Sign In

Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Gia Lai

Về Ayun Pa tìm hiểu văn hóa Chăm

Ngày đăng: 17-04-2023, 09:00 - Lượt truy cập: 831

(GLO)- Trong quá trình tìm hiểu về văn hóa-lịch sử của vùng đất Tây Nguyên, tôi nhận thấy, cùng với các dân tộc bản địa như: Jrai, Bahnar, Sê Đăng, Ê Đê… tồn tại lâu đời trên mảnh đất bazan hùng vĩ này, còn có bóng dáng của dân tộc Chăm. Trong Địa chí Gia Lai (1999) có chép, trong những thập niên đầu của thế kỷ XII có xảy ra chiến tranh giữa Chiêm Thành và Chân Lạp.


Sau đó, Chiêm Thành bị Chân Lạp chiếm đóng. Vùng Gia Lai cũng chịu chung số phận ấy: “Năm 1149, vua nước Champa là Harivarman đệ nhất nổi lên đánh đuổi người Chân Lạp ra khỏi nước, rồi tiến đánh các bộ lạc Thượng trên cao nguyên. Vùng Tây Nguyên lại rơi vào sự đô hộ của Chiêm Thành. Việc đô hộ này kéo dài suốt 300 năm”.

Từ những sự kiện lịch sử này, tôi cho rằng ảnh hưởng của văn hóa Chăm đến vùng Tây Nguyên là điều tất yếu. Và những di tích mà người Chăm để lại trên vùng đất cao nguyên này chắc chắn khá nhiều. Theo các nhà nghiên cứu, con đường mà người Chăm xâm nhập vào Tây Nguyên bấy giờ bắt đầu từ ngả Phú Yên (hiện nay) cả đường bộ và đường thủy qua hệ thống sông Ba.

Từ những hiểu biết sơ khởi này, trong những chuyến công tác tại các huyện phía Đông Nam của tỉnh, nhất là Ayun Pa (nay là thị xã Ayun Pa), từ những năm 1994-1995, ngoài làm nhiệm vụ chuyên môn, tôi tìm gặp Linh mục Nguyễn Hoàng Sơn đang ở nhà thờ Giáo xứ Phú Bổn (nay là số 186 Trần Hưng Đạo, thị xã Ayun Pa) để tìm hiểu những di tích văn hóa Champa còn lại ở miền đất này.

Về Ayun Pa tìm hiểu văn hóa Chăm  ảnh 1

Bia đá Chăm tại thôn Tư Lương (xã Tân An, huyện Đak Pơ) là văn bia đầu tiên được phát hiện ở khu vực phía Đông tỉnh, có niên đại vào thế kỷ XV. Ảnh: Ngọc Minh

Linh mục Sơn nói về những điều ông tìm hiểu được qua một số tư liệu của những nhà nghiên cứu người Pháp, trong đó có Jacques Dournes, nhà nhân chủng học đã từng ở Cheo Reo hơn chục năm. Từ khi được điều về tiếp nhận Giáo xứ Phú Bổn sau năm 1975, Linh mục Nguyễn Hoàng Sơn đã để tâm tìm hiểu các phế tích Champa ở địa phận mình.

Khi biết Linh mục Sơn có hứng thú tìm kiếm các di vật của người Chăm, những giáo dân người Jrai ở địa phương đều ra sức giúp đỡ. Mỗi khi phát hiện được viên gạch hay mảnh vỡ nào nghi ngờ của người Chăm, họ đem đến cho Linh mục Sơn nghiên cứu, xác định.

Lúc chúng tôi gặp nhau, Linh mục Nguyễn Hoàng Sơn có giới thiệu một số mẫu vật như gạch, mảnh đá vỡ được cho là từ các phế tích của tháp Yang Mum, Drang Lai mà những cư dân địa phương nhặt được ở vùng gần sông Ba. Linh mục Sơn còn đưa tôi đi xem lại những khu đất, vị trí ngày xưa được cho là của tháp Yang Mum, Drang Lai từng tồn tại hàng mấy thế kỷ (nhiều tài liệu cho rằng, những tháp Chăm này được xây dựng từ thế kỷ XIV-XV). Bấy giờ, tháp Yang Mum nằm ở vị trí trên thửa đất thuộc xóm 4, thị trấn Ayun Pa; tháp Drang Lai ở thửa đất thuộc khu phố 1, thị trấn Ayun Pa.

Sau đợt tìm hiểu sơ khởi của tôi, sau đó gần 2 năm, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân đã có chuyến điền dã, nghiên cứu sâu hơn về tháp Chăm ở Ayun Pa. Lúc Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân trở lại nghiên cứu thực địa có Giáo sư Momoki Shiro dẫn đoàn thực tập sinh của Trường Đại học Osaka (Nhật Bản) đến nghiên cứu văn hóa Chăm nơi này. Bên cạnh 2 tháp Chăm nói trên, họ còn đề cập đến phế tích Kuai King mà Jacques Dournes cho rằng đó là vị trí cơ quan hành chính của chính quyền Champa thời đó.

Về cụm phế tích này, Giáo sư Momoki Shiro cho rằng: “Nhận xét bước đầu của tôi là trước đây đã có một cấp chính quyền của người Chăm trên vùng đất này” (trích trong bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân).

Từ vùng đất Cheo Reo xưa, tôi đã có những nhận thức ban đầu về văn hóa Champa trên vùng Bắc Tây Nguyên. Sau thời gian ấy, các nhà nghiên cứu, sưu tầm ở Gia Lai cũng như cả nước đã phát hiện nhiều di vật, di tích của văn hóa Chăm từng tồn tại trên Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng, như: phế tích tháp Bang Keng ở xã Krông Năng, huyện Krông Pa; bia Chăm Tư Lương ở xã Tân An, huyện Đak Pơ; pho tượng Chăm được thờ trong Hải Sơn miếu ở khuôn viên chùa Bửu Minh (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh); phế tích tháp Rong Yang ở xã An Phú, TP. Pleiku.

Ngoài ra, ở Đak Lak còn có tháp Chăm Yang Prong (huyện Ea Sup) hiện còn khá nguyên vẹn và ở Kon Tum có phế tích Chăm Hapal Bia.

Tuy nhiên, nhiều năm qua, chúng ta vẫn chưa có công trình nghiên cứu văn hóa Champa chuyên sâu trên vùng Tây Nguyên nói chung hay ở Gia Lai một cách có hệ thống. Nhiều vấn đề về người Chăm ở Tây Nguyên trong thời kỳ lịch sử ấy còn đang bỏ ngỏ. Tôi tin rằng, rồi đây, các thế hệ sau sẽ quan tâm đến lĩnh vực văn hóa-lịch sử đặc thù này để có những công trình nghiên cứu đầy đủ, xác thực hơn.​

BÙI QUANG VINH – GLO

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp - Người phụ trách: ông Nguyễn Văn Lộc