Sign In

Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Gia Lai

Chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh nổi bật trong tuần từ 02/12-06/12/2019

Ngày đăng: 10-12-2019, 03:00 - Lượt truy cập: 597

Triển khai thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2019 – 2020; triển khai Đề án hỗ trợ thôn, làng tại các xã đặc biệt khó khăn xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 1385/QĐ-TTg; tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán thiếu  nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2019-2020; tăng cường thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh… là những thông tin chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND  tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong tuần từ ngày 02/12-06/12/2019.


 

1.     Triển khai thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2019 - 2020

Mùa khô năm 2018 - 2019, mặc dù UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt; các cấp, các ngành và đơn vị chủ rừng đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) nhưng do thời tiết khô hanh, nắng nóng kéo dài, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 08 vụ cháy làm thiệt hại 39,62 ha rừng trồng chưa thành rừng trên địa bàn các huyện Chư Păh, Chư Sê và Đak Đoa. Năm 2019, mùa mưa kết thúc sớm hơn bình thường; theo dự báo, mùa khô năm 2019 - 2020 thời tiết sẽ diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Để chủ động, tăng cường công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng cháy rừng; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra. Ngày 04/12/2019 UBND tỉnh ban hành chỉ thị số 10/CT-UBND “Về việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2019 -2020". Qua đó UBND tỉnh  yêu cầu các cấp, ngành, cơ quan có liên quan và các đơn vị chủ rừng triển khai thực hiện nghiêm túc một số nội dung sau:

Đối với UBND các huyện, thị xã, thành: củng cố, kiện toàn và hoàn thiện quy chế hoạt động của Ban Chỉ huy PCCCR (sau đây viết tắt là BCH.PCCCR) cấp huyện, xã; ban hành các văn bản chỉ đạo kịp thời công tác PCCCR trên địa bàn; lập kế hoạch và tiến hành kiểm tra, đôn đốc Hạt Kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng, UBND các xã, các cộng đồng, hộ nhận khoán bảo vệ rừng và các đơn vị khác đứng chân trên địa bàn trong việc thực hiện các biện pháp PCCCR theo phương châm 4 tại chỗ; chỉ đạo Hạt Kiểm lâm xây dựng phương án chữa cháy rừng mùa khô năm 2019-2020 theo hướng dẫn của Chi cục Kiểm lâm và tổ chức thẩm định, phê duyệt để thực hiện; chỉ đạo các đơn vị chủ rừng và các xã tổ chúc tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết an toàn lửa rừng, thực hiện các quy định về bảo vệ rừng và PCCCR; quản lý chặt chẽ việc đốt thực bì để sản xuất nương rẫy, nhất là trong thời kỳ cao điểm của mùa khô và kiểm soát chặt chẽ các đối tượng mang nguồn lửa vào rừng gây ra cháy rừng; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo tình hình PCCCR và cháy rừng cho cấp trên theo quy định. Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để xảy ra cháy rừng trên địa bàn quản lý.

Giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo chi cục Kiểm lâm chủ động, nắm bắt tình hình thực hiện công tác PCCCR trên địa bàn tỉnh, báo cáo và đề xuất kịp thời các biện pháp PCCCR hiệu quả cho UBND tỉnh để chỉ đạo các cấp, các ngành, các đơn vị chủ rừng triển khai thực hiện; chủ trì phối hợp với Công an tỉnh (Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ) kiểm tra, đôn đốc các Hạt Kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng thực hiện các biện pháp PCCCR; cung cấp số liệu cấp dự báo cháy rừng cho Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh để thông báo ít nhất 2 lần/tuần trong suốt  mùa khô năm 2019-2020.

