Sign In

Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Gia Lai

Chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh nổi bật trong tuần từ 17/6-21/6

Ngày đăng: 24-06-2019, 04:00 - Lượt truy cập: 446

​          Tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em; hạn chế khai thác, sử dụng nước dưới đất trên địa bàn tỉnh; thực hiện thí điểm Chương trình Sữa học đường năm học 2019-2020; bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do UBND tỉnh ban hành; tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ,… là những thông tin chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong tuần từ ngày 17/6-21/6/2019.


​1.     Phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em trên địa bàn tỉnh

Nhằm tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, kịp thời ngăn ngừa, hạn chế và phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em đang có chiều hướng gia tăng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Ngày 18/6/2019, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND yêu cầu Sở Lao động- Thương binh và Xã hội triển khai chiến dịch truyền thông phòng, chống đuối nước (PCĐN) ở trẻ em. Đồng thời, phối hợp truyền thông giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt là tai nạn thương tích đuối nước. Triển khai xây dựng mô hình “Ngôi nhà an toàn", “Xã, phường phù hợp với trẻ em". Lồng ghép tai nạn thương tích với việc thực hiện Chương trình bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em hàng năm. Tổ chức các hoạt động giám sát liên ngành về PCĐN trẻ em. Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong tỉnh triển khai thường xuyên và hiệu quả việc xây dựng trường học an toàn PCĐN ở trẻ em; phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tuyên truyền và cử giáo viên dạy thể chất tham gia các lớp hướng dẫn phổ cập bơi do Trung ương, tỉnh tổ chức và phối hợp với các địa phương giảng dạy các lớp phổ cập bơi, triển khai mô hình thí điểm về dạy bơi trong trường tiểu học, trung học cơ sở từ đó nhân rộng trong toàn tỉnh. Tăng cường giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho giáo viên, phụ huynh và học sinh về phòng, chống tai nạn thương tích, trong đó chú trọng đến PCĐN trẻ em. Triển khai  xây dựng các mô hình “Trường học an toàn", “mùa hè an toàn", “Nhà trẻ mẫu giáo an toàn", bể bơi thông minh để phòng, tránh tai nạn thương tích trẻ em. Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tiếp tục phát triển sâu rộng và nâng cao chất lượng phong trào dạy bơi cho trẻ trên toàn tỉnh; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về sự cần thiết của việc học bơi, cứu đuối. UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND địa phương chỉ đạo các ngành chức năng ở địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các biện pháp PCĐN ở trẻ em trên địa bàn. Tuyên truyền, vận động và chỉ đạo các tổ chức, cá nhân thực hiện xây dựng, lắp đặt rào chắn, biển cảnh báo nguy hiểm tại các ao, hồ, đập, sông, suối; san, lắp các hố xây dựng các công trình không còn sử dụng; giếng nước và các dụng cụ đựng nước phải có nắp đậy chắc chắn, an toàn. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp xã, trưởng thôn, cơ quan, đơn vị, trường học quản lý trẻ em nếu để xảy ra đuối nước trẻ em tại các địa phương, đơn vị mình. Bên cạnh đó, tổng kiểm tra, rà soát, phát hiện kịp thời các hố sâu, ao, hồ, sông, bãi tắm, các khu vực thường xuyên xảy ra đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp phòng, ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em.

2.     Hạn chế khai thác, sử dụng nước dưới đất trên địa bàn tỉnh

Ngày 17/6/2019, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1340/UBND-CNXD yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các đại phương hạn chế việc đăng ký khai thác nước dưới đất tại một số khu vực gồm: Khu vực có nguồn nước mặt có khả năng đáp ứng ổn định cho các nhu cầu sử dụng nước; khu đô thị, khu dân cư tập trung ở nông thôn, khu, cụm công nghiệp tập trung, làng nghề đã có hệ thống cấp nước tập trung và dịch vụ cấp nước đảm bảo đáp ứng yêu cầu chất lượng, số lượng. UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có giếng khoan khai thác nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô không vượt quá 10m3/ngày đêm, giếng khoan khai thác nước dưới đất cho sinh hoạt của hộ gia đình, cho các hoạt động văn hóa, tôn giáo nghiên cứu khoa học nằm trong Khu đô thị, khu dân cư tập trung ở nông thôn, khu, cụm công nghiệp tập trung, làng nghề đã được đấu nối với hệ thống cấp nước tập trung và đảm bảo cung cấp nước ổn định cả về số lượng, chất lượng và có chiều sâu lớn hơn 20m thì phải thực hiện việc đăng ký khai thác nước dưới đất tại UBND cấp huyện theo quy định. Bên cạnh đó, tăng cường chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn kiểm tra việc thăm dò, khai thác nước dưới đất trên địa bàn, nếu phát hiện sai phạm thì kịp thời xử lý theo đúng quy định. UBND huyện chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng thăm dò, khai thác nước nước dưới đất không có giấy phép hoặc không đăng ký. Bên cạn đó, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân hạn chế việc thăm dò, khai thác sử dụng nước dưới đất; ưu tiên sử dụng nước từ hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung đạt yêu cầu về số lượng và chất lượng.

