Với chủ đề “Từ ứng phó đến hành động sớm", Tuần lễ Quốc gia về phòng, chống thiên tai năm 2023 nhằm mục đích nâng cao nhận thức, tinh thần, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương trong công tác chỉ đạo phòng, chống và ứng phó với thiên tai, đặc biệt là trong mùa mưa, lũ năm 2023; tăng cường công tác thông tin, truyền thông nhằm nâng cao năng lực cộng đồng về việc phòng, chống thiên tai đến người dân tại địa phương. Trong đó, nhấn mạnh mục tiêu là tăng cường thông tin truyền thông, nâng cao năng lực cộng đồng; nâng cao tinh thần, trách nhiệm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương trong công tác phòng chống thiên tai; sẵn sàng các phương án ứng phó với thiên tai năm 2023. Đồng thời đề cao vai trò, trách nhiệm trong năm Việt Nam làm Chủ tịch Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai.
.jpg)
Lực lượng chức năng hỗ trợ dựng lại nhà cho người dân tại xã Ia Yeng (huyện Phú Thiện) sau mưa bão. Nguồn:baogialai.com.vn
Về nội dung thực hiện của Kế hoạch sẽ tuyên truyền mục đích, ý nghĩa và các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia phòng chống thiên tai năm 2023 trên địa bàn tỉnh; Thư của Chủ tịch nước; kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023; phổ biến tuyên truyền các tài liệu, ấn phẩm truyền thông do Ban Chỉ đạo và địa phương xây dựng. Hướng dẫn nâng cao kiến thức, kỹ năng về các hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai cho các nhóm đối tượng trong cộng đồng; tuyên truyền các quy định của pháp luật về phòng chống thiên tai, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai. Các nội dung trên sẽ được tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; trang thông tin điện tử Website của các sở, ngành, các cấp tại địa phương, cơ quan, đơn vị, hệ thống loa phát thanh, truyền thanh của xã/phường; treo pano, băng rôn; báo tường, tọa đàm,...
UBND tỉnh yêu cầu, Kế hoạch phải được triển khai sâu rộng trên toàn tỉnh, phù hợp với điều kiện tình hình thiên tai của địa phương nhằm tạo sự chủ động trong công tác phòng ngừa thiên tai. Đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm; không phô trương, hình thức, lãng phí; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng sở, ngành, đơn vị và tình hình phòng, chống thiên tai tại các địa phương. Cùng với đó, cần huy động sự tham gia, phối hợp của các cấp, các ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân đối với công tác phòng chống thiên tai./.