Sign In

Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Gia Lai

Gia Lai sẵn sàng cho năm học mới

Ngày đăng: 31-08-2020, 09:00 - Lượt truy cập: 545
(GLO)- Chưa đến 1 tuần nữa, hơn 400 ngàn học sinh ở Gia Lai sẽ chính thức tựu trường. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 nhưng ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh đã tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng bước vào năm học mới 2020-2021.


​Chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết
 
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian nghỉ hè ít hơn mọi năm nên công tác chuẩn bị cho năm học mới của các địa phương trở nên gấp rút hơn. Hiện các địa phương đã chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, trang-thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên; đồng thời xây dựng các kịch bản khác nhau cho lễ khai giảng năm học mới phù hợp với diễn biến của dịch Covid-19.
 
Trường Mẫu giáo Kông Lơng Khơng (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) đã sẵn sàng đón trẻ quay lại trường học. Ảnh: Trần Dung
Trường Mẫu giáo Kông Lơng Khơng (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) đã sẵn sàng đón trẻ quay lại trường học. Ảnh: Trần Dung
 
Tại Trường Mẫu giáo Kông Lơng Khơng (huyện Kbang), những ngày này, không khí chuẩn bị cho ngày tựu trường đang diễn ra rất rộn ràng. Các cô giáo đã tự tay sơn sửa đồ dùng học tập, xây dựng khu vui chơi tràn ngập sắc hoa để đón chào các bé bước vào năm học mới. Nhà trường phối hợp Trạm Y tế xã tiến hành phun thuốc khử trùng tất cả phòng học; chuẩn bị đầy đủ nước rửa tay sát khuẩn, hướng dẫn phụ huynh cho các cháu đeo khẩu trang khi đến trường.
 
Nằm ở vùng khó, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số chiếm trên 90% nên công tác vận động học sinh ra lớp được chính quyền địa phương và nhà trường đặc biệt chú trọng. Cô Lê Thị Hường-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: “Nhà trường đã phân công giáo viên chủ động phối hợp với các tổ công tác nắm bắt tình hình, vận động học sinh đến trường. Năm học này, toàn trường có 275 học sinh với 10 lớp và 15 cán bộ, giáo viên, nhân viên”.
 
Cùng chung không khí rộn ràng, các thầy-cô giáo Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (phường Yên Thế, TP. Pleiku) cũng đang tập trung quét dọn sân trường, vệ sinh phòng học, cắt tỉa cây xanh, trồng hoa và cây cảnh trong khuôn viên trường. Năm học này, nhà trường có 28 lớp với trên 1.000 học sinh.
 
Cô Mai Thị Thu Hiền-Hiệu trưởng nhà trường-chia sẻ: “Trong thời gian nghỉ hè ngắn ngủi, nhiều thầy cô đã đi tập huấn sử dụng sách giáo khoa mới lớp 1, bồi dưỡng nâng cao trình độ, tuyển sinh đầu cấp. Hiện mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất và hy vọng tình hình diễn ra thuận lợi để các em học sinh vui vẻ tựu trường”.
 
Bà Phạm Thị Kim Thoa-Phó Trưởng phòng GD-ĐT TP. Pleiku-thông tin: “Sau khi kết thúc năm học 2019-2020, Phòng GD-ĐT thành phố đã nhanh chóng triển khai công tác chuẩn bị cho năm học 2020-2021. Dự báo tình hình dịch bệnh có thể tiếp tục gây nhiều khó khăn, áp lực nhưng toàn ngành đang cố gắng chủ động, đồng thời xây dựng các kịch bản cho nhiều tình huống có thể xảy ra”.
 
 
Giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (phường Yên Thế, TP. Pleiku) vệ sinh lớp học chuẩn bị cho năm học mới. Ảnh: Trần Dung
Giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (phường Yên Thế, TP. Pleiku) vệ sinh lớp học chuẩn bị cho năm học mới. Ảnh: Trần Dung
 
 

Ông Lê Duy Định-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT: “Dự kiến các trường vẫn tổ chức lễ khai giảng nhưng không được kéo dài quá 60 phút. Chương trình khai giảng có nội dung ngắn gọn, khoa học, không kéo dài, đảm bảo các biện pháp phòng-chống dịch theo quy định nhưng vẫn tạo được dấu ấn tốt đẹp, thực sự là ngày hội đối với học sinh và thầy-cô giáo. Ngay sau lễ khai giảng, các trường nhanh chóng ổn định, duy trì nền nếp đầu năm học và thực hiện dạy học chính khóa theo đúng kế hoạch”.

Theo ông Lê Duy Định-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho năm học mới ở hầu hết các địa phương trong tỉnh đã gần như hoàn tất, trong đó có việc chuẩn bị cơ sở vật chất và hoàn thiện đội ngũ cán bộ, giáo viên. Ngay từ đầu kỳ nghỉ hè, ngành GD-ĐT đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường phổ thông có học sinh bán trú, trường mầm non và các trường ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới.

 

Sở cũng đã chỉ đạo Phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố và các trường trực thuộc chủ động rà soát trang-thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định, đồ dùng học tập, các đầu sách cho thư viện và tập trung huy động nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo phục vụ cho năm học mới. Trong năm 2020, ngành GD-ĐT đã triển khai sửa chữa, cải tạo trường lớp và các hạng mục khác với tổng kinh phí hơn 170 tỷ đồng. Ngoài ra, một số tổ chức, cá nhân đã ủng hộ hàng trăm tỷ đồng để xây dựng trường học tại một số địa phương…

 
Song song với đó, Sở GD-ĐT đã phối hợp với các đơn vị tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên cốt cán ở tất cả các bậc học và bồi dưỡng chính trị hè cho cán bộ quản lý giáo dục nhằm cập nhật, tăng cường kiến thức, khả năng quản lý, phát huy năng lực tự học, tự nghiên cứu cũng như nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.
 
