Sign In

Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Gia Lai

Ðầu tư giúp Tây Nguyên phát triển sản xuất hàng hóa

Ngày đăng: 10-07-2004, 11:23 - Lượt truy cập: 906
Tây Nguyên một vùng đất giàu tiềm năng nhưng kinh tế còn nghèo, nhất là vùng sâu, vùng xa. Nhà nước đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhiều chương trình giúp đồng bào tiếp cận với kỹ thuật canh tác tiên tiến, phát triển sản xuất hàng hóa.

Tây Nguyên một vùng đất giàu tiềm năng nhưng kinh tế còn nghèo, nhất là vùng sâu, vùng xa. Nhà nước đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhiều chương trình giúp đồng bào tiếp cận với kỹ thuật canh tác tiên tiến, phát triển sản xuất hàng hóa.

Tây Nguyên có diện tích tự nhiên 54.474 ha, có đường biên giới với hai nước bạn dài 600 km. Trong khu vực có 4,7 triệu dân với 46 dân tộc anh em chung sống. Một vùng đất có nhiều tiềm năng về cây công nghiệp, rừng, thủy điện... Song Tây Nguyên vẫn là vùng còn nhiều khó khăn, nhất là những xã vùng sâu, vùng xa, cho nên trong chừng mực nhất định đời sống đồng bào nhiều vùng nông thôn còn đói nghèo, cơ sở hạ tầng thấp kém, làm hạn chế sức sản xuất của những vùng này.

Xác định rõ là địa bàn chiến lược về kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, Ðảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, biện pháp và hình thức đầu tư để khai thác tiềm năng sẵn có và từ đó giúp nhân dân không ngừng vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nếu tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn Tây Nguyên giai đoạn 1991 - 1995 khoảng 6,3 nghìn tỷ đồng (trung bình gần 1,1 nghìn tỷ đồng/năm), thì giai đoạn 1996-2000 là 24 nghìn tỷ đồng, gấp bốn lần so với trước và từ năm 2001, mức độ đầu tư tăng dần, như năm 2001 là 5.200 tỷ đồng, năm 2002 là 5.520 tỷ đồng, năm 2003 là 6.030 tỷ đồng; trong đó tỷ lệ đầu tư cho công nghiệp chiếm 33%, nông - lâm nghiệp, thủy lợi 38%, giao thông 11%, y tế, giáo dục, văn hóa 4%.

Từ mức đầu tư cho thấy, sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước nhằm tạo động lực cho vùng Tây Nguyên phát triển và cũng chính sự đầu tư đó đã tạo đà cho những vùng khó khăn tự vươn lên, mở ra hướng đi mới cho nông thôn Tây Nguyên phát triển theo hướng CNH, HÐH.

Cùng với việc đầu tư là sự chỉ đạo, điều hành kịp thời của Trung ương, cộng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, cho nên nền kinh tế ở các tỉnh Tây Nguyên giữ ở mức tăng trưởng khá, như năm 2001 tăng trưởng đạt 10,5%, năm 2002 đạt 7,3%, năm 2003 đạt 11,2% (riêng Lâm Ðồng đạt 23,5%, Gia Lai 11,9%). Bằng việc phát huy lợi thế các tỉnh, Tây Nguyên từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, nếu năm 2002 tỷ trọng nông - lâm nghiệp chiếm 50,8%, công nghiệp - xây dựng chiếm 18,9%, dịch vụ chiếm 30,2%, thì năm 2003 cơ cấu trên là 50,1%, 18,2% và 31,6%.

Có được cơ cấu bước đầu đó, các tỉnh đã hoạch định chiến lược cho mình là xác định xây dựng các khu công nghiệp với quy mô thích hợp, như khu công nghiệp Tâm Thắng (Ðác Nông), Cụm công nghiệp Buôn Hồ, khu tiểu thủ công nghiệp ở Buôn Mê Thuột (Ðác Lắc)... Chỉ đạo cơ sở chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm dần diện tích cà-phê không có hiệu quả sang trồng các loại cây năng suất cao, thu nhập trên một đơn vị diện tích nhiều hơn và quảng bá về du lịch, xây dựng thương hiệu...

Khi đề cập kinh tế - xã hội Tây Nguyên, ai cũng chú trọng đến những vùng còn khó khăn, mà một trong những chủ trương rõ nhất là Chương trình 135, xóa đói, giảm nghèo được triển khai đồng bộ và đạt kết quả khả quan. Từ năm 1999, Chương trình 135 triển khai ở 36 xã của tỉnh Ðác Lắc, kinh phí đầu tư cho mỗi xã là 400 triệu đồng/năm và bắt đầu từ năm 2003 lên 500 triệu đồng.

Ðây là một chương trình đã và đang tạo động lực giúp các xã khó khăn vươn lên và trong năm năm qua 36 xã nói trên được đầu tư xây dựng 324 công trình với kinh phí 97,3 tỷ đồng, trong đó có 145 công trình giao thông, 111 trường học, 25 công trình thủy lợi và nhiều công trình phục vụ sinh hoạt cộng đồng, chợ, y tế... Ngoài ra còn 18 trung tâm cụm xã với số vốn đầu tư 7,1 tỷ đồng, đây là những công trình mang tính liên vùng, phục vụ nhu cầu đi lại, mua bán và học hành của nhân dân và con em trong vùng. Ðiều đáng nói hơn là qua Chương trình 135 đã từng bước đào tạo một đội ngũ cán bộ ở cơ sở biết quản lý kinh tế, nhân dân có việc làm...

Thông qua đó tỷ lệ đói nghèo năm 1998 ở Ðác Lắc là 25,5% thì nay còn 13,3%, nhân dân được hưởng lợi từ nhiều công trình, nhất là nước sạch, 90% số con em trong độ tuổi đến trường. Cho dù Chương trình 135 vẫn còn những khiếm khuyết, có nơi công trình xây dựng kém chất lượng, không hiệu quả, việc bố trí công trình còn nhiều vấn đề đáng bàn, nhưng những kết quả nói trên góp phần đáng kể để 36 xã khó khăn của Ðác Lắc tạo những bước tiến mới.

Chứng kiến buôn làng mình đổi thay, Y Hang, ở Ea Nuôi, xã Dur Măn, huyện Krông Ana (Ðác Lắc) cho biết: "Khi còn nhỏ, mình thấy buôn làng ở Dur Măn này nghèo lắm, đến mùa giáp hạt phải lên rừng kiếm củ mài, hái cây rừng để sống qua ngày, cả xã không nơi nào có nhà ngói. Từ ngày Ðảng, Chính phủ đầu tư cho xã, cho huyện, nhất là giúp đồng bào biết sản xuất ra những loại nông sản bán được nhiều tiền, ai chưa biết thì cán bộ hướng dẫn... Chính những việc làm đó đã giúp bà con có cuộc sống tương đối thoải mái như hiện nay. Còn riêng gia đình mình từ khi có chủ trương đầu tư thâm canh cà-phê, lúa... mình mạnh dạn theo học các lớp khuyến nông, vay vốn ngân hàng đầu tư để phát triển mạnh sản xuất và chăn nuôi. Làm cái gì, trồng cây gì mình cũng tìm hiểu và đầu tư theo hướng thâm canh, chọn cây có năng suất cao để trồng. Bây giờ gia đình mình khá giả rồi, nhà có xe máy cày, làm được nhà xây, con cái học hành đầy đủ. Xã mình nay có nhiều nhà xây rồi, không ít gia đình mua sắm được máy cày, máy xay xát".

Gia đình Y Vam Mlô, cũng ở xã Dur Măn có 2 ha cà-phê, 1,5 ha lúa nước, có xe tải 2,5 tấn... Anh quả quyết: bà con ở buôn làng Tây nguyên này chỉ có thực hiện những biện pháp thâm canh thì mới xóa đói, giảm nghèo và làm giàu được. Bằng quyết tâm đó, Y Vam là một trong những người giàu ở Dur Măn.

Một trong những chương trình ở Tây Nguyên phải được nhắc đến đó là định canh định cư (ÐCÐC) được các tỉnh quan tâm và đầu tư đúng mức. Ðến nay Lâm Ðồng cơ bản ÐCÐC cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, Kon Tum đạt 83%, Gia Lai 85% và Ðác Lắc đạt 74,5%, mức độ có khác nhau, nhưng qua ÐCÐC các buôn làng Tây Nguyên từng bước đã ổn định sản xuất, đồng bào biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn những loại cây trồng có hiệu quả cao để gieo trồng trên nương rẫy của mình và từ đó số buôn làng giàu lên khá nhiều ở Tây Nguyên.

Hệ thống thủy lợi, trạm y tế, trường học đều được xây dựng ở hầu hết các vùng, tạo điều kiện thuận lợi để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, con em đến trường không phải đi xa. Các trường nội trú cũng được xây dựng, hằng năm đón tiếp hàng trăm con em các dân tộc thiểu số theo học.

Những tiền đề đó là động lực giúp đồng bào Tây Nguyên có điều kiện tốt hơn để xây dựng buôn làng ngày càng giàu mạnh, xóm làng yên vui.

Bên cạnh việc đầu tư mang lại hiệu quả như nêu trên, Tây Nguyên vẫn còn những khó khăn phải tiếp tục giải quyết, đó là tăng trưởng kinh tế chưa thật sự vững chắc, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng có lợi vẫn còn chậm, 0tình trạng đói nghèo dù có giảm nhưng vẫn ở mức cao, không ít gia đình thiếu đất sản xuất, đất ở đã và đang được Nhà nước tích cực giải quyết.

Ðây là những vấn đề các tỉnh trong khu vực rất quan tâm hỗ trợ nhằm nâng cao hơn nữa đời sống nhân dân, xây dựng Tây Nguyên thành một trong những vùng động lực của đất nước.

Theo Nhân Dân

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp - Người phụ trách: ông Nguyễn Văn Lộc