|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tỉnh Gia Lai triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025 và phân giao chỉ tiêu cho các xã, phường

(gialai.gov.vn) - Sáng 03/7, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội (KT-XH) 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm trên địa bàn tỉnh; triển khai giao chỉ tiêu chủ yếu phát triển KT-XH và nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 cho 58 xã, phường (mới) thuộc tỉnh Bình Định trước đây.

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trương Văn Đạt - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Tuấn Thanh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Tuấn Anh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Tự Công Hoàng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Quang cảnh hội nghị

Theo báo cáo tại hội nghị, trong 06 tháng đầu năm 2025, tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai đã tập trung chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm phát triển KT-XH, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Tình hình KT-XH của tỉnh tiếp tục duy trì ổn định và phát triển, đạt nhiều kết quả khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu phát triển KT-XH đều đạt và vượt so với cùng kỳ; cụ thể: Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tỉnh Bình Định tăng 7,92%; trong đó: Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,32%; công nghiệp - xây dựng tăng 11,61% (trong đó công nghiệp tăng 12,18%); dịch vụ tăng 8,46%; thuế sản phẩm đạt 6,08%. Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tỉnh Gia Lai tăng 6,9%; trong đó: Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 6,32%; công nghiệp - xây dựng tăng 8,87% (trong đó công nghiệp tăng 9,66%); dịch vụ tăng 6,65%; thuế sản phẩm giảm -1,54%. Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) của tỉnh Gia Lai (mới) tăng 7,5%; trong đó: Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,4%; công nghiệp - xây dựng tăng 10,5% (trong đó công nghiệp tăng 11%); dịch vụ tăng 7,6%; thuế sản phẩm tăng 3,1%.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ KT-XH 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh đã chỉ đạo cho các sở, ban, ngành liên quan của 02 khu vực Bình Định và Gia Lai phối hợp rà soát, đề xuất phân giao chỉ tiêu chủ yếu phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm 2025. Theo đó, đối với khu vực Bình Định, phấn đấu 6 tháng cuối năm GRDP tăng từ 8,4 - 8,7%, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,2 - 3,4%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 11,5% (công nghiệp 11,7%, xây dựng 11,2%); dịch vụ tăng 9 - 9,4%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,5 - 7%. Ước tính cả năm 2025, GRDP tăng 8,3 - 8,4%, với khu vực I tăng 3,3 - 3,4%, khu vực II tăng 11,5% (công nghiệp 11,5%, xây dựng 11,3%), khu vực III tăng 9 - 9,2%, và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt 6,4 - 6,7%.

Đối với khu vực Gia Lai, phấn đấu trong 6 tháng cuối năm GRDP tăng từ 5,7 - 6,5%, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,5 - 5,1%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,3 - 9,1% (công nghiệp 8,0 - 10%, xây dựng 4,8 - 5,5%); khu vực dịch vụ tăng 6 - 6,5%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,0 - 4,5%. Ước tính cả năm 2025, GRDP tăng 6,2 - 6,7%, trong đó khu vực I tăng 5,1 - 5,5%, khu vực II tăng 8,1 - 9,0% (công nghiệp 8,8 - 9,8%, xây dựng 4,8 - 5,2%), khu vực III tăng 6,3 - 6,6%, và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt 1,9 - 2,3%.

Tỉnh Gia Lai (mới) đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP trong 6 tháng cuối năm 2025 tăng từ 7,2 - 7,7%, với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,9 - 4,4%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10 - 10,6% (công nghiệp 10,1 - 11%, xây dựng 9,7 - 9,8%); khu vực dịch vụ tăng 7,6 - 8,1%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,3 - 5,8%. Ước tính cả năm 2025, GRDP tăng 7,3 - 7,6%, trong đó khu vực I tăng 4,1 - 4,4%, khu vực II tăng 10,2 - 10,5% (công nghiệp 10,5 - 11,0%, xây dựng 9,7 - 9,8%), khu vực III tăng 7,6 - 7,9%, và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt 4,4 - 4,7%.

Lãnh đạo tỉnh trao quyết định giao chỉ tiêu phát triển KT-XH và các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025 cho 58 xã, phường. 