3. Thực hiện thí điểm Chương trình Sữa học đường

Ngày 18/6/2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 328/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch thực hiện thí điểm Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo, tiểu học trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2020. Mục tiêu của Chương trình là học sinh các trường mầm non, tiểu học được chọn tham gia thí điểm sẽ được uống sữa 03 lần/tuần mỗi lần 01 hộp sữa 180ml và thực hiện trong 9 tháng của năm học 2019-2020; qua đó, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em mẫu giáo; bên cạnh đó, 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên y tế trường học được tham gia các lớp tập huấn, có kiến thức và kỹ năng thực hành chăm sóc dinh dưỡng (đặc biệt là về sữa học đường) cho trẻ em trong trường học; 50% bố, mẹ, người chăm sóc trẻ ở ở các trường tham gia Chương trình được truyền thông, giáo dục và tư vấn về chế độ dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe trẻ em; 100% các trường mầm non và tiểu học được chọn thí điểm thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức cho trẻ uống sữa tại trường; có cách thức vận hành, ghi chép sổ sách, lưu mẫu sữa theo quy định về an toàn thực phẩm. Trong năm học 2019-2020, Chương trình sẽ triển khai thí điểm tại 04 trường mầm non và 04 trường tiểu học của 4 huyện gồm: Kông Chro (Trường Mầm non An Trung, Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai), Kbang (Trường Mẫu giáo Tơ Tung, Trường Tiểu học Kim Đồng), Ia Pa (Trường Mẫu giáo Tuổi Thơ, Trường Tiểu học Lý Tự Trọng) và huyện Krông Pa (Trường Mầm non Sơn Ca, Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành). Dự kiến kinh phí thực hiện trong năm học 2019-2020 là 2,763.442 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước bố trí 70% và đơn vị cung cấp sữa 30%. Khuyến khích các trường huy động đóng góp tự nguyện của phụ huynh và đóng góp, tài trợ của các tổ chức, cá nhân để mua sữa cho học sinh uống trong các ngày còn lại trong tuần.

4.     Quy định giá nước sạch sinh hoạt đô thị

Ngày 20/6/2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 17/2019/QĐ-UBND về việc quy định giá nước sạch sinh hoạt đô thị trên địa bàn huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai. Theo đó, giá nước sạch sinh hoạt đô thị đối với hộ gia đình người đồng bào dân tộc thiểu số là 3.473 đồng/m3. Giá nước sạch sinh hoạt đô thị các hộ gia đình khác là: 4.631 đồng/m3 mức từ 1-10 m3 đầu tiên (hộ/tháng); 5.789 đồng/m3 mức từ trên 10-20 m3 tiếp theo (hộ/tháng); mức từ trên 20-30m3 tiếp theo (hộ/tháng) là 6.947 đồng/m3 và mức trên 30 m3 (hộ/tháng) là 7.526 đồng/ m3. Đơn vị cấp nước có trách nhiệm thực hiện về giá nước sạch sinh hoạt đô thị trên địa bàn huyện Kông Chro đúng các quy định tại quyết định này và các quy định của pháp luật. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/6/2019.

