Sign In

Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Gia Lai

Pơ thi giữa tháng 3 Tây Nguyên

Ngày đăng: 13-03-2020, 09:00 - Lượt truy cập: 1422
(GLO)- Một cuộc trình diễn đỉnh cao các hoạt động văn hóa truyền thống vừa diễn ra tại làng Óp (xã Ia Phí, huyện Chư Pah) suốt những ngày tổ chức pơ thi (bỏ mả).


​Đã hơn 20 năm, làng mới tổ chức bỏ mả nên quy mô lễ hội rất lớn. Không phải một mà gần 20 gia đình bỏ mả cho người thân dịp này. Nhiều trâu, bò được dân làng góp chung cho lễ hội. Anh em, họ hàng, sui gia, những mối quan hệ kết nghĩa với các gia đình từ khắp các vùng lân cận tìm về trong cuộc tiễn đưa lớn nhất, nhiều cung bậc cảm xúc nhất. Già làng Rơ Chăm Biu cho biết: “Sau lễ pơ thi này, mọi ràng buộc với người chết coi như chấm dứt, nhà mả này cũng sẽ bỏ đi. Từ năm tới, làng lại bắt đầu chôn cất người chết ở khu nhà mả khác”. Đây mới thực sự là một cuộc chia ly vĩnh viễn của người chết với cõi sống để tái sinh ở một thế giới khác nên pơ thi trở thành “lễ hội lớn nhất, vui nhất, mang tính văn hóa nhất và cũng mang tính cộng đồng nhất của Tây Nguyên” như nhận định của PGS-TS. Ngô Văn Doanh.
 

 

Đánh cồng chiêng quanh nhà mồ để tiễn đưa người chết về với thế giới atâu. Ảnh: M.C
Đánh cồng chiêng quanh nhà mồ để tiễn đưa người chết về với thế giới atâu. Ảnh: M.C
 
 
Có lẽ không ở đâu, người ta chứng kiến nhiều cung bậc cảm xúc như trong lễ pơ thi. Có những nỗi buồn sâu thẳm. Có những lưu luyến, bịn rịn không nỡ rời xa. Có cả những niềm vui rất bình thường của con người trong một cuộc hội. Tất cả hòa quyện tạo nên một bản giao hưởng nhiều cảm xúc, thanh âm. Dịp này, ông Rơ Châm Eh cũng bỏ mả cho mẹ già, chị gái, cháu gái… Những vật kỷ niệm về người chết được ông bày ra trên nền nhà mồ. Xung quanh, la liệt lễ vật dâng cúng lẫn của cải “chia” cho người chết. Ông kể: “Mẹ mình chết gần 30 năm rồi nhưng hôm nay mới bỏ mả cho bà”. Người đàn ông liên tục chạy ra cuộc rượu của đám trai làng, rồi lại chạy vào ngồi chốc lát trong khu nhà mồ. Hôm ấy, ông sống những giây phút cuối cùng bên người thân. Vậy nên, có những bịn rịn không nói thành lời.
 
Với thế hệ trẻ như Rơ Châm H’Tham (SN 1996), đây là lần đầu tiên cô được hòa mình vào lễ hội truyền thống lớn nhất, tiêu biểu nhất của người Jrai. H’Tham cho biết, cô rất tự hào vì làng Óp gìn giữ được lễ hội độc đáo như vậy. “Nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống hội tụ trong lễ hội này và có những điều mới lạ lần đầu tiên mình chứng kiến. Không chỉ tự hào, mình còn thấy rõ trách nhiệm trong việc gìn giữ các giá trị văn hóa ấy”-H’Tham nói. Cũng như nhiều người phụ nữ trong làng, H’Tham tham gia nấu nướng, làm món ăn phục vụ lễ hội như: cơm lam, thịt nướng, những món ăn truyền thống của người Jrai. Giá trị ẩm thực cũng chính là yếu tố mang đậm tính văn hóa, làm nên sự hấp dẫn bậc nhất trong các lễ hội ở Tây Nguyên.
 
 
Pram xuất hiện từ phía cánh đồng lên khu nhà mồ làm nhiệm vụ dẫn đưa người chết vĩnh viễn sang thế giới khác. Ảnh: M.C
Pram xuất hiện từ phía cánh đồng lên khu nhà mồ làm nhiệm vụ dẫn đưa người chết vĩnh viễn sang thế giới khác. Ảnh: M.C
 
 
Không khí lễ hội náo nhiệt hẳn lên khi xuất hiện 2 pram được xem là cầu nối cuối cùng dẫn đưa người chết vĩnh viễn về với thế giới atâu. Đó là 2 chàng trai mạnh khỏe hóa trang bằng bùn đất và lá cây, xuất hiện trong sự reo hò của đám đông, trong thanh âm dồn dập của chiêng trống. Họ đi lên từ phía cánh đồng, sau những vòng xoang phía trước, đi qua vườn cà phê trắng muốt trong cái nắng tháng 3 Tây Nguyên. Họ tiến dần về phía nhà mồ trong sự phấn khích của những người có mặt. Sau một vòng đi quanh nhà mồ cùng đội xoang và chiêng, 2 pram tiếp tục đi quanh nhà mồ hoang phế từ nhiều chục năm trước. Đó cũng là hình ảnh huyên náo cuối cùng, là đỉnh điểm cuối cùng của lễ hội. Họ xuất hiện chớp nhoáng và biến mất như những hồn ma. Sau khi hình bóng pram không còn, một sự ắng lặng choáng ngợp ngay trong khu nhà mồ mới phút trước còn náo nhiệt. Mọi người sau đó lục tục kéo nhau ra về khi chiều đã đậu lại trên bóng cây đa xòe tán rộng của khu nhà mồ.
 
Một cuộc hội đã tàn. Buồn vui cũng đã khép lại. Mọi người thanh thản sau những ngày sống hết mình cho nhau, với nhau. Sau làng Óp là làng Vân, làng Kép (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah) và nhiều ngôi làng trên khắp Tây Nguyên. Mùa con ong đi lấy mật, mùa hoa cà phê trắng muốt thơm hương mênh mông, mùa lễ hội cũng chỉ vừa bắt đầu. Bạn hãy về tham dự một lễ pơ thi để hiểu và yêu hơn văn hóa của cư dân bản địa, thêm yêu vùng đất lễ hội Tây Nguyên.
 

MINH CHÂU-GLO

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp - Người phụ trách: ông Nguyễn Văn Lộc