Tại hội nghị, UBND tỉnh đã giao chỉ tiêu phát triển KT-XH và các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025 cho 58 xã, phường thuộc tỉnh Bình Định trước đây. Theo đó, mỗi xã, phường được phân giao 24 chỉ tiêu, được lượng hóa cụ thể trên từng lĩnh vực. Còn 77 xã, phường thuộc tỉnh Gia Lai trước đây cũng sẽ được giao chỉ tiêu và nhiệm vụ trong tháng 7 này. 

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết, quan điểm điều hành xuyên suốt của tỉnh là tập trung phát triển Gia Lai đột phá, nhanh, bền vững trên cơ sở phát huy hết tiềm năng, lợi thế; đảm bảo ổn định, an toàn, nhất là các vấn đề nổi cộm, không để các vụ vi phạm pháp luật xảy ra. Từ đó, hướng đến các mục tiêu: Hoàn thành các chỉ tiêu phát triển KT-XH của khu vực Bình Định, khu vực Gia Lai và của tỉnh Gia Lai (mới) đã đặt ra; thực hiện hoàn thành nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 để tạo dư địa cho năm 2026 và nhiệm kỳ tới; tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ UBND tỉnh.

Tỉnh Gia Lai xác định ba đột phá chiến lược mang tính định hướng và dẫn dắt toàn bộ tiến trình phát triển trong giai đoạn mới, gồm: thể chế phát triển, hạ tầng liên kết và phát triển nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, tập trung vào 5 trụ cột tăng trưởng, đó là: Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo lớn mạnh, trở thành trụ đỡ của nền kinh tế; Phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Phát triển nông nghiệp công nghệ cao và lâm nghiệp bền vững; Phát triển dịch vụ cảng – logistics, hình thành các trung tâm logistics từ cửa khẩu Lệ Thanh đến cảng Quy Nhơn; Phát triển đô thị nhanh và bền vững.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh: Công việc những tháng cuối năm 2025 rất nhiều, vì vậy cả hệ thống chính quyền, từ tỉnh đến xã phải cùng vào cuộc với quan điểm là “không bàn lùi, chỉ bàn làm”, “không chấp nhận lý do, chỉ chấp nhận kết quả”; quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu KT-XH, phấn đấu GRDP năm 2025 tăng trưởng 8%.

Lãnh đạo UBND tỉnh cần tập trung điều hành hoàn thành các chỉ tiêu chung và chỉ tiêu được giao phụ trách, tạo dư địa cho giai đoạn mới. Trước mắt, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực, trong đó tập trung rà soát hết tất cả các dự án đang bị nghẽn; đề xuất các hướng đột phá trong lĩnh vực mình phụ trách; tập trung thu hút đầu tư trên các lĩnh vực; chỉ đạo chuyển đổi số, đặc biệt lưu ý vấn đề hạ tầng, cơ sở vật chất, bổ sung 4 đề án tỉnh đang triển khai. Triển khai khởi công, khánh thành các dự án lớn nhân dịp Quốc khánh (02/9/2025). Làm việc với tinh thần “nghĩ lớn, làm lớn”, nguyên tắc giải quyết công việc của các đồng chí lãnh đạo tỉnh là “thần tốc, dám làm vì lợi ích chung, giải quyết dứt điểm việc trong ngày trên tinh thần 6 rõ, chịu trách nhiệm về kết quả do mình phụ trách, làm hết việc chứ không hết giờ”. Tập trung chỉ đạo, phân công nhiệm vụ, ổn định tổ chức các sở, ngành mình phụ trách để làm việc với Chủ tịch. Tổ chức hoạt động văn phòng cơ sở 2 hoạt động hiệu quả, phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn Gia Lai. Xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ, đặc biệt là nhiệm vụ trọng tâm, phân giao chỉ tiêu cụ thể trên từng lĩnh vực cho từng địa phương và tập trung trước mắt tại 77 xã, phường (mới) thuộc tỉnh Gia Lai trước đây.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đề nghị các sở, ban, ngành và UBND các xã, phường trên địa bàn toàn tỉnh cần thể hiện quyết tâm cao hơn nữa; chủ động, linh hoạt, hành động nhanh chóng, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức; phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, tư duy hành động; triển khai cụ thể, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp nhằm hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ trọng tâm đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Các sở, ngành rà soát lại các văn bản hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ để đào tạo và hướng dẫn tất cả các địa phương trong tỉnh cách thức triển khai thực hiện nhiệm vụ giải quyết công việc cho người dân và phát triển KT-XH, hoàn thành trong tháng 7/2025.

