Sign In

Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Gia Lai

Gia Lai phát triển kinh tế trang trại

Ngày đăng: 09-02-2004, 03:57 - Lượt truy cập: 5058
Tỉnh Gia Lai hiện có 2.013 trang trại, trong đó 1.812 trang trại trồng trọt. Kinh tế trang trại phát triển đã tạo bước ngoặt lớn trong nông thôn Gia Lai, góp phần hạ tỷ lệ đói nghèo từ 35% (năm 1995) xuống 17% (năm 2003).

Tỉnh Gia Lai hiện có 2.013 trang trại, trong đó 1.812 trang trại trồng trọt. Kinh tế trang trại phát triển đã tạo bước ngoặt lớn trong nông thôn Gia Lai, góp phần hạ tỷ lệ đói nghèo từ 35% (năm 1995) xuống 17% (năm 2003).

Trong số 2.013 trang trại hiện có của tỉnh Gia Lai, thì chủ trang trại là nông dân chiếm 82% và chủ trang trại là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 4%. Ðiều này cho thấy, người dân ở Gia Lai đã là lực lượng khá nhạy bén khi tiếp cận với loại hình sản xuất mới này.

Mặt khác, tuy Gia Lai là một tỉnh miền núi "đất rộng, người thưa", nhưng bù lại, được thiên nhiên ưu đãi nhờ tiềm năng đất đỏ ba-dan trù phú, phù hợp nhiều loại cây công nghiệp như cà-phê, cao-su, hồ tiêu, điều. Còn chăn nuôi đại gia súc, thì phát triển kinh tế trang trại là con đường ngắn nhất để nông dân xóa đói, giảm nghèo và đã được nhiều người mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất và trở nên giàu có.

Gia đình anh Bùi Văn Chính ở thị trấn Chư Sê có một trang trại rộng 12 ha; anh trồng 10 ha hồ tiêu và hai ha cà-phê. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, bình quân mỗi năm thu nhập hơn 500 triệu đồng. Vụ tiêu năm 2002 vừa qua, gia đình anh thu 60 tấn; với giá 30 nghìn đồng/kg, anh thu nhập 1,8 tỷ đồng. Quả là khoản thu không nhỏ đối với một gia đình nông dân.

Qua năm năm phát triển kinh tế trang trại ở Gia Lai, hiệu quả mang lại không chỉ đánh thức tiềm năng đất đai, mà còn góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Các trang trại đã thu hút và giải quyết cho hơn 8.000 lao động có việc làm thường xuyên (bình quân bốn lao động/trang trại). Chỉ tính riêng Hội Cựu chiến binh tỉnh, một trong những đoàn thể đi đầu trong phát triển kinh tế trang trại, đã có gần 500 trang trại, quy mô 3-10 ha; trong đó hơn 400 trang trại trồng cây công nghiệp, 23 trang trại chăn nuôi, đã góp phần giải quyết cho hơn 1.200 lao động có việc làm. Những trang trại có thuê lao động thường xuyên thì việc trả công hằng tháng phổ biến ở mức 200-400 nghìn đồng/ người. Có chủ trang trại, ngoài trả tiền công còn tạo điều kiện dành một phần diện tích đất cấp cho người làm thuê để sản xuất riêng, nhằm gắn bó lâu dài với trang trại. Nếu là lao động thời vụ thì được trả công 15-25 nghìn đồng/ngày (tùy theo công việc).

Kinh tế trang trại phát triển đã thu hút nhiều lao động và các thành phần kinh tế tham gia. Với Gia Lai, một tỉnh miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần một nửa dân số, thì kinh tế trang trại phát triển còn mang nhiều ý nghĩa về mặt xã hội. Nếu trước đây, bà con dân tộc thiểu số chỉ quen sản xuất nông nghiệp theo phương thức canh tác lạc hậu, thì hiện nay, qua việc làm công trong các trang trại, đã quen dần với tiến bộ kỹ thuật, sử dụng máy móc phục vụ sản xuất. Giờ đây tự họ có thể tách ra để thành lập trang trại với vai trò là người chủ. Con số 4% chủ trang trại là người dân tộc thiểu số đều đi lên bằng con đường này.

Từ thực tế trong những năm qua, có thể khẳng định: Kinh tế trang trại nói chung và kinh tế trang trại ở Gia Lai nói riêng phát triển đúng hướng, mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, để kinh tế trang trại ở Gia Lai thật sự trở thành một trong những động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển theo hướng đa dạng thì vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Trước hết là các vấn đề thuộc về chính sách.

Mặc dù đã có Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ về kinh tế trang trại; một số thông tư liên tịch quy định cụ thể tiêu chí kinh tế trang trại, nhưng ở Gia Lai, việc triển khai quá chậm. Ðến nay, vẫn còn 40% số trang trại chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ông Lê Trạc Ký, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Nhiều chủ trang trại muốn mở rộng quy mô sản xuất lớn hơn, muốn được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước như vay vốn, miễn giảm thuế, tiêu thụ sản phẩm mà không được, vì chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngoài ra, các nguồn lực của Nhà nước như vốn, kỹ thuật cũng chưa thật sự hướng vào kinh tế trang trại một cách mạnh mẽ, do vậy chưa thúc đẩy các mô hình sản xuất nông sản hàng hóa phát triển.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kpă Thuyên cho biết: Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có kiến nghị lên cấp có thẩm quyền, nhằm tháo gỡ các vướng mắc, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế trang trại phát triển đúng hướng. Ngành đang tham mưu cho UBND tỉnh tập trung chỉ đạo theo ba vùng cụ thể:

Ðối với vùng ven đô, phát triển các trang trại chăn nuôi quy mô công nghiệp, các trang trại kinh doanh rau, cây ăn quả theo hướng thâm canh cao.

Ðối với vùng có người Kinh sinh sống, cho phép tích tụ đất đai, khuyến khích tạo việc làm và tuyển dụng lao động, ưu tiên người tại chỗ và lao động là đồng bào dân tộc thiểu số; khuyến khích và hỗ trợ kinh phí cho các đơn vị gắn sản xuất, kinh doanh với mở cơ sở tạo nghề.

Ðối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì bảo đảm đủ đất sản xuất, hỗ trợ hình thành mô hình trang trại theo địa bàn xã và cụm xã. Trên cơ sở này, từng bước giúp đồng bào chuyển dần từ canh tác nương rẫy, du canh sang thâm canh; từ sản xuất nông nghiệp tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hóa.

Ngoài ra, ngành cũng sẽ đề xuất và tham mưu việc triển khai các chính sách hỗ trợ như cho vay vốn ưu đãi, giảm thuế tỷ lệ thuận với việc sử dụng lao động, tạo việc làm, hỗ trợ kỹ thuật. Trước mắt, sẽ tập trung cho việc xác định rõ các tiêu chí về trang trại, nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho kinh tế trang trại ở Gia Lai phát triển đúng hướng.

Theo Nhân Dân

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp - Người phụ trách: ông Nguyễn Văn Lộc