Sign In

Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Gia Lai

Ngành ngân hàng Gia Lai- Hướng đến “tam nông”

Ngày đăng: 21-01-2018, 03:00 - Lượt truy cập: 2519

Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, đến cuối tháng 7-2011, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh đạt trên 7.500 tỷ đồng, chiếm trên 30% tổng dư nợ, tăng 4,5% so với cuối năm 2010.


 Sự quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là do các ngân hàng (NH) thấy được tiềm năng của khu vực này. Ngân hàng là trung gian giữa nông dân và doanh nghiệp, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho nông dân và phục vụ cho mục đích xuất khẩu. Sự liên kết “4 nhà” đối với một số nông sản gần đây được thắt chặt hơn.  

 

Ảnh: K.N.B
Ảnh: K.N.B
Vì vậy quan tâm đến khu vực này, NH không chỉ thu được lợi nhuận mà còn là lượng ngoại tệ đáng kể. “Cho nông dân vay lúc này là có lợi nhất, vì thị trường bất động sản, vàng, ngoại tệ, chứng khoán trồi sụt bất thường hoặc là đóng băng, trong khi các món vay nông nghiệp thường nhỏ và không chịu nhiều rủi ro”-bà Bùi Thị Năm- Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT tỉnh phân tích. Theo báo cáo, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT tỉnh chiếm tỷ trọng 63% trên tổng dư nợ. Đây là kết quả của việc thực hiện nghiệp vụ truyền thống và tích cực triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ. Nhiều NH cho vay theo gói tín dụng nông nghiệp, nông thôn với lãi suất ưu đãi thấp hơn 2,5% so với quy định. Vì áp dụng chính sách ưu đãi nên dư nợ cho vay lĩnh vực này tăng nhanh và chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng dư nợ. Gần đây, các NH có nới lỏng điều kiện vay vốn và giải ngân đối với khách hàng nông thôn. Cho vay nông nghiệp, nông thôn cũng không còn là địa hạt riêng của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT.

Đến cuối tháng 7-2011, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang đã huy động được 259 tỷ đồng và dư nợ đạt 206 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng 68%. Theo kế hoạch, đơn vị phải đạt tăng trưởng dư nợ 15-17%/năm. Tuy nhiên đến ngày 31-7, dư nợ của Chi nhánh giảm đến 6%, do thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, hạn chế cho vay các lĩnh vực nhà nước không khuyến khích, nhằm kiềm chế lạm phát. Dư nợ cho vay tập trung cho đầu tư trồng và chăm sóc mía, cà phê, món vay lớn lên đến 300 triệu đồng. Hiệu quả đồng vốn NH là tạo ra nguồn sản phẩm nhiều về số lượng, tăng về chất lượng, đảm bảo an ninh lương thực, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xóa đói giảm nghèo, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với quy hoạch và tiềm năng phát triển kinh tế của địa phương. Do được mùa, được giá nên nông dân có điều kiện trả nợ NH, gửi tiết kiệm và đầu tư phát triển diện tích mía, mì.

Theo ông Phạm Đồng Thanh-Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang, để tháo gỡ tình trạng giảm dư nợ, cụ thể là với Nghị định 41 của Chính phủ về cho vay không đảm bảo bằng tài sản thế chấp 30 triệu đồng-50 triệu đồng (như không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), người vay chỉ cần được chính quyền xã xác nhận hộ khẩu, đất đai không bị tranh chấp, nhu cầu vay chính đáng thì sẽ được giải ngân. Chủ trương này mới được triển khai trong năm nay. Nghị định 41 của Chính phủ ra đời đã giúp nông dân tháo gỡ khó khăn về vốn. Tuy nhiên vốn cho nông dân, nông nghiệp, nông thôn bao giờ cũng thiếu, Nghị định 41 dẫu có nhiều ý nghĩa nhưng cũng chưa phải đã hoàn toàn tháo gỡ triệt để về vốn cho nông nghiệp, nông thôn.

Mặt khác, các NHTM rất khó trong việc thu xếp vốn để cho vay theo chương trình này. Hiện tại, nguồn vốn này rất hạn chế. Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang vừa được Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho vay nông nghiệp, nông thôn 7 tỷ đồng, kể từ 1-7. Trước đó, vốn của chương trình này đã cạn. Nếu sử dụng nguồn vốn khác thì cơ chế lãi suất cho vay cũng phải khác đi, nghĩa là phải cao hơn 16-17%/năm. Nếu đi vay để cho vay nông nghiệp, nông thôn thì bắt buộc lãi suất phải cao hơn, mà như thế thì nông dân sẽ gặp khó. Theo ông Phạm Đồng Thanh, cần có cơ chế lãi suất cho vay “mềm” hơn để gỡ khó cho NH, cũng là cách để vốn đến với khu vực nông nghiệp, nông thôn nhiều hơn, phát huy hiệu quả hơn.

Trên thực tế, cho vay nông nghiệp, nông thôn là kênh đầu tư khá an toàn, ổn định, lại thực hiện đúng chủ trương của Nhà nước, dù lợi nhuận không bằng cho vay phi sản xuất. Tuy nhiên, nhiều NH cũng chỉ cho vay cầm chừng. Lý do đưa ra là sản xuất nông nghiệp bấp bênh, thiếu bền vững. Và NH chỉ cho vay với định mức 50% giá trị đất nông nghiệp theo khung giá đất do Nhà nước quy định.
 

 

Thất Sơn

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp - Người phụ trách: ông Nguyễn Văn Lộc