5.     Tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ

Nhằm triển khai thực hiện nghiêm Công điện số 724/CĐ-TTg ngày 17/6/2019  của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ. Ngày 18/6/2019, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1361/UBND-NC yêu cầu các sở, ban, ngành, tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai quán triệt, thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng về phòng chống tham nhũng, Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 và Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương phải gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; nếu để xảy ra tiêu cực, tham nhũng tại đơn vị, cơ quan, địa phương mình thì phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước; phải coi đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một nhiệm vụ chính trị thường xuyên, liên tục, lâu dài, đặc biệt quan trọng và lấy làm tiêu chí để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của từng cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong chính lực lượng chức năng và đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ. Thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, quy trình chuyên môn nghiệp vụ. Cần ban hành quy chế làm việc rõ ràng, minh bạch, cụ thể và có cơ chế kiểm soát hiệu quả đối với cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra,… bảo đảm ngăn chặn cho được tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, "vòi vĩnh", "chung chi", phục vụ động cơ cá nhân, vụ lợi trong thực thi công vụ. Từng cơ quan, đơn vị phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp của cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp khi giải quyết công việc; tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Triển khai rộng rãi hệ thống ghi âm, ghi hình, camera trực tuyến tại các địa điểm có tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp và có bộ phận thường trực để theo dõi, giám sát thường xuyên. Công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân, doanh nghiệp về hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời vi phạm. Ngoài ra, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc, đặc biệt là các cơ quan, đơn vị, lực lượng thực thi pháp luật có yếu tố nhạy cảm cao trong việc chấp hành những quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, trong thực thi công vụ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chế độ công vụ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm; kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất, vi phạm pháp luật; định kỳ luân chuyển, thay đổi vị trí công tác đối với những vị trí nhạy cảm, phức tạp theo đúng quy định; đồng thời, lựa chọn, bố trí người có đủ phẩm chất, đạo đức, năng lực chuyên môn nghiệp vụ để đảm nhiệm các vị trí nhạy cảm, nhất là đối với các trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra, điều tra,…UBND tỉnh cũng đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan báo chí phát huy vai trò giám sát, tích cực tham gia trong việc tuyên truyền, đấu tranh, phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ.

6.     Bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do UBND tỉnh ban hành

Ngày 20/6/2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 16/2019/QĐ-UBND về bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải do UBND tỉnh ban hành. Theo đó các văn bản bãi bỏ gồm: Chỉ thị số 06/2004/CT-UB ngày 13/4/2004 về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/2004/CT-TTg ngày 02/01/2004 và Chỉ thị số 12/2004/CT-TTg ngày 30/3/2004 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 164/2005/QĐ-UB ngày 30/12/2005 về ban hành quy định quản lý nhà nước các bến xe khách trên địa bàn tỉnh Gia Lai; Quyết định số 49/QĐ-UB ngày 17/7/2006 về việc ban hành quy định về tổ chức quản lý vận hành khách bằng xe buýt; Chỉ thị số 06/2008/CT-UBND ngày 17/6/2008 về việc sử sụng vốn sự nghiệp giao thông và phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh và Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND ngày 15/4/2009 về việc ban hành Quy chế phối hợp trong triển khai thực hiện Quyết định 1856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, chống lấn chiếm, tái lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ trên các quốc lộ, đường tỉnh thuộc địa bàn tỉnh Gia Lai. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 30/6/2019.

7.     Hưởng ứng ngày Pháp luật năm 2019 trên địa bàn tỉnh

Ngày 20/6/2019, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1376/UBND-NC đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ điều kiện thực tiễn tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2019 trên địa bàn tỉnh. Theo đó về nội dung, cần tập trung quán triệt, phổ biến dung chính sách, quy định mới, nhất là nội dung các luật được Quốc hội thông qua trong năm 2019; tập trung phổ biến, tuyên truyền các lĩnh vực pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; lao động, bảo vệ môi trường, bảo đảm vệ sinh, an ninh, an toàn trường học; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, khiếu nại, tố cáo; phòng, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em, bạo lực học đường, bạo lực gia đình, tội phạm, các tệ nạn xã hội và cháy nổ; bảo đảm trật tự đô thị, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm và các vấn đề khác của xã hội được dư luận quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội,... Phổ biến, thông tin về cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, thực hiện đồng bộ các biện pháp đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hoàn thiện pháp luật về đầu tư công, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, chính sách người có công, bảo trợ xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; cải cách chính sách pháp luật về đất đai, bảo hiểm xã hội,… Đẩy mạnh giáo dục ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật; tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trong xây dựng, thực hiện và bảo vệ pháp luật; các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; phê phán, đấu tranh với những hành vi phạm pháp hoặc lệch chuẩn xã hội; nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trong chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật; tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Về thời gian thực hiện, các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật cần tổ chức thường xuyên, liên tục trong cả năm, đặc biệt trong tháng cao điểm bắt đầu từ ngày 10/10 đến ngày 10/11/2019.​

Ngọc Chính

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp - Người phụ trách: ông Nguyễn Văn Lộc