Các địa phương khẩn trương ổn định tổ chức và vận hành thông suốt bộ máy chính quyền cấp xã mới; thành lập các phòng chuyên môn, tổ chức hành chính khác; xây dựng Quy chế làm việc của UBND cấp xã, Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp; bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý; duy trì liên tục các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tập trung thực hiện các nhiệm vụ đột phá với những giải pháp chiến lược, đảm bảo hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra; trong đó, tập trung phục vụ người dân và doanh nghiệp, đảm bảo nhanh và thông suốt trên tinh thần lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, làm đối tượng phục vụ, “người dân và doanh nghiệp là khách hàng của chính quyền”; tập trung phát triển KT-XH, trong đó phân rã các chỉ tiêu, nhất là các chỉ tiêu về nông nghiệp, triển khai các dự án trên địa bàn (giải phóng mặt bằng, giải quyết các vướng mắc liên quan đến các dự án); cùng với tỉnh thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cho các bộ, công chức cấp xã, nhằm nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ năng thực thi công vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự tận tụy và quyết tâm cao độ của UBND, các sở, ban, ngành, đội ngũ cán bộ, công chức cả hai tỉnh trong suốt quá trình chuẩn bị, đảm bảo cho bộ máy chính quyền mới được vận hành thông suốt, ổn định và hiệu quả ngay từ những ngày đầu.

Trước những thời cơ, vận hội, cũng như những khó khăn, thách thức đặt ra cho các cấp chính quyền trong tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng đề nghị UBND tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm các nhóm nhiệm vụ:

Khẩn trương xây dựng, hoàn thành Quy hoạch tỉnh Gia Lai (mới) thời kỳ 2025 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Quy hoạch phải mang tầm nhìn chiến lược, dài hạn, khoa học, khả thi, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh khi được mở rộng không gian phát triển và đảm bảo đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực, đảm bảo tính liên kết vùng và nội tỉnh, phát huy thế mạnh từng tiểu vùng sinh thái - kinh tế.

Khẩn trương rà soát, ban hành đầy đủ các quy chế làm việc của UBND tỉnh và các sở, ngành, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, các cơ chế phối hợp, quy trình hành chính trong toàn hệ thống chính quyền hai cấp tỉnh – huyện.

Tập trung tháo gỡ, giải quyết dứt điểm các công trình, dự án còn vướng mắc trên địa bàn hai tỉnh trước đây, kể cả các dự án đầu tư công và dự án của các nhà đầu tư theo đúng quy định pháp luật. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình đã có chủ trương hoặc có trong quy hoạch, nhất là các công trình trọng điểm, động lực cho sự phát triển của tỉnh. Quan tâm quy hoạch, đầu tư các công trình phục vụ dân sinh như: phát triển nhà ở công vụ, nhà ở xã hội; đầu tư, nâng cấp hệ thống thủy lợi, y tế, giáo dục... nhất là ở vùng sâu, vùng xa, những địa bàn còn nhiều khó khăn.

Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh phát triển Khoa học công nghệ và chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số; triển khai quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết 57-NQ/TW và các chương trình, kế hoạch, các nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn đảm bảo đúng, đầy đủ tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương.

Chỉ đạo chuẩn hóa hệ thống dữ liệu, chỉ tiêu, báo cáo thống kê, thống nhất số liệu hai tỉnh trước đây làm cơ sở để xây dựng các kế hoạch, chương trình, kịch bản phát triển KT-XH. Trên cơ sở đó, phân giao chỉ tiêu, nhiệm vụ đến từng ngành, từng địa phương, trước mắt là tiếp tục phân giao chỉ tiêu cho 77 xã, phường trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũ, đảm bảo phù hợp với tình hình, khả năng của từng địa phương.

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm


Tác giả: Thùy Trang - Kim Loan

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật