Sign In

Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Gia Lai

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao

Ngày đăng: 15-03-2023, 02:00 - Lượt truy cập: 854

​Ngày 14/3/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 111/QĐ-UBND về Phê duyệt Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030.


Mục tiêu cụ thể của Đề án là phấn đấu  giai đoạn 2023 – 2025 thực hiện chuyển đổi khoảng 58.560 ha cây trồng kém hiệu quả sang phát triển rau, hoa, cây ăn quả, cây dược liệu, cây làm thức ăn cho chăn nuôi, cây trồng khác và dành quỹ đất phát triển các khu, vùng, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng tái tạo... Đến năm 2025, giá trị sản xuất bình quân trên 01 ha đất thực hiện chuyển đổi đạt khoảng 150 - 200 triệu đồng (theo giá hiện hành năm 2022). Giai đoạn 2026 – 2030 thực hiện chuyển đổi khoảng 17.000 ha cây trồng kém hiệu quả sang phát triển rau, hoa, cây ăn quả, cây dược liệu, cây làm thức ăn cho chăn nuôi, cây trồng khác và dành quỹ đất phát triển các khu, vùng, dụ án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng tái tạo... Phấn đấu đến năm 2030, giá trị sản xuất bình quân trên 01 ha đất thực hiện chuyển đổi đạt khoảng 250 triệu đồng (theo giá hiện hành năm 2022).

Việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải đúng quy định của pháp luật về quản lý đất đai và phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, phải bảo đảm khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương. Đối với việc chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả phải tuân thủ theo quy định của Luật Trồng trọt và Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13/12/2019 của Chính phủ. Đối với việc chuyển đổi cây trồng từ cây hàng năm sang cây lâu năm hoặc chuyển đổi từ cây lâu năm sang cây hàng năm phải tuân thủ theo quy định của Luật Đất đai và Thông tư số 09/2021/TT-BTNMT ngày 30/6/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải lựa chọn cây trồng chuyển đổi, cơ cấu giống, thời vụ, kỹ thuật chăm sóc, thâm canh phù hợp để nâng cao hiệu quả kinh tế, phát triển sản xuất ổn định và bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chanh.jpg

Minh họa. Ảnh Lê Nam

Theo đó, Đề án đã đề ra các nhiệm để thực như: Tổ chức rà soát, phân tích, đánh giá, xác định chi tiết thực trạng diện tích từng loại cây trồng kém hiệu quả, diện tích cây trồng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu ở từng địa bàn cấp xã; đánh giá, phân tích các yếu tố thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước, cơ sở hạ tầng, nhu cầu thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra, khả năng thực hiện của người dân để xác định, xây dựng kế hoạch chuyển đổi cây trồng phù hợp, hiệu quả và khai thác, tận dụng các lợi thế sản xuất của từng vùng, từng địa phương. Tổ chức sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn, sản xuất theo các quy trình, tiêu chuẩn nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; xây dựng, phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản và hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, cấp mã số vùng trồng; quảng bá và phát triển du lịch nông nghiệp, thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) của tỉnh. Xây dựng, chuyển giao các mô hình mẫu trong ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), nông nghiệp hữu cơ (Organic) và xây dựng mô hình điểm “Doanh nghiệp – Hợp tác xã - Nhà vườn" trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây trồng; phát triển liên kết nông hộ, hình thành các cánh đồng kiểu mẫu trong sản xuất trồng trọt theo hướng an toàn, bền vững, ứng dụng công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái tại một số địa phương có tiềm năng để người dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học tập, nhân rộng trong sản xuất. Xây dựng, cải tạo, nâng cấp các cơ sở sản xuất giống cây trồng, đảm bảo mỗi địa phương có ít nhất 1 - 2 cơ sở sản xuất giống lưu vườn đáp ứng đủ nhu cầu cây giống tốt phục vụ cho nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển sản xuất của người dân trên địa bàn. Xây dựng hệ thống cơ sở sơ chế, đóng gói và kho lạnh bảo quản rau, hoa, quả tươi, dưọc liệu có quy mô và trang thiết bị phù hợp với sản lượng và đặc tính cho các loại rau, hoa, quả, dược liệu chủ lực của từng địa phương nhằm giảm nhanh tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lương, chủ động trong khâu tiêu thụ nông sản. Củng cố, xây dựng, phát triển kinh tế tập thể, đổi mới quan hệ sản xuất và tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, phát triển nguồn nhân lực phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tổ chức sản xuất trồng trọt theo hướng an toàn, hiệu quả, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; đảm bảo nông sản hàng hóa đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Xây dựng hệ thống dự báo sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm cây trồng hàng hóa có thế mạnh của từng địa phương và hệ thống nhận diện, truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi có sự cố xảy ra đảm bảo tính kịp thời và hiệu quả. Kiện toàn bộ máy quản lý từ tỉnh đến cơ sở đủ điều kiện và năng lực để thực hiện nhiệm vụ quản lý, kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các dự án đầu tư liên kết phát triển các khu, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh./.


Mai Đào

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp - Người phụ trách: ông Nguyễn Văn Lộc