Sign In

Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Gia Lai

Dân vận chính quyền: Trọng dân, gần dân, có trách nhiệm với dân

Ngày đăng: 22-09-2020, 09:00 - Lượt truy cập: 1911

(GLO)- Qua 5 năm triển khai thực hiện Kết luận số 114-KL/TW ngày 14-7-2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 16-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”, công tác dân vận chính quyền trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đạt được những kết quả quan trọng.


Công tác dân vận chính quyền được chú trọng

Trên cơ sở Kết luận số 114-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 16-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh. Nhờ đó, nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là các cơ quan chính quyền về công tác dân vận được nâng lên. Các cấp, các ngành đã gắn nội dung công tác dân vận với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân trước khi quyết định các vấn đề liên quan đến cuộc sống người dân; quyền làm chủ của người dân ngày càng được tôn trọng, phát huy.

Công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, hăng hái thi đua lao động, sản xuất, góp phần giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, quốc phòng-an ninh được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và phát huy; việc phối hợp giữa chính quyền với MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội trong thực hiện công tác dân vận được tăng cường.

 Bà Her (bìa phải)-người uy tín ở thôn 2 (xã Ayun, huyện Mang Yang) tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ tà đạo “Hà Mòn”. Ảnh: ĐỨC THỤY
Bà Her (bìa phải)-người uy tín ở thôn 2 (xã Ayun, huyện Mang Yang) tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ tà đạo “Hà Mòn”. Ảnh: Đức Thụy

 

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Võ Thanh Hùng: Những năm qua, công tác dân vận của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã được triển khai thực hiện có hiệu quả; nhận thức, trách nhiệm, hành động của cơ quan hành chính nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên một bước. Hoạt động của chính quyền các cấp ngày càng gần dân, trọng dân, vì nhân dân phục vụ, cầu thị, tiếp thu ý kiến của nhân dân.

Các chương trình phát triển kinh tế-xã hội được triển khai tích cực và đem lại nhiều kết quả quan trọng, thực hiện tốt công tác dân tộc, công tác tôn giáo và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, sửa đổi lề lối làm việc, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; quan tâm công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức; chăm lo cải thiện và nâng cao đời sống cho nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, các đối tượng chính sách; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và giải quyết có hiệu quả những bức xúc của nhân dân. Tập trung đổi mới phương thức thực hiện công tác dân vận theo phương châm “tập trung về cơ sở”; tăng cường tiếp xúc, đối thoại, vận động, thuyết phục trong giải quyết các vụ việc phát sinh với tinh thần cầu thị, tôn trọng ý kiến của Nhân dân.
Công tác cải cách tư pháp và rà soát, thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện chặt chẽ. Chất lượng thực hành công tố, kiểm soát các hoạt động tư pháp và trách nhiệm của kiểm sát viên trong các hoạt động tố tụng hình sự được nâng cao. Hoạt động xét xử các vụ án, thi hành án dân sự được triển khai đúng quy định. Cơ quan Tòa án đã hòa giải thành công và công nhận sự thỏa thuận của các đương sự được 14.244 vụ dân sự; công tác xét xử được quan tâm, Tòa án nhân dân hai cấp của tỉnh xét xử 295 vụ án hành chính, thực hiện nghiêm việc đối thoại giữa các bên theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền, lợi ích các bên trong các vụ án.
Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, đúng trình tự, thủ tục. Từ đầu năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận 1.645 đơn (khiếu nại 995 đơn, tố cáo 650 đơn); trong đó, thuộc thẩm quyền giải quyết 777 đơn (khiếu nại 505 đơn, tố cáo 272 đơn), tất cả đều được giải quyết theo quy định; không có đơn thư tồn đọng.
Công tác cải cách hành chính được các cấp, các ngành quan tâm, tập trung thực hiện. Thủ tục hành chính được rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung và công khai đúng quy định. Trong giai đoạn 2016-2019, tỉnh đã xây dựng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, được tích hợp tại Cổng dịch vụ công tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.972 thủ tục hành chính, tất cả đều được cung cấp ở mức độ 2; trong đó có 325 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 150 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông được các cấp chính quyền quan tâm thực hiện nghiêm túc.

Các cấp chính quyền đã chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy tắc, quy định về văn hóa ứng xử, nếp sống văn minh nơi công sở và khi tiếp xúc với tổ chức, cá nhân. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao đạo đức công vụ, ý thức phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là bộ phận thường xuyên tiếp xúc với Nhân dân; cụ thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Qua 10 năm thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” (2009-2019), nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” với nhiều cách làm hay, sáng tạo, mang lại lợi ích thiết thực trong các lĩnh vực của đời sống xã hội như: kinh tế-xã hội; quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị được nhân rộng. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã tác động tích cực, làm chuyển biến mạnh mẽ ý thức trách nhiệm và phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở theo hướng sát cơ sở hơn.

Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện được 883 mô hình, điển hình; các điển hình “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới đã đem lại những động lực gắn với cuộc sống, lợi ích thiết thực của người dân, được Nhân dân hưởng ứng, tạo bước chuyển biến tích cực, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, hiện nay có 72/182 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân vận của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn một số hạn chế. Theo đó, việc quán triệt, triển khai các chỉ thị, nghị quyết về công tác dân vận có nơi còn chậm, chưa cụ thể hóa nội dung công việc để thực hiện. Việc xây dựng chương trình hành động tại một số cơ quan, địa phương làm chưa tốt, có biểu hiện hình thức hoặc làm ghép với các nội dung khác nên hiệu quả chưa cao. Công tác kiểm tra, đôn đốc tại một số nơi chưa thường xuyên, còn mang tính hình thức.

 

Các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế vẫn còn nội dung chưa theo kịp yêu cầu. Công tác cải cách hành chính vẫn còn bất cập; công khai thủ tục hành chính còn chưa đảm bảo tính đầy đủ, kịp thời; một bộ phận quy trình xử lý công việc còn thiếu tính minh bạch; còn tình trạng cán bộ, công chức đùn đẩy trách nhiệm, gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân. Công tác phối hợp với Mặt trận và các tổ chức đoàn thể còn thiếu tính đồng bộ, chưa phân định rõ trách nhiệm tại từng khâu công việc...
Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác dân vận chính quyền
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp, theo chúng tôi, cấp ủy và chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác dân vận, nhất là Kết luận số 114-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó là tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức dân vận của cơ quan nhà nước các cấp, coi đây là một nhiệm vụ thường xuyên gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm đối với tập thể và cá nhân.

 Tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Đức Thụy
Tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Đức Thụy


Song song đó, chính quyền các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính. Thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch thủ tục hành chính theo quy định. Chấn chỉnh phong cách, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ; xây dựng và thực hiện phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nói ít, làm nhiều, làm có hiệu quả”.

 

Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi cửa quyền, tham nhũng, lãng phí, gây phiền hà cho Nhân dân. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân và giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác hòa giải trong nội bộ Nhân dân.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh phong trào “Dân vận khéo” gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thực hiện tốt công tác khen thưởng, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trên mọi lĩnh vực.​

NGUYỄN DANH XUÂN-GLO

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp - Người phụ trách: ông Nguyễn Văn Lộc