
Quang cảnh Hội nghị
Qua 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc (gọi tắt là Ngày hội) luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, sự chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy các cấp và sự phối hợp của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể. Trung bình mỗi năm trên địa bàn tỉnh đã có trên 90% khu dân cư, liên khu dân cư trên địa bàn tỉnh tổ chức Ngày hội (trong đó, có khoảng 85% khu dân cư tổ chức phần lễ và phần hội, 15% khu dân cư tổ chức phần lễ); đặc biệt trong năm 2022 có 1.576/1.576 khu dân cư trên địa bàn tỉnh tổ chức Ngày hội, đạt tỷ lệ 100%, (trong đó, có 93,3% khu dân cư tổ chức cả phần lễ và phần hội, 6,7% khu dân cư tổ chức phần lễ). Thông qua Ngày hội, việc triển khai thực hiện các phong trào, các cuộc vận động ở khu dân cư đã được đánh giá cụ thể, toàn diện, nhiều cách làm mới, sáng tạo đã được phát hiện, trao đổi, học tập nhân rộng, vị trí, vai trò của Mặt trận ở khu dân cư ngày càng được nâng lên, tạo được niềm tin của quần chúng nhân dân; công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc với chính quyền và các tổ chức thành viên ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng triển khai thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động của Ngày hội trong 20 năm qua luôn thu hút được sự quan tâm hưởng ứng, ủng hộ của người dân, việc công khai các hoạt động của các đoàn thể nhân dân, Ban Công tác Mặt trận đã góp phần nâng cao hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào ở khu dân cư. Ngày hội cũng là dịp để các đồng chí lãnh đạo các cấp được tiếp xúc, trao đổi trực tiếp với Nhân dân, nắm được những tâm tư, nguyện vọng chính đáng và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ở cộng đồng dân cư. Ngày hội đã thể hiện được tinh thần tương thân, tương ái, thăm hỏi, động viên, kịp thời hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần đối với các gia đình chính sách, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Nhiều công trình dân sinh và các hoạt động an sinh xã hội ở cộng đồng được xây dựng và hoàn thiện đưa vào phục vụ nhân dân. Trong 20 năm qua, đã vận động Nhân dân tham gia xây dựng 2.696 công trình hạ tầng tại cộng đồng với trên 133 tỷ đồng; đóng góp trên 738.770 triệu đồng và 147.092 ngày công lao động, hiến hơn 512.710 m2 đất để làm đường giao thông, nhà văn hóa, trường học góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xây dựng được 387 mô hình giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo với 13.387 hộ gia đình tham gia thực hiện. Bên cạnh đó, Ngày hội đã góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở mỗi địa phương trên địa bàn tỉnh. Thông qua việc tổ chức Ngày hội góp phần bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp, nhất là Mặt trận cấp xã và Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư. Việc tổ chức Ngày hội còn giúp khơi dậy truyền thống đoàn kết, ý thức cộng đồng, tạo sự gắn kết, chia sẻ của nhân dân, từ đó tăng cường, củng cố và phát huy sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo khí thế thi đua sôi nổi, thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương và của tỉnh, qua đó khẳng định được vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới.

Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo
Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về kinh nghiệm, cách làm hay trong việc tổ chức Ngày hội; thẳng thắn, chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế và rút ra bài học kinh nghiệm. Trên cơ sở đó, các đại biểu thống nhất phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ nâng cao chất lượng tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc trong giai đoạn mới.

Tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 07 tập thể
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long khẳng định, qua 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân, nhận thức của các tầng lớp nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc, về truyền thống đoàn kết của dân tộc, về yêu cầu đại đoàn kết trong tình hình mới đã được nâng lên; những bài học kinh nghiệm được đúc kết minh chứng cho sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp chủ động thường xuyên của chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể, sự hưởng ứng của các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh là những nhân tố quan trọng đảm bảo cho việc triển khai, tổ chức Ngày hội đạt hiệu quả, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh. Để đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao hiệu quả tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh năm 2023 và những năm tiếp theo, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân, xác định phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của toàn Đảng bộ, tạo sự thống nhất trong tư tưởng, hành động của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân. Hằng năm, Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh, nhất là cấp cơ sở cần xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp, có tính khả thi; chủ động tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo để phát huy vai trò, sự vào cuộc của hệ thống chính trị trong tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp Nhân dân về nhiệm vụ xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chú trọng tuyên truyền về lịch sử, truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; về mục đích, nội dung và ý nghĩa của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường sự gắn kết cộng đồng, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân. Phát huy tính sáng tạo, chủ động và tự quản của nhân dân ở cộng đồng, tạo sự thống nhất và tự giác tham gia các hoạt động của Ngày hội. Khuyến khích các khu dân cư tổ chức Ngày hội theo hình thức liên khu dân cư nhằm tạo điều kiện trao đổi, học tập lẫn nhau, tạo sự gắn bó, đoàn kết giữa các khu dân cư. Cùng với đó, phát huy sự năng động, sáng tạo của Ban công tác Mặt trận trong việc đổi mới nội dung, hình thức tổ chức Ngày hội sát với tình hình thực tế của khu dân cư. Gắn kết chặt chẽ việc tổ chức ngày hội với phát động, sơ kết, tổng kết các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; triển khai thực hiện các nhiệm vụ về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương, nhất là nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững; đồng thời biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua ở cơ sở. Đồng chí cũng yêu cầu tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đối với việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đảm bảo tính hiệu quả, thiết thực. Vận động, tập hợp các tổ chức, cá nhân tại địa bàn dân cư, con em quê hương đang sinh sống, công tác ở mọi miền đất nước và nước ngoài quan tâm hướng về Ngày hội, thực hiện tốt việc xã hội hóa tạo nguồn lực trong việc tổ chức Ngày hội và các hoạt động ở khu dân cư.

Tặng Bằng khen của Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho 10 tập thể
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 07 tập thể và 08 cá nhân; Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh tặng Bằng khen cho 10 tập thể, 10 cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc giai đoạn 2003 – 2023./.