Sign In

Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Gia Lai

Nghìn đôi mắt sáng...

Ngày đăng: 21-06-2004, 06:28 - Lượt truy cập: 5836
Ở Gia Lai, chưa từng có một cuộc ra quân "xoá mù" mạnh mẽ như thế... Xoá mù, khái niệm được khai sinh trong thời buổi lạm phát ngôn từ (như "xoá mù thông tin", "xoá mù tin học", "xoá mù... chữ"... và luôn có nguy cơ... tái mù) trong bài này chỉ thuần tuý mang nghĩa đen.

Ở Gia Lai, chưa từng có một cuộc ra quân "xoá mù" mạnh mẽ như thế... Xoá mù, khái niệm được khai sinh trong thời buổi lạm phát ngôn từ (như "xoá mù thông tin", "xoá mù tin học", "xoá mù... chữ"... và luôn có nguy cơ... tái mù) trong bài này chỉ thuần tuý mang nghĩa đen: Đem lại ánh sáng cho đôi mắt của hàng nghìn người dân tộc thiểu số, trong một khoảng thời gian ngắn. Sau nhiều năm sống trong tăm tối, "gặp lại cuộc đời", với nhiều người là niềm vui khôn xiết, lại có người vấp phải nỗi đau day dứt khi vừa sáng mắt...

Người đàn ông tuổi 60 được gọi là Alích đã có "thâm niên" gần 10 năm sống trong màn sương dày mờ đặc; suốt khoảng thời gian có thể coi là hữu dụng nhất của một đời người ông đã phải mò mẫm sống. Vì thế mà Alích ít nói, không cười; chỉ đến khi băng mắt được tháo ra, cái Alích nhìn thấy đầu tiên là sự khắc khổ không thể tưởng từ người phụ nữ đối diện...

Nước mắt, nụ cười

Và bật cười, tiếng cười sảng khoái như thoát ra từ đôi mắt "mới": "Ui chao, sao vợ mình lại già thế này"... "Chắc mình phải lấy vợ mới thôi". Đằng đẵng những năm qua, Alích mường tượng vợ mình vẫn mang gương mặt thiếu phụ tuổi bốn mươi; đâu ngờ sự nhọc nhằn do gánh cả việc chồng đã làm cho bà tiều tụy nhanh đến thế. Vợ Alích tay vẫn rờ rẫm lên đôi mắt "mới" của chồng, miệng cười méo xệch trước câu đùa tếu táo và hiếm hoi của Alích, song nước mắt thì cứ rịn theo những nếp nhăn đen đúa trên gương mặt bà...

Alích là một trong những bệnh nhân đầu tiên ở huyện Ayun Pa - huyện đầu tiên thụ hưởng chương trình mổ mắt nhân đạo lớn nhất từ trước tới nay ở Gia Lai, chương trình "Ánh sáng cho 1.000 người mù nghèo" do Tỉnh uỷ Gia Lai phát động.

Trong một căn phòng "hậu phẫu" ở Trung tâm Y tế huyện Ia Grai, trên một chục bệnh nhân phần lớn là người cao tuổi đang trò chuyện rôm rả trong khi chờ tháo băng để về nhà. Bác sĩ Lê Ngọc Lân - Giám đốc trung tâm - dịch cho tôi nghe câu chuyện chắp vá qua giọng kể sôi nổi của cụ già Jrai, Puih Đa: "Mình ở làng Bẹc, xã Ia Hrung, cách huyện lỵ 17km; có 6 đứa con đều làm công nhân càphê cho "nông trường ông Trí" (tức Cty càphê Chư Păh). Làng Bẹc trước đây từng bị "giặc" nhiều lần đến đốt nhà, giết hết gia súc, đời con mình bây giờ sướng hung rồi; chỉ có mình khổ là vì con mắt không thấy cái rẫy, không thấy mặt cháu nội cháu ngoại thôi".

"Thế sáng mắt rồi thì già Đa sẽ làm gì?". "Uống rượu mừng cái đã - già Đa cười sảng khoái - rồi lại đi rẫy, lại trông cháu cho chúng nó đi làm càphê".

Puih Đa bị loà đã 5 năm nay. Anh bạn đi cùng hỏi một câu "máy móc": "Thế già có biết gì về "chương trình", "chiến dịch" sáng mắt không?". Cả cụ ông Puih Đa, cụ bà Puih Lon... cùng bảo: "Không biết ai đâu, chỉ biết bác sĩ thôi; bác sĩ giỏi hơn Yàng mà".

Cả Puih Adơn ở làng Vôk, Puih Blih, Rơ Chăm Tới ở làng Ôrê, Rơ Chăm Khu ở làng Ku Tong, Rơmah Phương làng Tê Chí... ít 27, già đến 70- 80 tuổi, có "thâm niên thiếu sáng" từ ba đến hàng chục năm qua, đều đau đáu một nhu cầu giản dị: Sáng mắt thì về đi rẫy. "Đi rẫy" giờ còn là biểu hiện sự khao khát máu thịt được trở về với tập quán đời thường, được tắm mình trong hơi thở của ruộng, rừng, sông, suối. Và, "để gõ cái chiêng cho trúng, để uống rượu cho ngon" - để thấy mình như mọi người...

Ông bà Rơ Bluck sau khi được "sáng mắt".
Cũng có nỗi buồn khi sáng mắt. Như ông bà Rơlan Bluck ở làng Giá (Thăng Hưng, Chư Prông), bị loà đã nhiều năm; có hai con gái đã lấy chồng ở riêng. Đã không chăm nom cha mẹ thì chớ, chẳng biết ai xui khôn xui dại thế nào, cả bốn đứa (con gái con rể) đều bỏ theo "Tin lành đêgar" làm chuyện xấu - tham gia gây rối hôm 10.4, rồi hai thằng rể bỏ trốn ra rừng. Sau hàng chục năm mò mẫm nuôi nhau, phút sáng mắt đầu tiên cũng là lúc nỗi đau ập đến với ông bà một cách tận cùng: Niềm vui đã không đến được ngay mà còn phải dìu nhau vào rừng tìm, thuyết phục mấy đứa con hư về với cộng đồng. Đó cũng là cặp vợ chồng duy nhất không có nổi một nụ cười khi ra khỏi "trời đêm".

Cái mầm độc hại kia còn dai dẳng từ những chuyện như chuyện bác sĩ Lân kể: Ia Grai là huyện thứ 7 hoàn thành việc mổ mắt. Nhưng khi tuyên truyền kêu gọi đồng bào ở các làng đi khám, sàng lọc các bệnh về mắt, các thầy thuốc không dám gọi nó là "chương trình mổ mắt nhân đạo" nữa mà buộc phải "đánh tráo khái niệm" là giúp đồng bào đi "điều trị mắt", khi nào mắt sáng thì về. Nguyên do là khởi nguồn từ các huyện Ayun Pa, Ia Pa... kẻ xấu đã tung tin rằng Nhà nước bảo đi mổ mắt, "tức là móc con mắt của người mù rồi thay bằng mắt... con bò, con heo". Tư duy chất phác của đồng bào đã từng run sợ trước luận điệu ngô nghê như vậy.

30 ca mổ một ngày

Bác sĩ Nguyễn Khắc Quảng - "ngày thường" là Giám đốc Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội của tỉnh; trong "chiến dịch" được phân công làm Tổ trưởng Tổ chuyên khoa (mổ) mắt, lưu động hết làng này đến huyện khác từ nhiều tháng qua - vừa kết thúc thêm một ngày làm việc căng thẳng, tỏ ra khiêm tốn và... dè dặt khi nói chuyện với nhà báo: Sau khi gọi điện xin ý kiến Giám đốc Sở Y tế Gia Lai - Măng Đung, mới chậm rãi bộc bạch: Ngày 16.1.2004, "anh Sáu" (đồng chí Nguyễn Tuấn Khanh - Bí thư Tỉnh uỷ) bất ngờ triệu tập cuộc họp với lãnh đạo ngành y tế, nêu quyết tâm "giải phóng mù loà cho 1.000 người nghèo bị đục thuỷ tinh thể".

Chăm sóc hậu phẫu cho các bệnh nhân dân tộc thiểu số
Gọi dài dòng thế bởi vì thực ra, tuy công việc này không còn là thách thức đối với ngành y tế Gia Lai (hàng năm vẫn có một đôi trăm người được mổ miễn phí nhưng chủ yếu là những người bệnh sống ở đô thị; còn lần này là ưu tiên cho đồng bào nghèo ở vùng sâu, vùng xa - tuyệt đại đa số là người dân tộc), nhưng số lượng người bệnh là quá lớn, và thời hạn "xoá mù" lại quá ngắn (đến 2.9.2004) so với số bác sĩ chuyên khoa mắt của tỉnh chỉ chừng dăm người; dù có sự hỗ trợ ban đầu của một số bác sĩ và của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo từ TPHCM. Cuộc họp kết thúc bằng "quyết nghị" lớn nhất và, có thể là "nhân văn" nhất ở Gia Lai nhiều năm qua: Đem lại ánh sáng cho 1.000 người nghèo "bằng tâm huyết của người cộng sản" - chữ dùng của bác sĩ Quảng. Và tất cả các cấp lãnh đạo đều phải trực tiếp tham gia vào chiến dịch này theo sự phân nhiệm cụ thể. Song, diễn biến sau đó cũng có nhiều điều khác với thực tế; và "tinh thần cộng sản" ở mỗi người cũng không hẳn ở cùng cấp độ như nhau...

Trước hết là... "vỡ kế hoạch". Hầu hết các huyện đã hoàn thành nhiệm vụ đều có số bệnh nhân thực tế vượt trên 100% "chỉ tiêu", nghĩa là sự chuẩn bị "mọi mặt" ban đầu đã không theo kịp thực tế. Chư Prông "đạt" 141/60 ca, Chư Sê 193/80 ca, Krông Pa 117/50 ca, Ia Grai 145/50 ca... Và mới 4 tháng qua, đến ngày 3.6, số bệnh nhân được "sáng mắt" đã lên tới gần 1.100 người; mà nhu cầu vẫn còn lớn, vẫn còn tới 5 huyện, thị xã chưa triển khai. "Nếu kinh phí cho phép, đến thời hạn kế hoạch (2.9), số bệnh nhân được "giải phóng" có thể lên trên 1.800 người - vượt gần gấp đôi kế hoạch ban đầu" - bác sĩ Quảng khẳng định.

Để đạt tiến độ đó, chỉ có nhóm 3 bác sĩ và vài cán bộ giúp việc, và thêm 2 bác sĩ chuyên khoa trực mổ cho riêng khu vực TP.Pleiku. Bác sĩ Quảng cùng đồng sự là bác sĩ Thành, y sĩ Ly... phải tiến hành đến 25-30 ca mổ/ ngày; nhiều lúc phải làm cả ngày nghỉ. Tuy không quá phức tạp nhưng cũng là... "vi phẫu", nhiều bệnh nhân được phát hiện thêm bệnh nội khoa, bệnh lao, hay nhẹ như bệnh ho, cũng phải điều trị dứt điểm rồi mới mổ mắt; may mà qua hơn 1.000 trường hợp đều chưa gặp sự cố gì, đều cho kết quả mỹ mãn - nghĩa là thoát khỏi "tầm nhìn xa dưới... 3m" - quy định về người mù của WHO. Chưa kể bác sĩ Cư đi khám sàng lọc ở làng thì nhiều hôm phải đến 21h đêm mới về; cô gái Nguyễn Thị Nga - tuyên truyền viên cho chương trình, đã lặn lội bằng xe máy đi hầu khắp các làng, xã để phát băng cassete thuyết minh bằng tiếng Jrai, Ba Na, rồi còn phải cõng nhiều cụ già neo đơn đến nơi tập kết...

Hoạt động "cấp tập" đó diễn ra trong bối cảnh địa bàn quá rộng, dân cư quá thưa, bất đồng ngôn ngữ v.v... Ngoài ra còn có sự tất bật lo "hậu cần" của các "vệ tinh"- trung tâm y tế các huyện, vốn không có "chuyên khoa" và cơ số giường bệnh chỉ chưa bằng một phần tư số bệnh nhân tập kết trong những ngày "chiến dịch"... Mà kinh phí (hỗ trợ 190.000 đồng/ bệnh nhân) mới chỉ đuổi theo nhỏ giọt.

Đã có nghìn đôi mắt sáng, sẽ có nghìn đôi mắt sáng- đấy là tính đến ngày 2.9 tới- áp lực đối với không chỉ cá nhân, gia đình, và cả xã hội sẽ giảm thiểu nhờ quyết tâm cao độ của lãnh đạo tỉnh Gia Lai, sự hỗ trợ vật tư, kinh phí của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM, song còn một lớp cán bộ trung gian, đáng buồn là theo bác sĩ Quảng, chỉ có huyện duy nhất là Chư Sê thực sự quan tâm theo sát chương trình do Tỉnh uỷ vạch ra; còn lại, hầu như đã "khoán trắng" cho nhóm cán bộ, các cơ quan chuyên trách của ngành y tế.

Theo Lao Động

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp - Người phụ trách: ông Nguyễn Văn Lộc