Sign In

Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Gia Lai

Gia Lai: Quyết liệt triển khai các giải pháp phòng-chống dịch tả heo châu Phi

Ngày đăng: 30-05-2019, 09:00 - Lượt truy cập: 416
​(GLO)- Lời Tòa soạn: Hiện nay, các cơ quan chuyên môn của tỉnh và huyện Chư Pưh đang tập trung triển khai các giải pháp khống chế bệnh dịch tả heo châu Phi tại 4 xã, thị trấn của huyện này, không để dịch lây lan trên diện rộng. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Gia Lai Điện tử đã có cuộc trao đổi với ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng-chống bệnh dịch tả heo châu Phi của tỉnh.

* P.V: Ông có thể cho biết tình hình dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh hiện nay?

- Ông ĐOÀN NGỌC CÓ: Hiện bệnh dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện tại các xã Chư Don, Ia Le, Ia Blứ và thị trấn Nhơn Hòa (huyện Chư Pưh). Đến ngày 27-5, số heo chết và tiêu hủy tại 3 xã và thị trấn Nhơn Hòa là 519 con của 85 hộ gia đình. Theo điều tra sơ bộ, nguyên nhân ban đầu dẫn đến dịch bệnh có thể do lây lan từ heo rừng sang heo thả rông của người dân sinh sống gần rừng.
Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, tình hình dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp, có chiều hướng lây lan trên diện rộng. Trước tình hình đó, các địa phương trong tỉnh đang tập trung mọi nguồn lực triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm bảo vệ đàn heo một cách tốt nhất để ngăn chặn sự xâm nhiễm dịch bệnh vào địa bàn và giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
  Tiêu hủy heo bệnh.    Ảnh: N.D
Tiêu hủy heo bệnh. Ảnh: N.D
 
* P.V: Các cơ quan chuyên môn đã triển khai những giải pháp nào để phòng-chống dịch bệnh, thưa ông?  
 
- Ông ĐOÀN NGỌC CÓ: Từ khi các tỉnh, thành khác trong cả nước có dịch tả heo châu Phi, công tác phòng-chống dịch đã được UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt. Tỉnh cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng-chống bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn. Đặc biệt, từ khi huyện Chư Pưh xuất hiện heo chết và công bố dịch tả heo châu Phi, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã phối hợp cùng chính quyền, ngành chức năng địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp phòng-chống dịch. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm; hướng dẫn địa phương công bố dịch; thành lập các chốt kiểm soát dịch bệnh tạm thời tại các xã có dịch; tổ chức tiêu độc khử trùng hàng ngày chuồng trại chăn nuôi và các phương tiện con người ra vào vùng dịch; tiêu hủy heo chết và heo bị bệnh… theo đúng quy định. Bên cạnh đó, chủ động xuất 800 lít hóa chất Benkocid cùng 100 bộ đồ bảo hộ chống dịch cho huyện Chư Pưh; lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin dịch tả heo châu Phi. Đặc biệt, UBND tỉnh đã ban hành Công điện khẩn số 07/CĐ-UBND về triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng-chống dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 588/QĐ-UBND về thành lập 2 chốt kiểm soát dịch bệnh tạm thời trên quốc lộ 14 gồm 1 chốt tại thị trấn Nhơn Hòa và 1 chốt tại xã Ia Le, mỗi chốt 6 người nhằm ngăn chặn việc vận chuyển heo và các sản phẩm từ heo chưa qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc vào địa bàn huyện Chư Pưh; tiêu độc khử trùng phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua chốt…
 
Ban Chỉ đạo phòng-chống bệnh dịch tả heo châu Phi của tỉnh cũng đã kiểm tra và cập nhật thường xuyên để chỉ đạo huyện Chư Pưh và các địa phương trong tỉnh triển khai quyết liệt các biện pháp phòng-chống dịch; chỉ đạo các địa phương giáp ranh với huyện Chư Pưh như Chư Sê, Chư Prông và Phú Thiện triển khai cấp bách các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch tả heo châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn.
 
* P.V: Ngoài các giải pháp trên, tỉnh ta đã triển khai những giải pháp nào để ngăn chặn, khống chế dịch tả heo châu Phi, thưa ông? 
 
- Ông ĐOÀN NGỌC CÓ: Trước tình hình dịch bệnh xuất hiện tại huyện Chư Pưh, Ban Chỉ đạo phòng-chống bệnh dịch tả heo châu Phi của tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp như yêu cầu các địa phương khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng-chống bệnh dịch tả heo châu Phi cấp huyện, xã; lập đường dây nóng tiếp nhận, xử lý thông tin dịch bệnh đúng quy định; tổ chức thực hiện “5 không”: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển, giết mổ heo chết, heo bệnh; không tiêu thụ thịt heo chết, heo mắc bệnh; không vứt xác heo chết ra môi trường và không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý. Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp các huyện, thị xã, thành phố triển khai đồng bộ các biện pháp cấp bách bảo vệ an toàn các cơ sở chăn nuôi heo tập trung… Đặc biệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng-chống, khống chế bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn. Sở Nông nghiệp và PTNT đã đề xuất UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh 30.000 lít hóa chất Benkocid từ nguồn dự trữ quốc gia để tổ chức chống dịch tả heo châu Phi… Đặc biệt, tuyên truyền, vận động người dân không quay lưng với sản phẩm thịt heo sạch, an toàn vì bệnh dịch này không lây lan sang người, giúp người chăn nuôi vượt qua khó khăn.
 
* P.V: Xin cảm ơn ông!

NGUYỄN DIỆP (thực hiện)

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp - Người phụ trách: ông Nguyễn Văn Lộc