Tại chỉ thị này, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Giám đốc Công an tỉnh; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm; Thủ trưởng các sở, ban ngành có liên quan; Thủ trưởng các đơn vị chủ rừng và Ban Chỉ huy PCCCR các cấp nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện

2.     Triển khai Đề án hỗ trợ thôn, làng tại các xã đặc biệt khó khăn xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 1385/QĐ-TTg

Thực hiện Quyết định số 1385/QĐ-TTg ngày 21/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ thôn, bản, ấp của các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018-2020. Thực hiện Quyết định số 183/QĐ-UBND ngày 17/4/2019 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định bộ tiêu chí thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới; quy trình xét công nhận, công bố thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới thực hiện trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2019-2020. Ngày 04/12/2019 UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 2761/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án 1385 Trực tiếp cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống về vật chất, tinh thần cho người dân tại các thôn, làng của các xã biên giới của tỉnh Gia Lai. Phấn đấu 6 xã biên giới, bình quân đạt trên 10 tiêu chí xã nông thôn mới vào năm 2020.

Các nội dung hỗ trợ thực hiện Kế hoạch bao gồm các nhóm nội dung về phát triển sản xuất: Hỗ trợ mô hình phát triển sản xuất tập trung liên kết gắn với vùng nguyên liệu phù hợp với điều kiện đặc thù của từng địa phương và tổ chức nhân rộng những mô hình này trên cơ sở phát triển các sản phẩm đặc trưng, là lợi thế của địa phương theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); phát triển mô hình làng du lịch văn hóa cộng đồng; Hỗ trợ xây dựng công trình thiết yếu nhằm nâng cao đời sống, sinh hoạt của người dân ở các thôn, làng bao gồm nước sinh hoạt, cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh và sản xuất. Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội: xây mới và nâng cấp một số công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa và nhu cầu sinh hoạt của người dân trong thôn, làng (điện; đường trục thôn, làng; đường ngõ xóm, đường nội đồng; công trình về môi trường, cơ sở vật chất văn hóa thôn, làng,…).

Giải pháp thực hiện của kế hoạch là đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp về ưu tiên, tăng nguồn lực hỗ trợ các thôn, làng trong xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm các cấp, các ngành liên quan để góp phần đạt được mục tiêu của Chương trình xây dựng làng nông thôn mới đến năm 2020; phát huy vai trò chủ thể và tinh thần chủ động vươn lên của người dân và cộng đồng các thôn, làng với lực lượng nòng cốt là các già làng có uy tín trong cộng đồng. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn nâng cao nhận thức cộng đồng tại các thôn, làng về xây dựng nông thôn mới gắn với chủ động phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai. Công tác tuyên truyền phải đi vào thực chất, hình thức phù hợp và phát huy tốt vai trò của các đoàn thể chính trị xã hội trong công tác tuyên truyền.

Tại kế hoạch UBND tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan tham mưu, theo dõi, hướng dẫn UBND các huyện Đức Cơ, Chư Prông và Ia Grai thực hiện Kế hoạch. Hằng năm chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện của các địa phương, kịp thời giải quyết khó khăn vướng mắc của địa phương theo thẩm quyền, báo cáo UBND tỉnh xử lý trong trường hợp vượt thẩm quyền. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính phân bổ nguồn lực hỗ trợ các địa phương thực hiện Kế hoạch. Tiến hành khảo sát, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế cấp thôn, làng theo hướng liên kết chuỗi giá trị gắn với triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm khai thác, phát huy được những lợi thế, tiềm năng sẵn có của địa phương (lợi thế về rừng, cây dược liệu, du lịch cộng đồng gắn với phát triển và bảo tồn văn hóa dân tộc,…).

3.     Tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán thiếu  nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2019-2020 trên địa bàn tỉnh