“Đặc biệt, năm học 2020-2021, khoảng 36.000 học sinh lớp 1 sẽ tiếp cận bộ sách giáo khoa mới. Sau khi các trường hoàn tất việc chọn sách vào cuối tháng 5, Sở GD-ĐT đã phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức nhiều lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên dạy lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Hiện các địa phương ưu tiên cơ sở vật chất và nhân lực cho khối lớp này để đảm bảo triển khai thông suốt, hiệu quả”-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT nhấn mạnh.
 
Vừa dạy học vừa phòng-chống dịch bệnh
 
Năm học 2020-2021, toàn tỉnh có 758 trường mầm non, phổ thông (giảm 10 trường so với năm học 2019-2020 do sáp nhập) với khoảng 400.078 học sinh (giảm 2.136 học sinh so với năm học trước). Thời gian qua, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã phối hợp chặt chẽ cùng các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương triển khai thực hiện cuộc vận động “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường” với mục tiêu: huy động hết học sinh 5 tuổi vào lớp mẫu giáo, 6 tuổi vào lớp 1; phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; trẻ ở độ tuổi phổ cập giáo dục THCS đã bỏ học tiếp tục đi học lại; duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục-xóa mù chữ và đẩy mạnh công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia.
 
Theo khung kế hoạch năm học 2020-2021, lễ khai giảng sẽ diễn ra vào ngày 5-9. Tuy nhiên, tùy theo tình hình diễn biến dịch bệnh mà địa phương quyết định cho phù hợp, quan điểm là phải đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên. Ngành GD-ĐT cũng chủ động chuẩn bị các kế hoạch cho ngày khai giảng với mục tiêu vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, bảo vệ sức khỏe học sinh, vừa tạo không khí sôi nổi học tập ngay từ đầu năm học.
 
Sở cũng đã tính đến các phương án, kế hoạch phù hợp với thực tế, điều kiện ở từng địa phương; đồng thời chuẩn bị các biện pháp học tập an toàn sau khai giảng năm học mới theo phương châm vừa dạy vừa phòng-chống dịch hiệu quả dựa trên tinh thần chủ động luôn được đề cao, cơ sở vật chất phòng-chống dịch sẵn sàng, học sinh và phụ huynh chủ động hợp tác.
 
Các trường học đã chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp phòng dịch để đón học sinh quay trở lại trường học. Ảnh: Trần Dung
Các trường học đã chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp phòng dịch để đón học sinh quay trở lại trường. Ảnh: Trần Dung
 
Thầy Lê Văn Tàu-Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (huyện Chư Păh) cho hay: Sở GD-ĐT đã yêu cầu các trường vừa khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho năm học mới vừa phòng-chống dịch Covid-19. Với tổng số 950 học sinh, nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ máy đo thân nhiệt, dung dịch sát khuẩn, tập huấn quy trình phòng-chống dịch Covid-19, tiến hành vệ sinh trường lớp, chú ý thường xuyên cập nhật tình hình sức khỏe học sinh khi các em đi học trở lại. Tuy nhiên, ngoài sự chủ động triển khai các biện pháp phòng dịch của ngành GD-ĐT thì cũng rất cần sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt là các bậc phụ huynh, các em học sinh trong việc nêu cao ý thức, chấp hành đầy đủ các biện pháp phòng-chống dịch để năm học mới 2020-2021 diễn ra đúng kế hoạch và bảo đảm an toàn.
 
Ở huyện vùng sâu Kông Chro, công tác chuẩn bị cho năm học mới đến nay đã đảm bảo yêu cầu. Năm học 2020-2021, toàn huyện có 32 đơn vị trường học với trên 13.000 học sinh, trong đó học sinh dân tộc thiểu số chiếm trên 74%. Song song với việc huy động học sinh ra lớp, ngành GD-ĐT huyện cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề phòng-chống dịch Covid-19 cho cán bộ, giáo viên và học sinh.
 
“Công tác vệ sinh trường lớp được các trường triển khai ngay từ giữa tháng 8. Đồng thời, phối hợp với cơ sở y tế ở địa phương chuẩn bị hóa chất, phun thuốc khử trùng các điểm trường trước khi học sinh tựu trường. Các trường cũng rà soát, đề nghị giáo viên và học sinh khai báo y tế để kịp thời có biện pháp xử lý đối với những trường hợp cần phải cách ly. Ngành cũng đã chuẩn bị các điều kiện và phương án nhằm đảm bảo nhiệm vụ vừa dạy vừa chống dịch”-Trưởng phòng GD-ĐT huyện Kông Chro Nguyễn Chí Thanh cho biết.
 
Bên cạnh công tác phòng-chống dịch, trên cơ sở nhiệm vụ năm học 2020-2021, ngành GD-ĐT tỉnh tiếp tục bổ sung kinh phí để sửa chữa, mua sắm, đầu tư cho các cơ sở giáo dục ở vùng có điều kiện khó khăn; tăng cường quản lý chất lượng các cơ sở giáo dục, đặc biệt chú trọng cho học sinh dân tộc thiểu số làm quen với tiếng Việt vào đầu năm học mới; nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, “Huy động và duy trì sĩ số học sinh”…; kiểm tra, giám sát việc dạy thêm, học thêm; duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục-xóa mù chữ và đẩy mạnh công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia. Ngoài ra, ngành GD-ĐT phối hợp cùng các đoàn thể ngăn ngừa tình trạng học sinh bỏ học, bạo lực học đường; triển khai tốt công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng khác của ngành.
 

TRẦN DUNG-GLO

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp - Người phụ trách: ông Nguyễn Văn Lộc