Sign In

Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Gia Lai

Tuyên truyền phòng-chống dịch bằng nhiều thứ tiếng

Ngày đăng: 15-04-2020, 09:00 - Lượt truy cập: 727
(GLO)- Với khoảng 46% dân số là người dân tộc thiểu số (DTTS), tỉnh ta gặp không ít khó khăn trong công tác phòng-chống dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, việc tuyên truyền phòng-chống dịch Covid-19 bằng tiếng Bahnar, Jrai chính là giải pháp thiết thực, hiệu quả. 


Ông Đinh Ơng-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đak Đoa-cho biết: Có đến 53,2% số hộ trong toàn huyện là đồng bào DTTS, trong đó, một bộ phận người dân không biết đọc, không biết viết tiếng phổ thông. Do vậy, ngay từ đầu, huyện đã đề ra giải pháp “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để giúp người dân hiểu về chủ trương, nắm chắc thông tin và nâng cao ý thức bảo vệ bản thân, gia đình; đồng thời tập trung đẩy mạnh truyền thông bằng tiếng Bahnnar, Jrai với nhiều hình thức hiệu quả.
 
 
Đoàn viên, thanh niên huyện Krông Pa tặng khẩu trang, nước rửa tay diệt khuẩn cho các cụ già người dân tộc thiểu số. Ảnh: L.H
Đoàn viên, thanh niên huyện Krông Pa tặng khẩu trang, nước rửa tay diệt khuẩn cho các cụ già người dân tộc thiểu số. Ảnh: L.H
 
 
“Xã Ia Pết có 1 làng người Bahnar, 1 thôn người Kinh và 6 làng người Jrai. Do đó, việc tuyên truyền về công tác phòng-chống dịch Covid-19 đều phải thực hiện bằng 3 thứ tiếng”-ông Đỗ Quang Cảm-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Pết-cho biết. Theo đó, từ ngày 28-3 đến nay, hàng ngày, các thành viên trong Ban chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 xã thay phiên nhau đưa loa đi khắp các thôn, làng để tuyên truyền cho người dân. Tất cả thông tin tuyên truyền đều đã được thu sẵn bằng 3 thứ tiếng. Song song với đó, công tác truyền thông thông qua mạng xã hội, băng rôn, tờ rơi… cũng được tiến hành triệt để. “Tôi đánh giá rất cao việc tuyên truyền bằng tiếng Bahnar, Jrai vì sự gần gũi, thiết thực. Qua đó, bà con hiểu được cách thức phòng tránh dịch Covid-19 một cách hiệu quả”-ông Cảm cho hay. Tại làng Piơm (thị trấn Đak Đoa), chị Phương (dân tộc Bahnar) cũng đồng tình: “Việc tuyên truyền bằng tiếng Bahnar giúp tôi nắm bắt thông tin thuận lợi, chính xác hơn. Vì vậy, tôi không hoang mang quá mức trước dịch bệnh và hướng dẫn mọi người trong gia đình tuân thủ theo các quy định về phòng-chống dịch”.
 
Tại huyện Kbang, công tác truyền thông bằng 2 thứ tiếng Kinh-Bahnar cũng phát huy hiệu quả trong cộng đồng các thôn, làng. Ông Vũ Văn Hải-Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện-chia sẻ: “Huyện Kbang có đến 39% dân số là người DTTS, chủ yếu là người Bahnar. Nếu không tuyên truyền bằng 2 thứ tiếng thì nhiều người sẽ không nắm bắt được, gây khó khăn cho công tác phòng-chống dịch Covid-19 hiện nay. Do đó, mỗi ngày 3 lần, hệ thống loa truyền thanh tại các thôn, làng, tổ dân phố đều đặn phát đi những thông tin về phòng-chống dịch Covid-19 bằng tiếng phổ thông và tiếng Bahnar. Các tờ rơi về phòng-chống dịch cũng được in song ngữ để mọi người dân dễ nắm bắt và thực hiện”. Tương tự, tại huyện Krông Pa-nơi có trên 70% số dân là người Jrai, việc tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh, xe loa lưu động dọc các trục đường chính tại địa bàn cũng góp phần quan trọng tạo sự lan tỏa thông tin về phòng-chống dịch Covid-19. “Việc tuyên truyền song ngữ Kinh-Jrai qua hệ thống loa truyền thanh giúp người dân dễ hiểu, dễ nghe, dễ tiếp thu. Từ đó, họ áp dụng cho chính mình và gia đình, chung tay cùng cộng đồng phòng-chống dịch Covid-19”-bà Võ Thị Đan Trinh-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Krông Pa-cho biết.
 
 
Đoàn Thanh niên thị trấn Phú Túc (huyện Kr ông Pa) tự làm mũ chắn chống dịch Covid-19 và trao tặng Trung tâm Y tế huyện Krông Pa. Ảnh: L.H
Đoàn Thanh niên thị trấn Phú Túc (huyện Kr ông Pa) tự làm mũ chắn chống dịch Covid-19 và trao tặng Trung tâm Y tế huyện Krông Pa. Ảnh: L.H
 
 
Nhận định về hiệu quả tuyên truyền phòng-chống dịch Covid-19 trong vùng DTTS, bà Phạm Thị Lan-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh-cho rằng, những hoạt động trên đã góp phần lan tỏa thông tin cần thiết đến người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. “Thủ tướng Chính phủ đã phát đi khẩu hiệu “Chống dịch như chống giặc” nên không một mắt xích nào được lơi lỏng, lơ là. Gia Lai là tỉnh có diện tích rộng, lại có đông đồng bào DTTS sinh sống nên công tác tuyên truyền nhằm ứng phó với dịch bệnh là rất quan trọng”.
 
Tuy vậy, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận, đâu đó vẫn còn một số trường hợp ý thức phòng-chống dịch bệnh còn chưa cao, nhận thức về dịch bệnh còn mơ hồ. “Ở vùng sâu, vùng xa hay trong các cộng đồng người Jrai, Bahnar…, không ít người chưa lường hết sự nguy hiểm của dịch bệnh, từ đó sinh ra tâm lý chủ quan. Do vậy, việc tiếp tục đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, định hướng hành vi cho người dân vùng sâu, vùng xa là vô cùng cần thiết trong giai đoạn dịch diễn biến phức tạp như hiện nay”-bà Phạm Thị Lan chia sẻ thêm.
 

Lê Hòa-GLO

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp - Người phụ trách: ông Nguyễn Văn Lộc