Sign In

Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Gia Lai

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tháng 7/2019

Ngày đăng: 02-08-2019, 09:00 - Lượt truy cập: 416
(Chinhphu.vn) - Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; tập trung ứng phó hạn hán tại Trung Bộ; tăng mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng; quy định mới về quản lý, sử dụng đất trồng lúa;... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tháng 7/2019.


Ảnh minh họa
Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
Ngày 17/07/2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết 53/NQ-CP về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững. Theo Nghị quyết, tầm nhìn đến năm 2030 là phát triển nền nông nghiệp nước ta theo hướng hiện đại, bền vững; sản xuất hàng hóa lớn, áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh; cải thiện và ngày càng nâng cao đời sống nông dân; xây dựng nông thôn văn minh hiện đại.
Đến năm 2030, nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó ngành chế biến nông sản đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới. Việt Nam là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới, trung tâm logistics của thương mại nông sản toàn cầu.
Đề nghị phong tặng, truy tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú"
Ngày 18/07/2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết 54/NQ-CP về việc phong tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" lần thứ 9. Nghị quyết nêu rõ, trong khi chưa sửa đổi Nghị định số 89/2014/NĐ-CPngày 29/9/2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú", đồng ý đề nghị xét phong tặng, truy tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân" cho 50 cá nhân; phong tặng, truy tặng danh hiệu "Nghệ sĩ ưu tú" cho 149 cá nhân.
Thúc đẩy tăng trưởng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Ngày 19/07/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 19/CT-TTgvề các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Chị thị nêu rõ mục tiêu của Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam là phát triển kinh tế bền vững đi đôi với bảo đảm công bằng, ổn định chính trị xã hội, hài hòa giữa các mục tiêu về phát triển kinh tế, phát triển xã hội và cải thiện môi trường sinh thái với việc bảo vệ và phát triển rừng; phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường đô thị, nguồn nước và không khí; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra tại Quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 13/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng KTTĐ phía Nam đến năm 2020, định hướng đến 2030.
Thủ tướng chỉ thị lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025
Tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 29/7/2019, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định.
Đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng
Để sớm chuyển sang thực hiện thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia giao thông và minh bạch trong hoạt động thu phí, ngày 15/07/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 849/CĐ-TTg yêu cầu đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí giao thông đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí điện tử tự động không dừng theo đúng quy định; bảo đảm chậm nhất trước ngày 31/12/2019 chuyển sang thu phí tự động đối với tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc.
Tập trung ứng phó hạn hán tại Trung Bộ
Ngày 24/07/2019, Thủ tướng Chính phủ có Công điện 897/CĐ-TTg về việc tập trung ứng phó với nắng nóng kéo dài, hạn hán và xâm nhập mặn tại khu vực Trung Bộ.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn theo chỉ đạo của Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nạo vét cửa lấy nước, kênh mương; lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến; đào ao, giếng, đắp đập tạm để trữ nước và ngăn mặn; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt,...); chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm kê, đánh giá nguồn nước trữ tại các hồ chứa nước, công trình thủy lợi trên địa bàn, tính toán cân bằng nước để kịp thời điều chỉnh, bổ sung phương án sử dụng nước, phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, trong đó ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt, chăn nuôi gia súc, các vùng đã sản xuất và tưới cây công nghiệp lâu năm; điều chỉnh và tổ chức thực hiện kế hoạch vận hành cụ thể từng hệ thống thủy lợi, hồ chứa nước; chủ động thực hiện giải pháp cung cấp nước, không để thiếu nước cho sinh hoạt và chăn nuôi, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của nhân dân, nhất là đối với vùng núi cao, vùng ven biển thường xuyên xảy ra thiếu nước sinh hoạt...
Tăng mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng
Ngày 01/07/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 58/2019/NĐ-CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Theo đó, mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo quy định tại Nghị định 58/2019/NĐ-CP là 1.624.000 đồng (quy định cũ tại Nghị định 99/2018/NĐ-CP là 1.515.000 đồng).
Quy định về tặng, nhận quà tặng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị
Ngày 01/07/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 59/2019/NĐ-CPquy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng; trong đó quy định rõ việc tặng quà và nhận quà tặng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn.
Nghị định quy định cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn chỉ được sử dụng tài chính công, tài sản công để làm quà tặng vì mục đích từ thiện, đối ngoại và thực hiện chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật. Việc tặng quà phải thực hiện đúng chế độ, định mức, tiêu chuẩn, đối tượng theo quy định của pháp luật; cơ quan, đơn vị tặng quà phải hạch toán kế toán và thực hiện công khai trong cơ quan, đơn vị mình theo đúng quy định của pháp luật.
Về việc nhận quà tặng, Nghị định quy định cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình. Trường hợp không từ chối được thì cơ quan, tổ chức, đơn vị phải tổ chức quản lý, xử lý quà tặng theo quy định.
Quy định mới về quản lý, sử dụng đất trồng lúa
Ngày 11/07/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 62/2019/NĐ-CPsửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.
Cụ thể, Nghị định số 62/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điều kiện chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản: a- Không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại; không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa; b- Phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa của cấp xã, đảm bảo công khai, minh bạch; c- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây lâu năm phải theo vùng, để hình thành các vùng sản xuất tập trung và khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có; phù hợp với định hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương; d- Trường hợp trồng lúa đồng thời kết hợp nuôi trồng thủy sản, cho phép sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng cho nuôi trồng thủy sản, độ sâu của mặt bằng hạ thấp không quá 120cm, khi cần thiết phải phục hồi lại được mặt bằng để trồng lúa trở lại.
Tổ chức vi phạm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bị phạt tới 200 triệu đồng
Ngày 11/07/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 63/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước.
Theo Nghị định, hình thức xử phạt chính quy định tại Nghị định này bao gồm: Cảnh cáo và phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước là 50.000.000 đồng đối với cá nhân và 100.000.000 đồng đối với tổ chức; trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức.
Bảo tồn, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước
Ngày 29/07/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 66/2019/NĐ-CP về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước.
Trong đó, Nghị định đã nêu rõ 3 nguyên tắc bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước gồm: 1- Việc bảo tồn và sử dụng vùng đất ngập nước phải được thực hiện trên nguyên tắc tiếp cận hệ sinh thái, bảo đảm duy trì toàn vẹn cấu trúc, chức năng, đặc tính sinh thái và đa dạng sinh học của vùng đất ngập nước; 2- Tăng cường vai trò, sự tham gia của cộng đồng dân cư sinh sống trên, xung quanh vùng đất ngập nước và các bên liên quan trong bảo tồn, sử dụng bền vững vùng đất ngập nước; 3- Đảm bảo cơ chế chia sẻ lợi ích công bằng, hợp lý về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên liên quan trong việc sử dụng dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước.​

Chí Kiên​-Chinhphu.vn

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp - Người phụ trách: ông Nguyễn Văn Lộc