Yêu kính Bác Hồ
Ngay vị trí trang trọng nhất trong phòng khách của gia đình, bà Đinh Thị Lớt (làng Pốt, xã Song An) đặt chiếc tủ thờ Bác Hồ. Mỗi dịp lễ, Tết, gia đình bà đều mua trái cây dâng cúng Bác. Đó là cách mà bà Lớt bày tỏ tình cảm và lòng biết ơn đối với vị cha già của dân tộc. Theo bà Lớt, những năm tháng chiến tranh, hình ảnh, câu chuyện về Bác Hồ được lan tỏa khắp buôn làng, tiếp thêm sức mạnh, thôi thúc người Bahnar cùng các dân tộc anh em đoàn kết đánh đuổi giặc ngoại xâm. Nhờ đó, bà con mới có cuộc sống ấm no, hạnh phúc như bây giờ. “Người Bahnar không lập bàn thờ và không đặt di ảnh người quá cố trong nhà. Nhưng vì tình cảm và luôn nhớ công ơn Bác, nhiều năm nay, tôi luôn thờ Người. Nhiều hộ trong làng cũng trân trọng treo ảnh Bác trong nhà"-bà Lớt tâm sự.
Đại diện Chi hội Cựu chiến
binh tổ 3 (phường Tây Sơn, thị xã An Khê) tặng ảnh Bác cho hộ dân. Ảnh: An Phát
Bên cạnh treo ảnh Bác ở nhà riêng, cộng đồng người Bahnar còn thờ Bác tại nhà rông của làng. Ông Đinh Văn Đạt-Trưởng thôn Hòa Bình (xã Tú An) cho hay: “Khi có sự kiện quan trọng, ngoài cúng tế thần linh theo phong tục thì dân làng thắp nén hương tưởng nhớ Bác. Việc làm này đã trở thành văn hóa của người Bahnar ở An Khê. Bà con rất biết ơn Bác Hồ. Mỗi dịp lễ, Tết, bà con thường tập trung về nhà rông, có dĩa bánh, bình hoa đặt lên bàn thờ Bác, cầu mong cho dân làng khỏe mạnh, đời sống ấm no, hạnh phúc. Trai gái múa xoang và đánh cồng chiêng, không khí rất là vui vẻ, tình làng nghĩa xóm thêm gắn kết".
Tỏ lòng yêu kính Bác Hồ, bà Đinh Thị Lãnh (tổ 3, phường Tây Sơn) chia sẻ: “Bác đã đi xa nhưng hình ảnh của Người luôn sống mãi trong lòng bà con. Lâu nay, tôi treo ảnh Bác tại phòng khách để mỗi ngày đi làm về đều có thể thấy chân dung của Người. Đó là cách để tôi tự nhắc mình cũng như con cháu luôn khắc ghi công ơn của Người, cố gắng hơn trong học tập, lao động và làm nhiều việc tốt cho cộng đồng".
Học tập và làm theo Bác
Là người lính Cụ Hồ, những lời nói, việc làm của Bác luôn được cựu chiến binh (CCB) Phạm Văn Nam (tổ 13, phường An Phú) khắc ghi trong lòng. Năm 1989, sau khi xây dựng nhà cửa khang trang, ông mua 1 bức ảnh Bác về treo trang trọng bên những tấm huân-huy chương, bằng khen, huy hiệu... Nhìn lên ảnh Bác, ông Nam bộc bạch: “Tôi treo ảnh Bác để tỏ lòng tôn kính. Mỗi lần nhìn ảnh Bác lại nhắc tôi nhớ và làm theo những việc dù nhỏ nhưng rất ý nghĩa mà Người đã làm. Vì thế, làm bất cứ việc gì hoặc trên cương vị nào tôi cũng cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ và luôn nhắc nhở con cháu học tập, noi theo".
Cựu chiến binh Phạm Văn Nam
(tổ 13, phường An Phú) bên bức ảnh Bác Hồ ông mua cách đây hơn 30 năm. Ảnh: An Phát
Không chỉ treo ảnh Bác, những năm qua, hội viên CCB thị xã An Khê đều tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh như: thành lập tổ hợp tác CCB sản xuất giỏi; mô hình đoạn đường CCB tự quản; chung sức xây dựng nông thôn mới… Từ đó, nhiều tấm gương CCB tiêu biểu về xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế đã xuất hiện. Hiện tỷ lệ hộ CCB khá và giàu của thị xã chiếm 65,14%. Năm 2021, Hội CCB thị xã đã vận động hội viên, Mạnh Thường Quân được 200 triệu đồng để hỗ trợ những hộ gia đình khó khăn ảnh hưởng bởi đại dịch và ủng hộ lực lượng tuyến đầu chống dịch. Bên cạnh đó, hội viên còn ủng hộ 3.000 chiếc khẩu trang y tế và tăng cường phối hợp với các hội, đoàn thể tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức người dân trong phòng-chống dịch Covid-19.
Hội CCB thị xã hiện có 1.080 hội viên thì có đến 95% treo ảnh và lập ban thờ Bác. Chủ tịch Hội CCB thị xã Lý Văn Mười cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm thiết thực. Trong đó, Hội sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên thờ và treo ảnh Bác Hồ trong nhà, đồng thời lan tỏa trong cộng đồng. Đây vừa là trách nhiệm của CCB và của người dân hướng về Đảng, hướng về Bác Hồ để đoàn kết, chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ".