Sign In

Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Gia Lai

Con đường vì một chữ "Tâm"

Ngày đăng: 21-05-2004, 01:02 - Lượt truy cập: 1790
Tây Nguyên có một xã xa xôi, diệu vợi bậc nhất- xã Kon Pne, cách tỉnh lỵ Gia Lai đến 250km, cách huyện lỵ Kbang 120km; vẫn được xem là "ốc đảo"- "ốc đảo" cuối cùng trên đất rừng Tây Nguyên suốt mấy thập niên, kể từ ngày giải phóng. Diệu vợi thế nên giữa đại ngàn, người Ba Na ở Kon Pne tồn tại như... một tộc người riêng; niềm vui nỗi buồn cũng "rất... Kon Pne" so với phần mênh mông khác của Tây Nguyên...

Tây Nguyên có một xã xa xôi, diệu vợi bậc nhất- xã Kon Pne, cách tỉnh lỵ Gia Lai đến 250km, cách huyện lỵ Kbang 120km; vẫn được xem là "ốc đảo"- "ốc đảo" cuối cùng trên đất rừng Tây Nguyên suốt mấy thập niên, kể từ ngày giải phóng. Diệu vợi thế nên giữa đại ngàn, người Ba Na ở Kon Pne tồn tại như... một tộc người riêng; niềm vui nỗi buồn cũng "rất... Kon Pne" so với phần mênh mông khác của Tây Nguyên...

Sẽ là chuyện của già làng

Những chuyện kể dưới đây, trong ngày một ngày hai rồi sẽ thành quá vãng, sẽ thành dư vị trong cuộc rượu của các già làng.

Cùng một huyện nhưng ở thị trấn Ka Nak, những cơn mưa cuối mùa đã dứt, đất đã hanh hao màu nắng mà trước cánh rừng vào Kon Pne, bầu trời vẫn sũng nước; không gian cứ âm âm cái màu phân vân sáng tối; nửa như mưa, nửa như sương bủa; da thịt cứ ngốt ngốt theo mỗi bước đi. Đã được xác định từ sáng sớm nên hành trang mỗi người cho hành trình đi bộ cả ngày ròng chỉ là nước và bánh mì, thế mà vẫn nặng. Vì rừng mà cũng may nhờ rừng; dù bắp chân đã căng cứng sau nhiều giờ nhưng không ai vì thế mà phủ nhận sự giàu có và đẹp đến mê hồn của rừng Kon Pne- chúng tôi có "đủ thâm niên" để mà nói rằng rừng Kon Pne đẹp nhất Tây Nguyên (chẳng thế mà "lâm tặc" từng xâm nhập gây ra vụ án gỗ động trời ở Kon Pne - Kon Ka Kinh này hồi năm trước): Những thân trắc (thiết mộc hàng đầu) hàng trăm tuổi đứng ken dày, thẳng đuột, ngọn muốn chấm trời; những khoảnh "thông nàng" mốc thếch, sung mãn như được trời nuôi; những cây cam rừng- tương truyền có gốc tích từ cam vườn do Nữ tướng Bùi Thị Xuân trồng để nuôi quân từ khởi nguyên nhà Tây Sơn, thân đã tày ôm, quả to như bát, chín rụng vàng từng khoảnh đất và có vị chua thấm vào từng đốt sống...

Đấy là cả một khu rừng cổ tích đầy sương khói thời gian; ấy là giá như không có vắt ở những đoạn lối mòn rất nhợt, không có những con dốc ngửa người, trơn trượt... Lại có những đoạn qua lối mòn vừa lọt thân người, luồn lách giữa những cây đại thụ già khấc, trầm mặc. Lại như vỡ oà một rừng phong lan, chúng từ những ngõ ngách bí hiểm, buông thõng những chùm hoa ngát hương, nhiều giống thật lạ, bám cả vào những cây họ dầu; càng lên cao càng lạ, sương càng nặng hạt- đấy đã là đường qua Kon H''Lăng, ngọn núi cao đến 2.000m; chóp của nó xanh thẳm bồng bềnh trong mây; đẹp dữ dội nhưng không ai dám nghĩ đến một... tour du lịch. Bất chợt ai đó reo lên: "Có một chiếc... két bạc". Chiếc két bạc mới tinh, ở giữa đại ngàn và bên lối mòn (?). Sự hiện diện của nó như... chiếc đĩa bay bất ngờ "toạ lạc" giữa... cánh đồng.

Anh bạn ở Huyện uỷ Kbang giải thích: "Tháng 11.2002, huyện cho xã chiếc két này để đựng ngân sách. Khi khiêng được tới đây thì kiệt sức, những người khiêng đành phải vứt lại giữa rừng... chờ mở đường". Lương cán bộ xã thì vừa đút túi, còn tiền nào mà phải mượn đến két. Chi tiết hài hước này gây trận cười đầu tiên sau nửa ngày thở ra đằng tai. Lúc xuống núi còn nhọc gấp mười lần, nếu như không bất chợt vén rừng và... thấy làng; thấy con sông Kon Pne hai bên đầy cuội trắng nằm hiền hoà như một nét vẽ chia đôi thung lũng Kon Pne xanh mượt ngô, lúa, sắn. Đến trụ sở xã đã là 18h, đêm lại càng đưa Kon Pne vào không gian huyền hoặc.

Bí thư xã Đinh H''Má "khoe": Kon Pne hiện có 258 hộ, 1.200 nhân khẩu (sống ở 3 làng), thuần là người Ba Na; so với 8 năm trước tăng 59 hộ, 242 nhân khẩu. So sánh với phần còn lại của... trái đất thì việc tăng dân số ở Kon Pne là một thành tích. Bởi mắc rừng, mắc núi, suốt từ năm 1975-1996, dân số hầu như vẫn vậy; trẻ con, người già hay chết bệnh. Năm 2002, ngành bưu điện muốn lắp đặt một máy liên lạc vệ tinh để xoá "mù thông tin" cho Kon Pne, trị giá nửa tỉ bạc chứ ít đâu. Thế mà tìm mãi mới ra người vận hành; ấy là một thầy giáo cấp I và một thiếu niên vừa học hết... lớp 5; phải gửi học tận Đà Nẵng.

Hay như bây giờ, cả xã nuôi được 300 con trâu, bò, dê, nhưng chỉ để... cúng Yàng; trâu thì để giẫm ruộng cấy lúa (cũng là cách bộ đội bày cho từ năm 1964), không bán được vì chẳng ai dám đi bộ cùng chúng ra chợ huyện để thành "hàng hoá". Ơ "ốc đảo" này, còn nhiều chuyện cười ra nước mắt: Nhà nước cho máy cày nhỏ để con trâu khỏi đi giẫm ruộng nhưng có máy mà hết dầu, "phải để cho nó... ngủ thôi". Hay mới đây, Nhà nước cũng cho 4 cái xe máy. Bọn thanh niên ra tận huyện nhận về. Đường, như đã kể, khiến xe không đi được nên đoạn thì chúng nó cột dây lôi sền sệt, đoạn thì chúng chặt cây rừng... khiêng, như khiêng người ốm. Rồi cũng đưa về được tận đây. Nghe có cái xe máy, cả làng đổ ra xem, rồi đua nhau... tập. Rồi hết xăng. Bọn thanh niên lại xách can đi bộ ra thị trấn... Giọng H'' Má có phần bực bội, ly rượu trên tay không muốn uống, nhưng chúng tôi thì không thể nhịn cười. H'' Má bảo: "Mắc cái rừng đấy; cái mới nằm ngoài rừng không vào được". Người dân Kon Pne hiền hoà và lạc quan trong cái nghèo, vì thế. Thời đoạn "mở cửa" gần nhất với bên ngoài là thời kháng chiến; Kon Pne cũng từng là "cứ". Vợ của Bí thư H'' Má bây giờ- chị có cái tên dễ gây cười, Đinh H'' Méo- chính là con gái của cán bộ cộng sản ở lại Kon Pne sau 1954, ông Phan Phúc; người vợ Ba Na goá bụa từ năm 21 tuổi, không "nối dây" mà ở vậy nuôi con; mối tình Kinh - Thượng cũng đẹp như thung lũng Kon Pne vậy...

Bối cảnh chuyện này là vào cuối năm 2003. Còn bây giờ...

Phá vỡ "biểu tượng" lạc hậu...