          Thực hiện Chỉ thị số 8008/CT-BNN-TCTL ngày 25/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường thực hiện các giải pháp thủy lợi phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2019-2020. Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán thiếu nước trong mùa khô năm 2019-2020 gây ra. Ngày 02/12/2019 Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành công văn số 2732/UBND-NL Về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán thiếu nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2019-2020 trên địa bàn tỉnh. Qua đó yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 8008/CT-BNN-TCTL ngày 25/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và một số nhiệm vụ trọng tâm. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện các giải pháp phù hợp với đặc điểm của địa phương, cụ thể: Chỉ đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (phòng Kinh tế) và các đơn vị quản lý khai thác công trình thuỷ lợi các địa phương trên địa bàn thực hiện kiểm kê nguồn nước hiện có ở các công trình hồ đập thủy lợi, theo dõi chặt chẽ thông tin, diễn biến thời tiết, tích nước hồ chứa phù hợp, bảo đảm an toàn công trình và tích nước tối đa, thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu vụ Đông Xuân, xây dựng phương án phân phối nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2019 - 2020 cho từng công trình đảm bảo cung cấp nước cho các nhu cầu thiết yếu cho sinh hoạt, chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp… cho cả vụ Đông Xuân 2019-2020. Tăng cường nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, trạm bơm tưới, ao, giếng, khơi thông dòng chảy, tận dụng mọi nguồn nước cho sản xuất Đông Xuân.

          Giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn, nguồn nước, hạn hán thiếu nước, kịp thời thông báo, cảnh báo cho các địa phương và cơ quan liên quan; hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh. Hướng dẫn các địa phương triển khai lịch gieo trồng vụ Đông Xuân một cách hợp lý để tránh hạn vào cuối vụ. Chỉ đạo quyết liệt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng cường sử dụng giống cây trồng chịu hạn, sử dụng ít nước ở các khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán thiếu nước, không chủ động về nguồn nước để hạn chế thiệt hại do hạn hán gây ra. Đối với các chủ hồ đập thủy lợi cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết các tháng cuối năm, chủ động tích nước vào các hồ chứa theo quy trình vận hành được phê duyệt; tổ chức đánh giá trữ lượng nước và khả năng tưới của từng công trình thuỷ lợi do đơn vị quản lý; xây dựng phương án phòng chống hạn cụ thể cho từng công trình, từng khu tưới, trong đó có tính đến biện pháp cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt của người dân trong trường hợp nguồn nước bị thiếu hụt. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, kịp thời phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo.

4.     Tăng cường thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh

          Hiện nay, trên địa bàn tỉnh tính đến 04/12/2019 có 85.500 người tham gia BHXH, bằng 10,97% lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc trên 80.000; số người tham gia BHXH tự nguyện trên 5.500, số người tham gia BHYT 1.352.687 người, bằng 89% so với dân số; số người tham gia BHTN trên 66.200 người, bằng 8,49% lực lượng lao động. Tuy nhiên, số người tham gia BHXH, BHYT còn thấp so với tiềm năng, còn một số doanh nghiệp chưa tham gia hoặc tham gia chưa đầy đủ BHXH cho người lao động. Ngày 05/12/2019 UBND Tỉnh Gia Lai ban hành công văn số 2766/UBND-KGVX Về việc tăng cường thực hiện chính sách BHXH, BHXH trên địa bàn tỉnh.

          Qua đó UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành của tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số nội dung sau: Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực BHXH, BHTN, thường xuyên đôn đốc, chấn chỉnh yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 03/2014/NĐ-CP ngày 16/01/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về việc làm, định kỳ thông báo tình hình biến động lao động cho cơ quan Bảo hiểm xã hội theo dõi đôn đốc các đơn vị thực hiện chính sách BHXH, BHTN cho người lao động. Phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh đánh giá việc thực hiện chỉ tiêu phát triển số người tham gia BHXH, BHTN giai đoạn 2019-2021 theo Quyết định số 299/QĐ-ƯBND ngày 06/06/2019 của UBND tỉnh tại các huyện, thị xã, thành phố. Thực hiện nghiêm túc các chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về BHXH, BHYT. Phấn đấu hoàn thành các chi tiêu phát triền số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN, tập trung chỉ đạo quyết liệt đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể chưa tham gia BHXH, BHYT cho người lao động. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, BHYT để người dân hiểu được quyền lợi và trách nhiệm tham gia, tập trung vào các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể và các hộ làm nông, lâm, ngư nghiệp. Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động các cơ quan, đơn vị hành chính - sự nghiệp, doanh nghiệp trong và ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN của người lao động đối với các đơn vị sử dụng lao động./.

 

 

Ngọc Chính

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp - Người phụ trách: ông Nguyễn Văn Lộc