mục tiêu lâu dài mà “Gia Lai Xanh” hướng đến chính là lan tỏa tinh thần lẫn ý thức trách nhiệm của mỗi người đối với môi trường. “Chúng tôi sẽ không thể dọn rác được mãi ở một điểm nào đó, nhưng thông qua hoạt động này, mọi người sẽ thấy việc làm nhỏ nhưng thực sự hữu ích nếu cùng chung tay hành động. Nếu các thắng cảnh tự nhiên tràn ngập rác thải thì sẽ rất khó để hướng đến phát triển du lịch bền vững”-anh Lâm nói thêm.
 
Nâng tầm thương hiệu du lịch
 
Anh Hoàng Phương (Công ty Du lịch Vietjoy Tourist) nhận xét: “So với lần đầu tiên tổ chức, năm nay công tác chuẩn bị của địa phương tốt hơn rất nhiều. Cung đường lên núi được quy hoạch khá hợp lý, giúp du khách dễ leo hơn, nhất là những người từ phương xa tới. Dã quỳ cũng đang vào độ rực rỡ, viên mãn nhất. Đây đúng là thời điểm lý tưởng để tổ chức thành công lễ hội hoa gắn với giới thiệu đặc sản địa phương”.
 
 
Du khách khắp nơi đổ về trước lễ hội để chiêm ngưỡng kỳ quan núi lửa ngập trong sắc vàng của dã quỳ. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc
Du khách khắp nơi đổ về trước lễ hội để chiêm ngưỡng kỳ quan núi lửa ngập trong sắc vàng của dã quỳ. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc

 

 
Ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch: “Dã quỳ có ở khắp vùng Tây Nguyên, là loài hoa báo đông và mang vẻ đẹp rất đặc trưng của cao nguyên. Nhưng Gia Lai là địa phương đầu tiên lấy tên loài hoa này đặt tên cho lễ hội, gắn với núi lửa cũng là một trong những “đặc sản” của ngành du lịch, nên mặc nhiên lễ hội hoa dã quỳ đã trở thành thương hiệu của Chư Đăng Ya nói riêng, của Gia Lai nói chung. Huyện Chư Pah đã tổ chức rất thành công lễ hội này lần thứ nhất và năm nay được kỳ vọng sẽ thành công hơn nữa khi lễ hội hoa diễn ra đúng thời điểm hơn, công tác chuẩn bị tốt hơn. Đây là cơ sở để dần nâng tầm lễ hội này thành thương hiệu của du lịch Gia Lai, tương tự như lễ hội cà phê ở Buôn Ma Thuột, Festival Hoa Đà Lạt…”.
 ​


Dưới con mắt của người làm du lịch, anh Phương cho rằng, nếu huyện Chư Pah tổ chức tốt lễ hội năm nay thì việc nâng tầm lễ hội thành thương hiệu du lịch của tỉnh là điều hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, từ lễ hội cấp huyện, muốn nâng tầm trở thành thương hiệu của một tỉnh để kích cầu du lịch, cần có sự kết nối các điểm đến khác để hình thành tuyến điểm có giá trị. “Núi lửa Chư Đăng Ya có những thời điểm tuyệt đẹp trong năm, đó là mùa hoa dong riềng đỏ, mùa khoai mật và mùa hoa dã quỳ. Nếu sắc đỏ của hoa dong riềng báo mưa thì sắc vàng của dã quỳ báo mùa đông đến. Những luống khoai mật chạy dọc sườn núi cũng mang đến vẻ đẹp kỳ thú cho kỳ quan thiên nhiên này. Lên tới đỉnh Chư Đăng Ya, du khách có thể ngắm Biển Hồ, ngắm đỉnh Chư Nâm hùng vĩ, xuống núi có thể tham quan nhà thờ cổ Hà Bầu. Tuy nhiên, cần kết nối thành một tuyến điểm thì sản phẩm này mới thực sự có giá trị. Riêng nhà thờ cổ Hà Bầu ngay dưới chân núi, nếu khai thác đúng hướng để tạo thành điểm du lịch tâm linh thì sẽ hoàn toàn “đánh gục” thị hiếu của khách du lịch hiện nay”.
 
Năm 2017, núi lửa Chư Đăng Ya được tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) bình chọn là một trong 10 điểm đến hấp dẫn nhất tỉnh. Giữa năm nay, khu du lịch Biển Hồ-Chư Đăng Ya tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quy hoạch vào các khu du lịch quốc gia của Việt Nam. Như vậy, núi lửa Chư Đăng Ya đang đứng trước cơ hội rất lớn để trở thành sản phẩm du lịch đặc biệt giá trị trong chuỗi các sản phẩm du lịch của tỉnh.
 
Ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-thông tin: “Theo kế hoạch, một “Làng du lịch Jrai nguyên tác khép kín” dưới chân núi Chư Đăng Ya sẽ được phục dựng với đầy đủ thiết chế văn hóa, kiến trúc, con người… với nguồn vốn khoảng 1 triệu USD do Ngân hàng Phát triển Châu Á tài trợ. Dự án này dự kiến sẽ triển khai trong 2 năm (2019-2020). Nếu biết cách khai thác và kết nối với các điểm đến như hồ Tân Sơn, Biển Hồ, đồi chè trăm tuổi, chùa cổ… thì đây sẽ là sản phẩm du lịch khép kín với đủ hình thức sinh thái, văn hóa, tâm linh…, thu hút khách tham quan, thúc đẩy tăng trưởng cho ngành Du lịch của địa phương và toàn tỉnh”.
 
 
 
Ông A Mluih-già làng làng Ia Gri (xã Chư Đăng Ya): “Từ mùa lễ hội năm 2017, ngọn núi lửa Chư Đăng Ya cùng làng Ia Gri đã được mọi người biết đến nhiều hơn, dân làng ai cũng thấy rất vui mừng. Để chuẩn bị cho lễ hội năm nay, từ nửa tháng trước, cả làng đã tập trung hơn 10 bộ cồng chiêng, cùng tập luyện để biểu diễn phục vụ du khách. Ngoài ra, dân làng cũng đan gùi, dệt vải, tạc tượng... để giúp cho lễ hội thêm phong phú. Đây là ngày hội vui của cả làng nên ai cũng muốn tham gia. Hy vọng rằng những năm sau lễ hội vẫn được duy trì để dân làng Ia Gri có cơ hội quảng bá, giới thiệu đến du khách văn hóa đặc sắc cũng như những món ẩm thực độc đáo của địa phương”.
 

 

 


Hoàng Ngọc-GLO

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp - Người phụ trách: ông Nguyễn Văn Lộc