Con đường nhưng không đơn giản là chuyện làm đường. Năm 2002, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải vào làm việc tại Gia Lai, nghe báo cáo về dự án đường Kon Pne vốn vượt ra ngoài khả năng của địa phương- "áng chừng" 30 tỉ; Thủ tướng đã "duyệt" ngay tại chỗ. Năm 2003, dự án hình thành và khởi công; năm 2004 sẽ hoàn thành- chưa con đường nào được "quyết" nhanh đến thế.

Thi công là bộ đội thuộc Binh đoàn Trường Sơn và Cty Kon Hà Nừng, cũng là chọn mặt gửi... đường vì không ai rành Kon Pne hơn họ. Đó là con đường cấp xã hiếm hoi đến "tận tay" Thủ tướng phê duyệt. Cũng lần đầu tiên có một bí thư tỉnh uỷ chống gậy đi bộ cả ngày để khảo sát kinh tế - xã hội Kon Pne và con đường "lịch sử" này. Nếu không vì sự "sốt ruột" trước "biểu tượng" lạc hậu cuối cùng này thì con đường chưa dễ hình thành vì những trở ngại khác nhau.

Nó xuyên qua rừng, được trải cấp phối trên 25km chiều dài (đã trừ phần đường lâm nghiệp ngoài ngầm sông Ba), xây dựng trên 100 cầu, cống và tốn kém đến trên 24 tỉ đồng; nếu "bình quân" chỉ cho 1.200 dân thì đây rõ là lời giải... rất "sang" cho một bài toán kinh tế. Có người lại bảo: Dùng tiền ấy cho dân thì Kon Pne giàu ngay. Song, không có đường thì tiền ấy chỉ gác lên mái bếp; ai buôn bán được mà giàu. Vì thế mà ý nghĩa xã hội của con đường này vô cùng lớn lao. Trước hết vì Kon Pne là một trong hai xã cuối cùng trong 187 xã, phường của toàn tỉnh chưa có đường ôtô, cần phải được... "phủ sóng". Thứ hai, không phải lúc này mới tính chuyện làm đường mà bài toán Kon Pne đã được đặt ra từ nhiều năm trước; là mối bận tâm của tỉnh Gia Lai từ hàng chục năm qua. Lãnh đạo Kbang từng nhiều lần đặt ra phương án dời dân (ra gần "vùng văn minh"; về phía bên này núi), làm nhà, cấp ruộng... nhưng không một người dân Kon Pne nào chịu dời bỏ tập quán sinh hoạt đã thành máu thịt, dời bỏ thung lũng "vàng"- quê hương của mình. Thế là "trời" đành chịu "đất"; con đường được mở ra từ cuối năm 2003 là vậy.

Một góc làng ở Kon Pne trước ngày mở đường
Trước khi khởi công "xã lộ" Kon Pne, như "tiếp sức" cho xã vùng sâu "cuối cùng" này, hàng loạt công trình phúc lợi được xây dựng tại đây mà mỗi công trình, từng bao ximăng, từng viên gạch phải được khiêng, cõng bằng sức người như... kéo pháo thời Điện Biên Phủ. Đó là công trình nước sạch, hai công trình thuỷ lợi, là trường học 7 lớp (với 208 học sinh, 8 giáo viên; người có trình độ cao nhất xã là ... lớp 5), trạm xá với... 3 giường bệnh; gần đây lại có tiền ngân hàng nhưng dân ít dám vay... Song cũng chỉ cải thiện được phần nào; đất Kon Pne mênh mông; nước sông Kon Pne xanh trong và không bao giờ cạn mà cái nghèo đeo đẳng là tại... con đường - Đinh H''Má bảo thế.

Nhưng giờ thì H''Má hồ hởi: "Mình mừng hung rồi; con đường này cứu được Kon Pne rồi". Con đường đang định hình mà người Kon Pne đã biết "khai thác" nó: "Chỉ cần đi bộ tới đỉnh Kon H''Lăng, rẽ trái, đi 10 cây số thôi là gặp bộ đội làm đường, nhờ xe được rồi" - H''Má chỉ dẫn.

Theo Báo Lao Động

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp - Người phụ trách: ông Nguyễn Văn Lộc